Khóa hội thảo: Lãnh đạo dòng tu trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót - Ngày thứ hai

Khóa hội thảo: Lãnh đạo dòng tu trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót - Ngày thứ hai

WGPSG -- “Chỉ có Chúa Thánh Thần, mới mở cửa con tim chúng ta trước tiếng mời gọi của Thiên Chúa và giúp chúng ta lắng nghe và cảm nhận được tiếng kêu khẩn thiết của người nghèo vang lên từ khắp mọi nơi cùng với tiếng gọi thiết tha từ những anh chị em đang tích cực dấn thân vào thế giới hôm nay của các Hội Dòng…”  Linh mục Tôma Vũ Quang Trung, S.J. đã cầu nguyện như thế, để dẫn các tham dự viên bước vào ngày hội thảo thứ hai, khóa Hội Thảo “Lãnh đạo Dòng tu trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót” do Ủy Ban Tu Sĩ trực thuộc HĐGMVN tổ chức trong hai ngày 22-23/8/2016 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP.TPHCM,

Sáng thứ Ba 23/08/2016

Ngày thứ hai: Tầm nhìn về lãnh đạo trong đời sống Thánh Hiến

Cầu nguyện khai mạc

Bước vào ngày hội thảo thứ hai, cha Antôn Hưng T. Phạm, S.J. hướng dẫn cộng đoàn đi vào giờ cầu nguyện một cách trầm lắng, với chủ đề “Hãy mở cánh cửa Lòng Thương Xót”, khởi từ lời bài hát và hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và các thành phần dân Chúa đưa tay sờ vào cánh cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót để cầu nguyện, để con tim được mở ra trước tác động của Chúa Thánh Thần. Những hình ảnh Đức Thánh Cha đón nhận, an ủi, xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần của những bệnh nhân, các em bé, các cụ già và kể cả các tu sĩ đã giúp các tham dự viên đi dần vào bầu khí trầm lắng và cầu nguyện.

 Cha Antôn đã trích lại Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các linh mục, nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa New York ngày 24/9/2015: “…Tôi biết rằng nhiều người trong số anh chị em đang ở tuyến đầu trong việc đáp ứng những thách thức của việc thích nghi mục vụ đang tiến hoá. Dù phải đối mặt với những khó khăn và thử thách như thế nào đi nữa, tôi xin anh chị em, như Thánh Phêrô, giữ cho tâm hồn bình an và đáp lại những vấn nạn ấy như Chúa Kitô đã làm: Ngài tạ ơn Cha, vác lấy thập giá mình và nhìn về phía trước!”

Tiếp theo, cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J dẫn cộng đoàn vào lời cầu nguyện : “Chỉ có Chúa Thánh Thần, mới mở cửa con tim chúng ta trước tiếng mời gọi của Thiên Chúa và giúp chúng ta lắng nghe và cảm nhận được tiếng kêu khẩn thiết của người nghèo vang lên từ khắp mọi nơi cùng với tiếng gọi thiết tha từ những anh chị em đang tích cực dấn thân vào thế giới hôm nay của các Hội Dòng. Ngài mời gọi chúng ta đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi cộng đoàn, để chúng ta có thể đến những vùng ngoại biên địa lý hay biên cương tinh thần, để gặp gỡ những con người bị loại trừ khỏi xã hội, những con người bị bỏ rơi, những người không được quý mến, kể cả những người giàu có về tiền bạc nhưng nghèo về ý nghĩa cuộc sống, những người đầy tài năng những thiếu vắng lòng hy vọng và không hiểu được tại sao tôi có mặt trong cuộc sống này, những ngưởi bị bỏ rơi trong xã hội, những người không được ai quan tâm chăm sóc.... Chính vì muốn đáp lại các tiếng gọi khẩn thiết đó mà chúng ta đã để Chúa sai đi như những chứng nhân của lòng thương xót”.

Hội thảo

Sau giờ cầu nguyện,  Nữ tu Agata Nguyễn Thị Phượng Linh và Nữ tu Isave Huỳnh Thị Bích Thủy thuộc Dòng Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG), trình bày đề tài “Hiệp nhất trong đa dạng” với hai phần : - Nhận định về hiện trạng lãnh đạo trong các dòng nữ tại Việt Nam. -  Hiệp nhất trong đa dạng như một nguyên tắc về lãnh đạo của Dòng Đức Bà Truyền Giáo.

Nhận định về hiện trạng lãnh đạo trong các dòng nữ tại Việt Nam, nữ tu Phượng Linh đã nêu lên một số khía cạnh còn tồn tại đây đó trong cách lãnh đạo dòng tu với ba cách chính: (1) Việc lạm dụng quyền bính (2) Óc bè phái và (3) Thiếu lắng nghe và đối thoại.

Qua phần trình bày về sự Hiệp nhất trong đa dạng như một nguyên tắc lãnh đạo của Dòng ĐBTG, nữ tu Bích Thủy đã lấy nền tảng chính từ Lời Chúa, Giáo huấn Giáo Hội và bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với linh đạo Chúa Ba Ngôi và tinh thần của Mẹ Sáng Lập Dòng và chủ để của Tổng Hội mới đây của Hội Dòng: “Chúng ta là một – Chúng ta là tình yêu” để soi sáng cho nguyên tắc lãnh đạo này.

Để minh họa cho đề tài trình bày, nữ tu Bích Thủy cho các tham dự viên xem một đoạn video clip diễn tả nguyên tắc lãnh đạo “hiệp nhất trong đa dạng” từ cách liên kết của một số loài vật trong thiên nhiên biết cách liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự hướng dẫn một con vật lãnh đạo để bảo vệ nhau trước sức tấn công đầy nguy hiểm của các loài khác. Sau đó, chị đã mời gọi các tham dự viên chia sẻ cảm nhận sau khi xem video để nhận ra sức mạnh của sự đoàn kết, một lòng, một  ý của các thành viên trong một cộng đoàn với người lãnh đạo; người lãnh đạo phải biết duy trì sự hiệp nhất và liên đới với nhau nhằm tạo nên sức mạnh, biết quan tâm đến những thành viên trong cộng đoàn đang gặp khó khăn cần được trợ giúp, nâng đỡ, yêu thương trong hoàn cảnh hiểm nguy của mình.

Với kinh nghiệm lãnh đạo theo cách “Hiệp nhất trong đa dạng” của Dòng ĐBTG, vị lãnh đạo cần mời gọi các thành viên tham dự vào việc lấy quyết định ở mỗi cấp. Biết hợp tác nhân lực và trí lực để đạt mục tiêu chung. Biết phân quyền, trao quyền và chia sẻ trong tinh thần đồng trách nhiệm và sáng tạo.

Sau phần trình bày của hai nữ tu, cha Antôn Hưng Phạm, với vai trò là giáo sư, đã phản biện về bài thuyết trình theo cách thức học thuật. Cha nhận định: “Về ưu điểm bài viết khá táo bạo khi dám lấy chính linh đạo của Dòng ra chia sẻ với mọi người. Đây chính là lời mời gọi của Công đồng Vatican II tìm về căn tính của hội dòng mình. Mỗi căn tính của mỗi Dòng không phải Chúa chỉ ban cho Dòng đó thôi nhưng là cho toàn thể Giáo hội. Bài viết còn là kết quả của ba nữ tu cùng Dòng làm việc chung với nhau, nói lên được phương pháp “Hiệp nhất trong đa dạng” vì cách làm này rất khó. Tuy nhiên, như một thầy thuốc, bài viết mới chỉ đưa ra được các triệu chứng căn bệnh và dùng linh đạo và hiến pháp như là toa thuốc chữa trị mà chưa tìm hiểu được nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Bài viết vẫn có vẻ còn khá dè dặt chưa dám chia sẻ thẳng thắn những căng thẳng, những khó khăn thực tế trong Hội Dòng cho mọi người để cùng học kinh nghiệm.

Sau giờ giải lao, nữ tu Julia trình bày đề tài “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao” (Lc 24, 32). Chị đã mời gọi các tham dự viên lắng đọng tâm hồn để nhìn ra những giằng co, thách đố trong lòng trước những lời mời gọi đầy hứa hẹn của Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành… Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều, thật nhiều hoa trái…, đan kết giữa cành với thân cây và giữa những cành với nhau ….” (x. Ga 15, 5)

Cha Antôn tiếp tục dẫn dắt các tham dự viên nhận ra thách đố “Khởi từ đây, chúng ta sẽ đi đâu?” Cha đã hướng các tham dự viên cần làm cho lòng mình trống rỗng, cần tạo ra cho mình một không gian trống rỗng, kiến tạo một không gian mới để Chúa đổ đầy lòng thương xót của Người, để Người lấp đầy sự trống rỗng đó. Đây chính là cánh cửa mở ra cho một không gian mới của lòng thương xót. Từ đó, cha đưa ra gợi ý với ba câu hỏi để thảo luận nhóm: (1) Những cánh cửa nào tôi đang chạm vào từ hôm qua đến hôm nay? (2) Những bóng tối nào trong không gian của tôi đang cần đến ánh sáng? (3) Những không gian mới nào mà tôi muốn đi vào?

Sau khi họp tổ thảo luận, các thành viên trở lại hội trường thực hiện phút hồi tâm trong thinh lặng và cầu nguyện, với tiếng nhạc nhè nhẹ. Thư ký của mỗi tổ đọc lên một chữ, một câu trong  nhóm đã chọn để diễn tả không gian mới mà mình đang đi vào: lòng bao dung, hy vọng, yêu thương, hy vọng một tương lai tươi sáng, cứ yêu đi rồi bạn sẽ làm được tất cả, sống niềm vui, yêu thương để nên hiệp nhất, hạnh phúc, thể hiện một tình yêu thực tiễn, lắng nghe để mở ra với mọi biên cương, ở lại với Chúa và anh chị em mình, tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa, sợ hãi-căng thẳng-đầy thách đố nhưng tràn đầy hy vọng, hy vọng lòng Chúa xót thương, chạm đến lòng thương xót chị em mình, Ephrata: hãy mở ra, mở ra cho Chúa vào, mở ra để chạm đến chị em, để sinh nhiểu hoa trái...

Buổi chiều

Nữ tu Julia D.E.Prinz, VDMF trình bài về đề tài “Tầm nhìn về lãnh đạo trong đời sống thánh hiến” , Chị nói về những thách đố khi nhìn về tương lai, đi qua những không gian đã đi, không gian trong hiện tại để cùng nhau khám phá bốn phần: đối thoại-lắng nghe, yêu thương-tôn trọng, mở ra-hy vọng, lo sợ-giằng co.

Bầu khí trong hội trường được nóng lên và sôi nổi khi nữ tu Julia và cha Antôn hướng dẫn các tham dự viên thực hiện bài tập. Cha Antôn đã định vị 8 khía cạnh trên 8 cây cột trong hội trường: khả năng tổ chức, khả năng suy tư thần học, khả năng giao tiếp, khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng nhạy bén qua các dấu chỉ thời đại, khả năng biết dừng lại và quyết định, khả năng quản lý điều phối, khả năng hòa đồng cởi mở và thư giãn. Các tham dự viên nhìn vào chính mình di chuyển đến cây cột tương ứng với khả năng mình đang có để lập thành một nhóm. Từ đó, mỗi nhóm sẽ trả lời câu hỏi “Nhóm chúng ta nhìn về phía trước để  giải quyết những giằng co đó như thế nào?”

Những cách thức giải quyết khác nhau được thư ký từng nhóm chia sẻ rất thực tế và sáng tạo cùng với tràng pháo tay dòn dã hưởng ứng.

Nữ tu Julia đã giài thích cho các tham dự viên hiểu ý nghĩa của bài tập vừa qua, thấy được mối tương quan, tương trợ lẫn nhau trong ban lãnh đạo, thấy được điểm nổi trội bên cạnh điểm yếu để thấy hội dòng cần lưu tâm, giúp cho ban lãnh đạo làm việc hiệu quả và tăng trưởng, đồng lòng, cầu nguyện và hoạt động trong thánh ý Chúa.

Tiếp theo, cha Antôn hướng dẫn các tham dự viên lượng giá và phản hồi về hai ngày hội thảo theo hai câu hỏi: (1) Tôi có cảm nhận và muốn phản hồi, góp ý điều gì trong hai ngày hội thảo vừa qua? Để chuẩn bị cho buổi hội thảo lần tới, quý bề trên và các Hội Dòng có đề nghị gì?”  Các tham dự viên tích cực chia sẻ về niềm vui vì các phụ trách hội dòng có dịp ngồi lại với nhau để lắng nghe những thao thức của nhau. Nội dung hội thảo ích lợi, cách hội thảo mới mẻ, dành nhiều thời gian suy tư, cầu nguyện và chính tham dự viên được tham gia vào phần thuyết trình. Ngoài ra, các tham dự viên cũng có ước mong nên tổ chức những khóa hội thảo tương tự tại những vùng khác, cần mở rộng thêm những buổi hội thảo dành cho các nữ tu …

Sau khi lắng nghe phản hồi của các tham dự viên, cha Antôn chia sẻ về sự can đảm của các tham dự viên khi mạnh mẽ đi đến những vùng ngoại biên mới dù vẫn còn đôi chút nhút nhát, dè dặt và do dự khi tham gia chương trình. Cha cũng cho biết mình chưa hề có kinh nghiệm làm bề trên bao giờ nên cũng cảm thấy đầy giới hạn trước các nữ tu đã từng trải qua nhiều năm dầy dạn kinh nghiệm lãnh đạo hội Dòng. Các nữ tu đang lãnh đạo hội Dòng biết mình đã đi đến đâu và sẽ còn tiếp tục tiến vào các không gian mới vừa được mở ra qua khóa hội thảo này.

Nữ tu Julia cũng chia sẻ về cảm nhận khi cùng tổ chức 2 ngày hội thảo, với số lượng tham dự viên quá đông, nhưng vẫn đảm bảo giờ giấc và nội dung, đó là sự làm việc của Chúa Thánh Thần, và cảm thấy hạt giống đang nảy mầm nơi đây. Nữ tu Julia chia sẻ tiếp: “Tại sao Chúa Giêsu luôn chọn ngày Sa-bát để chữa lành cho người khác? Ta có bao giờ đặt câu hỏi một tuần có bảy ngày sao Chúa không chữa bệnh vào những ngày trong tuần mà Ngài cứ chọn chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Đó là trong Kinh Thánh sự sáng tạo đã kết thúc trong bảy ngày, nhưng Chúa muốn cho thấy rằng sự sáng tạo không bao giờ kết thúc mà vẫn được tiếp diễn. Đời sống Thánh hiến, đời sống tu trì cũng vậy, sự sáng tạo không bao giờ kết thúc. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục len lỏi vào đời sống tu trì của chúng ta và hiện diện ở đó để tiếp tục công trình sáng tạo đã khởi đầu...”

Khi nhận định chung về việc tổ chức khóa hội thảo, linh mục Tôma Vũ Quang Trung, S.J cho biết: khóa hội thào này đã được chuẩn bị cho cách đây 1 năm với chủ đề do Phân Khoa Thần Học Dòng Tên tại Berkeley đề nghị “Thăng tiến việc suy tư Thần học của các nữ tu Việt Nam.” Nếu khởi đi từ đề tài này để tổ chức hội thảo sẽ là một vấn đề rất khó và hầu chắc sẽ không có bao nhiêu người tham dự. Hiện nay đa số các nữ tu đi học nước ngoài về đã lãnh nhận rất nhiều trách nhiệm trong hội Dòng, khó lòng làm công việc chuyên môn, bằng chứng là trong tổng số 448 nữ tu tham dự nhưng chỉ có 8 nữ tu đến nhận cái cột “Khả năng suy tư Thần học” là của mình, một nhóm với con số bé nhất. Điều đó cho thấy công việc này hiện còn hết sức khó khăn. Vì thế, cha mới chuyển hướng đến vấn đề Huấn luyện và Quản trị là hai vần đề nóng bỏng trong các hội dòng tại Việt Nam.  Từ đó, cha đã chọn đề tài: “Lãnh đạo Dòng tu trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”. Đức Thánh Cha đã cảm nhận lòng Chúa Thương Xót và ngài đã mở ra năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha là nhà lãnh đạo hết sức đại tài theo gương mẫu Lòng Chúa Thương Xót. Qua các phản hồi và lương giá vừa qua của các tham dự viên, kết quả của khóa Hội thảo này thật tuyệt vời. Cha mời gọi các tham dự viên cùng tạ ơn Thiên Chúa, và hướng dẫn từng cá nhân viết bản lượng giá về hai buổi hội thảo.

Để khuyến khích việc nghiên cứu, đào sâu khía cạnh học thuật cho các nữ tu Việt Nam,  nữ tu Julia đã trao chứng chỉ “Thăng tiến phụ nữ về trí thức” cho ba nữ tu đã tham gia viết bài suy tư và thuyết trình trong khóa hội thảo: Nữ tu Agata Nguyễn Thị Phượng Linh, RNDM và Nữ tu Isave Huỳnh Thị Bích Thủy, RNDM thuộc Dòng Đức Bà Truyền Giáo - Nữ tu Têrêsa Phạm Hoàng Thanh Xuân, SCJM thuộc Dòng Chị Em Chúa Giêsu và Đức Maria.

Để kết thúc hai ngày hội thảo, Cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J. đã thay mặt Ban tổ chức trao quà để cám ơn hai vị giáo sư Thần học, đại diện Phân khoa Thần học Dòng Tên tại Berkeley thuộc Đại học  Santa Clara, California, Hoa Kỳ, là Nữ tu Julia và Cha Hưng Phạm S.J., đã đáp lại lời mời gọi của Ủy Ban Tu sĩ  thuộc HĐGMVN đến chia sẻ nội dung trong hai ngày hội thảo vừa qua. Cha cũng cám ơn sự hưởng ứng nồng nhiệt của quý bề trên các dòng nữ và các nữ tu đã đến tham dự hết sức đông đảo vượt ngoài dự tính.

Hai ngày hội thảo được khép lại trong lời ca tạ ơn Chúa và hướng về tương lai với Lòng Chúa Thương Xót sẽ làm cho đời sống Thánh Hiến tràn đầy tình yêu xót thương và là chứng tá rực sáng niềm vui Tin mừng.

Khóa hội thảo về “Lãnh đạo Dòng tu trong Năm Thánh Lòng Thương Xót” đã kết thúc vào lúc 17g00 cùng ngày trong niềm vui và bình an của các tham dự viên.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top