Lễ ra mùa

Lễ ra mùa

Trong ngôn ngữ bình dân tại một số địa phương miền Bắc, lễ Phục Sinh được gọi là “Lễ Ra Mùa”. “Ra mùa” có nghĩa là kết thúc Mùa Chay. Bởi lẽ, thứ Tư lễ Tro là lúc “vào mùa”, nên có ngày ra mùa là vậy.

Khí hậu miền Bắc cũng rất phù hợp với Mùa Chay. Khi Mùa Chay bắt đầu thì cũng là lúc bước vào tiết Xuân. Mưa phùn ẩm ướt tạo bầu không khí trầm buồn bi ai. Đây là cũng là thời điểm mà độ ẩm trong không khí cao nhất, có những khi lên tới 100%. Tiết trời u ám, ẩm ướt và mưa phùn dường như làm cho ta dễ suy ngắm sự thương khó của Chúa hơn. Vì Mùa Chay gắn liền với thời tiết ẩm, nên những người lương dân thường hỏi bà con công giáo: Bao giờ lễ Ra Mùa. Vì hễ đến lễ Phục Sinh thì trời bừng sáng và kết thúc thời gian khí hậu ẩm ướt. Nhiều nơi còn nói: chỉ khi nào “Ông cầm cờ” đi ra (ý nói kiệu rước tượng Chúa Phục Sinh, tay cầm cờ chiến thắng), thì ánh nắng mới bừng lên được. Cùng với niềm vui Phục Sinh, trời đất cũng đổi thay, ánh nắng bừng lên và mưa rào xuất hiện. Khi có mưa rào, cây cối như bừng tỉnh, không khí trong lành và đường phố nhà cửa như vừa được thanh tẩy hết mọi bụi bặm tích lũy trong suốt thời gian ẩm thấp. Lễ Ra Mùa cũng báo hiệu mùa hè đã sang.

Lễ Ra Mùa thường trùng với tiết Thanh Minh, có khi sớm hay muộn hơn một hai ngày. Đây là lúc tiết trời trong sáng, mặt trời bừng lên sau những ngày ảm đạm. Ngày Thanh Minh cũng được gọi là “Tết Thanh Minh” nên nhiều nơi còn tục lệ hội họp để ăn uống. Tùy điều kiện kinh tế, người ta tổ chức những buổi gặp mặt, thường là giữa các bạn bè với nhau. Nếu những người lương dân mừng “Tết Thanh Minh” vì mặt trời đã trở lại và làm cho vũ trụ tươi sáng, thì những người công giáo cũng hân hoan mừng Đấng Phục Sinh, là Ánh Sáng soi sáng trần gian. Thanh Minh cũng là dịp anh chị em lương dân đi tảo mộ, tức là sửa sang phần mộ của những người thân. Đây cũng là điều trùng hợp thú vị giữa Đức Tin Kitô giáo và những người theo đạo Ông Bà. Trong Tuần Thánh, các tín hữu suy tư về ngôi mộ của Chúa. Nhiều nơi còn làm những hang đá giả, tượng trưng cho ngôi mộ của Chúa ngày xưa. Trong đêm thứ Sáu và trọn ngày thứ Bảy Tuần Thánh, từng đoàn người lặng lẽ đến viếng mộ để suy niệm về sự chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết để bước ra khỏi mộ vinh quang. Qua sự phục sinh, Người khẳng định rằng Người là Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Người còn có quyền ban sự sống cho con người, vì “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”. Ánh sáng phục sinh tỏa ra từ nấm mộ của Chúa không chỉ là ánh sáng chói lọi của mặt trời khi khởi đầu mùa hè, nhưng là ánh sáng thiêng liêng vĩnh cửu chiếu soi con người và giúp họ tìm được nẻo chính đường ngay.

Lễ Ra Mùa nhắc người tín hữu hãy cùng Chúa Giêsu bước ra khỏi mộ. Đức Giêsu sống lại mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Vì thế mà trong đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội cử hành phụng vụ phép Rửa, vừa nhắc nhớ các tín hữu bí tích Thanh Tẩy họ đã nhận lãnh, vừa khuyên họ tước bỏ những gì không xứng đáng với danh hiệu làm con Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Dòng nước tái sinh vừa dìm chúng ta trong sự chết của Chúa, vừa giúp ta gột bỏ bụi trần, để thực sự trở nên con người mới. “Ông cầm cờ” đã chiến thắng tội lỗi và chiến thắng thế gian. Người là vị thủ lãnh đi trước dẫn chúng ta đến với Chúa Cha là nguồn mạnh của hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu.

Lễ Ra Mùa cũng nhắc cho mọi tín hữu bước ra khỏi sự ích kỷ của mình để đến với tha nhân. Bước ra khỏi bầu khí sám hối của Mùa Chay để sống trong niềm vui của Tin Mừng. Đi ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, đồng thời mang đến cho họ sứ điệp của Chúa. Thật vậy, mỗi khi chúng ta cử hành hy tế Thánh Thể, là chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, đồng thời mong đợi Người lại đến.

(Nguồn: WHĐ)


Top