Lập trường của ĐTGM Hàn Đại Huy về Giáo hội Trung Quốc hiện nay
(Bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Savio Hon Taifai (Hàn Đại Huy) của nhật báo Avvenire).
Cha Savio Hon Taifai được Tòa Thánh bổ nhiệm làm thư ký Bộ Truyền Giáo hôm 23/12/2010 vừa qua và được Đức Thánh Cha tấn phong Giám mục hôm 5/2/2011. Trong bài phỏng vấn này, ngài bày tỏ lập trường của mình về các vấn đề của Giáo hội tại Trung Quốc hiện nay, nhất là liên quan đến cuộc tranh cãi giữa cha Jérôme Heyndrickx và Đức Hồng y Zen (Trần Nhật Quân). Lập trường của ngài gần với lập trường của Đức Hồng y hơn, nhưng không đồng ý với ĐHY về tất cả các luận điểm.
Hỏi. Thưa Đức cha, ở quê hương của Đức cha, có những phản ứng nào trước việc Đức cha được bổ nhiệm?
Đáp. Ở Hong-Kong, các phản ứng là rất tích cực. Tôi cũng đã nhận được nhiều lời chúc mừng đến từ các cộng đoàn và các Giám mục của Trung Quốc lục địa. Họ đã xem việc tôi được bổ nhiệm là như một món quà Giáng Sinh thực sự của Đức Giáo Hoàng.
H. Còn chính phủ Trung Quốc và các cơ quan "chính thức" của Giáo hội đã phản ứng như thế nào?
Đ. Đã không có phản ứng nào từ phía họ. Có lẽ như thế là tốt hơn; như người ta hay nói bằng tiếng Anh: "no news, good news" (không có tin gì là tin mừng). Họ đã không muốn đưa ra phán đoán nào, tích cực lẫn tiêu cực. Đối với tôi, điều đó có vẻ là một hành xử chờ đợi thận trọng.
H. Đức cha đã đi đây đó nhiều ở Trung Quốc lục địa. Chuyến đi gần nhất của Đức cha là khi nào?
Đ. Tôi đã đến Thượng Hải từ ngày 8 đến 13 tháng Mười Hai vừa qua. Ngay vào lúc đang diễn ra cuộc hội nghị lần thứ tám các đại biểu Công giáo Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 7 đến 9 tháng này.
H. Đức cha đã nghe được những nhận xét nào về vấn đề này?
Đ. Các bạn bè và các sinh viên mà tôi đã nói chuyện về vấn đề này tất cả đều rất phê phán. Có thể một số người nơi họ đã ủng hộ, nhưng dù sao họ đã không muốn nói điều đó trước mặt tôi. Tôi cũng đã thảo luận với những người đã đi Bắc Kinh về. Qua các cuộc nói chuyên với tôi, họ cũng đã tỏ ra phê phán. Và họ đã nói rằng họ đã chịu những áp lực to lớn để tham dự vào hội nghị.
H. Vào dịp này, Tòa Thánh đã công bố một thông cáo rất cứng rắn…
Đ. Đúng thế. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng những người đã tham dự vào hội nghị không phải tất cả đều bị cưỡng buộc làm như thế đâu. Một số người đã tự ý tham gia, cũng như họ tự ý tán thành chính sách "quyền tự trị" của Giáo hội ở Trung Quốc đối với Đức Giáo Hoàng và với Tòa Thánh.
H. Phải chăng là bao gồm các Giám mục nữa?
Đ. Thật bất hạnh là bao gồm cả các Giám mục nữa, và thậm chí trong số các vị đã được Rôma công nhận. Ở Bắc Kinh, một số khá trong số họ đã vồn vã đến nơi vị tân Giám mục ở Thừa Đức (Chengde), được thụ phong bất hợp pháp một vài tuần trước đó, để chúc mừng ông và để được chụp hình với ông. Họ đâu có bị bó buộc làm điều đó. Tóm lại: 45 Giám mục, mà tuổi trung bình của các ngài là dưới 50, đã tham dự vào cuộc hội nghị này. Một số vị đã bị ép buộc đến đó, một số thì không.
H. Và Đức cha rút ra những kết luận nào từ việc ghi nhận này?
Đ. Bất hạnh thay, con số những kẻ cơ hội đã gia tăng.
H. Và điều đó là do đâu?
Đ. Do việc thiếu đào tạo thích đáng giữa hàng giáo sĩ. Nhưng cũng do một số lỗ hổng trong việc chọn lựa các ứng viên Giám mục. Trong một số trường hợp, người ta đã không xúc tiến những điều tốt nhất, nhưng người ta đã thích những bổ nhiệm thỏa hiệp hơn. Quả thế, từ nay, từ một vài năm, những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rằng các Giám mục bất hợp pháp thực sự sẽ không bao giờ được các tín hữu chấp nhận. Bởi thế họ thích ra sức làm sao để các linh mục trung thành với những chỉ thị của họ được phong Giám mục với "placet" (sự chấp thuận) của Tòa Thánh.
H. Bởi thế Đức cha cho rằng cần phải có một việc đào tạo tốt hơn cho các ứng viên linh mục và một sự phân định chăm chú hơn về phía Tòa Thánh trong việc chọn lựa các ứng viên Giám mục. Phải chăng điều đó muốn nói rằng, trong suốt những năm vừa qua, nó đã không luôn được như thế?
Đ. Ý kiến này không chỉ là của tôi. Ở Trung Quốc lục địa, tôi đã thường nghe các tín hữu và linh mục than phiền về việc chọn lựa các Giám mục thỏa hiệp. Thế nhưng, tôi phải nói thêm rằng thực ra Tòa Thánh đã luôn có ưu tư tránh những cuộc phong chức bất hợp pháp.
H. Và thật khó để tìm ra một sự quân bình giữa đòi hỏi này và đòi hỏi tránh những cuộc phong chức hợp pháp nhưng thỏa hiệp.
Đ. Quả đúng như thế. Chọn lựa những ứng viên tốt là khó. Chính phủ cho rằng khi giới thiệu các danh sách các ứng viên có thể chấp nhận được theo quan điểm của nó, thì nó đã có một nhượng bộ lớn lao rồi. Và, trong trường hợp Tòa Thánh từ chối tán thành, thì nó đe dọa cứ cho phong chức cho họ…
H. Như điều đó đã xảy ra vào tháng Mười Một vừa qua ở Thừa Đức.
Đ. Vâng. Đối với tôi, sứ điệp đã rõ, chính phủ đã muốn nói: nơi nhà tôi, chính tôi chỉ huy. Một dấu hiệu mà hầu như đã làm cho chúng ta trở lại với những năm 50, như thể một số dấu đối thoại đã chưa bao giờ tồn tại, dù đã được ghi lại.
H. Làm thế nào lấy lại cuộc đối thoại này?
Đ. Chính phủ Trung Quốc có những viên chức được đào tạo rất tốt và khôn khéo thương lượng. Do đó, cần phải được như thế liên quan đến những người thương lượng từ phía chúng ta. Thế nhưng, trước tiên, cần phải hiểu liệu chính phủ có thực sự muốn tìm ra một thỏa thuận với Tòa Thánh hay không.
H. Về điểm này và những điểm khác, có sự khác biệt ý kiến giữa hai người rất thông thạo về Trung Quốc: Hồng y Joseph Zen và cha Jérôme Heyndrickx. Đức cha nghĩ gì về cuộc tranh luận của họ?
Đ. Cha Heyndrickx khởi đi từ hai tiền dữ kiện. Tiền dữ kiện thứ nhất là chính phủ Trung Quốc có những ý định tốt, bao gồm cả ý định ký thỏa thuận với Tòa Thánh. Tiền dữ kiện thứ hai là, sau bức thứ của Đức Giáo Hoàng gởi cho người Công giáo Trung Quốc vào năm 2007, những gì người ta gọi là các cộng đoàn hầm trú không còn lý do tồn tại nữa. Mặt khác, Đức Hồng y Zen, người biết rất rõ thực tại và não trạng Trung Quốc, không tin tưởng gì vào chính quyền cộng sản. Đúng ra, ngài cho rằng nếu chính phủ muốn gợi lên sự tin tưởng này, thì nó phải thực hiện những hành vi cụ thể. Vậy mà, cho đến giờ, người ta không thấy điều đó. Chẳng hạn, nó phải để cho Giáo hội được tự do chọn lựa các Giám mục của mình. Vả lại, Đức Hồng y Zen -và tôi đồng ý với ngài- cho rằng các cộng đoàn hầm trú vẫn có những lý do tồn tại.
H. Một câu hỏi cuối cùng. Tại sao việc vạ tuyệt thông đã không được tuyên bố đối với những giám mục đã được phong chức bất hợp pháp cũng như đối với những vị đã phong chức cho họ?
Đ. Trên thực tế, việc vạ tuyệt thông tức khắc được dự kiến đối với những người lãnh nhận và đối với những người phong chức bất hợp pháp. Thế nhưng, có thể có những hoàn cảnh giảm nhẹ, chẳng hạn đối với những vị bị ép buộc đóng một vai trò trong những nghi thức này. Tôi tin rằng Tòa Thánh, trước khi tuyên bố công khai vạ tuyệt thông, đang điều tra các trường hợp cá nhân, để chứng thực liệu những hoàn cảnh giảm nhẹ này có hay không. Nhưng đó là một tiến trình tế nhị và lâu dài, chúng ta hiểu điều đó.
H. Đức cha nghĩ gì về những vị Giám mục bất hợp pháp này?
Đ. Có những trường hợp các ứng viên được phong chức Giám mục bất hợp pháp với ẩn ý rằng, sau một thời gian khá ngắn, theo lời yêu cầu tha thiết của họ, Tòa Thánh sẽ tha thứ cho họ và cho họ sự hợp pháp trọn vẹn. Cần phải lưu ý đấu tranh chống lại kiểu tính toán này. Tuy nhiên, nói vậy, cần phải luôn luôn nhớ rằng Giáo hội là Thân Thể của Chúa Kitô và nếu có một miếng nhỏ của Thân Thể này đang tách lìa khỏi đó, thì cần phải không phải là để nó ra đi nhưng là cố gắng đem nó về, bằng công lý nhưng cũng bằng lòng thương xót.
Tý Linh chuyển ngữ từ eucharistiemisericor.free.fr
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô