Kỷ niệm buồn về hiệp hành và truyền giáo

Kỷ niệm buồn về hiệp hành và truyền giáo

Kỷ niệm buồn về hiệp hành và truyền giáo

TGPSG -- Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành đang mời gọi:

“Hãy tự vấn: ‘Việc cùng nhau cất bước hành trình’ hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em?...

“Câu hỏi căn bản này gợi nhớ những kinh nghiệm… Hãy đọc lại ý nghĩa sâu xa của những kinh nghiệm này: Chúng đã gợi lên niềm vui nào? Chúng gặp những khó khăn và trở ngại nào? Chúng phơi trần những thương tích nào? Có thể học được điều gì từ các kinh nghiệm này?” (Tài Liệu Chuẩn Bị số 26).

Dưới đây là một kỷ niệm buồn về hiệp hành và truyền giáo của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, một kinh nghiệm có thể được nhìn lại để “đọc lại ý nghĩa” của những “khó khăn, trở ngại, thương tích…”


Những kỷ niệm trên đường truyền giáo
Kỷ niệm tám: Buồn mãi!
Một chuyện buồn không bao giờ được giải tỏa

Sau Hiệp định Paris, mình xách xuồng máy đi vào vùng Giải Phóng. Điểm đến đầu tiên là Họ đạo Bàu Sen, huyện Đầm Đới, tỉnh Cà Mau. Điểm đến thứ hai là Họ đạo Cái Cấm, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Mình đến Cái Cấm vào cuối năm 1974. Lúc ấy ông biện Năng đang đôn đốc làm nhà cho giáo điểm Chà Là. Chà Là thuộc vùng quốc gia, cách nhà thờ Cái Cấm chừng vài cây số. Người lấy xuồng đưa mình vào Cái Cấm là ông biện Năng. Người đón tiếp mình là ông Tư Tiến, cán bộ của huyện Cái Nước. Chuyện tâm tình chỉ có hai người với nhau thôi.

***

Chuyện tâm tình, nhưng chỉ một mình ông nói, còn mình thì chỉ ngồi nghe. Chuyện tâm tình, nhưng giọng nói của ông thì như chém đinh chặt sắt. Ông kể:

“Hồi tôi 11 tuổi, tôi giúp lễ cho Cha Nguyễn Kinh Việt. Năm tôi 30 tuổi mới được học và được biết rằng đạo Công Giáo chỉ có hai điều căn bản thôi. Đó là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Thánh Kinh chỉ là những chuyện dị đoan mê tín. Thánh Truyền chỉ là những lời nói chạy tội. Cây Thánh giá chỉ là cái gai chọc vào mắt tôi."

Chuyện tâm tình của ông Tư Tiến còn dài lắm. Dài mãi cho tới lúc hai bên bắt tay giã từ nhau. Giã từ xong, ông vẫn còn bức xúc… Còn mình thì cứ ghi khắc trong lòng một nỗi buồn man mác, buồn khôn nguôi.

Nhiều năm sau mình mới được biết ông Tư Tiến là tín đồ Họ đạo Cái Rắn. Ông giữ mãi lập tường ấy về đạo Công Giáo cho tới ngày lìa đời. Ông di chúc cho con cháu là không được đọc kinh trong lễ an táng của ông.

Mình vẫn tôn trọng lập trường của ông, vì đó là quyền tự do tư tưởng, là nhân quyền. Nhưng mình vẫn cứ buồn mãi, vì mình chưa nói được lời nào để minh chứng rằng sự hiểu biết của ông về đạo Công Giáo là không khách quan. Tiếc quá!

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Tin Mừng Chúa Nhật 3.2016 (TGPSG)

Vâng, theo ‘Tài Liệu Chuẩn Bị (TLCB) số 30’ của Thượng Hội đồng Giám mục XIV, đối thoại là con đường kiên trì bao gồm cả những lúc im lặng và chấp nhận đau khổ, nhưng lại có khả năng thu thập kinh nghiệm… để thấy được:

- Những khác biệt về quan điểm, những xung đột, và những khó khăn cần được giải quyết như thế nào? (TLCB số 30, chủ đề 6)

- Chúa Thánh Thần muốn nói gì qua những kinh nghiệm này? Người đang yêu cầu chúng ta điều gì? (TLCB số 26)

- Đâu là những điểm phải khẳng định, những viễn cảnh nào nên thay đổi, và các bước nào cần phải được thực hiện? (TLCB 26)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top