Khai mạc triển lãm tranh nghệ thuật "Đêm Đông Không Nhà"
WGPSG -- Cuộc triển lãm nghệ thuật gồm 149 tác phẩm với chủ đề: “ĐÊM ĐÔNG KHÔNG NHÀ” đã khai mạc vào lúc 17 giờ ngày thứ hai 21/12/2009 tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh nhà thờ Ba Chuông số 190 Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/12/2009.
Những làn gió nhẹ lành lạnh đã tràn về trên quê hương Việt Nam, đặc biệt không khí lành lạnh càng làm cho Sài Gòn thêm duyên dáng và đáng yêu hơn. Các thiếu nữ lại được dịp khoác những chiếc áo len mỏng, những khăn quàng cổ đủ kiểu, nhiều màu sắc, góp phần làm nên nét đẹp thanh lịch và quí phái của người Sài gòn. Cái lành lạnh ấy cũng báo hiệu một mùa Giáng sinh đang về, đường phố lại sáng chói với muôn ánh đèn màu rực rỡ, các tụ điểm vui chơi lại giới thiệu chương trình phục vụ Noel, mọi nhà, mọi người cũng có dự định của riêng mình.
Cảnh tượng trên thật đẹp. Thế nhưng nó lại tương phản hoàn toàn với hoàn cảnh cách đây hơn hai ngàn năm, khi Con Thiên Chúa giáng trần: Thiên Chúa đến thăm con người nhưng không được con người tiếp đón. Ngài bị từ chối trong đêm Giáng Sinh. Lang thang không nhà, Thiên Chúa phải chọn hang bò lừa hôi hám làm nơi hạ sinh, máng cỏ thành chiếc nôi, hơi thở súc vật thành hơi ấm để chống lại cái lạnh giá đêm đông.
Hình ảnh tương phản ấy không chỉ xảy ra cách đây hơn hai thiên niên kỷ, mà vẫn tiếp tục diễn ra trong mọi thời đại, và cả với con người chúng ta hằng ngày. Mùa Noel, bên cạnh những tụ điểm vui chơi, những buổi liên hoan đầy cao lương mỹ vị với những chai rượu ngoại đắt tiền khui nổ rất vui tai và những tiếng cười giòn vang thỏa mãn của những người giàu có đang diễn ra trong những ngôi nhà lầu cao ngất, thì ngoài kia, trên các đường phố, trong các công viên có những con người lang thang không biết đi về đâu hoặc nơi góc chợ, dưới gầm cầu vẫn còn đó những con người co ro trong lạnh lẽo và đói khát.
Cùng canh cánh một niềm đau với những con người bất hạnh đó, sau những ngày suy tư, trăn trở, 140 anh chị em gồm các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia quyết tâm làm một cái gì đó để đồng cảm, để sẻ chia với những Giêsu đang bị bỏ rơi, đang lạnh run, đói khát, đang lang thang giữa cuộc đời hôm nay. Các anh chị em đã đóng góp các tác phẩm nghệ thuật của mình với mục đích gây quỹ từ thiện, làm quà tặng cho những người nghèo khổ, lang thang không nhà trong dịp giao thừa sắp tới.
Được sự giúp đỡ của các linh mục Dòng Đa Minh, cha Anphong Vũ Đức Trung, Giám đốc Trung tâm Mục vụ, Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Bề trên Giám Tỉnh dòng Đa Minh VN, cha Phanxicô Đào Trung Hiệu, Chánh xứ nhà thờ Ba Chuông và cha Giuse Phạm Hưng Thịnh, Linh hướng, cuộc triển lãm nghệ thuật gồm 149 tác phẩm với chủ đề: “ĐÊM ĐÔNG KHÔNG NHÀ” đã khai mạc vào lúc 17 giờ ngày thứ hai 21/12/2009 tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh nhà thờ Ba Chuông số 190 Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/12/2009.
Cao đẹp quá! Tâm hồn và tài năng của nghệ sĩ, với khối óc cùng với đôi bàn tay tài hoa, không những đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa mà còn có giá trị làm đẹp cho cuộc đời. Với con tim rực cháy lửa yêu thương, các nghệ sĩ ấy đã hy sinh, cống hiến những tác phẩm đẹp của mình mong đem niềm vui đến cho những con người nghèo khổ. Những hoạt động âm thầm của anh chị em nghệ sĩ sau bao ngày tháng để tạo nên cái đẹp và thành quả mà họ đóng góp hôm nay đã dẫn những người thưởng ngoạn tới một đại dương mênh mông của cái đẹp. Lúc này, những hy sinh của các anh chị em nghệ sĩ đã trở thành chứng nhân của niềm hy vọng..
Nhớ lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong cuộc gặp gỡ giới nghệ sĩ ngày 21-11-2009 vừa qua khi Ngài khai triển vai trò của thẩm mỹ, của vẻ đẹp chân chính và khẳng định: “Thế giới chúng ta đang sống đang cần thẩm mỹ để không lún sâu trong tuyệt vọng. Thẩm mỹ, cũng như chân lý, là điều đổ tràn vui mừng vào tâm hồn con người.. Thời điểm hiện nay trên thế giới đầy những hiện tượng tiêu cực trong lãnh vực xã hội và kinh tế, sự suy giảm hy vọng và nghi kỵ trong các quan hệ giữa con người với nhau, vì thế người ta thấy gia tăng những dấu chỉ cam chịu, gây hấn, và tuyệt vọng..”
Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nghệ sĩ: “Quí vị là những người gìn giữ thẩm mỹ; nhờ tài năng của mình, quí vị có khả năng nói với con tim của nhân loại, đánh động sự nhạy cảm của cá nhân và tập thể, khơi dậy những mơ ước và hy vọng, mở rộng chân trời sự kiến thức và sự dấn thân của con người. Vì thế, quí vị hãy biết ơn vì những hồng ân đã nhận lãnh và hoàn toàn ý thức trách nhiệm lớn lao là thông truyền vẻ đẹp... Qua nghệ thuật, quí vị hãy trở thành những người loan truyền và chứng nhân của hy vọng cho nhân loại!” ( http://www.radiovaticana.org/vie/Articolo.asp?c=336330)
Thật cảm mến tấm lòng của các người nghệ sĩ hôm nay vì khi ngắm nhìn tác phẩm của các anh chị em nghệ sĩ như đang dẫn chúng tôi đến gần Thiên Chúa hơn, chúng tôi những khách thưởng ngoạn không biết nói gì hơn, xin mượn một câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thư Ngài gởi các nghệ sĩ cách đây 10 năm để tặng các anh chị em họa sĩ, nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia đã đóng góp công sức và tài năng của mình để làm nên buổi triển lãm hôm nay.
Cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người say mê cái đẹp như Thánh Âutinh mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa và rất mới, con yêu Chúa quá muộn màng.! (Tự thuật 10, 27) (Thư của ĐTC Gioan Phaolô II gởi các nghệ sĩ, số 16)
Nguyện xin Hồng ân Thiên Chúa đổ tràn xuống đôi tay, con tim và khối óc của các anh chị em nghệ sĩ để anh chị em sẽ còn tạo ra nhiều tác phẩm đẹp và những hành động đẹp, qua những cái đẹp của các anh chị em nghệ sĩ trao tặng cho đời sẽ làm cho cuộc sống hôm nay giảm bớt đi những căng thẳng, những bức xúc mà những người nghèo khổ lang thang không nhà đang mong đợi.
Noel sắp về! Chúng ta cùng đi đón mừng Con Thiên Chúa nhé. Hy vọng rằng Hài Nhi Giêsu năm nay sẽ bớt lạnh lẽo cô đơn.
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam