Lời Chủ Chăn tháng 9.2011: Con đường đổi mới hiện trạng nếp sống văn hóa hôm nay

Lời Chủ Chăn tháng 9.2011: Con đường đổi mới hiện trạng nếp sống văn hóa hôm nay

CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
HIỆN TRẠNG NẾP SỐNG VĂN HOÁ HÔM NAY

Kính gửi anh em linh mục,
anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

Lời Chủ Chăn tháng 8 vừa qua đã khai mở con đường đổi mới hiện trạng đời sống dân Chúa hôm nay. Lời Chủ Chăn tháng 9 này mong gợi mở cho mọi người suy nghĩ vể con đường đổi mới hiện trạng nếp sống văn hoá trong Giáo Hội cũng như trong xã hội hôm nay.

1. Nếp sống văn hoá là gì?

Trong Lời Chủ Chăn này, ý niệm "nếp sống văn hoá" được gói gọn trong nếp suy nghĩ và cách diễn tả, quan điểm và thái độ, phương hướng và cung cách điều hành cùng giải quyết vấn đề trong gia đình, trong cộng đồng giáo hội và xã hội hôm nay.

Đổi mới là gì? Đổi mới trước tiên là đổi mới tầm nhìn: nhìn nếp sống văn hoá - quan điểm và thái độ, cách điều hành và giải quyết vấn đề - dưới ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Đức Giêsu, Đấng cứu độ, từ đó tìm cách điều chỉnh những sai lạc, bổ sung những thiếu sót, và đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong nếp sống văn hoá. Đó là con đường Tân Phúc Âm hoá của Giáo Hội Công Giáo trong xã hội đất nước và thế giới hôm nay.

2. "Tôi chọn Giêsu".

Đó là chủ đề Đại hội Giáo Lý Viên trong tháng vừa qua. Cách nói "Tôi chọn Giêsu" đặt ra những chấm hỏi, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho nhiều người suy nghĩ và tìm câu trả lời thích hợp với đời sống kitô hữu trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay.

- Tại sao gọi Chúa của mình, Thầy của mình, đơn giản bằng cái tên "Giêsu"?

- Trong lịch sử cứu độ, hành trình trên con đường "Giêsu" xuyên qua những trải nghiệm nào?

- Lập trường "chọn Giêsu" trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm, có ý nghĩa gì?

- Mối tương quan giữa Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo là gì?

- Tin Mừng Đức Giêsu Đấng Cứu Độ có liên quan gì với truyền thống đạo lý và văn hoá của dân tộc?

3. Tại sao gọi Chúa của mình, Thầy của mình, đơn giản bằng tên "Giêsu"?

Nhìn từ góc độ đạo hiếu, người trẻ hôm nay chắc hẳn không có ý xúc phạm đến Chúa của mình, cũng không có ý khinh thường Thầy của mình, song muốn đáp lại lời Thầy Giêsu mời gọi các đồ đệ sống tình bằng hữu tâm giao (x. Ga 15,14-17), gắn bó mật thiết với Ngài, luôn lắng nghe Lời Ngài, và đồng hành trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài.

Hành trình trên con đường "Giêsu" gồm có 4 bước:

- hoà nhập và đồng cảm với phận người trong gia đình nhân loại,

- dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống của mọi người trong gia đình nhân loại,

- yêu thương họ đến hiến thân và hiến cả mạng sống, để mở đường cho mọi người đi đến sự sống dồi dào,

- cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, giúp họ bước đi trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Đức Giêsu Đấng Cứu Độ, tiến đến nguồn sống dồi dào, trong yêu thương và an bình.

4. Trong lịch sử cứu độ, hành trình trên con đường "Giêsu" xuyên qua những trải nghiệm nào?

Lớn lên trong môi trường văn hoá xã hội của cộng đồng dân tộc, các đồ đệ đầu tiên, sau 3 năm bước theo Thầy Giêsu và gắn bó với Ngài, vẫn chia sẻ cùng một não trạng và một tầm nhìn với đồng bào mình, vẫn hiểu và mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ của ngoại bang là đế quốc Rôma. Chính vì mang não trạng và tầm nhìn sai lạc đó, các ông lâm cảnh buồn nản, thất vọng, thối chí, khủng hoảng niềm tin, trước thái độ Thầy Giêsu tự ý chấp nhận khổ đau và chết chóc của phận người.

Chỉ thời gian ngắn sau cái chết của Đức Giêsu, các ông được phúc gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh nhiều lần, niềm tin vào Chúa Cứu Độ được phục hồi, và soi sáng cho các ông dần dần ngộ ra rằng:

(1) sứ mạng Đức Giêsu Con Chúa làm người là thực hiện ý định cứu độ của Chúa Cha trên trời, là giải phóng gia đình nhân loại khỏi ách nô lệ mọi sự dữ, mọi sai sót, trong mọi chế độ xã hội, vì lẽ đó là nguyên nhân tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đời sống nhân loại theo chiều dài của dòng lịch sử loài người;

(2) Tự ý chấp nhận khổ đau và chết chóc, Thầy Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn, một tình yêu vừa khiêm tốn hoà nhập vào môi sinh ô nhiễm của xã hội loài người, vừa quảng đại dấn thân phục vụ và cho đi tất cả, vừa tự hạ làm con chiên chuộc tội, để nâng cao con người đến tận nguồn sống mới;

(3) Sứ vụ của Giáo Hội mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ, là tiếp nối con đường yêu thương cứu nhân độ thế của Đức Giêsu Kitô trong dòng lịch sử nhân loại, và mọi thành phần trong Giáo Hội đều chia sẻ một trách nhiệm chung.

Và sau khi đón nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí các ông, các ông đã trở nên sứ giả can trường và không mỏi mệt loan truyền Tin Mừng cứu độ của Chúa Phục Sinh, và phục vụ cho sự sống con người, trong mọi hoàn cảnh văn hoá xã hội, lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi.

5. Ý nghĩa lập trường "chọn Giêsu" trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay

Đức Giêsu bày tỏ cho gia đình nhân loại biết Ngài là Chân Lý tròn đầy, là Tình Yêu vô biên, là Sự Sống viên mãn, và là Đường dẫn đến cội nguồn mọi điều thiện hảo, đáp lại khao khát và ước mơ của loài người. Chân Lý, Tình Yêu, Sức Sống đó, được thông truyền cho gia đình nhân loại qua Lời Chúa, Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta, Lời hiện diện trong bí tích Thánh Thể, Lời được ghi lại trong Sách Thánh, Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội, Lời được ngỏ qua dấu chỉ của thời đại, Lời như hạt giống đã được gieo vào truyền thống đạo lý và văn hoá dân tộc. "Chọn Giêsu" có nghĩa là bày tỏ quyết tâm năng gặp gỡ Ngài, lắng nghe Lời Ngài, bước đi trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Ngài trong mọi hoàn cảnh, tham gia vào sứ vụ loan truyền Tin Mừng cứu độ của Ngài, và phục vụ cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

6. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo hôm nay

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo triển khai Lời Chúa, Tin Mừng của Chúa, nhằm soi đường mở lối cho mọi người tín hữu tham gia vào công cuộc xây đắp một nền nhân bản mới, một trật tự xã hội mới, cho đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, của cộng đồng nhân loại hôm nay (x. Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý', của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI). Nói cách khác, là dẫn dắt người tín hữu tham gia sứ vụ Phúc Âm hoá các thực tại trần thế trong đời sống nhân loại hôm nay.

7. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền thống đạo lý cùng văn hoá của dân tộc

Phúc Âm hoá hôm nay, trước tiên là tìm những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất truyền thống đạo lý và văn hoá lành mạnh của dân tộc, chăm sóc cùng vun tưới cho những hạt giống đó phát triển và sinh hoa trái thơm lành cho đời sống gia đình và xã hội hôm nay. Những hạt giống Lời Chúa là hạt giống Tin Mừng Sự Sống, hạt giống Tin Mừng Tình Thương. Trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay, chăm sóc và vun tưới cho những hạt giống Lời Chúa có nghĩa là góp công góp sức vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình và xã hội, vì sự sống và sự phát triển con người cùng đất nước hôm nay.

8. Đồng hành trên đường "Giêsu", giúp trở nên con người mới, con người tốt trong trời đất và đất nước hôm nay

Tham gia sứ vụ Phúc Âm hoá các thực tại trần thế, chung sức xây đắp một trật tự xã hội ngày càng nhân bản hơn, cho mọi lãnh vực văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, - góp công góp sức vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình và xã hội hôm nay, - tất cả những nỗ lực đó mang ý nghĩa vừa là đồng hành với Đức Giêsu phục vụ cho sự sống toàn diện của đồng bào và đồng loại, vừa là đồng hành cùng cộng đồng dân tộc phục vụ cho sự phát triển vững bền của đất nước. Nói khác đi, đó cũng là cách làm người công giáo tốt và công dân tốt trong xã hội hôm nay, theo như lời Đức Bênêđitô XVI đã dạy.

Vì thế, "chọn Giêsu" và đồng hành với Ngài, đặt ra cho mọi người công giáo hôm nay hai điều kiện:

- một là cởi bỏ nếp sống cũ, nếp sống theo bản năng tự vệ để sinh tồn, một nếp sống khiến lòng trí con người bị đình bộ, hay bị đóng băng trong thái độ đối kháng và loại trừ nhau, như nhân vật Cain trong Kinh Thánh;

- hai là nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn mỗi người tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu, và làm theo lời hai Đức Giáo Hoàng Phaolô II và Bênêđitô XVI đã dạy: hãy kiên trì đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích. Vì lẽ đối thoại nhằm hợp tác phục vụ cho công ích, là phương cách mở đường cho mọi người cải thiện và đổi mới hiện trạng đời sống, và là điều kiện cần thiết cho công cuộc Phúc Âm hoá thực tại trần thế trong mọi hoàn cảnh văn hoá xã hội, lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi.

9. Bí quyết thành công trên con đường làm mới hiện trạng đời sống giáo hội và xã hội

Bí quyết thành công trên con đường làm mới hiện trạng đời sống giáo hội và xã hội, trước tiên là năng gặp gỡ Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, lắng nghe Lời Ngài, mở rộng lòng trí đón nhận ân ban Thánh Thần. Vậy trên con đường đổi mới hôm nay, mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn tin hữu, hãy làm theo lời Thánh Phaolô cùng Giáo Hội nhắc nhở, là hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới, ơn soi sáng và ơn sức mạnh, giúp mọi người chung sức làm mới nếp sống văn hoá của gia đình cùng xã hội đất nước hôm nay.

Theo lời nhắn nhủ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thường xuyên tiếp cận với Chúa, lắng nghe Lời Ngài, còn là điều kiện để nhận được mọi ơn lành của Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, hằng yêu thương chăm lo cho mọi người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn, vật chất cũng như tinh thần.

              Gioan B. Phạm Minh Mẫn                          Phêrô Nguyễn Văn Khảm
                   Hồng Y Tổng Giám mục                              Giám mục phụ tá

Top