Kỷ niệm 50 năm cung hiến Vương cung Thánh đường Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn

Kỷ niệm 50 năm cung hiến Vương cung Thánh đường Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn

Kỷ niệm 50 năm cung hiến Vương cung Thánh đường Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn

WGPSG -- So với chiều dài của lịch sử, 50 năm chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi như một chớp mắt, nhưng so với đời người, 50 năm đã là quá đủ cho một sự trưởng thành như người xưa thường nói: “Ngũ thập tri thiên mệnh”.

Vì thế, Thánh lễ kỷ niệm 50 năm (1959 – 2009) đón nhận tước hiệu Vương cung Thánh đường của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, vào lúc 17 giờ 30 hôm nay, ngày 9/12/2009 đã tăng thêm rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt, khi Năm Thánh hồng ân đang được khởi đầu tại Việt Nam.

Thánh lễ do Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự, cùng với sự đồng tế của Linh mục GB Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện và cũng là Cha Chánh sở cùng quý cha:
  - Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse.
  - Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, Phụ tá GX Chánh Tòa.
  - Cha Phêrô Kiều Công Tùng, Phụ tá GX Chánh Tòa
  - Cha Giuse Nguyễn Văn Bình, dòng Phanxicô.
  - Cha GB Nguyễn Quang Tuyến.
  - Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa.
  - Cha Giuse Phạm Văn Trọng.
  - Cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng.
  - Cha Giuse Phạm Hoàng Lương.
  - Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng.
  - Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc.
  - Cha Giuse Đặng Chí Lĩnh.

Nghe Audio:
  - Lm. Giuse Vương Sĩ Tuấn giới thiệu tóm tắt những sinh hoạt mục vụ của Vương cung Thánh đường
  - Nghi thức nhập lễ
  - Tin Mừng & Giảng lễ

Trao đổi ngắn trước khi Thánh lễ khai mạc, Linh mục Vương Sĩ Tuấn đã nói về những sinh hoạt mục vụ của Vương cung Thánh đường, nơi Ngài đang phục vụ. Ngài cho biết, do vị trí rất đặc thù, tọa lạc tại trung tâm thành phố, lại ở ngay nơi giao lưu của nhiều đại lộ huyết mạch, Giáo xứ Chánh Tòa với số giáo dân khoảng 1200 người nhưng luôn biến động; nơi đây đã hình thành những sinh hoạt “mở”, nghĩa là, nhà thờ không chỉ của riêng người Công giáo, nhưng là mở rộng ra với tất cả mọi người mọi giới, mở ra và đón tiếp những du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng tham quan, để giới thiệu với họ về Đạo Chúa, về Giáo Hội Việt Nam.

Đặc biệt, trong Năm Thánh 2010, Vương cung Thánh đường Sài Gòn đã có một Văn phòng đón tiếp khách trong và ngoài nước đến hành hương, giúp họ tĩnh tâm, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và nhận lãnh Bí tích hòa giải hoặc học hỏi về những giáo lý của Giáo Hội về Năm Thánh. Văn phòng này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho khách hành hương về mặt tâm linh và vật chất.

Ngoài ra, hàng tuần vào mỗi buổi chiều thứ Tư, từ 17 đến 18 giờ, có các lớp học giáo lý của HĐGM Việt Nam về Năm Thánh 2010.

Đặc biệt, mỗi Thứ Năm hàng tuần, từ 19 – 20 giờ, nhà thờ đều có đặt Mình Thánh Chúa và cầu nguyện Taizé. Tuần thứ nhất trong mỗi tháng, do các Nhóm cộng đoàn tu sĩ Chúa quan phòng và các Sư huynh thuộc khu vực Nhà thờ Đức Bà phụ trách. Tuần thứ hai, do Giáo xứ Chánh Tòa phụ trách. Tuần thứ ba, do Nhóm giới trẻ phụ trách. Tuần thứ tư do Nhóm gia đình phụ trách.

Vương cung Thánh đường Sài Gòn với vai trò tiền hô của Giáo Hội Việt Nam

Sau phần tập hát và nghe giới thiệu về ý nghĩa Năm Thánh, Đức cha Phụ tá, quý cha và cộng đoàn hơn 1000 người đã hướng về một màn hình lớn, đặt trước Cung Thánh, để được xem những hình ảnh về lịch sử Đạo Chúa tại Việt Nam, từ lúc khởi đầu cùng những thăng trầm và phát triển cho đến ngày nay. Thánh lễ đã bắt đầu lúc 17 giờ 30.

Trong phần giảng lễ, Đức cha đã nói về sự trùng hợp giữa Mùa Vọng và Thánh Gioan Tiền hô, người loan báo và dọn đường của Chúa, mà Vương cung Thánh đường Sài Gòn vẫn kính nhớ mỗi cuối năm khi khởi đầu lịch phụng vụ. Phần tiếp theo xin lược ghi như sau.

Ngài đã nhắc một chút về lịch sử, năm 1959, Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã sang Việt Nam làm phép bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình của Nhà thờ Đức Bà và chủ sự một buổi rước rất lớn tại đây, và ngày hôm sau, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã xức dầu cung hiến Nhà thờ Chánh Tòa thành Vương cung Thánh đường. Rồi một năm sau đó, năm 1960, Đức Giáo Hoàng đã ra Tông sắc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Ngài nói tiếp, các sự kiện này đã trở thành những dấu chỉ mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, về vai trò tiên khởi, đi bước đầu, của Vương cung Thánh đường Sài Gòn trong lòng Giáo Hội. Năm Thánh 2010, Hội đồng Giám mục Việt nam đã kêu mời cộng đoàn Dân Chúa hãy tích cực đồng hành, gắn bó và cộng tác trong việc phát triển giáo hội qua 3 chiều kích: Mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Ba chiều kích ấy, Ngài thấy rõ nơi Vương cung Thánh đường này đã thể hiện và luôn đi bước đầu, Ngài dẫn chứng:

- MẦU NHIỆM: Mầu nhiệm của Giáo Hội không nằm nơi tổ chức và các phẩm trật, mầu nhiệm cũng không là sự khôn ngoan tài trí nơi các vị lãnh đạo, vì cho dù có thánh thiện và đạo đức đến bao nhiêu, vẫn luôn nằm trong giới hạn con người. Nhưng mầu nhiệm giáo hội ở tại ÂN SỦNG và SỨC SỐNG của Lời Chúa mà Ngài đã thương ban.

Trong ý nghĩa ấy, đến với Vương cung Thánh đường, nếu đi từ đường Đồng Khởi hoặc bất cứ hướng nào, khi nhìn thấy 2 ngọn tháp xinh đẹp, thanh thoát như đang vươn đến trời cao, lòng người như cũng được nâng lên, thăng hoa và thấy mình muốn hướng đến điều thánh thiện hơn nữa. Giữa một Sài Gòn công nghiệp hoa lệ nhưng cũng thật ồn ào huyên náo, vẫn có một khoảng lặng, thanh vắng, tĩnh mịch khi biết dừng chân cầu nguyện trong lòng ngôi nhà thờ này, nhờ đó, người ta đã cảm nếm được sự bình an thanh thản. Lời Chúa như dòng suối mát qua lời ca tiếng hát của ca đoàn, và những Thánh lễ trang nghiêm tôn kính nơi đây đã khơi dậy biết bao mạch sống trong lòng nhiều người tưởng như đã chết. Những điều ấy, chính là các mầu nhiệm nơi Vương cung Thánh đường mà ai cũng dễ dàng cảm thấy.

- HIỆP THÔNG: Khi cùng tôn thờ một vị Cha Chung, thì mọi người đều là anh em ăn cùng tấm bánh, uống cùng chén rượu, nên sự chăm sóc lo lắng và trợ giúp những người khó khăn thiếu thốn như một lẽ đương nhiên tất yếu, Giáo xứ Chánh tòa này luôn rất nổi tiếng về lòng quảng đại vị tha, hàng tuần, mọi người đã góp hàng trăm triệu đồng cho những mục đích như thế.

- SỨ VỤ: Giới thiệu Chúa cho những người chưa biết, đặc biệt, qua các khách hành hương, giới thiệu với họ về Đạo Chúa, về Giáo Hội Việt Nam, hoặc ít ra, cũng giới thiệu về Kitô giáo như một nét văn hóa đã đóng góp cho sự sống và phát triển của nền văn minh nhân loại, là điều Vương cung Thánh đường này đang bắt đầu và cũng đi bước trước.

Cuối cùng, trong phần kết luận, Ngài đã nói về sự tự hào và hãnh diện với Vương cung Thánh đường, nhưng cũng là nói đến trách nhiệm lớn lao về việc phải cùng nhau giữ gìn di sản Đức tin và sống chứng tá về Đức tin ấy. Trách nhiệm lớn lao kia, dù mọi người đang cố gắng chu toàn, nhưng với những hạn chế nhiều mặt của phận người mỏng dòn, chúng ta cần phải cầu nguyện để ơn Chúa sẽ bù đắp và hướng dẫn.

Sau nghi thức Chúc lành và ơn Toàn xá, Thánh lễ đã kết thúc hồi 18 giờ 30 cùng ngày.

Vài nét độc đáo của Vương cung Thánh đường

Ngôi Thánh đường này quá nổi tiếng, từ lâu đã trở thành điểm tham quan hành hương của người người nhiều giới trong và ngoài nước. Nổi tiếng về kiến trúc, nổi tiếng về tâm linh và lịch sử, nổi tiếng đến nỗi một bài báo đã viết rằng, đến Sài Gòn mà chưa đến Vương cung Thánh đường, coi như Bạn chưa biết Sài Gòn. Đã có quá nhiều bài viết về những mảng này, xin ghi lại dưới đây đôi nét về những độc đào ấy:

- Đồ án xây dựng Vương cung Thánh đường do kiến trúc sư J. Bourad, với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gothique đã được chọn, sau khi đã vượt qua 17 đồ án khác cùng dự thi.

- Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu.

- Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt, là nhà thờ không có vòng rào, hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và ngay cả bây giờ.

- Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 133m, tính từ cửa ngăn đến mút chót của phòng đọc kinh. Chiều ngang của hành lang là 35m. Chiều cao của thánh đường là 21m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.

- Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật, mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang với khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ, bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích.

- Nội thất thánh đường ban đêm được chiếu sáng bằng điện (không dùng đèn cầy) ngay từ khi khánh thành. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa với nội thất tạo nên trong nội thất thánh đường một ánh sáng êm dịu, tạo ra một cảm giác an lành và thánh thiện.

- Có tất cả 6 quả chuông lớn (sol, la, si, đô, rê, mi), gồm sáu âm, nặng tổng cộng 28,85 tấn, đặt dưới hai lầu chuông. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Trên tháp bên phải treo 4 quả chuông (sol, si, rê, mi); tháp bên trái treo 2 chuông (la, đô). Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo.

- Ba quả chuông to nhất là chuông si nặng 3.150 kg, chuông rê nặng 2.194 kg và đặc biệt là chuông sol là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25m, cao 3,5m (tính đến núm treo). Ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông mi hoặc rê vào lúc 5 giờ và 17g30. Chỉ vào đêm Giáng Sinh thì mới đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.

- Tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh:
  REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX
  Nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17.02.1959

Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc.

Bạn thân mến!

Nếu là người Công giáo và đã từng đến Vương cung Thánh đường Sài Gòn dự lễ, hoặc đã vào cầu nguyện một mình nơi đây ít là một lần, hẳn Bạn vẫn còn nhớ cái cảm giác thật ấn tượng rằng, giữa ồn ào xe cộ với giòng người ngược xuôi huyên náo, nhưng khi ngồi ở trong nhà thờ, Bạn vẫn được hưởng một sự tĩnh lặng, yên ắng và bình an thanh thản đến nao lòng.

Sẽ thật tiếc cho Bạn, khi là người Công giáo, mà Bạn chưa có dịp đến đây để dự lễ hoặc cầu nguyện mong tìm sự an ủi và buông xả nội tâm.

Còn nếu Bạn không phải là người Công giáo, sẽ càng tiếc cho Bạn hơn, nếu Bạn chưa có dịp được nghe cả 6 chuông, chỉ đổ vào đêm Noel, mà độ vang của nó trong phạm vi 10 cây số vẫn còn nghe được.

Và hôm nay, 10 tháng 12, đêm Noel đang đến rất gần, nhưng sẽ tiếc cho Bạn biết bao, nếu Bạn chưa có dịp tận mắt chiêm ngắm quả chuông lớn nhất thế giới, nặng gần 9 tấn đang nằm khiêm tốn, im lìm, thinh lặng để chào đón những kẻ có TÂM.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top