Dàn Carillon 25 chuông tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
23.12.2022
1. Chức năng và ý nghĩa của tiếng chuông
Việc sử dụng chuông có một truyền thống vẻ vang và lâu đời trong lịch sử Hội thánh Công giáo. Dù là loại chuông nhỏ cầm tay hay những quả chuông khổng lồ treo trên tháp chuông của một đại thánh đường, tất cả đều được đúc bằng đồng (có thể pha vàng), có cấu trúc miệng loe. Nhờ chất liệu và cấu trúc như thế, cộng với cơ chế hoạt động dùng quả lắc tác động từ phía trong nên tiếng chuông phát ra có đặc tính hướng ngoại, vang xa. Vì thế, tiếng chuông được dùng như hiệu báo cho các sinh hoạt hay một sự kiện quan trọng trong đời sống giáo hội.
Tiếng chuông được vang lên vào những thời gian cố định trong ngày để tập họp các tín hữu cho các buổi cử hành phụng vụ. Trong diễn tiến của cử hành thánh lễ hay giờ chầu Thánh Thể, chuông lắc tay cũng được sử dụng vào những thời điểm quan trọng để nhắc nhở người ta tập trung hay diễn tả niềm vui, sự uy nghi, thánh thiện.
Ngoài các giờ thờ phượng chung, nhiều Nhà thờ cũng rung chuông ba lần trong ngày (lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều), mời gọi tín hữu đọc Kinh Lạy Cha dù ở bất cứ nơi nào khi nghe tiếng chuông.
Tiếng chuông còn được dùng để loan báo một sự kiện hay chào đón một chức sắc quan trọng trong giáo hội.
Chuông Nhà thờ không chỉ ngân vang những âm thanh tươi sáng, gắn liền với các thông điệp vui mừng. Thỉnh thoảng tiếng chuông lại trở nên rời rạc, trầm buồn để thông báo sự ra đi của một thành viên trong cộng đoàn. Trường hợp này được gọi là tiếng chuông sầu hay chuông báo tử.
Nói chung, âm thanh của tiếng chuông thánh đường đã trở nên quen thuộc và là một yếu tố gắn liền với đời sống thường nhật của người Công giáo. Tiếng chuông Nhà thờ thanh thoát bay bổng không chỉ dừng lại ở chức năng báo hiệu mà một cách nào đó còn liên kết với cảm xúc tâm tình của người tín hữu: tạ ơn hay cầu khẩn, vui mừng hay đau buồn… Tiếng chuông Nhà thờ có thể ví như những cung nhạc thánh thiện dẫn lối và nâng tâm hồn con người lên với Thiên Chúa dù cho họ là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trí thức hay bình dân… Đồng thời, tiếng chuông giúp người ta hướng về nhau trong sự hiệp thông chia sẻ, đem lại ý nghĩa cao đẹp hơn cho cuộc sống con người.
Theo thời gian, tiếng chuông tiếp tục vang xa và đi ra khỏi các sinh hoạt của Nhà thờ hay của một cộng đoàn kitô hữu: chuông vang lên nhiều lần hơn trong ngày để đảm nhận chức năng báo giờ cho cả một vùng lân cận. Đôi khi, tiếng chuông Nhà thờ cũng được rung để loan báo các sự kiện dân sự, tưởng niệm một biến cố hay cảnh báo mối nguy hiểm sắp xảy ra cho cộng đồng (như lốc xoáy, lũ lụt, hỏa hoạn…).
Từ thế kỷ 15, tiếng chuông dần được nâng cấp từ công cụ thành một loại nhạc cụ được gọi là “carillon”. Với những quả chuông nhiều kích cỡ và tạo ra những cung bậc khác nhau, bộ chuông carillon có thể tạo nên những giai điệu tuyệt vời để tiếp tục tôn vinh Thiên Chúa cũng như điểm tô cho tâm hồn và cuộc sống con người.
2. Tại sao phải mua dàn carillon 25 chuông
Khi Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng của chúng ta về nhận Tổng Giáo phận vào sáng ngày 11.12.2019 trong niềm phấn khởi chung của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, tôi cho đổ dàn chuông 6 cái của hãng Bollée trong suốt 15 phút. Khi biết được sự việc này, Tập đoàn Monument (Bỉ) đã điện ngay cho tôi đề nghị không cho đổ chuông nữa vì sự an toàn của tháp chuông, đặc biệt là của Nhà thờ cho tới khi trùng tu xong Nhà thờ Đức Bà, dự kiến vào cuối năm 2027. Do đó, trong thánh lễ ngày 18.01.2020, tại Nhà thờ Đức Bà, tôi đã chính thức công bố tạm ngưng đổ chuông sau khi có báo cáo khảo sát hệ kết cấu dàn chuông bằng gỗ bị hư hại nặng nề, rỗng mục bên trong của Công ty Monument Stability Contractor thuộc Tập đoàn Monument. Hơn một năm sau, trong lúc đợi 6 chuông hiện tại (tháp bên phía Bưu điện có 4 quả chuông Sol-Đô-Rê-Mi và tháp phía bên trường Hoà Bình có 2 quả chuông La-Si) và hệ kết cấu khung đỡ chuông được trùng tu, Toà Tổng Giám mục và Ban trùng tu đã xem xét, lựa chọn đặt mua dàn chuông carillon để vừa tiếp tục có chuông cho sinh hoạt phụng vụ, vì Nhà thờ không có chuông thì rất buồn, vừa có một dàn giao hưởng chuông để phục vụ cộng đoàn, cũng như tạo sự thu hút cho mọi người, khách trong nước cũng như cho khách nước ngoài mỗi khi tới thăm khu vực trung tâm thành phố.
Số lượng chuông không chỉ là chi phí đầu tư mà còn phải phù hợp với không gian, vị trí lắp đặt vì Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn hiện vẫn đang trong giai đoạn trùng tu nên sau nhiều cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, tôi mới quyết định mua 25 chuông.
Gỗ sử dụng cho dàn chuông carillon có thể dùng hoặc thép hoặc gỗ làm khung đỡ kết cấu. Sau khi được tư vấn, tôi quyết định sử dụng gỗ. Tuy nhiên, việc chọn lựa gỗ cũng là một hành trình rất gian nan vì muốn loại gỗ phù hợp với kết cấu (chịu lực, chịu rung lắc, vv), với khí hậu, thời tiết nóng, ẩm của Sài Gòn là một việc không dễ dàng chút nào. Sau nhiều lần trao đổi, thông tin qua lại và thử nghiệm, hãng Perrot và Ban trùng tu đã chọn gỗ Douglesia Fir của Đức, tiếng Việt gọi là gỗ Linh sam được hãng Mueller gia công, xử lý, chế tác tại Đức trước khi chuyển đến lắp dựng tại Perrot. Quy trình gia công chế biến gỗ được hãng Muller tuân thủ nghiêm ngặt qui trình để đảm bảo chất lượng gỗ thành phẩm. Hãng Mueller đã sử dụng kỹ thuật xẻ, cắt theo truyền thống chế biến gỗ lâu đời của vùng “Black forest” nổi tiếng về gỗ của Đức để khi ráp thành hệ ghế chuông thì không bị vặn, xoắn trong quá trình chuông rung, lắc. Bề mặt gỗ được làm nhẵn bằng giấy nhám chuyên dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, không sử dụng bất cứ lớp phủ bề mặt nào để gỗ được “thở” tự nhiên.
Đặc biệt hơn nữa, liên kết gỗ của kết cấu khung đỡ dàn carillon không sử dụng bulong ốc vít mà theo truyền thống cổ, ghép mộng, nêm gỗ để hạn chế tối đa việc dội âm thanh “kim loại và kim loại”, giúp chất lượng âm thanh dàn chuông đạt cao nhất. Gỗ Linh sam Douglesia Fir không quá nhạy cảm với độ ẩm, thường được dùng trong kết cấu và xây dựng nhờ khả năng chịu lực vượt trội. Gỗ có độ bền lâu dài theo thời gian, không dễ bị hư hại, không có mùi gây khó chịu cho người.
Một số đặc điểm kỹ thuật khác của gỗ linh sam Douglesia Fir.
Chất lượng bề mặt đẹp. Độ bám đinh vít và khả năng chống nứt tét rất cao
Kết dính tốt với nhiều loại chất kết dính khác nhau trong các điều kiện kết dính khác nhau.
Khả năng chịu chà nhám, ăn màu và ăn sơn rất lớn. Ngày 29.11.2022 dàn chuông carillon đã về tới Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Ngày 06.12.2022 đến 17.12.2022 chuyên gia của Perrot (Ông Berthold Rapp và ông Karl Dennie Leonhardt) đã có mặt tại công trường Nhà thờ Đức Bà để hướng dẫn lắp đặt và vận hành nghiệm thu.
3. Tại sao lại đặt mua chuông của hãng Perrot mà không mua chuông của hãng khác?
* Hãng Perrot GmbH & Co. KG do bốn anh em nhà Perrot thành lập năm 1860, có trụ sở tại Carl-Benz-Str. 10 - D-75365 Calw, Đức, chuyên gia công, chế tạo chuông và đồng hồ cỡ lớn (Tower Clocks and Bell Ringers) đặc biệt phục chế và trùng tu các đồng hồ, chuông, dàn chuông cổ.
* Từ năm 1993 tới nay, 3 anh em nhà Perrot (Christoph Perrot, Johannes Perrot và Andreas Perrot) tiếp tục quản lý vận hành Perrot GmbH & Co. KG
* Hơn 155 năm tồn tại và phát triển, Perrot đã thực hiện cung cấp mới và trùng tu rất nhiều các tháp chuông, dàn chuông, các đồng hồ chuông, đồng hồ thiên văn học, vv ở Châu Âu và trên thế giới.
Điển hình như:
Chế tạo và cung cấp dàn chuông tự động cho vùng Kevelaer gồm 48 chuông, tại Đức Kevelaer là một thị trấn thuộc huyện Kleve, vùng North Rhine-Westphalia ở Đức. Đây là địa điểm hành hương Công giáo lớn nhất ở Tây Bắc Châu Âu. Hơn 1 triệu người hành hương, chủ yếu từ Đức và Hà Lan, đến thăm Kevelaer hàng năm để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.
Năm 1987, Đức Thánh Giáo hoàng John Paul II đã tới thăm “Nhà nguyện của lòng thương xót” (Chapel of Mercy)
Chế tạo và cung cấp đồng hồ thiên văn học cỡ đại cho Liên minh tín dụng và quỹ tiết kiệm Pforzheim, Đức.
4. Cuối cùng, trọng kính Đức Tổng
Khi đặt dàn carillon với 25 quả chuông bằng đồng pha kẽm cùng với một số kim loại quý khác, con nhớ đến 4 Đức Tổng của Tổng Giáo phận thân yêu kể từ khi Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam vào ngày 24.11.1960 với 3 giáo tỉnh Hà Nội (Miền Bắc), Huế (Miền Trung) và Sài Gòn (Miền Nam). Trong đó có 3 Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Riêng tại Sài Gòn, từ ngày 24.11.1960 đến nay có 4 vị Tổng Giám mục Chính tòa: Đức Cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình (02.04.1961 - 01.07.1995), Đức Hồng Y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (02.04.1995 - 22.04.2014) đang nghỉ hưu, Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, người đưa ra quyết định đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà vào Lễ Dầu năm 2015 và Đức Tổng kính yêu của tất cả chúng con Giuse Nguyễn Năng, người cha chung của Tổng Giáo phận. Đó là bốn Đức Tổng mà con được may mắn phục vụ từ ngày 29.06.1985 tới nay. Con đã cho khắc tên các đấng vào 4 chuông, 5 chuông còn lại là tên của quý ân nhân giúp Toà Tổng mua được dàn carillon độc đáo này, và 16 chuông nhỏ hơn là tất cả các ân nhân khác, trong nước cũng như hải ngoại, đã âm thầm quảng đại đóng góp cho công trình đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà thuộc các Giáo xứ từ năm 2015 cho đến nay và con tin rằng sự giúp đỡ này sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi kết thúc công trình trùng tu vào cuối năm 2027.
Điều quan trọng nhất, bonne surprise mà chúng con muốn dành cho Đức Tổng: là tất cả chúng con xin mừng sinh nhật 70 của Đức Tổng (24.11.1952 - 24.11.2022), mà trong quả chuông khắc tên của Đức Tổng, có chữ Happy Birthday, xin Chúa ban muôn ơn lành cho Đức Tổng, đặc biệt là sức khoẻ để Đức Tổng sống lâu với chúng con.
Tất cả chúng con đồng chúc mừng.
Ảnh: Sơn Nữ, SPC
bài liên quan mới nhất
- Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose thăm Công trình Trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn
-
Tháo dỡ hai cây Thánh giá 127 năm tuổi trên đỉnh tháp kẽm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn -
Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam thăm công trình trùng tu nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đi thị sát Công trình Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thay mới vì kèo thép Mái Âm Dương - C1 -
Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Bốn hạng mục đang thi công tháng 11 năm 2020 -
Thư Mục vụ: Tiếp tục trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Báo cáo của Ban Trùng Tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (2019 - 2020) -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Tháo ngói vảy cá mái B1
bài liên quan đọc nhiều
- Trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Thông tin về nhóm lừa đảo
-
Thư ngỏ: Trùng tu nhà thờ Đức Bà năm 2019 -
Báo cáo của Ban Trùng Tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (2019 - 2020) -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn -
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose thăm Công trình Trùng tu Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn -
Thư Mục vụ: Tiếp tục trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Các việc đã làm trong năm 2018 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đi thị sát Công trình Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn -
Trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn: Tháo ngói vảy cá mái B1 -
Thánh lễ Nhậm chức Chánh sở Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn