Lời Chủ Chăn Giáo phận Xuân Lộc tháng 10 – 2021: ‘Hỡi người của Thiên Chúa…’

Lời Chủ Chăn Giáo phận Xuân Lộc tháng 10 – 2021: ‘Hỡi người của Thiên Chúa…’

Lời Chủ Chăn Giáo phận Xuân Lộc tháng 10 – 2021: ‘Hỡi người của Thiên Chúa…’

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

‘… Hỡi người của Thiên Chúa…’ (1Tm 6: 11), lời ngỏ của người cha với người con trong đức Tin. Ngay trong hành trình thứ nhất, Thánh Phaolô đã hoán cải Timôthê: ‘Tôi còn nhớ kỹ có nơi anh đức tin không bôi bác’ (2Tm 1: 5), ‘Từ bé anh đã biết Thánh thư, là phương có thể dạy khôn anh, hòng trông được cứu nhờ bởi tin vào Đức Kitô Giêsu’ (2Tm 3: 15).

‘… Hỡi người của Thiên Chúa…’ (1Tm 6: 11), lời ngỏ của vị Tông đồ với người cộng sự thân tín. Trong hành trình thứ hai, Timôthê thay chỗ Gioan-Marcô tháp tùng Thánh Phaolô, được phái đi Thessalonica để ‘củng cố… và khích lệ lòng tin’ (x. 1Thes 3: 1.2), đi Makêđonia (x. Cv 19: 22) và Corintô ‘Anh cùng làm việc Chúa như tôi’ (1Co 16: 10). Timôthê được Thánh Phaolô nhờ như một thư ký trong việc viết thư từ cho các giáo đoàn.

‘… Hỡi người của Thiên Chúa…’ (1Tm 6: 11), lời di chúc về sứ vụ còn gian truân nặng lòng cho một trong những đệ tử kế nhiệm thân tín nhất: ‘Timôthê, người con chính tông trong đức tin’ (1Tm 1: 2), ‘Người con chí ái’ (2Tm 1: 2), từng tháp tùng Thánh nhân cả trong hành trình thứ ba, được uỷ thác giáo đoàn Ephêsô, nhất là chia sẻ cùng thánh nhân cả hai thời gian bị ‘xiềng xích’, ‘Phaolô và Timôthê, những nô lệ của Đức Kitô Giêsu’ (Phil 1: 1; Col 1: 1).

Trải nghiệm mối tương quan thâm sâu và linh thiêng, mối ưu tư truyền giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô và Timôthê, ‘Lòng chúng ta lại không cháy bừng bừng’ (Lc 24: 32) trước lời ngỏ của Giáo hội vào mỗi Chúa nhật cuối tháng 10 hằng năm, ‘Khánh Nhật Truyền Giáo’, năm nay ngày 24 tháng 10…?

Đức Thánh Cha Phanxicô khao khát ‘Một Giáo hội đi ra’ (EG s. 20-24) 

1. Vâng lệnh Chúa truyền, Giáo hội ‘Đi Ra’: Với mối quan tâm toàn diện.

Vâng lệnh Chúa truyền, Giáo hội của Chúa đi ra, gặp thời thuận tiện hay không, vẫn trung tín trong sứ vụ, làm nên cả một truyền thống với mối quan tâm toàn diện. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã dùng cách diễn tả ‘Tân Phúc-Âm-Hoá’ trong các văn kiện và các dịp tông du nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu Latinh, Phi châu, Âu châu trong đó, tại quê hương Ba lan của Ngài.

Đặc biệt nhất, ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu ở vùng biển Ca-ri-bê, họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác quyết rõ rệt quan niệm "Tân Phúc-Âm-Hoá" nói trên:

"Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả".

‘Tân Phúc-Âm-Hoá để thông truyền đức Tin’[1] được thực hiện trong ba lãnh vực chính: Thứ nhất, lãnh vực tác vụ thông thường, được sinh động hoá bởi lửa của Thần Khí, để đốt cháy tâm hồn những tín hữu thường xuyên tham dự phụng tự cộng đoàn và tụ họp vào ngày của Chúa để được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh sự sống trường sinh, bao gồm cả những tín hữu vẫn duy trì một đức Tin sâu xa và chân thành nhưng ít khi tham dự việc thờ phượng.

Thứ hai, lãnh vực những người đã được rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của phép rửa. Trong mối quan tâm từ mẫu, Giáo hội tìm cách giúp họ trải nghiệm sự hoán cải để phục hồi niềm vui của đức Tin và dấn thân cho Tin Mừng.

Thứ ba, trong niềm xác tín loan Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Người. Nhiều người trong số họ vẫn đang âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa, ước ao thấy Thánh Nhan Người…’[2]

2. Vâng lệnh Chúa truyền, Giáo hội ‘Đi Ra’: Tổng quan lịch sử[3]

Lịch sử rao giảng Tin Mừng bắt đầu với ước muốn cháy bỏng của Chúa Giêsu là kêu gọi và đối thoại thân tình với mọi người, bất kể họ như thế nào (x. Ga 15: 12-17)[4]Giáo hội xuất hiện trong truyền giáo. ‘Giáo hội Chúa Kitô lớn lên từ sự rao giảng Phúc Âm và sống theo hành động rao giảng’[5]. Lòng quả cảm và những bước chân của các Thánh Tông đồ, các cộng đoàn tiên khởi đã gặt hái mùa bội thu… Giữa tình trạng suy sụp của đế quốc Rôma, Giáo hội đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hoá của dân trong nhiều thành thị làng mạc. Ở thời kỳ này, (100-301 AD), Giáo hội truyền giáo nhấn mạnh mô hình chính là Phép Rửa.

Từ đầu thế kỷ thứ IV, (313-907 AD), từ Hoàng đế Constantinô tới Nhà Đường suy vong, thời kỳ đầu Trung Cổ, Giáo hội hướng về: Đông Syria, Hy lạp, Byzantin, Ấn Độ, Trung Quốc, Phi châu… với các phong trào dòng tu: trong đế chế Rôma, Ailen, Biển Đức, Anglo-Saxon… Vượt qua những cuộc bách hại, Giáo hội tiếp tục phát triển, đào sâu hiểu biết mạc khải, giáo lý ‘thần nhiệm’ cho các dự tòng và củng cố niềm tin trước những trào lưu sai lầm. Chung sống với lương dân, Giáo hội đã biết thích nghi và hội nhập văn hoá, diễn tả sinh động tính Công giáo.

Thời kỳ cuối Trung Cổ, (1000-1453). Sự kiện Thập Tự Chinh (9 cuộc chinh chiến, thế kỷ 11-13) lấy lại Thánh Địa từ bên Hồi giáo… Phong trào ‘khất thực’ với các chân dung: Phanxicô Assisi, Clara Assisi, Đaminh Calêruêga, Catarina Siena… rất dấn thân thuyết phục những người ‘lạc giáo’ và ‘bội giáo’ trở về với Giáo hội.

Thời đại khám phá (1492-1773). Nhờ những phát triển phương tiện, khả năng hàng hải, người ta khám phá những đại lục mới. Giáo hội mở trang sử mới loan Tin Mừng. Các nhà truyền giáo dòng Tên, từ những năm 1610, đã cùng các Kitô hữu tân tòng chống lại sự bạo tàn và tham lam của các nước ‘thực dân’… Nhiều cộng đoàn tín hữu được thiết lập tại Mỹ châu, Á châu (Việt Nam, Ấn độ và Trung Hoa). Giáo hội tri ân đặc biệt những vị tông đồ: Las Casas, Phanxicô Xaviê, Matteo Ricci, Đắc Lộ…

Thế kỷ XVII được ghi dấu sâu đậm với những sự kiện quan trọng: Năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô XV thiết lập ‘Thánh bộ Truyền bá Đức Tin’ và Đức Urbanô thành lập ‘Collegium Urbanum’ (Học viện Urbanô). Vào năm 1663, theo sáng kiến của Đức cha Francois Pallu, Hội ‘Missions étrangères de Paris’ (Hội Thừa Sai Paris) được thành lập… Tất cả hoạt động theo hướng mới của Toà Thánh và độc lập khỏi các nước Âu châu.

Tại Đông phương, các nhà thừa sai được hỗ trợ bởi các ông hoàng miền Kiev, các Sa hoàng, nhất là đại đế Pierre. Công cuộc loan Tin Mừng thường bắt đầu bởi một cá nhân: dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ địa phương và lập những trung tâm với những nhóm thừa sai nhiệt thành. Từ khi Sa hoàng Alexandre I (+1825) chấp nhận những niềm tin khác, Giáo hội Đông phương phải chịu không ít thử thách.

Ngày nay, Giáo hội vẫn bền bỉ loan Tin Mừng. Các Giáo phận và các hội dòng… nhập cư giữa các dân tộc khắp hoàn cầu. Các phong trào Sinh viên, các hội truyền giáo và những hội nghị truyền giáo thế giới ra đời… Từ sau Thế Chiến I (1919), Giáo hội Công giáo trải qua bốn giai đoạn:

Xác tín: Từ Tông thư Maximum Illud (năm 1919, Đức Bênêđictô XV) đến Công đồng Chung Vaticanô II (1962-1965). Sôi động: Công đồng Vaticanô II. Khủng hoảng: Thập kỷ sau Công đồng. Tái sinh: Sắc lệnh Ad Gentes (Truyền Giáo), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975) đề cao đối thoại và rao giảng, Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế), Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Tông huấn Fratelli Tutti (Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội).

Xây dựng trên ba hằng tố truyền giáo: Cứu rỗi các linh hồn và mở rộng Giáo hội, khám phá chân lý, dấn thân cho sự giải phóng và cứu độ… Giáo hội ngày nay làm sáng tỏ bốn yếu tố truyền giáo quan trọng: Tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi, phục vụ Nước Thiên Chúa trong công cuộc giải phóng con người, Rao giảng Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ duy nhất, và đối thoại Ngôn sứ.

3. Vâng lệnh Chúa truyền, Giáo hội ‘Đi Ra’: Đức Thánh Cha Phanxicô cháy bừng nhiệt tâm loan Tin Mừng.

Ngày 24 tháng 11 năm 2013, năm đầu tiên trong sứ vụ Giáo hoàng, ngày đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, kết thúc năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng’ (Evangelii Gaudium) với những tâm tư sinh động đầy Thánh Thần:

‘Niềm vui Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô niềm vui luôn luôn được tái sinh’ (s. 1). ‘Đức Kitô là Tin Mừng vĩnh cửu’ (s. 11).

Loan Tin Mừng ngày nay, cần xác tín truyền giáo thuộc ‘căn tính’ của tín hữu (x. s. 78.79), cần một não trạng mới:

‘Chúng ta không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta; chúng ta cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ thuần tuý bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo’ (s. 15), ‘Một Giáo hội đi ra’ (s. 20.46), ‘Hiệp thông’ (s. 22), ‘Mang mùi đoàn chiên’ (s. 24), ‘Lan toả lòng nhân hậu’ (s. 24.43.44). Loại trừ văn hoá ‘vứt bỏ’, coi con người là món hàng tiêu thụ sử dụng rồi vứt bỏ (x. s. 53). Loại trừ ‘văn hoá’ đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho ‘cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh, cái phù phiếm, và cái tạm bợ’ (s. 62). Củng cố ‘các mối tương quan nhân vị’ (s. 67), ‘Biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác’ (s. 169), ‘Đem Lời Chúa Giêsu đến tận tầng thâm sâu nhất của tâm hồn các thành phố chúng ta’ (s. 74)… Não trạng mới cũng là để ‘trung thành với ơn gọi của Giáo hội’ (s. 26).

 

Trong sứ điệp ‘Ngày Thế Giới Truyền Giáo’[6] năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tự bạch:

‘Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe’. Chúng ta đã thấy và đã nghe về ‘Mối quan hệ của Đức Giêsu với các môn đệ và với toàn thể nhân loại… trong mầu nhiệm Nhập Thể… trong Tin Mừng và mầu nhiệm Vượt Qua… Chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào và Người cũng lấy làm của Mình những niềm vui và nỗi khổ của chúng ta, những hy vọng và lo âu của chúng ta… Người biết rõ thế giới… và nhu cầu cứu rỗi của thế giới chúng ta… và Người mời gọi chúng ta tích cực dấn thân cho sứ mạng này.’

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Đức Thánh Cha Phanxicô truyền cảm hứng cho chúng ta, khơi lên phẩm hạnh trở nên ‘những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần, là những người dũng cảm mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. (EG s. 259), ‘là những người cầu nguyện và làm việc. Có các khái niệm thần bí mà không có một sự vươn ra xã hội và truyền giáo thì chẳng ích gì cho việc loan báo Tin Mừng, cũng như những bài nói hay hoặc những thực hành xã hội và mục vụ mà thiếu một linh đạo thì chẳng thể cải hoá các tâm hồn’ (EG s. 262).

‘Cùng với Chúa Thánh Thần, Đức Maria luôn luôn hiện diện giữa dân Chúa’ (EG s. 284). ‘Công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội có phong cách ‘Maria’. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng…’ (EG s. 288).

Hiệp với Thánh Cả trong năm Giáo hội dâng kính Người, chúng ta thân thưa cùng Mẹ:

‘Ôi Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu, bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống tự thẳm sâu đức Tin khiêm cung: Như Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho Đấng Hằng Hữu, xin giúp chúng con cũng biết thưa ‘vâng’ trước tiếng gọi ngày càng cấp bách, đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Ngập tràn sự hiện diện của Đức Kitô, Mẹ đem niềm vui đến cho Gioan Tẩy Giả, khiến Thánh Nhi trong dạ mẹ nhảy mừng. Lòng rộn ràng vui sướng hân hoan, Mẹ ca hát những kỳ công của Chúa. Đứng dưới chân Thập Giá, lòng Tin không lay chuyển… Mẹ vui sướng nhận niềm an ủi vì Chúa đã phục sinh, và cùng các môn đệ ngóng đợi Thánh Thần đến, để Giáo hội truyền giáo được khai sinh.

Nay xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con đầy nhiệt huyết mới bắt nguồn từ sự phục sinh của Chúa, để chúng con đem đến mọi người Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết. Xin cho chúng con lòng can đảm thánh thiện biết tìm ra những lối đi mới đem quà tặng của cái đẹp không phai đến được với mọi người.

Ôi Trinh Nữ luôn lắng nghe và chiêm ngắm, Mẹ tình yêu, Cô Dâu của tiệc cưới vĩnh hằng, xin thương nguyện cầu cho Giáo hội mà Mẹ là biểu tượng tinh tuyền, để Giáo hội không bao giờ đóng kín hay đánh mất niềm say mê xây dựng Nước Chúa.

Xin ngôi sao của cuộc Tân Phúc-Âm-Hoá, giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức Tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới.

Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối an vui cho những người bé mọn của Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia! (EG s. 288).

‘… Hỡi người của Thiên Chúa…’ (1Tm 6: 11). Mỗi cha, mỗi tu sĩ đều là ‘người của Thiên Chúa’… Tôi có ‘nhận ra’ lời ngỏ… từ Thiên Chúa, từ Giáo hội, từ thâm tâm…

Lời ngỏ có làm sống dậy lòng mến thuở đầu… trong ngày tôi phủ phục lãnh nhận Thánh Ân Linh mục… ngày tuyên khấn…

‘Người của Thiên Chúa’ chẳng lẽ bỏ lơi sứ vụ… để tháng ngày ra hư không… để cộng đoàn tan tác?

 Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

 

Nguồn: giaophanxuanloc.net (01.10.2021)

 

 

[1] Thượng Hội đồng Giám mục, hội nghị lần XIII, từ 17-28 tháng 10 năm 2010.

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, s. 14.

[3] X. Fritz Lienhard, Mission/Évangélisation, in Dictionnaire critique de Théologie, sous dir. Jean-Yves Lacoste, Puf, 1998.

[4] Đức Thánh Cha Phanxicô, Trải nghiệm của các Tông đồ, in Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2021.

[5] X. Stephen B. Bevans et al. Constants in Context, A Theology of Mission for Today. dg. Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, Trung Thành và Thích Nghi, nxb. Tôn Giáo, 2020.

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2021. Tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2021-42805

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top