Khi bạo lực lên ngôi

Khi bạo lực lên ngôi

Những năm tháng gần đây, những ngày vừa qua đây, cả nước nói chung và hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không khỏi bàng hoàng trước những vụ án kinh khủng. Khi người ta bất đồng, khi người ta tư thù cá nhân người ta không còn đối thoại nữa nhưng người ta đã dùng vũ khí, dùng vũ lực để tước đoạt mạng sống của tha nhân. Hơn bao giờ hết, con người phải đối diện với một “bầu khí bạo lực” có thể xảy ra bất cứ lúc nào xung quanh môi trường sống của mình.

Chẳng biết do mâu thuẫn tình ái ái tình gì đó mà một cô gái tuổi đôi mươi đã cắt cổ người tình của mình. Nhân thân của cô gái ấy không phải là xấu. Cô đang ngồi trên ghế giảng đường, cô đang miệt mài đèn sách ấy chứ! Thế nhưng tại sao cô lại hành xử như vậy.

Trước chuyện cô sinh viên xinh gái cắt cổ người tình không lâu thì xảy ra một chuyện hết sức thương tâm ở Hải Dương - Hải Phòng. Cậu bé học trò đang ngồi ghế nhà trường năm cuối cấp bỗng dưng lại vào bốn bức tường của trại giam, chẳng biết số phận của cậu sẽ ra sao khi ra trước vành móng ngựa. Chuyện dẫn đến tội ác của chú đơn giản là vì cha chú không cho tiền chú chơi game nên chú hành xử như vậy.

Nguyên nhân trước của chuyện đó là gia đình khá giả, mẹ của chú đang đi lao động ở nước ngoài, cha của chú ở nhà “tòm tem” với một người đàn bà khác để rồi không còn đủ thời gian để chăm sóc chú như bao người đàn ông khác. Vùi đầu vào game để khuây khỏa cho cảnh “gà trống nuôi con” nhưng có “gà trống” cũng như không có.

Gia đình tan nát: cha chết, vợ bơ vơ, con vào tù chờ ngày kêu án!

Mới gần đây, chỉ va quẹt xe nhẹ với nhau thôi mà phải mất đến 2 mạng người. “Sát thủ” đã xin lỗi đối phương nhưng hình như lời xin lỗi ấy bất thành để rồi không còn lối thoát khi bị dồn nén nên án mạng đã không tránh khỏi.

Chỉ một chuyện hết sức nhỏ thôi mà hậu quả khôn lường đã đến với 5 gia đình: 3 chờ ngày xử án còn 2 gia đình còn lại mất chồng và mất cha. Thương cho bọn trẻ khi vừa mới lên năm lên ba mà vĩnh viễn không còn được nhìn thấy cha nữa.

Giờ đây nhìn lại chắc có lẽ người ta sẽ nói rằng: “giá mà!”. Mà thật! Lúc ấy, giá mà đôi bên từ bi hỉ xả thứ tha cho nhau thì ngày nay đâu có tổn thất nặng nề như vậy. Có giá thì mọi chuyện cũng đã rồi, có giá thì cũng chẳng lấy lại được hai người chồng, hai người cha của hai gia đình trẻ.

Chua xót cũng không kém khi thấy những bà mẹ trẻ bạo hành với chính đứa con ruột của mình. Chẳng hiểu tư thù cá nhân hay lý do gì đó mà cách đây vài ngày thôi, cả thành phố xôn xao quanh vụ trọng án. Có thể do mâu thuẫn, có thể do bức xúc, có thể do bị chèn ép để rồi hậu quả cũng thật khôn lường.

Giờ đây hai con người nghĩ lại chắc có lẽ cũng nghĩ rằng tại sao lúc đó họ quá tay như vậy. Có nghĩ lại đi chăng nữa thì không thể nào tìm lại được một mạng người đã mất.

Chứng kiến trước bao cảnh tan thương, bao cảnh bạo lực như vậy nhiều người quen tôi đều chung một quan niệm: “Ra đường, chẳng may va quẹt xe với ai đó thì vội vàng xin lỗi cho xong chứ không thì mất mạng hồi nào không biết!”

Bản thân tôi cũng đã không ít lần chứng kiến những cảnh bạo lực sau quẹt xe.

Sáng sớm trên con đường Hàm Nghi, một xe 7 chỗ quẹt với hai người đàn ông đi trên xe gắn máy. Hai người đàn ông ấy ra hiệu cho tài xế chạy đàng hoàng. Tưởng chừng ghi nhận sơ xót ấy nào dè tài xế xe dừng lại, rút ngay một cây sắt dưới yên xe và rượt đuổi hai người đàn ông kia đòi đánh họ.

Cùng buổi sáng hôm ấy, ngay góc đường Kỳ Đồng và Bà Huyện Thanh Quan, cũng một xe 7 chỗ và anh chàng đi xe gắn máy. Chẳng hiểu sao anh chàng đi xe 7 chỗ rút thanh sắt trong xe ra và rượt đuổi anh chàng đi xe Honda. Cuộc rượt đuổi ấy làm bà con đi đường một phen hú vía.
Chuyện bạo lực diễn ra ngoài đường đã là chuyện đáng nói. Chuyện còn đáng nói hơn nữa là chuyện bạo lực diễn ra ngay trong môi trường giáo dục, môi trường đào tạo, môi trường trồng người. Bạo lực học đường diễn ra ngay trong nhóm bạn cùng học với nhau, cùng ngồi chung ghế nhà trường vơi nhau. Đáng tiếc hơn nữa là những cảnh bạo lực ấy được tung lên mạng như là trò tiêu khiển.

Bạo lực ngoài đường, bạo lực học đường... đang rộ dần trong xã hội. Khi bạo lực nổ ra như vậy, chắc có lẽ ngành giáo dục phải đau đầu căng não.
Không biết là người ta có lạc quan tếu hay không khi người ta nhận định rằng Việt Nam đang trở thành một con hổ mới trong giáo dục và đào tạo ở Châu Á khi dựa trên sự đánh giá của tờ báo Christian Science Monitor của Mỹ. Người ta nói rằng sẽ có một Đại Học mới do giảng viên nước ngoài sang dạy để khởi đầu sự khiêm tốn cho thể hiện tham vọng của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục bậc cao.

Người ta còn lạc quan tếu rằng bằng việc đầu tư cho giáo dục bậc cao, Việt Nam hy vọng cạnh tranh với các nền kinh tế và khoa học trong khu vực như Hàn Quốc và Đài Loan. Từ năm 1990, tổng thu nhập quốc nội theo bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 10 lần, lên đến hơn 1.000 USD nhờ vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Không ai phủ nhận thu nhập bình quân đầu người tăng và cũng chẳng ai phủ nhận thu nhập của cả nước tăng.

Giáo dục Việt Nam đúng là trùm ... hổ như một ai đó nhận định. Người đó nói rằng toàn ra lò dân anh chị, nam sinh đâm chết nhau, nữ sinh khoe hàng tự sướng, phá thai, quần hôn, ăn chơi đú theo thời thượng. Giáo dục thì cải cách tới lui xuôi ngược, chữ "ba" không đọc bắt đứa nhỏ 4, 5 tuổi học trước chữ "mẹ". Con cái mới lớn 1,2 tuổi chưa nhớ mặt ba mẹ, bắt nhớ mặt ... Không chịu nổi +_+. Học phí + phí cơ sở vật chất + phí bồi dưỡng giáo viên + phí hội học sinh + phí dạy phụ đạo + phí dạy thêm + phí luyện thi + phí bổ sung trang thiết bị + phí khấu hao tài sản nhà trường + phí quỹ lớp + phí bất kỳ có thể " vẽ" ra được... trong khi lương công nhân viên còm cõi ba cọc ba đồng ép cha mẹ đóng cho đủ hết mới cho học mà không bị đay nghiến soi mói hay hạ bậc hạnh kiểm vì... cha mẹ không đóng đủ tiền.

Nhìn quả thì biết cây! Nếu có một nền giáo dục tốt ắt hẳn sẽ có những hoa quả tốt.

Ai nào đó cứ một lần qua Thái Lan, qua Singapore sẽ chiêm ngưỡng được những nền giáo dục thật tuyệt vời. Họ mới đúng là khiêm tốn thật! Nền giáo dục chất lượng cao nhưng chẳng bao giờ thấy họ vỗ ngực xưng tên họ là hùm này hay hổ nọ.

Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực xã hội tăng có ai dám phủ nhận chăng?

Muộn còn hơn không khi phải cùng nhau xây lại ngôi nhà giáo dục còn quá nhiều lỗ hổng, quá nhiều điều nghịch lý.

Nếu không thật tâm và can đảm ngồi lại để làm mới, để cân chỉnh lại nền giáo dục thì một thời gian không xa nữa bạo lực sẽ tràn lan xã hội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top