Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn

Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn

Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn

TGPSG---“Phải cầu nguyện để khơi dậy niềm hy vọng.”

Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng đã nhấn mạnh điều này khi giảng trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025 - được cử hành vào sáng Chúa nhật Lễ Thánh Gia, ngày 29.12.2024, tại nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn.

Đồng tế với ngài có Đức cha phụ tá Giuse Bùi Công Trác, linh mục Tổng đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân, cùng đông đảo các linh mục trong Tổng Giáo phận, với sự tham dự của các tu sĩ và rất đông giáo dân.

Lễ khai mạc Năm Thánh, do Đức TGM chủ sự, gồm 3 phần:

  • Nghi thức khởi sự
  • Nghi thức mở Cửa Năm Thánh
  • Thánh lễ

NGHI THỨC KHỞI SỰ

Đúng 8g30, trước tượng đài Đức Mẹ, Đức TGM Giuse đã khởi sự nghi thức khai mạc Năm Thánh. 

Sau giây phút cung nghinh Lời Chúa, linh mục chưởng ấn Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa đã công bố Sắc chỉ mở Năm Thánh năm 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô, với chủ đề: “Đức trông cậy không làm thất vọng”.

MỞ CỬA NĂM THÁNH

Tiếp theo, là nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Linh mục chưởng ấn Phaolô mời gọi: “Chúng ta hãy lên đường nhân Danh Chúa Kitô, Người là con đường dẫn đến Chúa Cha, là sự thật giải phóng chúng ta và là sự sống đã chiến thắng sự chết.”

Khi đoàn đồng tế tiến đến Cửa Thánh, Đức TGM đã gõ Cửa Thánh 3 lần. Cửa Thánh đã được mở ra từ bên trong để các tín hữu đón nhận kho tàng Lòng Thương Xót.

THÁNH LỄ

Thánh lễ khởi sự với nghi thức rảy nước thánh và đoàn rước đồng tế từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Giảng lễ

Trong bài giảng lễ, Đức TGM Giuse đã chia sẻ cùng cộng đoàn về ý nghĩa của Năm Thánh trong đời sống Kitô giáo.

Năm Thánh Hy Vọng

Ngài quảng diễn:

“Ngày 24/12 vừa qua, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức mở Cửa Năm Thánh, khai mạc Năm Thánh cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Ngày hôm nay, tất cả các nhà thờ Chính Tòa trên thế giới, bao gồm cả chúng ta, đều cử hành nghi thức mở Cửa Thánh."

Biến cố quan trọng

"Đây là một biến cố hết sức quan trọng. Dù trong thời gian gần đây, chúng ta đã quen thuộc với các Năm Thánh của giáo xứ, giáo phận hay dòng tu, nhưng Năm Thánh vẫn là một biến cố vĩ đại, một sự kiện lớn của Giáo Hội.

Theo thông lệ xưa, cứ 50 năm mới có một lần Năm Thánh, và sau này rút ngắn lại còn 25 năm, một thời gian dài chờ đợi để Cửa Thánh được mở ra, để chúng ta đón nhận kho tàng Lòng Thương Xót của Chúa, tha thứ cho các tội lỗi và hậu quả do tội gây ra.

Chúng ta đã chuẩn bị cho Năm Thánh này qua mùa Vọng, cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn, để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa."

Cửa Thánh: Biểu tượng của ân sủng mở ra

"Năm Thánh khởi sự với nghi thức mở Cửa. Cửa được mở ra vì từ trước đó, Cửa đã bị đóng. Lịch sử của nhân loại bắt đầu từ khi Adam và Eva phạm tội, dẫn đến việc con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng và cửa vườn bị đóng lại. Từ đó, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cái chết gia tăng trong thế giới, tạo ra một thế giới u tối, thiếu vắng ân sủng Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong suốt dòng lịch sử, các tiên tri đã giữ lửa hy vọng, kêu gọi Dân Chúa tin tưởng rằng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ mở cửa ân sủng.

Trong mùa Vọng, chúng ta thường nghe những lời kêu gọi mạnh mẽ, như trong bài hát 'Trời cao hãy đổ sương xuống', đó là những lời khẩn thiết xin Chúa đến cứu độ. Và khi Thiên Chúa gửi Con của Ngài xuống trần gian, chính Con của Thiên Chúa đã 'xé mây trời' và đến với chúng ta, mở ra Cửa ân sủng, đem lại ơn cứu độ."

Thời gian của ân sủng

"Chúa Giêsu, qua sự kiện Ngài đến trần gian, đã khai mở một thời kỳ ân sủng mới. Khi Chúa Giêsu đọc lời Kinh Thánh trong sách Isaia tại nguyện đường Caphanaum, Ngài nói: 'Thánh Thần Chúa ngự trên tôi... Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.' Đây chính là khởi điểm của Năm Thánh, là thời gian ân sủng mở ra cho tất cả chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống trong niềm hy vọng, để nhận ra rằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta cần có những khoảnh khắc mạnh mẽ, đặc biệt như Năm Thánh này, để củng cố niềm hy vọng và nâng đỡ chúng ta trên con đường theo Chúa."

Mở Cửa lòng mình đón Chúa

"Thiên Chúa đã mở Cửa ân sủng cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần phải mở cửa lòng mình để đón nhận Ngài. Như lời trong sách Khải Huyền, 'Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào trong nhà người ấy.' Cửa Thánh không chỉ là biểu tượng của việc mở cửa nhà thờ, mà còn là mời gọi chúng ta mở cửa tâm hồn để đón nhận Chúa và ân sủng của Ngài.

Chúng ta hãy mở cửa lòng mình để Chúa Giêsu ngự vào và sống trong chúng ta, như trong bài Tin Mừng đã nói: 'Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi.'"

Cảm hứng từ gia đình Thánh Gia

"Hôm nay, trong lễ Thánh Gia, chúng ta nhớ lại cuộc sống của gia đình Thánh Giuse và Đức Mẹ, những người đã trải qua những thử thách, đau khổ nhưng vẫn luôn hy vọng và phó thác vào lời hứa của Thiên Chúa. Gia đình Thánh Gia là hình mẫu về sự kiên nhẫn, tin tưởng vào sự hiện diện và sự cứu độ của Thiên Chúa."

Hy vọng cho một thế giới đang đau khổ

"Trong thế giới ngày nay, chúng ta chứng kiến những đau khổ và tăm tối, từ chiến tranh, nghèo đói, di cư, cho đến sự hủy diệt môi trường.

Chúng ta hãy sống niềm hy vọng Kitô giáo, trở thành những người lan tỏa niềm hy vọng ấy cho những ai đang đau khổ. Chính chúng ta là những người hành hương hy vọng, mang lại niềm tin và sự an ủi cho thế giới xung quanh."

Kêu gọi thực hành Lòng Thương Xót

"Trong Năm Thánh Hy Vọng này, chúng ta thực hành lòng thương xót, bằng cách trở thành niềm hy vọng cho những người xung quanh. Như lời trong sách Gióp, chúng ta được mời gọi trở thành tai cho người điếc, mắt cho người mù, và giúp đỡ những ai đang cần sự an ủi và nâng đỡ.

Mỗi lần thực hành lòng thương xót, chúng ta sẽ nhận được ơn toàn xá, và đây là cơ hội để chúng ta làm lan tỏa niềm hy vọng Kitô giáo, làm ngọn lửa sưởi ấm những trái tim lạnh giá."

Lời kêu gọi cầu nguyện và hy vọng

"Chúng ta hãy cầu nguyện để khơi dậy niềm hy vọng trong tâm hồn, vì chỉ khi cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra rằng: dù cuộc đời hiện tại đầy tăm tối, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng hy vọng ở cuối đường hầm.

Chúng ta không chỉ sống cho chính mình, mà còn cần lan tỏa niềm hy vọng này cho mọi người, trở thành niềm hy vọng cho những người đau khổ. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ thực sự sống trọn vẹn với ý nghĩa của Năm Thánh này.”

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30. Mọi người ra về khắc ghi lời mời gọi của Đức TGM Giuse: “Năm Thánh là thời gian của ân sủng. Giáo Hội mở kho tàng của Năm Thánh để chúng ta đón nhận ơn tha thứ và sức sống của Chúa. Hãy bước đi trong cuộc hành hương hy vọng, và tiến đến niềm hy vọng phục sinh cuối cùng.”

Bài: Xuân Đại & Ảnh: Đức Hoàng & Đắc Quyền (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top