Làm chứng

Làm chứng

“Làm chứng” trước hết là ngôn ngữ pháp đình. Trong phiên tòa xét xử một bị cáo, trước khi tuyên án, người ta cần đến những nhân chứng. Vai trò của những người này là nói lên sự thật, về những gì mình mắt thấy tai nghe có liên quan đến vụ việc đang được xét xử. Sự hiện diện của người làm chứng, trước hết là để bảo đảm tính trung thực của việc thi hành luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người có liên quan.

Người làm chứng có thể nói về một việc đã xảy ra rất lâu rồi hoặc về một sự kiện vừa xảy ra hoặc còn đang tiếp diễn. Trong lãnh vực pháp đình, không có việc làm chứng cho tương lai. Người làm chứng chỉ có thể nói về những gì mình đã mắt thấy tai nghe, chứ không được phép suy luận, vì những suy luận thường mang tính cá nhân và chủ quan, không có căn cứ.
Từ một khái niệm mang tính pháp đình, “làm chứng” đã được sử dụng trong lãnh vực đức tin, trở thành một phần căn bản của cuộc sống Kitô hữu. Chúng ta cùng suy tư về khái niệm này.

1- Người tín hữu với sứ mạng làm chứng

Trong Cựu ước cũng như Tân ước, khái niệm làm chứng được sử dụng rất nhiều lần. “Chớ làm chứng dối” là một lệnh truyền của Thập điều (x. Xh 20,16). Chính Thiên Chúa cũng luôn được kêu mời để làm chứng cho sự trung thành của con người. Đặc biệt trong Tin Mừng thứ tư, “làm chứng” là một trong những chủ đề nổi bật của tác phẩm này. Theo tác giả Edouard Cothenet, Tin Mừng thứ tư đã dùng 47 lần từ này, khi thì là động từ, lúc thì là danh từ (x. “La chaine des témoins dans l’Evangile de Jean”, tr 8). Trung thành làm chứng cho Chúa là kết quả của một đức tin kiên vững. Đó cũng là lý tưởng của những ai muốn trở nên môn đệ Đức Giêsu. Những gương mặt chứng nhân tiêu biểu trong Tin Mừng theo Thánh Gioan là Gioan Tẩy giả, người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, Lagiarô… Chính tác giả cũng nhận mình là một chứng nhân xác thực cho những gì được viết ra (x. Ga 21,24).

“Làm chứng” là một từ được dùng rất phổ biến trong “văn chương nhà đạo”. Từ này nói lên một sứ mạng gắn liền với ơn gọi của các Kitô hữu, là những người được mang danh Đức Giêsu. Thiếu khía cạnh làm chứng, cuộc đời Kitô hữu sẽ trở nên vô nghĩa. Làm chứng là một lời mời gọi, cũng là một lệnh truyền của Đấng Phục sinh: “Anh em sẽ là chứng nhân cho Thày tại Giêrusalem” (Cv 1,8). Các môn đệ đã sớm ý thức được sứ mạng làm chứng được Chúa trao phó. Họ đã sẵn sàng lấy chính mạng sống mình bảo đảm cho lời chứng ấy. Ngay trong bài giảng đầu tiên, Thánh Phêrô đã mạnh dạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người” (Cv 2,32).

Khái niệm “làm chứng” nơi cuộc sống Kitô hữu rất phong phú. Họ không chỉ làm chứng bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm. Chứng từ của họ không chỉ được thể hiện cách tạm thời nhưng mãi mãi thường xuyên trong suốt cuộc đời. Mọi sinh hoạt đời thường của người tín hữu đều có thể làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang: “Tất cả những gì anh em làm, hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa là Cha chúng ta” (Cl 3,17).

2- Nội dung lời chứng của người tín hữu

Đức Giêsu đã tuyên bố trước tòa Philatô: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Người đến để quy tụ những ai thành tâm thiện chí sống theo sự thật. Những ai mang danh Đức Giêsu đang cố gắng mỗi ngày để ánh sáng chân lý tỏa rạng nơi cuộc đời của họ, để rồi đến lượt họ cũng trở nên chứng nhân của sự thật. Nhờ bí tích Thanh tẩy, người tín hữu được hòa mình vào “đám mây các nhân chứng” của lịch sử cứu độ, tiếp tục nối dài “danh sách các chứng nhân” cho đến tận cùng thời gian (x. Dt 12,1).

Nội dung chứng từ của người tín hữu trước hết là nhằm tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch của Chân Thiện Mỹ. Ngài là Cha yêu thương và là Đấng tạo dựng nên con người cùng muôn loài muôn vật. Ngài luôn quan tâm săn sóc con người và ban cho họ biết bao điều thiện hảo. Ý thức mình được sinh ra bởi Thiên Chúa, nhờ việc đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu (x. Ga 1,12-13), người tín hữu còn mang sứ mạng làm chứng cho một Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Người là Thiên-Chúa-làm-người, là Đấng Emmanuel. Sau khi trỗi dậy từ cõi chết, chính Đức Giêsu đã đến gặp các môn đệ. Người trao cho họ sứ mạng lên đường loan báo Tin Mừng, quy tụ muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Chúa Ba ngôi (x. Mc 16,14-18). Tín hữu là người làm chứng về một Đấng đã chết mà nay vẫn đang sống. Thánh Phaolô luôn miệt mài trung thành với sứ mạng ấy. Những người Rôma ngạc nhiên vì Phaolô quả quyết một người đã chết mà nay đang sống. Điều này khiến ông phải bị đem ra xét xử và bị coi là gây náo loạn trong dân (x. Cv 25,19). Người tín hữu đang sống trong cuộc đời hiện tại còn là chứng nhân cho Nước Trời tương lai. Họ sống ở đời này mà đang vươn tới đời sau. Cuộc sống thánh thiện, công bằng và yêu thương giúp cho họ được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu mặc dù cõi đời này còn đầy đau thương và nước mắt. Bậc độc thân của các linh mục và tu sĩ cũng là một bằng chứng rõ nét về đời sống tương lai, nơi đó người ta không còn dựng vợ gả chồng, nhưng được sống trong tâm tình thờ phượng và yêu mến mãi mãi (x. Mt 28,16-20).

3- Làm chứng bằng chính cuộc đời

Khi thực thi sứ mạng làm chứng, người Kitô hữu không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng việc làm. Lời nói không có việc làm kèm theo sẽ trở nên tiếng thanh la não bạt vô hồn. Đức tin không được chứng minh bằng hành động sẽ là một đức tin chết (x. Gc 2,17) Đức Giêsu là người chứng thứ nhất cho tình yêu bao la của Thiên Chúa. Giờ phút Người chịu treo trên thập giá là lúc Người làm chứng về Chúa Cha cách hùng hồn nhất. Noi gương Đấng hiến thân mình làm giá chuộc muôn dân, biết bao tín hữu nam cũng như nữ, hôm qua cũng như hôm nay, đang dấn thân trong sứ mạng làm chứng dù gặp biết bao gian nan hiểm nghèo. Mọi trang sử của Giáo Hội đều được in đậm dòng máu anh hùng của các thánh tử đạo. Các ngài là những chứng nhân theo đúng nghĩa của từ này (Maturion-Martyre-Tử đạo). Qua chứng từ bằng máu, các ngài thực hiện đức bác ái trọn hảo nhất. “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Dù muôn vàn chông gai, các ngài vẫn “anh dũng tiến lên pháp trường”, trong niềm hân hoan, thư thái và an bình. Khổ đau không làm các ngài nhụt chí. Nhục hình không làm các ngài phản bội đức tin. Các ngài đã đánh đổi chính mạng sống của mình để đạt được hạnh phúc Nước Trời.

Ơn gọi của người Kitô hữu mọi nơi mọi thời đều gắn liền với thập giá. Thập giá là biểu tượng của hy sinh, đồng thời là chứng từ cho lòng hy sinh đó. Làm chứng là lấy danh dự và đôi khi chính mạng sống của mình để cam đoan những gì mình nói là xác thực. Các Kitô hữu, dù không trực tiếp nhìn thấy Chúa, nhưng họ cảm nhận Ngài bằng đức tin và họ quyết kiên trung làm chứng cho đức tin của mình. Trong cuộc sống hôm nay, bất kỳ ai cũng có thể làm chứng cho Chúa, dù đó là lãnh vực trí thức, thương mại, khoa học hay đời thường. “Người ngày nay cần những chứng nhân hơn thày dạy” (Đức Phaolô VI). Chứng từ được thể hiện bằng việc làm sẽ lay chuyển những ai cứng lòng và sưởi ấm những tâm hồn giá băng.

Kết luận: Trong sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi dịp lễ Phục Sinh năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã diễn giải kinh nghiệm thiêng liêng của bà Maria Mađalêna. Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh đã dẫn bà tới một trang sử mới của cuộc đời, giúp bà có một quan niệm mới về sứ mạng của Đức Giêsu. Đức Thánh Cha viết: “Đó là một cuộc gặp gỡ làm đổi đời: cuộc gặp gỡ một Người duy nhất làm cho chúng ta cảm nghiệm trọn vẹn lòng nhân từ và chân lý của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, không phải một cách hời hợt và thoáng qua, nhưng là giải thoát tận căn, chữa lành chúng ta hoàn toàn và phục hồi phẩm giá cho chúng ta”. Chính nhờ sự đổi đời này mà bà đã can đảm làm chứng cho Đấng Phục sinh và quả quyết: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).

Chúng ta vừa mừng lễ Phục Sinh. Dù ở nhiều cấp độ khác nhau, chắc chắn mỗi người đều có những trải nghiệm riêng khi mừng Đại lễ này. Liệu chúng ta có khả năng và can đảm để nói với những người xung quanh chúng ta như Maria Mađalêna: “Tôi đã thấy Chúa!”? Tuyên bố điều đó, chính là thực thi sứ mạng chứng nhân cho Chúa Kitô vậy.

Hải Phòng ngày 28-4-2012

Top