Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam thăm công trình trùng tu nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn
TGPSG -- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam - đã đến thăm công trình trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn vào lúc 16g ngày 18/2/2022. Tháp tùng ngài có linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Đón tiếp vị Đại diện Tòa Thánh tại sân tiền đường Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn có:
- Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG),
- Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Giám quản TGPSG,
- Lm. Ingatio Hồ Văn Xuân - Trưởng Ban Trùng Tu,
- Lm. Phêrô Đỗ Duy Khánh - phó xứ, phó Ban Trùng Tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (NTCTĐBSG),
- Bà Ngô Phương Thanh - Giám đốc công ty Eurohaus-Haustechnik,
- Ông Mark Willems - Giám đốc kỹ thuật dự án trùng tu,
- Ông Ghislain Claerbout, chuyên gia cao cấp về kết cấu và trùng tu của Tập đoàn Monument, Bỉ 1 .
Lm. Ignatio Trưởng Ban Trùng Tu đã đưa vị Đại diện Tòa Thánh và phái đoàn lên tầng 17 để thấy hiện trạng của chân tháp kẽm, phần kết cấu, gạch, đá Pierre de Paris.
Tại đây, vị Đại diện Tòa Thánh và phái đoàn đã lắng nghe ông Ghislain Claerbout trình bày về nét đẹp trong kiến trúc độc đáo của NTCTĐBSG, đồng thời ông cũng cho thấy sự hư hại trầm trọng và quy trình cần phải có để trùng tu NTCTĐBSG.
Ông Ghislain Claerbout đưa vị Đại diện Tòa Thánh và phái đoàn đến từng hạng mục bị hư hại đang được khảo sát thực tế, để xem tận mắt các hạng mục hư hại nghiêm trọng như thế nào.
Ông Ghislain Claerbout trình bày với Đức Khâm sứ phần kết cấu của chân tháp kẽm.
Bà Ngô Phương Thanh trình bày với Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng sự hư hại của đá Pierre de Paris.
Đức Khâm sứ và phái đoàn chiêm ngưỡng Thánh Giá điêu khắc nguyên khối bằng đá Pierre de Paris tuyệt đẹp.
Đức Tổng Giám mục Giuse chạm tay vào Thánh Giá.
Kết thúc thời gian thăm công trình, Đức Khâm Sứ cho biết ngài rất ấn tượng vì nghe và nhìn thấy những hạng mục được các chuyên gia và Ban Trùng Tu đang thực hiện rất chuyên nghiệp. Ngài cho biết:
“Trước đây tôi không biết về tình trạng thực sự của Nhà thờ Đức Bà. Bây giờ tôi có thể biết rõ hơn và đánh giá cao sự đóng góp của các vị trong công việc này.”
Tiếp lời Đức Khâm sứ, Ông Mark Willems - Giám đốc kỹ thuật dự án trùng tu - cảm ơn sự hỗ trợ từ Lm. Tổng đại diện Ignatio và từ Đức Tổng Giám mục Giuse, từ Tập đoàn Monument và từ toàn bộ đội ngũ kỹ sư và công nhân. Ông cũng cho biết “Đây không phải là một nỗ lực cá nhân, mà là nỗ lực của toàn đội ngũ. Ông nói:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc như chúng tôi đã bắt đầu để tiến tới hoàn thành. Tôi không biết chính xác trong bao nhiêu năm nữa mới hoàn thành, để có được một ngôi Thánh Đường trong tình trạng tốt nhất. Sắp tới, chúng tôi sẽ phải trải qua nhiều vất vả để khôi phục lại được nét đẹp như trước đây...”
Đáp lời, Đức Khâm sứ đã tỏ bày:
“Hôm nay, tôi rất biết ơn vì lời mời của các vị, bởi vì tôi biết rằng: Ngôi Nhà thờ Đức Bà này hiện nay không ở trong điều kiện hoàn hảo. Như bao nhiêu khách du lịch, tôi đã từng nhìn ngôi nhà thờ này từ xa bên ngoài, nhưng hôm nay sau khi nhìn thấy và chạm vào thực tế, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc trùng tu này cho thế hệ tương lai, cho nền văn hóa Việt Nam, bởi vì ngôi nhà thờ này cũng là một di tích quốc gia. Đây là một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất mà chúng ta có tại Việt Nam.”
Kế tiếp, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng bày tỏ niềm vui vì được vị Đại diện Tòa Thánh đến thăm công trình. Đức Tổng cho biết: chuyến viếng thăm này hoàn toàn là do ý muốn của vị Đại diện Tòa Thánh, bởi vì Đức Khâm sứ cũng rất quan tâm đến một công trình vĩ đại và khó khăn như thế này.
Đức Tổng cũng rất vui vì có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - trước khi làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết, đã là Giám mục phụ tá của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, đã cùng với Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô lên kế hoạch và tham gia vào việc trùng tu.
Đức Tổng nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận:
“Mọi người đều quan tâm đến công trình này, bởi vì đây là công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật có giá trị lâu dài. Với thời gian, công trình bị hư hại quá nhiều, cho nên cần phải được trùng tu đúng kỹ thuật, bài bản và có sự đóng góp của các chuyên gia Châu Âu.
Ai cũng mong muốn làm sớm, hoàn thành mau, nhưng công việc quá khó khăn, không thể thực hiện trong thời gian ngắn được, chắc chắn tốn nhiều thời gian, nhiều công sức, tiền bạc, công trình không thể làm vội được.
Chúng ta phó thác cho Chúa, và mỗi người cùng hiệp thông đóng góp cách này hay cách khác.
Cha Tổng Đại diện - đang chủ trì công trình đại tu này - cũng muốn hoàn thành sớm, nhưng với tính chất công việc, công trình đồ sộ và hư hỏng quá nhiều như thế này thì phải chấp nhận thời gian lâu dài thôi.
Tôi cũng hợp ý với toàn thể dân Chúa trong Tổng giáo phận cùng cầu nguyện, hợp lực lại. Với sự hiệp thông, chúng ta sẽ hoàn tất công trình.”
Riêng Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, sau khi thăm công trình, đã chia sẻ 3 niềm vui:
- Vui vì mặc dù phải trải qua đại dịch với những khó khăn, cha Tổng Đại diện, các chuyên gia, cũng như các anh em kỹ sư và công nhân vẫn hết lòng cho công trình.
- Vui vì nhìn thấy mái ngói nhà thờ rất đẹp, được lợp với những viên ngói Marseille - mà viên đầu tiên đã được chính ngài đặt lên vào ngày 14-9-2018.
- Vui vì thấy rằng những hư hại nghiêm trọng đã được khám phá để sửa chữa và bảo trì kịp thời.
Cuộc viếng thăm công trình đã kết thúc vào lúc 17g với niềm vui được diễn tả đặc biệt trong tấm hình chụp chung trước Nhà thờ Đức Bà.
Chụp hình lưu niệm.
Đức Khâm sứ kết thúc buổi thăm công trình trùng tu Nhà Thờ Đức Bà.
Đức Khâm sứ chào tạm biệt.
Chú thích:
[1] Ông Ghislain - với 38 năm kinh nghiệm trùng tu - đã thực hiện nhiều công trình quan trọng bên Bỉ như:
- Toà Thị Chính ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ;
- Nhà thờ Đức Bà Tournai 800 năm tuổi, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2000;
- Và nhiều công trình cổ khác ở Châu Âu...
Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose thăm Công trình Trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn
-
Tháo dỡ hai cây Thánh giá 127 năm tuổi trên đỉnh tháp kẽm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn -
Dàn Carillon 25 chuông tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đi thị sát Công trình Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thay mới vì kèo thép Mái Âm Dương - C1 -
Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Bốn hạng mục đang thi công tháng 11 năm 2020 -
Thư Mục vụ: Tiếp tục trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Báo cáo của Ban Trùng Tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (2019 - 2020) -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Tháo ngói vảy cá mái B1
bài liên quan đọc nhiều
- Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo
-
Thư ngỏ: Trùng tu nhà thờ Đức Bà năm 2019 -
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose thăm Công trình Trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn -
Báo cáo của Ban Trùng Tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (2019 - 2020) -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn -
Thư Mục vụ: Tiếp tục trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Các việc đã làm trong năm 2018 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đi thị sát Công trình Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Tháo ngói vảy cá mái B1 -
Thánh lễ Nhậm chức Chánh sở Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn