Lời Chúa lớn lên với người đọc

Lời Chúa lớn lên với người đọc

Lời Chúa lớn lên với người đọc

LỜI CHÚA LỚN LÊN VỚI NGƯỜI ĐỌC
(Diễn từ khai mạc năm học 2023-2024 tại Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê)

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Phó Giám đốc, kiêm Giám học

WHĐ (20.09.2023) – Năm ngoái, chúng ta chọn câu Lời Chúa: “Chân lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) làm châm ngôn cho cả một năm để học hỏi, suy tư và quyết tâm sống theo Chân lý nhằm được tự do và giải thoát khỏi những hình thức gian dối vốn luôn trói buộc và nô lệ hoá con người. Năm nay, trong bối cảnh Hội thánh hiệp hành bước vào giai đoạn III, cấp hoàn vũ, Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn chủ đề: “Củng cố sự hiệp thông” trong Hội thánh nhờ sức mạnh của Lời Chúa và Thánh Thể. Theo định hướng mục vụ và bối cảnh ấy, Ban Đào tạo chọn chủ đề để sống cho năm nay là: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 119,105). Trong ngày khai giảng năm huấn luyện mới, tôi xin chia sẻ một vài suy tư mang tính định hướng hướng liên quan đến chủ đề này.

Thánh Grêgôriô Cả đã có câu nói nổi tiếng: “Scriptura cum legentibus crescit - Lời Chúa lớn lên với người đọc”. Câu nói này đúng cả về phương diện khách quan của mạc khải, cả về chủ thể tiếp nhận của Lời. Hay nói cách khác, Lời Chúa được mạc khải một cách tiệm tiến qua dòng lịch sử và đạt tới viên mãn trong Đức Giêsu. Và khi lắng nghe và đón nhận Lời, con người cũng được lớn lên và đạt tới sự thành toàn nhờ Lời ấy.

1. Lời Chúa lớn lên với người đọc

Trước hết, Lời Chúa lớn lên với người đọc theo dòng lịch sử. Theo mạc khải Do Thái – Kitô giáo, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa lên tiếng nói, đối thoại với nhau và với tạo vật.

Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế cho thấy: Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự nhờ Lời và Thần Khí: “Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,3). Thánh Vịnh 33,6 nói: “Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú”. Thực tại được sinh ra bởi Lời, hay nói cách khác, là thụ tạo của Lời (Creatura Verbi). Thiên Chúa ban Lời cho Dân riêng qua Môsê như là thập giới để hướng dẫn họ tới hạnh phúc đích thực. Lời Chúa liên tục được ngỏ với con người qua các tổ phụ, các ngôn sứ và các biến cố lịch sử.

Trong Tân Ước, điều mới mẻ xuất hiện. Lời Chúa chính là Ngôi Lời. Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Giờ đây, Lời không chỉ là lời nói, là ý niệm hay là lề luật nữa, nhưng Lời là một Ngôi Vị (Persona), Lời có một diện mạo mới, để nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy, đụng chạm và tới gần: Đức Giêsu Kitô Nadarét! Nơi Người, mạc khải của Lời Chúa đạt tới sự viên mãn và thành toàn. Đây là biến cố và là kinh nghiệm gặp gỡ với Ngôi Lời, chứ không chỉ là một ý tưởng. Chính Thánh Gioan, chứng nhân tận mắt kể lại: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban tặng cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14b). Nói theo Karl Rahner, Thiên Chúa mạc khải không phải là ban cái gì, nhưng là thông ban chính mình (Self-communication of God), tức là Thiên Chúa Cha ban Con Một (Ngôi Hai) và Thánh Thần (Ngôi Ba) cho chúng ta. Đó là sự mới mẻ không thể tưởng tượng và chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhờ đó, mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành “có” nơi Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 1,20).

Từ cái nhìn đó về thực tại như là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Ngôi Lời, chúng ta có thể hiểu lời của tác giả thư Hípri như là tóm kết rất ý vị về tiến trình mạc khải: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Hr 1,1-2).[1]

Trong cuốn First Apology và Second Apology, thánh Giustinô trình bày giáo huấn về Logos Spermatikos mà trong tiếng Latin gọi là Semi Verbi, tạm dịch là: Mầm Chân Lý, Mầm Logos. Tư tưởng này có liên hệ với quan điểm của các triết gia Hy Lạp theo Ngộ Đạo thuyết và tư tưởng của triết gia Do Thái Philo (c. 20 BC-50) nói về nguyên lý của lý tính tiềm tàng và liên kết trong vũ trụ cũng như lịch sử. Dựa vào đó, Giustinô phát triển chủ đề của Gioan về Logos tiền hữu như là trung gian hoàn vũ của công trình sáng tạo và mạc khải. Theo ngài, Ngôi Lời tiền hữu gieo rắc Mầm Chân Lý khắp mọi nơi và trong mỗi con người. Tuỳ theo cách thức khác nhau, toàn thể nhân loại đều tham dự vào Logos. Nhiều người sống chỉ “nhờ một mảnh của Logos nào đó; còn các Kitô hữu thì sống theo sự hiểu biết và chiêm ngắm Logos toàn thể, là Đức Kitô”[2]. Cũng theo Giustinô, vì con người có lý trí Logikoi, nên được tham dự vào Logos. Những ai sống theo lý trí một cách nào đó là những Kitô hữu, dẫu họ được coi như là những người vô thần, chẳng hạn như Heracletus, Socrates và Platon. Sau này, Karl Rahner gọi những người không biết Tin Mừng nhưng vẫn sống trong ân sủng, họ là những “Kitô hữu vô danh – Anonymous Christian”[3]. Còn Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium thì cho rằng: những người lương dân dù không biết Tin mừng của Đức Kitô, nhưng vẫn sống theo tiếng lương tâm là ăn ngay ở lành, họ vẫn có thể được ơn cứu độ nhờ Đức Kitô.[4]

Như vậy, Lời Chúa lớn lên với người đọc vì Lời được mạc khải tiệm tiến qua dòng lịch sử và đạt tới sự viên mãn trong Đức Kitô.

2. Người đọc lớn lên với Lời Chúa

Chúng ta chuyển sang ý nghĩa thứ hai của câu nói: “Lời Chúa lớn lên với người đọc” theo nghĩa chủ quan, hay cho dễ hiểu hơn, ta có thể đổi lại: Người đọc lớn lên với Lời Chúa. Nghĩa là, Lời Chúa không phải là câu chuyện quá khứ, nhưng là câu chuyện liên quan đến tôi, hôm nay, lúc này và tại đây. Trong mọi hoàn cảnh, sứ điệp Lời Chúa luôn mới mẻ và thời sự cho bất cứ ai lắng nghe và tiếp nhận Lời ấy. Theo nghĩa này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chí lý khi nói: “Lời Chúa không phải là thông tin (information) nhưng là trường huấn luyện (formation)”.

Thật vậy, mỗi con người xuất hiện như là kẻ được Lời nói với, được thúc bách và kêu gọi đi vào cuộc đối thoại tình yêu bằng một lời đáp trả tự do. Mỗi người được Thiên Chúa ban cho khả năng lắng nghe và đáp trả Lời của Người. Con người được tạo thành trong Lời và sống nhờ Lời. Con người không thể hiểu được chính mình nếu không mở ra với cuộc đối thoại này. Lời Chúa cho thấy bản chất con cái và tương quan của cuộc đời chúng ta. Chúng ta thật sự được kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và được biến đổi trong Người qua việc lắng nghe và thực hành Lời.

Một cách cụ thể, đối với các chủng sinh và linh mục, đó là một lối sống đặc biệt không chỉ tương quan với Lời một cách chung chung, nhưng là tương quan với Lời hôm nay. Lời được ban xuống cho chúng ta mỗi ngày, để nuôi dưỡng cộng đoàn tín hữu tham dự phụng vụ hằng ngày, qua việc suy niệm Lời Chúa, nguyện gẫm, tĩnh tâm, lectio divina, tương tự như manna đã được ban xuống cho dân Do Thái mỗi ngày. Ta phải chờ đợi và khao khát Lời một cách mãnh liệt như tuần phiên mong đợi hừng đông (Tv 119,148). Rồi ta phải tiếp nhận và nhận biết Lời như một mạc khải tiệm tiến về căn tính của mình mà ta tiếp nhận mỗi ngày, tương tự như Đức Maria đã tiếp nhận lời sứ thần và nhờ đó mà nhận biết mình (x. Lc 1,29-39). Ta phải ăn thứ manna ấy một cách ngấu nghiến, tuỳ theo “khẩu phần mỗi ngày” (Xh 16,4), nhai một cách ngấu nghiến như tác giả sách Khải Huyền vừa cảm nghiệm thấy ngọt ngào và duyên dáng, vừa cảm thấy cay đắng và mạnh mẽ khi nuốt cuốn sách Lời Chúa vào (x. Kh 10,8-11).

Điều quan trọng là ta phải bám chặt vào Lời, để Lời trở nên căn nguyên của mọi cử chỉ, lời nói, tư tưởng, động lực, dự phóng… của mình. Ta biết biện phân mọi sự dưới ánh sáng của Lời, ngay cả những điều bất ngờ, để nhận biết những nỗi khao khát của Thiên Chúa và tập khao khát như Ngài khao khát.

Bởi vậy, người thụ huấn không chỉ thống nhất cuộc sống mỗi ngày của mình chung quanh Lời một cách tiệm tiến, mà cuộc sống mỗi ngày sẽ trở thành một nơi như cung lòng Mẹ Maria, tiếp nhận và sinh ra Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa. Họ biết kiến tạo và thống nhất đời sống chung quanh Lời, mà Lời hôm nay thì khác với Lời hôm qua.

Như vậy, đức tin được khai sinh và tái sinh liên tục nhờ đó mà đời sống của ta trở nên mới và mỗi ngày đều là “ngày mà Chúa đã dựng nên” (Tv 118,24), để ta trở thành con người mới trong Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Người trong ơn gọi và sứ vụ linh mục và có khả năng rao giảng Lời cho con người hôm nay nhờ việc lắng nghe, nghiên cứu và sống Lời Chúa mỗi ngày trong chủng viện.

Từ những suy tư trên, chúng ta rút ra vài liên hệ:

1) Có mối liên hệ giữa lý trí và đức tin, giữa triết học và thần học, triết học chuẩn bị cho thần học. Nên phải học triết tốt để chuẩn bị cho thần học.

2) Có mối liên hệ giữa nghiên cứu và đời sống, giữa Lời Chúa và Thánh Thể: thần học thư viện phải trở thành thần học bàn quỳ, như thánh Escrivá nói: “Đối với người tông đồ hôm nay, một giờ nghiên cứu là một giờ cầu nguyện”.

3) Có mối liên hệ giữa cuộc sống hiện tại và sứ vụ tương lai. Chất lượng của bài giảng và sứ vụ mục vụ trong tương lai của bạn tuỳ thuộc vào chất lượng mà hôm nay bạn học các môn ở chủng viện.

Vì mối liên hệ đó, các bạn hãy “try your best,” cố gắng làm tốt nhất có thể cho năm học mới. Chúc các bạn được như vậy!

Top