Huấn thị 'Aetatis Novae - Thời đại mới'
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Huấn thị Thời đại mới (Aetatis Novae) VỀ VIỆC TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Nhân kỷ niệm 20 năm ban hành Huấn thị “Hiệp thông và Tiến bộ”
(Communio et progressio)
NHẬP ĐỀ
MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TRONG VIỆC TRUYỀN THÔNG CỦA LOÀI NGƯỜI
1. Khi một kỷ nguyên mới bắt đầu, sự bành trướng rộng rãi các phương tiện truyền thông của loài người đã ảnh hưởng sâu đậm tới nền văn hoá ở khắp mọi nơi. Những thay đổi có tính cách mạng trong công nghệ chỉ mới là một phần của những gì đang xảy ra. Ngày nay, không có nơi nào mà con người không bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông xã hội: từ các thái độ đạo đức và tôn giáo cho đến các hệ thống xã hội, chính trị và giáo dục.
Chẳng hạn, hiện nay chúng ta không thể nào không biết rằng những ranh giới địa lý và chính trị không còn mấy ý nghĩa nữa khi nhận thấy vai trò của các phương tiện truyền thông đã tạo ra những “thay đổi tận gốc” vào những năm 1989 và 1990, mà trong Thông điệp “Bách Chu niên” (Centesimus annus) Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có dịp trình bày ý nghĩa lịch sử của những thay đổi ấy[1].
Chúng ta cũng thấy rõ rằng “thánh điện (Areopagus) đầu tiên của thời kỳ hiện đại chính là thế giới truyền thông, đang thống nhất nhân loại lại với nhau và biến thành cái gọi là ‘ngôi làng toàn cầu’. Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi đối với nhiều người đó chính là phương thế chính yếu để thông tin và giáo dục, để hướng dẫn và kêu gọi con người trong những ứng xử của mình với tư cách một cá nhân, gia đình hay xã hội”[2].
Hơn một phần tư thế kỷ sau khi Công đồng Vatican II công bố Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội mang tên “Trong số những điều kỳ diệu” (Inter mirifica), và hai thập niên sau khi Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội ban hành Huấn thị Mục vụ “Hiệp thông và Tiến bộ” (Communio et progressio), nay Hội đồng lại muốn quan tâm đến những vấn đề mục vụ của tình hình hiện nay.
Chúng tôi muốn làm việc này với tinh thần được diễn tả trong những lời kết của Huấn thị “Hiệp thông và Tiến bộ”: “Dân Chúa đang bước đi trong lịch sử. Vì cùng tiến bước với thời đại, nên dân Chúa tin tưởng, thậm chí nhiệt tình, trông mong bất cứ điều gì mà việc phát triển các phương tiện truyền thông trong kỷ nguyên không gian này có thể mang lại”[3].
Tin chắc rằng những nguyên tắc và những trực giác của các văn kiện Công đồng và sau Công đồng ấy vẫn còn giá trị, chúng tôi muốn đem chúng ra ứng dụng vào những tình thế mới mẻ đang diễn ra hiện nay. Chúng tôi không có ý đưa ra những lời quyết định cuối cùng cho một tình thế đang thay đổi nhanh chóng, rất linh động và phức tạp mà chỉ muốn cung cấp một tài liệu làm việc và một sự động viên cho những ai đang phải đối phó với những vấn đề mục vụ do tình hình mới đặt ra.
2. Trong những năm sau khi Sắc lệnh “Trong số những điều kỳ diệu” và Huấn thị “Hiệp thông và Tiến bộ” được ban hành, người ta đã quen dần với các kiểu nói như “xã hội thông tin”, “văn hoá của các phương tiện truyền thông đại chúng” và “thế hệ truyền thông”. Những thuật ngữ như thế phản ánh một sự kiện rất đáng chú ý: hiện nay, có nhiều điều mà người ta biết và suy nghĩ về cuộc sống đã bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông; còn xét trên một phạm vi rộng lớn, có thể nói rằng kinh nghiệm con người bây giờ chính là kinh nghiệm thu nhận từ các phương tiện truyền thông.
Trong những thập niên gần đây, người ta còn chứng kiến những sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ truyền thông. Trong đó có cả sự thay đổi nhanh chóng của những công nghệ đã có sẵn và sự xuất hiện các phương tiện viễn thông mới với các công nghệ truyền thông mới như vệ tinh, truyền hình cáp, truyền tín hiệu bằng cáp quang, máy video-cassette, đĩa compact, công nghệ tạo ra hình ảnh bằng máy điện toán, các công nghệ điện toán và kỹ thuật số, nhiều thứ khác nữa. Từ chỗ sử dụng những phương tiện truyền thông mới mẻ, người ta đã nghĩ tới những loại “ngôn ngữ mới”, cũng như phát minh những khả năng mới cho Giáo Hội thi hành sứ mạng và giải quyết các vấn đề mục vụ mới.
3. Trước tình hình ấy, chúng tôi khuyến khích các chủ chăn và mọi người trong Giáo Hội hãy tìm hiểu sâu xa các vấn đề có liên quan tới việc truyền thông và các phương tiện truyền thông, đồng thời hãy biến những hiểu biết ấy của mình thành những chính sách và những chương trình làm việc khả thi.
“Khi các Nghị phụ Công đồng nhìn về tương lai, cố gắng nhận ra bối cảnh trong đó Chúa mời gọi Giáo Hội thi hành sứ mạng của mình, các ngài có thể đã thấy rõ rằng sự tiến bộ của công nghệ đang làm ‘thay đổi bộ mặt trái đất’, thậm chí đang vươn tới việc chinh phục không gian. Các ngài đã nhìn nhận rằng những sự phát triển trong liõnh vực công nghệ thông tin rất có khả năng tạo ra những phản ứng dây chuyền, đưa tới những hậu quảù khó lường”[4].
“Chẳng những không đề nghị Giáo Hội hãy đứng ngoài lề hay tìm cách tách mình khỏi dòng thác các biến cố ấy, các Nghị phụ Công đồng còn nhìn Giáo Hội đang có mặt ngay trong chính những tiến bộ của loài người, chia sẻ những kinh nghiệm của nhân loại, cố gắng thông cảm với họ và hiểu biết họ trong ánh sáng đức tin. Bổn phận của những người trung thành với Chúa là sử dụng một cách sáng tạo những phát minh và công nghệ mới để đem lại lợi ích cho nhân loại và hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới… bằng cách tận dụng hết tiềm năng của ‘thời đại điện toán’ hầu phục vụ ơn gọi vừa nhân bản vừa siêu nhiên của con người, và từ đó tôn vinh Thiên Chúa Cha, nguồn cội của tất cả mọi sự tốt lành”[5].
Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai đang chịu trách nhiệm sử dụng các phương tiện truyền thông một cách sáng tạo khắp nơi trong Giáo Hội. Dù gặp nhiều khó khăn - do nguồn vốn eo hẹp, do những trở ngại ngăn cản Giáo Hội tiếp cận các phương tiện truyền thông và do văn hoá, các giá trị và các thái độ sống không ngừng bị định hình lại khi các phương tiện truyền thông ra đời - đã có nhiều điều được thực hiện và sẽ tiếp tục được thực hiện. Các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân nhiệt tình tham gia công việc tông đồ hết sức quan trọng này, rất đáng được mọi người tri ân.
Cũng phải hoan nghênh những ai cố gắng mạo hiểm vào những việc cộng tác có liên quan đến truyền thông, mang tính đại kết, thu hút người Công giáo cũng như các anh chị em thuộc các giáo hội và cộng đồng khác, hay sự cộng tác liên tôn với các tôn giáo khác trên thế giới. Không chỉ khuyên mà còn “yêu cầu các Kitô hữu cùng làm việc chung với nhau một cách hiệu quả hơn trong việc thông tin và cùng hợp tác trực tiếp với các tôn giáo khác, để bảo đảm ngay trong chính việc truyền thông đại chúng luôn có sự hiện diện của tôn giáo cách thống nhất”[6].
Chương I: BỐI CẢNH CỦA VIỆC TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
A. Bối cảnh xã hội và văn hoá
4. Cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông xã hội hiện nay không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là sự hình thành lại một cách căn bản những yếu tố giúp con người hiểu thế giới chung quanh, kiểm chứng và diễn đạt những gì mình đã hiểu. Hình ảnh và ý tưởng luôn có sẵn được truyền đạt nhanh chóng từ châu lục này sang châu lục khác, những điều ấy đã để lại những hậu quả sâu xa, tích cực lẫn tiêu cực trên sự phát triển tâm lý, đạo đức và xã hội của con người hôm nay, trên cách tổ chức và vận hành xã hội, trên sự nhận thức và chuyển giao các giá trị, thế giới quan, ý thức hệ và những niềm tin tôn giáo. Cuộc cách mạng truyền thông còn tác động lên những nhận thức của con người về chính Giáo Hội, ảnh hưởng rất lớn trên các cơ cấu và các phương thức vận hành Giáo Hội.
Tất cả những điều này đều tạo ra những hậu quả mục vụ rất rõ ràng. Người ta có thể dùng các phương tiện thông tin để loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể dùng chúng để bắt Tin Mừng chết lặng trong tâm hồn con người. Vì quyện chặt với đời sống thường ngày của con người, nên các phương tiện truyền thông ảnh hưởng rất lớn trên cách nhận thức của con người về cuộc sống.
Thật vậy, các phương tiện truyền thông có sức mạnh lớn đến nỗi không những bắt người ta phải suy nghĩ mà còn ấn định người ta sẽ suy nghĩ về điều gì. Nhiều người cho rằng thực tại là những gì mà các phương tiện ấy cho là thật; còn những gì các phương tiện ấy không lưu tâm thì cũng chẳng quan trọng. Chẳng hạn các phương tiện truyền thông không biết tới những cá nhân và tập thể nào, thì trên thực tế có một sự im lặng về những đối tượng ấy; và cũng theo lối này người ta có thể không nghe thấy tiếng nói của Tin Mừng đâu cả, dù chưa phải là im hơi lặng tiếng hoàn toàn.
Vì vậy, các Kitô hữu cần phải tìm ra những phương cách bù đắp những thông tin thiếu sót ấy cho những người không tiếp cận được phương tiện truyền thông, đồng thời tạo điều kiện cho những người không có tiếng nói được lên tiếng.
Các phương tiện truyền thông có thừa sức củng cố thêm hay dẹp bỏ các điểm tham chiếu theo truyền thống về tôn giáo, văn hoá và gia đình. Điều này càng cho thấy rõ những lời của Công đồng vẫn còn giá trị: “Nếu muốn các phương tiện truyền thông được sử dụng đúng đắn, thì tất cả những người nào sử dụng chúng đều cần phải biết những nguyên tắc của trật tự luân lý và áp dụng những nguyên tắc ấy một cách trung thành vào lĩnh vực truyền thông này”[7].
B. Bối cảnh kinh tế và chính trị
5. Các cơ chế kinh tế của các quốc gia hiện nay gắn chặt với các hệ thống truyền thông hiện hành. Việc đầu tư cấp quốc gia vào cơ sở hạ tầng truyền thông cho hữu hiệu đã được mọi người coi là cần thiết để nền chính trị và kinh tế được phát triển. Chính phí tổn ngày càng tăng cho việc đầu tư ấy đã là nhân tố quan trọng khiến các chính phủ của nhiều nước chấp nhận những chính sách nhằm gia tăng sự cạnh tranh thị trường. Vì lý do này và nhiều lý do khác, các hệ thống viễn thông và truyền phát công cộng ở các cấp đã trở thành nạn nhân của những chính sách tư nhân hoá và thả nổi.
Trong lúc các hệ thống truyền thông công cộng có thể bị lạm dụng cách rõ ràng vào những mục đích như để cho chính trị và ý thức hệ tha hồ lèo lái, thì buông lỏng việc thương mại hoá và tư nhân hoá lĩnh vực truyền phát có thể đưa tới những hậu quả hết sức rộng lớn. Trong thực tế, và đây thường được coi là một vấn đề của chính sách chung, hiện nay quần chúng đã bớt tin tưởng sử dụng các làn sóng vô tuyến. Người ta đang có khuynh hướng lấy lợi nhuận chứ không phải sức phục vụ làm tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá sự thành công. Mục đích kiếm lời và mối quan tâm của các nhà quảng cáo đã gây ảnh hưởng quá đáng trên nội dung của truyền thông: Sự phổ biến rộng rãi được trọng dụng hơn phẩm chất, và lấy mẫu số chung thấp nhất làm tiêu chuẩn lại chiếm phần ưu thế. Các nhà quảng cáo lạm dụng vai trò hợp pháp của mình là phát hiện ra các nhu cầu đích thật và đáp ứng để tìm cách tạo ra những nhu cầu giả tạo và những kiểu cách tiêu thụ, hoàn toàn vì những động cơ lợi nhuận.
Các áp lực thương mại cũng đang vượt khỏi ranh giới các nước, làm thiệt hại các dân tộc cá biệt và nền văn hoá riêng của họ. Đứng trước tình hình cạnh tranh ngày càng tăng và nhu cầu cần phát triển các thị trường mới, các hãng truyền thông chưa bao giờ trở nên có tính “đa quốc gia” như hiện nay; bên cạnh đó, chính vì thiếu năng lực sản xuất tại chỗ mà nhiều quốc gia càng ngày càng phải lệ thuộc vào hàng hoá nước ngoài. Vì thế, sản phẩm truyền thông của nền văn hoá này tràn vào nền văn hoá khác, thường làm thiệt hại tới những hình thức nghệ thuật, các phương tiện truyền thông và các giá trị đã ổn định mà chúng thể hiện.
Giải pháp cho những vấn đề nảy sinh từ tình trạng thương mại hoá và tư nhân hoá thái quá không phải là giao cho nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông, mà là điều tiết cho đúng với các tiêu chuẩn phục vụ công chúng và chịu trách nhiệm công khai nhiều hơn. Đến đây, chúng ta cũng cần lưu ý là dù các cơ chế luật pháp và chính trị, trong đó các phương tiện truyền thông hoạt động, tại một số nước đang thay đổi nhiều để tình hình khả quan hơn, nhưng ở những nơi khác, chính quyền vẫn can thiệp vào, biến mình thành dụng cụ đàn áp và khai trừ.
Chương II: VAI TRÒ CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
6. Huấn thị “Hiệp thông và Tiến bộ” đã bám sát quan điểm coi truyền thông là một con đường đưa tới sự hiệp thông. Sở dĩ thế là vì “truyền thông không phải chỉ là một cách bày tỏ ý kiến và cho biết cảm xúc, mà còn là trao ban chính mình trong yêu thương”[8]. Nếu thế, việc truyền thông phản ánh sự hiệp thông của riêng Giáo Hội và có thể góp phần vào sự hiệp thông ấy.
Thật vậy, truyền thông sự thật có thể có sức cứu độ và có được như thế là do chính Đức Kitô, Ngài là Lời của Thiên Chúa đã trở thành xương thành thịt và là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Trong Ngài và qua Ngài, Thiên Chúa thông ban sự sống của mình cho con người nhờ sự hoạt động của Thánh Thần. “Kể từ khi vũ trụ được tạo thành, các thực tại vô hình, quyền năng vĩnh hằng và thần tính Thiên Chúa đều trở nên hữu hình, có thể nhận ra được qua những gì Ngài tạo thành”[9]; còn bây giờ: “Ngôi Lời đã trở thành xương thành thịt và cư ngụ giữa chúng ta, chúng ta đã thấy vinh quang của Ngài: vinh quang của Người Con Một xuất phát từ Chúa Cha, đầy tràn tình yêu”[10].
Nơi Ngôi Lời đã thành xương thành thịt ấy, Thiên Chúa thông ban chính mình một cách dứt khoát. Qua những lời nói và những việc Đức Giêsu làm, Lời có sức giải phóng, cứu độ hết mọi người. Thiên Chúa mặc khải mình một cách đầy yêu thương còn con người đáp lại trong đức tin, cả hai làm nên một cuộc đối thoại sâu sắc.
Lịch sử nhân loại cũng như mọi quan hệ của con người đều nằm trong khuôn khổ do việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình thể hiện nơi Đức Kitô. Bản thân lịch sử cũng được ấn định hướng tới việc trở thành một loại Lời Chúa, và một phần ơn gọi con người là đóng góp làm cho Lời Chúa ấy trở thành hiện thực, bằng cách mỗi người phải sống cho hết tình yêu hoà giải của Thiên Chúa mà Ngài không ngừng thông ban, sống một cách sáng tạo và mới mẻ. Chúng ta phải làm việc này thông qua lời nói đầy hy vọng và việc làm đầy tình yêu, tức là thông qua chính lối sống của chúng ta. Do đó, truyền thông là một việc phải được đặt làm trọng tâm của cộng đoàn Giáo Hội.
Đức Kitô vừa là nội dung vừa là cội nguồn sinh động của mọi sự thông tin khi Giáo Hội công bố Tin Mừng. Vì bản thân Giáo Hội là “Nhiệm thể Đức Kitô - sự hoàn chỉnh âm thầm của Đức Kitô vinh hiển - Đấng sung mãn trong toàn bộ công cuộc tạo dựng”[11]. Kết quả là trong Giáo Hội, với sự hỗ trợ của Lời Chúa và các bí tích, chúng ta đang tiến tới chỗ hy vọng sẽ có được sự hợp nhất cuối cùng, khi “Chúùa là tất cả trong mọi người”[12].
A. Các phương tiện truyền thông phục vụ con người và các nền văn hoá
7. Với tất cả những điều hay cái đẹp mà các phương tiện truyền thông làm được và có thể làm được, chúng “có thể là những công cụ hữu hiệu xây dựng sự hợp nhất và cảm thông, nhưng đôi khi cũng có thể là những phương tiện truyền bá một quan điểm méo mó về cuộc sống, gia đình, tôn giáo và luân lý - một quan điểm không hề tôn trọng phẩm giá và định mệnh thật sự của con người”[13]. Các phương tiện truyền thông cần phải tôn trọng và góp phần đem lại sự phát triển toàn diện con người, bao gồm những chiều kích văn hoá siêu việt và tôn giáo của cá nhân và xã hội”[14].
Người ta cũng nhận ra nguồn gốc của một số vấn đề cá nhân và xã hội là do thay thế sự tương tác qua lại giữa con người với nhau bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông ngày càng nhiều và gắn bó tha thiết với những nhân vật tưởng tượng trên các phương tiện truyền thông. Suy cho cùng, các phương tiện truyền thông không thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp của cá nhân và sự liên đới hành động giữa các thành viên trong gia đình và giữa bạn bè. Nhưng giải pháp cho vấn đề ấy có thể cũng do chính các phương tiện truyền thông, thông qua việc sử dụng chúng theo các cách thức như: đối thoại nhóm, các cuộc thảo luận về phim ảnh và các chương trình phát sóng, sẽ kích thích việc giao lưu giữa con người với nhau hơn là thay thế hẳn việc truyền thông ấy.
B. Các phương tiện truyền thông phục vụ việc đối thoại với thế giới
8. Công đồng Vatican II đã làm nổi bật nhận thức của dân Chúa là họ “thật sự liên kết mật thiết với nhân loại và lịch sử của nhân loại”[15]. Những ai công bố Lời Chúa cần phải chú ý và tìm cách hiểu “ngôn ngữ” của các dân tộc và các nền văn hoá khác nhau, để không những học hỏi nơi họ mà còn để giúp họ nhận ra và đón nhận Lời Chúa[16]. Thế nên, Giáo Hội phải duy trì một sự hiện diện tích cực và sẵn sàng lắng nghe trong tương quan với thế giới - sự hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa giúp đỡ con người tìm kiếm những giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội.
Ngoài ra, vì Giáo Hội luôn luôn phải truyền đạt thông điệp của mình một cách phù hợp với mỗi độ tuổi, phù hợp với các nền văn hoá của mỗi quốc gia và dân tộc nên Giáo Hội phải truyền đạt trong và hướng đến một nền văn hoá trong đó các phương tiện truyền thông càng ngày càng chiếm ưu thế[17]. Đây là điều kiện căn bản để đáp ứng một điều hết sức then chốt do Công đồng Vatican II nêu ra: “Những mối quan hệ văn hoá, kỹ thuật và xã hội” nối kết mọi người với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết, càng làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội - là đưa mọi người “kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô” - trở nên “khẩn cấp đặc biệt”[18]. Nhận thấy các phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng góp một cách hết sức quan trọng cho việc nỗ lực xây dựng sự kết hợp ấy, Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông là những phương thế “do Chúa quan phòng đặt ra” để đẩy mạnh việc truyền thông và hiệp thông giữa mọi người trong cuộc lữ hành trần gian này[19].
Do đó, trong khi tìm cách đối thoại với thế giới hiện nay, Giáo Hội nhất thiết ao ước được đối thoại cách chân thành và kính trọng đối với những người phụ trách các phương tiện truyền thông. Về phía mình, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu các phương tiện truyền thông - mục đích, tiến trình, những hình thức và thể loại, những cơ chế bên trong và thể thức - và cố gắng dành sự hỗ trợ và khuyến khích cho những ai tham gia công việc truyền thông ấy. Dựa trên sự hiểu biết và hỗ trợ đầy thiện cảm này, Giáo Hội hy vọng mình có thể đưa ra những đề xuất có ý nghĩa để gỡ bỏ những trở ngại cho sự tiến bộ của loài người và cho việc loan báo Tin Mừng.
Muốn có sự đối thoại như thế, Giáo Hội cần phải tích cực quan tâm tới các phương tiện truyền thông trần thế, nhất là quan tâm tới việc hình thành chính sách truyền thông xã hội. Các Kitô hữu có trách nhiệm làm sao cho tiếng nói của mình được mọi người nghe thấy qua tất cả các phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của các Kitô hữu không phải chỉ giới hạn ở việc cung cấp các tin tức về Giáo Hội. Sự đối thoại này cũng bao gồm việc Giáo Hội hỗ trợ các nghệ sĩ của các phương tiện truyền thông; nó đòi hỏi Giáo Hội phải khai triển một khoa nhân học và một khoa thần học về sự truyền thông - không phải ở mức tối thiểu, để bản thân thần học cũng mang tính truyền thông hơn, có khả năng phát hiện các giá trị Tin Mừng hơn và đem chúng áp dụng vào những thực tế hiện nay của con người; nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các người làm công tác mục vụ khôn ngoan và thiện chí hưởng ứng các phương tiện truyền thông mỗi khi được yêu cầu, đồng thời tìm cách thiết lập các quan hệ tin tưởng và tôn trọng nhau với những người không cùng đức tin với chúng ta, dựa trên các giá trị căn bản chung của hai bên.
C. Các phương tiện truyền thông phục vụ cộng đồng nhân loại và sự tiến bộ của nhân loại
9. Các phương tiện truyền thông sử dụng trong Giáo Hội và do Giáo Hội chủ yếu nhằm truyền thông Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó là loan báo Tin Mừng như những lời ngôn sứ, có sức giải thoát những người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta; đó cũng là lời chứng cho sự thật của Thiên Chúa và cho định mệnh siêu việt của con người trước hiện tượng tục hoá triệt để; đó còn là bằng chứng được trao tặng trong tình liên đới với mọi người có niềm tin nhằm chống lại xung đột, chia rẽ để đi tới công bằng và hiệp thông giữa các dân tộc, quốc gia và các nền văn hoá.
Sự hiểu biết việc truyền thông như thế về phía Giáo Hội sẽ soi sáng một cách độc đáo cho các công cuộc truyền thông xã hội, cho thấy vai trò mà Chúa quan phòng hướng các phương tiện truyền thông đến để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện con người và xã hội.
D. Các phương tiện truyền thông phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội
10. Song song với tất cả sự việc này, cũng cần liên tục nhắc lại tầm quan trọng của quyền căn bản là đối thoại và thông tin ngay trong chính nội bộ Giáo Hội, như đã được mô tả trong Huấn thị “Hiệp thông và Tiến bộ[20], và cần tiếp tục tìm kiếm các phương thức truyền thông hữu hiệu, kể cả phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách có trách nhiệm, để thực hiện và bảo vệ quyền này. Nói đến đây, chúng ta không thể không nhớ tới lời quả quyết của Bộ Giáo luật rằng các tín hữu không những tùng phục các vị chủ chăn Giáo Hội, mà còn “được tự do bày tỏ các nhu cầu thiêng liêng và các nguyện vọng của mình” với các chủ chăn[21], cũng như tuỳ vào sự hiểu biết, trình độ chuyên môn và vị thế của mình, các tín hữu có “quyền”, đôi khi còn có “bổn phận”, bày tỏ cho các chủ chăn biết quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến lợi ích Giáo Hội[22].
Một phần vì đó là cách để Giáo Hội duy trì và nâng cao khả năng đáng tin cậy và hiệu năng của mình. Nhưng, căn bản hơn, đó là một trong những cách để thể hiện cụ thể đặc tính “hiệp thông” (communio) của Giáo Hội, bắt nguồn và mô phỏng sự hiệp thông mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giữa các thành phần của những cộng đoàn làm nên Giáo Hội, có sự bình đẳng căn bản về phẩm giá và về sứ mạng, xuất phát từ Bí tích Rửa Tội, cũng như làm nền tảng cho cơ cấu phẩm trật, cho sự khác biệt về nhiệm vụ và chức năng. Và sự bình đẳng ấy nhất thiết phải được biểu lộ ra trong việc chân thành và tôn trọng chia sẽ thông tin cũng như ý kiến cho nhau.
Tuy nhiên, cũng nên nhớ kỹ rằng khi bất đồng ý kiến, “không phải cứ lấy công luận gây áp lực là sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề giáo lý, cũng như phục vụ chân lý”[23]. Thật vậy, “không phải ý kiến nào được loan truyền trong dân Chúa” là “đương nhiên được coi là ‘cảm thức đức tin’”[24].
Tại sao Giáo Hội lại lưu ý dân chúng có quyền được thông tin đúng đắn? Tại sao Giáo Hội nhấn mạnh đến quyền của mình là được công bố sự thật đáng tin cậy của Tin Mừng? Tại sao Giáo Hội lưu ý trách nhiệm của các vị chủ chăn là phải truyền đạt sự thật ấy và dạy tín hữu cũng làm như thế? Đó chính là vì muốn hiểu đầy đủ Giáo Hội nhắm tới việc truyền thông nào thì phải ý thức rằng Giáo Hội đặt nền tảng sự truyền thông trên việc Ngôi Lời Thiên Chúa thông truyền chính bản thân Ngài.
E. Các phương tiện truyền thông phục vụ công cuộc tân Phúc Âm hoá
11. Song song với các phương thức truyền thông theo truyền thống như làm chứng bằng đời sống, dạy giáo lý, tiếp xúc cá nhân, làm việc đạo đức bình dân, cử hành phụng vụ và các việc tương tự, hiện nay việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng trong việc Phúc Âm hoá và dạy giáo lý. Thật vậy, “Giáo Hội sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa, nếu không biết tận dụng những phương tiện ưu thế này mà con người nhờ kỹ năng của mình càng ngày càng làm cho chúng được tinh xảo hơn”[25]. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể và rất nên được coi là những công cụ giúp Giáo Hội thực hiện chương trình tái Phúc Âm hoá và tân Phúc Âm hoá trong thế giới hôm nay. Vì đã chứng minh được nguyên tắc cổ xưa “xem, xét, làm” là hữu hiệu, cũng cần lưu ý đặc biệt tới khía cạnh thính thị của các phương tiện truyền thông khi tổ chức việc Phúc Âm hoá.
Tuy nhiên, một điều cũng quan trọng không kém là khi tiếp cận với các phương tiện truyền thông và nền văn hoá mà các phương tiện ấy đã tốn nhiều công sức để hình thành nên, Giáo Hội cần phải luôn luôn nhớ rằng: “Không phải chỉ dùng các phương tiện ấy để phổ biến thông điệp Kitô giáo và giáo huấn đúng đắn của Giáo Hội là đủ, mà còn phải đưa thông điệp ấy ăn sâu vào “nền văn hoá mới” do các phương tiện hiện đại ấy tạo ra… với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và cả một tâm lý mới”[26]. Công cuộc Phúc Âm hoá hiện nay phải xuất phát từ sự có mặt tích cực và đầy thiện cảm của Giáo Hội ngay trong thế giới truyền thông.
Chương III: NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY
A. Cần có lượng định với óc phê bình
12. Ngay cả khi Giáo Hội tiếp cận với các phương tiện truyền thông một cách tích cực và thiện cảm, tìm cách hội nhập vào nền văn hoá do các phương tiện hiện đại ấy tạo ra để Phúc Âm hoá một cách hữu hiệu, Giáo Hội cũng cần phải đưa ra một sự lượng định với óc phê bình về các phương tiện truyền thông đại chúng và ảnh hưởng của chúng đối với văn hoá con người.
Như chúng ta thường nói, công nghệ truyền thông là một sự thể hiện tuyệt vời với tài năng của con người, và các phương tiện ấy đang đem lại vô số lợi ích cho xã hội. Nhưng, như chúng ta cũng đã nêu ra, ứng dụng công nghệ truyền thông là một sự may mắn pha lẫn rủi ro. Muốn dùng chúng cho các mục tiêu tốt thì phải có những giá trị lành mạnh và những lựa chọn khôn ngoan về phía các cá nhân, khu vực kinh tế tư nhân, chính phủ và xã hội nói chung. Giáo Hội không dám áp đặt những quyết định và lựa chọn, mà chỉ cố gắng giúp đỡ bằng cách chỉ cho thấy những tiêu chuẩn luân lý và đạo đức gắn liền với quá trình sử dụng các phương tiện ấy – là những tiêu chuẩn phải được tìm thấy ngay trong các giá trị vừa của loài người vừa của Kitô giáo.
B. Liên đới và phát triển toàn diện
13. Thực tế mà nói, có khi các phương tiện truyền thông quá phóng đại các vấn đề của cá nhân và xã hội một cách thái quá, làm cản trở tình liên đới nhân loại và sự phát triển toàn diện con người. Trong số những vấn đề làm cản trở ấy có chủ nghĩa tục hoá, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật, các hành vi phi nhân hoá và thái độ thiếu quan tâm tới tình cảnh của những người nghèo, những người bị bỏ quên[27].
Trước tình hình ấy, Giáo Hội vừa nhìn nhận các phương tiện truyền thông xã hội là “con đường ưu tuyển” để sáng tạo và truyền đạt văn hoá[28], vừa nhìn ra bổn phận của mình là cung cấp cho các nhà truyền thông chuyên nghiệp và quần chúng một sự đào tạo, để họ có thể tiếp cận các phương tiện ấy với “một óc phê bình, xuất phát từ lòng say mê sự thật”; cũng thế, Giáo Hội nhìn ra bổn phận của mình là dấn thân “bảo vệ tự do, tôn trọng phẩm giá cá nhân, nâng cao nền văn hoá chân chính của các dân tộc bằng cách can đảm và kiên trì bác bỏ mọi hình thức độc quyền và thao túng văn hoá”[29].
C. Các chính sách và cơ chế
14. Có một số vấn đề thuộc loại này phát sinh chủ yếu do các chính sách và các cơ chế truyền thông chẳng hạn: loại trừ một cách bất công một số tập thể và giai cấp không cho tiếp cận với các phương tiện truyền thông, cắt xén một cách hệ thống quyền căn bản là quyền thông tin tại một số nơi, hoặc để cho thành phần ưu tú về kinh tế, xã hội và chính trị bá quyền trên các phương tiện truyền thông.
Những sự việc ấy đi ngược lại với mục tiêu chính và bản chất của các phương tiện truyền thông, vì vai trò đúng đắn và cốt lõi của chúng là giúp thực hiện quyền thông tin căn bản của con người, là thúc đẩy sự công bằng khi theo đuổi ích lợi chung, và hậu thuẫn cho các cá nhân, tập thể và dân tộc tìm kiếm sự thật. Các phương tiện truyền thông đã thực hiện các nhiệm vụ then chốt ấy khi chúng tạo điều kiện cho sự trao đổi ý kiến và thông tin giữa mọi giai cấp và khu vực xã hội, cũng như khi chúng tạo cơ hội cho hết mọi tiếng nói có trách nhiệm được lắng nghe.
D. Bảo vệ quyền thông tin và truyền thông
15. Điều không thể chấp nhận được là việc thực hiện quyền tự do truyền thông lại phải lệ thuộc vào sự giàu có, trình độ giáo dục hay thế lực chính trị. Quyền thông tin là quyền của hết mọi người.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực đặc biệt của quốc gia và quốc tế, không chỉ nhằm giúp những người nghèo, người ít thế lực được tiếp cận các thông tin mà họ cần cho sự phát triển bản thân và xã hội, nhưng còn để bảo đảm cho họ thực hiện vai trò có trách nhiệm và có hiệu quả trong việc quyết định nội dung truyền thông, cơ chế và chính sách của các cơ quan truyền thông quốc gia.
Ở đâu có các cơ chế chính trị và luật pháp đang tạo điều kiện cho một thiểu số bá chủ các phương tiện truyền thông, ở đó Giáo Hội còn đòi hỏi phải có sự tôn trọng quyền truyền thông, bao gồm cả quyền tiếp cận các phương tiện truyền thông, đồng thời tìm kiếm những mô hình khác để thực thi quyền truyền thông cho các tín hữu của mình và cho dân chúng nói chung. Quyền truyền thông cũng nằm trong quyền tự do tôn giáo, một thứ tự do không chỉ đơn thuần bị giới hạn vào việc tự do thờ phượng.
Chương IV: NHỮNG ƯU TIÊN VÀ ĐÁP ỨNG TRONG MỤC VỤ
A. Bảo vệ các nền văn hoá loài người
16. Nhận thấy tình hình tại nhiều nơi, nhạy cảm trước những quyền hạn và lợi ích của cá nhân, Giáo Hội được yêu cầu phải đẩy mạnh những phương tiện truyền thông cộng đồng khác. Cũng vì công cuộc Phúc Âm hoá và việc giảng dạy giáo lý mà Giáo Hội luôn phải có những biện pháp để bảo vệ và khuyến khích các phương tiện truyền thông dân gian và những hình thức diễn tả của truyền thống, vì Giáo Hội nhận thấy trong các xã hội cá biệt ấy những phương tiện và hình thức này xem ra có hiệu quả hơn những phương tiện mới mẻ hiện đại để loan báo Tin Mừng. Lý do là vì chúng cho phép cá nhân tham gia tích cực hơn và chúng đi sâu hơn vào tình cảm, động cơ và hoạt động của con người.
Sự xuất hiện ồ các phương tiện truyền thông đại chúng trong thế giới hôm nay đã làm cho các phương tiện truyền thông khác mất đi tầm quan trọng, đang khi những phương tiện này lại mở rộng cho mọi người tham gia, cho phép họ chủ động trong việc sản xuất các chương trình, thậm chí cả trong việc thiết kế chính quy trình truyền thông. Nhờ đó, các phương tiện truyền thông cơ sở và truyền thống không những đã tạo ra được diễn đàn quan trọng cho văn hoá địa phương thể hiện chính mình, mà còn phát huy được khả năng tham gia tích cực trong việc định hình và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tương tự như vậy, chúng ta nhìn nhận một cách thiện cảm ước nguyện của nhiều dân tộc và tập thể muốn có những hệ thống và thông tin công bằng hơn, giúp họ thoát khỏi sự bá quyền và thao túng từ ngoại quốc hay từ một số đồng bào của mình. Đây là một mối quan ngại của các nước đang phát triển đối với các nước phát triển; thường thường, đó cũng là mối quan ngại của các dân tộc thiểu trong một quốc gia, đã phát triển hay đang phát triển. Bất kể là ở trong trường hợp nào, phải làm sao cho mọi người có thể tham gia một cách tích cực, tự giác và có trách nhiệm vào các quá trình truyền thông, từ đó giúp họ định hình được những điều kiện sống của mình bằng nhiều cách.
B. Phát triển và thăng tiến các phương tiện truyền thông xã hội của riêng Giáo Hội
17. Không kể những dấn thân của Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông và các phương tiện truyền thông, Giáo Hội còn phải tiếp tục phát triển, duy trì và hỗ trợ những chương trình và phương tiện truyền thông xã hội riêng biệt của mình bất kể nhiều khó khăn gặp phải. Đó là báo chí Công giáo và các nhà xuất bản Công giáo, truyền thanh và truyền hình Công giáo, các văn phòng thông tin đại chúng và quan hệ truyền thông, các cơ sở và chương trình đào tạo về các phương tiện truyền thông và sử dụng các phương tiện truyền thông, nghiên cứu về các phương tiện truyền thông, các tổ chức liên quan với Giáo Hội của các nhà truyền thông chuyên nghiệp - nhất là các tổ chức truyền thông Công giáo quốc tế - có các thành viên cộng tác một cách thành thạo và hiểu biết với các hội đồng giám mục cũng như với cá nhân các giám mục.
Công việc truyền thông Công giáo không phải chỉ đơn thuần là một chương trình bổ sung thêm bên cạnh các hoạt động khác của Giáo Hội: nhưng các phương tiện truyền thông xã hội có một vai trò nhất định trong mọi lĩnh vực tông đồ của Giáo Hội. Bởi đó, chẳng những nên có một chương trình mục vụ cho việc truyền thông mà việc truyền thông còn phải được xếp thành một phần không thể thiếu trong mọi chương trình mục vụ, vì nó có thể đóng góp cho mọi hoạt động tông đồ, mọi thừa tác vụ và mọi chương trình.
C. Đào tạo các nhà truyền thông Kitô giáo
18. Giáo dục và đào tạo trong việc truyền thông phải là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo các linh mục và các người làm mục vụ[30]. Có một vài yếu tố và khía cạnh đặc biệt trong việc giáo dục và đào tạo này. Chẳng hạn, trong thế giới hôm nay, một thế giới chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi các phương tiện truyền thông, nhân sự của Giáo Hội phải có khả năng ít nhất là biết nắm bắt ảnh hưởng của những công nghệ truyền thông hiện đại, các phương tiện truyền thông đại chúng trên các cá nhân và xã hội. Họ cũng phải được chuẩn bị để có thể phục vụ cả những người “giàu thông tin” lẫn những người “nghèo thông tin”. Họ cần biết cách mời gọi người khác đối thoại, tránh kiểu truyền thông mang dáng dấp bá quyền, thao túng và tìm tư lợi. Những ai tham gia tích cực trong công việc truyền thông cho Giáo Hội cần phải có những kỹ năng chuyên môn đối với các phương tiện truyền thông, cũng như được đào tạo về mặt giáo lý và tâm linh.
D. Chăm sóc mục vụ đối với những người làm công tác truyền thông
19. Công tác truyền thông kéo theo những áp lực tâm lý rất đặc biệt và những giằng co về đạo đức cũng rất đặc biệt. Nhận thấy các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tạo ra nền văn hoá đương thời, hình thành lối sống của vô số cá nhân và xã hội, những ai tham gia vào việc truyền thông thế tục cũng như công nghệ truyền thông sẽ rất cần phải thi hành trách nhiệm với lý tưởng cao cả và với sự cam kết phục vụ nhân loại.
Giáo Hội cũng có một trách nhiệm tương ứng: đó là triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ, đáp ứng đặc biệt với những điều kiện làm việc và những thách đố luân lý đặt ra cho các nhà truyền thông chuyên nghiệp. Một cách cụ thể, các chương trình mục vụ loại này sẽ bao gồm việc thường huấn nhằm giúp những người ấy – nhiều người trong số họ mong muốn được biết, được làm những gì đúng theo đạo đức và luân lý – đưa các chuẩn mực luân lý hội nhập trọn vẹn hơn vào công việc chuyên môn cũng như đời sống riêng của mình.
Chương V: NHU CẦU LẬP KẾ HOẠCH MỤC VỤ
A. Trách nhiệm của các giám mục
20. Nhận thức giá trị cũng như tính khẩn cấp của các yêu cầu mà công việc truyền thông đặt ra, các giám mục và các vị khác chịu trách nhiệm phải quyết định phân phối các nguồn nhân sự, vật chất có hạn của Giáo Hội, hẳn sẽ dành cho công việc truyền thông một phần chính đáng với ưu tiên cao, đồng thời vẫn cứu xét hoàn cảnh riêng biệt của quốc gia, khu vực, giáo phận của mình.
Nhu cầu này có thể bây giờ còn lớn hơn trước đây, chính là vì, ít ra ở một mức độ nào đó, “thánh điện” (Areopagus) vĩ đại ngày nay của các phương tiện truyền thông đại chúng tới lúc này đã từng ít nhiều bị Giáo Hội bỏ bê[31]. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lưu ý: “Nhìn chung, chúng ta đã dành ưu tiên cho các phương tiện khác trong việc giảng dạy Phúc Âm và giáo dục Kitô giáo, đang khi đó chúng ta lại phó mặc các phương tiện thông tin đại chúng cho các cá nhân hay các tập thể nhỏ tha hồ thao túng, và chỉ đưa các phương tiện này vào kế hoạch mục vụ một cách phụ thuộc”[32]. Tình hình đó cần phải được chấn chỉnh lại.
B. Cần cấp tốc lập một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội
21. Bởi đó, chúng tôi mạnh mẽ khuyên các giáo phận và các hội đồng giám mục hay các đại hội giám mục nên đưa vấn đề truyền thông vào bất cứ kế hoạch mục vụ nào. Chúng tôi còn khuyên các vị hãy triển khai những kế hoạch mục vụ cho chính việc truyền thông xã hội, hay ít ra duyệt xét lại và cập nhật hoá các kế hoạch đã có; bằng cách này họ sẽ hỗ trợ một công việc đáng ao ước là cứ định kỳ duyệt xét lại và thích nghi lại kế hoạch mục vụ. Khi làm việc này, các giám mục nên tìm sự cộng tác của các nhà chuyên nghiệp trong các tổ chức của Giáo Hội có liên quan tới việc truyền thông, nhất là các tổ chức quốc gia và quốc tế về phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và báo chí.
Hội đồng giám mục ở nhiều nơi đã được hỗ trợ rất tốt nhờ những kế hoạch mục vụ biết nhận điện đúng các nhu cầu và mục tiêu, biết cổ vũ việc phối hợp các nỗ lực của nhiều người. Những kết quả thu lượm được từ việc nghiên cứu, tổng kết và tham khảo trong quá trình chuẩn bị các văn kiện ấy có thể và rất nên chia sẻ ở mọi cấp trong Giáo Hội như những dữ kiện hữu ích cho người làm công tác mục vụ. Những kế hoạch thực tiễn và cụ thể thuộc loại này có thể được thích nghi lại theo nhu cầu của Giáo Hội địa phương. Dĩ nhiên, cần liên tục xét duyệt lại và thích nghi lại cho phù hợp với thay đổi của nhu cầu.
Bản thân văn kiện này cũng kết thúc với một số chi tiết làm nên một kế hoạch mục vụ, cho thấy đâu là những vấn đề có thể được giải quyết trong các thư mục vụ hay trong các tuyên bố của giám mục ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Những chi tiết ấy phản ánh những đề nghị đã được thu nhận từ các hội đồng giám mục và các nhà truyền thông chuyên nghiệp.
KẾT LUẬN
22. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định rằng Giáo Hội “coi các phương tiện truyền thông như những ‘món quà của Thiên Chúa’ phù hợp với ý định quan phòng của Người, chúng là những phương thế có khả năng hợp nhất mọi người trong tình huynh đệ, và nhờ đó, giúp họ cộng tác vào kế hoạch của Chúa để cứu độ họ”[33]. Như Thánh thần đã giúp đỡ các ngôn sứ ngày xưa nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa qua các dấu chỉ thời đại họ, ngày nay, Thánh Thần cũng giúp Giáo Hội giải thích các dấu chỉ thời đại chúng ta và thi hành các việc của người ngôn sứ, trong đó, việc nghiên cứu, đánh giá, sử dụng đúng đắn công nghệ truyền thông và các phương tiện truyền thông xã hội được coi là căn bản vào lúc này.
PHỤ TRƯƠNG: MỘT SỐ YẾU TỐ LÀM NÊN KẾ HOẠCH MỤC VỤ VỀ VIỆC TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
23. Những điều kiện và cơ hội được trao tặng cho Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông xã hội có sự khác biệt giữa các quốc gia, thậm chí khác biệt giữa các giáo phận trong cùng một quốc gia. Vì thế, cách Giáo Hội tiếp cận các phương tiện truyền thông và môi trường văn hoá do các phương tiện ấy tạo nên cũng sẽ khác nhau từ địa phương này sang địa phương khác, cũng như kế hoạch và sự tham gia của Giáo Hội sẽ phải thích ứng cho phù hợp với tình hình địa phương.
Thế nên, mỗi hội đồng giám mục và mỗi giáo phận cần triển khai một kế hoạch mục vụ phù hợp với việc truyền thông, nên tham khảo đại biểu của các tổ chức truyền thông Công giáo trong nước và quốc tế, cũng như tham khảo các nhà truyền thông chuyên nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, cũng nên lưu ý tới việc truyền thông mỗi khi biên soạn hay thực hiện các kế hoạch mục vụ khác, kể cả những kế hoạch liên quan đến việc phục vụ xã hội, giáo dục và Phúc Âm hoá. Một số hội đồng giám mục và giáo phận hiện đang triển khai những kế hoạch như thế. Trong đó có xác định những nhu cầu truyền thông, cố gắng hài hoà các mục tiêu, dự trù các khoản thực tế về tài chính và tìm cách phối hợp các nỗ lực truyền thông khác nhau. Những hướng dẫn sau đây được cung cấp để hỗ trợ cho việc soạn thảo các kế hoạch mục vụ hay duyệt xét lại các kế hoạch đã có sẵn.
NHỮNG HƯỚNG DẪN ĐỂ THIẾT KẾ CÁC KẾ HOẠCH MỤC VỤ VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG GIÁO PHẬN, TRONG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HAY TRONG ĐẠI HỘI CÁC THƯỢNG PHỤ
24. Một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội nên bao gồm các yếu tố sau đây:
a. Xác định một tầm nhìn, dựa trên sự tham khảo rộng rãi, qua đó phân định rõ ràng các chiến lược truyền thông cho mọi thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời đáp ứng được các vấn đề và điều kiện hiện nay.
b. Liệt kê hay tổng kết về môi trường truyền thông trong lãnh thổ mình đang xem xét, bao gồm các cử toạ, các nhà sản xuất và giám đốc các phương tiện truyền thông phục vụ thương mại và quần chúng, các nguồn kỹ thuật và tài chính, các hệ thống phân phối, các nguồn lực giáo dục và đại kết, các tổ chức truyền thông Công giáo và nhân sự phục vụ việc truyền thông, kể các tổ chức và nhân sự của các cộng đoàn tu trì.
c. Đề xuất một cơ cấu cho việc truyền thông xã hội có liên quan đến Giáo Hội để hỗ trợ công cuộc Phúc Âm hoá, dạy giáo lý và giáo dục, phục vụ xã hội và công tác đại kết, bao gồm càng nhiều càng tốt các mối quan hệ xã hội, báo chí, phát thanh, truyền hình, phim ảnh, cassette, mạng lưới máy điện toán, các dịch vụ sao chụp và các hình thức viễn thông có liên quan.
d. Giáo dục bằng các phương tiện truyền thông, nhấn mạnh đặc biệt tới mối quan hệ giữa truyền thông và các giá trị.
e. Mở rộng công tác mục vụ và đối thoại với các nhà truyền thông chuyên nghiệp, quan tâm đặc biệt tới việc phát triển đức tin và tăng cường đời sống tâm linh của họ.
f. Đề xuất các phương tiện để nhận được và duy trì sự hỗ trợ tài chính tương xứng với việc thực hiện kế hoạch mục vụ.
TIẾN TRÌNH THIẾT KẾ MỘT KẾ HOẠCH MỤC VỤ VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
25. Kế hoạch này sẽ cung cấp những hướng dẫn và đề nghị hữu ích cho các nhà truyền thông của Giáo Hội, để các vị ấy đặt ra các mục tiêu thực tiễn và các ưu tiên cho công tác của mình. Khuyên nên để cho tổ kế hoạch, bao gồm các chức sắc Giáo Hội và các nhà truyền thông chuyên nghiệp tham gia vào tiến trình này, gồm 2 giai đoạn: nghiên cứu và thiết kế.
Giai đoạn nghiên cứu
26. Trong giai nghiên cứu, người ta sẽ tìm cách tổng kết các nhu cầu, thu lượm thông tin và khảo sát các mô hình khác nhau để xây dựng một kế hoạch mục vụ. Giai đoạn này cũng đòi hỏi phải có sự phân tích môi trường truyền thông trong nội bộ Giáo Hội, cho thấy những điểm mạnh và điểm yếu trong các cơ chế hiện hành và chương trình truyền thông của Giáo Hội, cũng như những vận hội và thách đố đặt ra cho các cơ chế và các chương trình ấy.
Có 3 kiểu nghiên cứu sẽ hỗ trợ chúng ta thu lượm các thông tin cần thiết: tổng kết các nhu cầu, kiểm toán việc truyền thông và liệt kê các nguồn lực. Kiểu thứ nhất sẽ xác định đâu là những lĩnh vực thừa tác vụ cần được sự quan tâm của hội đồng giám mục hay giáo phận. Kiểu thứ hai sẽ xem xét những gì đang được thực hiện – kể cả kết quả của những việc làm ấy – để tìm ra những điểm mạnh và những điểm yếu của các cơ chế và tiến trình truyền thông hiện hành. Kiểu thứ ba sẽ cho biết những nguồn lực, công nghệ và nhân lực truyền thông mà Giáo Hội đang có – không những các nguồn lực của “riêng” Giáo Hội mà cả những nguồn lực mà Giáo Hội có thể liên hệ trong các cộng đồng kinh doanh, các công nghiệp truyền thông và các cơ sở đại kết.
Giai đoạn thiết kế
27. Sau khi thu lượm và nghiên cứu các dữ kiện trên, tổ kế hoạch nên xác định những mục tiêu và những ưu tiên truyền thông của hội đồng giám mục hay của giáo phận. Đây là bước khởi đầu của giai đoạn thiết kế. Sau đó, tổ kế hoạch sẽ tiến hành xem xét từng vấn đề sau đây trong tương quan với hoàn cảnh địa phương.
28. Giáo dục
Các vấn đề truyền thông và việc truyền thông đại chúng đều có liên quan đến công tác mục vụ ở mọi cấp, kể cả việc giáo dục. Vì thế, một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội cần nỗ lực:
a. Tạo nhiều cơ hội giáo dục về truyền thông, coi đó như yếu tố cần thiết trong việc đào tạo tất cả những ai tham gia công tác này của Giáo Hội như linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và các giáo dân lãnh đạo.
b. Khuyến khích các trường và các đại học Công giáo cung cấp các chương trình và các khoá học liên quan đến các nhu cầu truyền thông của Giáo Hội và xã hội.
c. Cung cấp các khoá học, các khoá làm việc và các hội nghị chuyên đề về công nghệ, việc quản lý, đạo đức truyền thông và các vấn đề thuộc chính sách cho các nhà truyền thông của Giáo Hội, các chủng sinh, tu sĩ và giáo sĩ.
d. Lên kế hoạch và thực hiện các chương trình giáo dục truyền thông và tập thành thạo các phương tiện truyền thông cho các giáo viên, phụ huynh và sinh viên học sinh.
e. Khuyến khích các nghệ sĩ và văn sĩ có tinh thần sáng tạo phản ánh các giá trị Tin Mừng như một cách để chia sẻ tài năng của mình qua lời văn, kịch nghệ, phát thanh, truyền hình và phim ảnh để giải trí và để giáo dục.
f. Xác định các chiến lược mới để Phúc Âm hoá và dạy giáo lý bằng cách ứng dụng công nghệ truyền thông vào việc truyền thông đại chúng.
29. Đào tạo đời sống tâm linh và chăm sóc mục vụ
Các giáo dân Công giáo làm nghề truyền thông và những người khác đang làm việc trong lĩnh vực tông đồ truyền thông xã hội của Giáo Hội hay truyền thông thế tục thường hay tìm đến Giáo Hội để được hướng dẫn tâm linh và chăm sóc mục vụ.
a. Tạo cơ hội cho các giáo dân Công giáo làm nghề truyền thông và các nhà truyền thông chuyên nghiệp khác được làm giàu thêm cho nghề nghiệp của mình qua các ngày suy tư, các cuộc tĩnh tâm, các hội nghị chuyên đề và các nhóm hỗ trợ nghề nghiệp.
b. Cống hiến việc chăm sóc mục vụ để họ được hỗ trợ một cách cần thiết, nuôi dưỡng lòng tin và duy trì ý thức hiến thân phục vụ trong công việc khó khăn này, tức là truyền thông các giá trị Tin Mừng và các giá trị nhân bản đích thực cho thế giới.
30. Cộng tác
Cộng tác tức là chia sẻ các nguồn lực giữa các hội đồng giám mục và các giáo phận, giữa các giáo phận với nhau, giữa các giáo phận và các tổ chức khác như cộng đoàn tu trì, các đại học và các cơ sở chăm sóc sức khoẻ. Một kế hoạch mục vụ về truyền thông nên được soạn ra nhằm:
a. Đẩy mạnh các mối quan hệ và cổ vũ sự tham khảo giữa các vị đại diện Giáo Hội và các nhà truyền thông chuyên nghiệp, là những người có chuyên môn có thể giúp cho Giáo Hội về việc sử dụng các phương tiện truyền thông.
b. Khảo sát các sản phẩm hợp tác thông qua các trung tâm quốc gia và khu vực, đồng thời cổ vũ việc mở mang các chương trình khuyến mãi hợp tác, việc tiếp thị và xây dựng các mạng lưới phân phối.
c. Đẩy mạnh cộng tác với các dòng tu đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội.
d. Cộng tác với các tổ chức đại kết và với các Giáo hội khác, các nhóm tôn giáo khác nhằm tìm ra những cách thức an toàn và bảo đảm cho tôn giáo được tiếp cận với các phương tiện truyền thông, đồng thời cộng tác trong “các phương tiện truyền thông mới được phát triển, nhất là trong việc dùng chung các vệ tinh, các ngân hàng dự liệu, các mạng lưới cáp quang và trong lĩnh vực tin học nói chung, mà đầu tiên là khả năng tương thích của hệ thống”[34].
e. Cộng tác với các phương tiện truyền thông thế tục, nhất là trong những bận tâm chung về các vấn đề tôn giáo, luân lý, đạo đức, văn hoá, giáo dục và xã hội.
31. Giao tế cộng đồng
Giáo Hội có sự giao tế cộng đồng có nghĩa là Giáo Hội tích cực truyền thông với cộng đồng qua các phương tiện truyền thông, cả của đời lẫn của đạo. Muốn sẵn sàng truyền thông các giá trị Tin Mừng và phổ biến các thừa tác vụ cũng như các chương trình của Giáo Hội, Giáo Hội cần phải làm mọi việc trong khả năng của mình để bảo đảm Giáo Hội đang phản ánh đúng Đức Kitô. Vì thế, một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội cần phải giúp:
a. Duy trì các văn phòng giao tế cộng đồng bằng những nguồn lực về người và về của phù hợp để tạo sự truyền thông hữu hiệu giữa Giáo Hội và cộng đồng nói chung.
b. Sản xuất các ấn phẩm và các chương trình truyền thanh, truyền hình và video có chất lượng cao, hầu giúp cho người ta thấy được cụ thể thông điệp của Tin Mừng và sứ mạng của Giáo Hội.
c. Đề xuất các giải thưởng truyền thông và các hình thức công nhận khác để cổ vũ và hỗ trợ các nhà truyền thông chuyên nghiệp.
d. Cử hành Ngày Quốc tế Truyền thông như một cách để tạo điều kiện cho người ta ý thức tầm quan trọng của việc truyền thông xã hội và hỗ trợ các sáng kiến truyền thông trong Giáo Hội.
32. Nghiên cứu
Các chiến lược của Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông xã hội phải được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu lành mạnh về các phương tiện truyền thôn, sau khi được phân tích và đánh giá một cách có hiểu biết. Việc nghiên cứu này cần phải đề cập đến các đề tài và vấn đề có liên quan đặc biệt tới sứ mạng của Giáo Hội tại một quốc gia hay một khu vực nhất định. Một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội cần phải được đưa ra nhằm:
a. Cổ vũ các học viện cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu và các đại học tham gia nghiên cứu một cách căn bản, nghiên cứu để ứng dụng những nhu cầu và bận tâm của Giáo Hội, cũng như của xã hội trong lĩnh vực truyền thông.
b. Xác định các phương cách thực tiễn để giải thích công trình nghiên cứu việc truyền thông hiện hành, rồi ứng dụng vào sứ mạng của Giáo Hội.
c. Hỗ trợ các suy tư thần học đang có về những tiến trình và những phương tiện truyền thông xã hội, cũng như vai trò của chúng trong Giáo Hội và xã hội.
33. Truyền thông và sự phát triển các dân tộc
Nhờ việc truyền thông có thể tiếp cận được qua từng thời điểm và nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều người đã có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào nền kinh tế thế giới hôm nay, kinh nghiệm thế nào là tự do phát biểu và góp phần tạo hoà bình và công lý trên thế giới. Vì thế, một kế hoạch mục vụ về truyền thông xã hội cần được đưa ra nhằm:
a. Giúp các giá trị Tin Mừng ảnh hưởng trên vô số hoạt động truyền thông hiện nay – từ việc xuất bản sách báo đến truyền thông bằng vệ tinh – để tăng cường tình liên đới quốc tế.
b. Bảo vệ ích lợi chung và đảm bảo cho các tôn giáo được tiếp cận các phương tiện truyền thông bằng cách cho họ đảm nhận những vai trò hữu trách, có hiểu biết trong các vấn đề liên quan đến luật lệ và chính sách truyền thông, cũng như trng việc phát triển các hệ thống truyền thông.
c. Phân tích ảnh hưởng xã hội của công nghệ truyền thông tiên tiến và giúp ngăn ngừa tình trạng xã hội sụp đổ cách vô lý và tình trạng văn hoá mất ổn định.
d. Hỗ trợ các nhà truyền thông chuyên nghiệp hiểu biết và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nhất là liên quan đến các vấn đề truyền thông trong sáng, chính xác, công bằng, đúng đắn và tôn trọng sự sống.
e. Triển khai những chiến lược cổ vũ mọi người tiếp cận các phương tiện truyền thông một cách rộng rãi, tiêu biểu và trách nhiệm hơn.
f. Thực thi vai trò ngôn sứ bằng cách thích hợp, dựa trên quan điểm của Tin Mừng về các chiều kích luân lý của các vấn đề xã hội quan trọng.
Vatican ngày 22-2-1992
Lễ kính Ngai toà Thánh Phêrô
Giám mục John P. Foley
Chủ tịch Hội đồng
(Đã ký)
Đức ông Pierfranco Pastore
Thư ký Hội đồng
(Đã ký)
Nguồn: BTHT, số 29-30
[1] x. Đức Gioan Phaolô II, Centesimus Annus, số 12-23, trong AAS, LXXXIII (1991), tr. 807-821.
[2] Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Missio, số 37, trong AAS, LXXXIII (1991), tr. 285.
[3] Communio et Progressio, số 187, trong AAS, LXIII (1971), tr. 655-656.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 1990, trong “l’Osservatore Romano”, ngày 25-1-1990, tr. 6; x. Vui mừng và Hy vọng (Gaudiumet Spes), số 5, trong AAS, LVIII (1996), tr. 1028.
[5] Ibidem.
[6] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Các tiêu chuẩn để cộng tác trong việc truyền thông, cộng tác đại kết và cộng tác liên tôn, số 1, Vatican City, 1989.
[7] Trong số những điều kỳ diệu, số 4, trong AAS, LVI (1964), tr. 146.
[8] Hiệp thông và Tiến bộ, số 11, AAS, LXIII (1971), tr. 146.
[9] Rm 1,20.
[10] Ga 1,14.
[11] Ep 1,23; 4,10.
[12] 1 Cr 15,28; Hiệp thông và Tiến bộ, số 11, trong AAS, LXIII (1971), tr. 598.
[13] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Một câu trả lời mục vụ cho tình trạng hình ảnh khiêu dâm và bạo lực trên các phương tiện truyền thông, số 7, Vatican City, 1989.
[14] Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm tới xã hội, số 46, trong AAS, LXXX (1988), tr. 579.
[15] Vui mừng và Hy vọng, số 11, trong AAS, LVIII (1966), tr. 1034.
[16] x. Đức Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, số 20, trong AAS, LXVIII (1976), tr. 18-19.
[17] x. Trong số những điều kỳ diệu, số 3, trong AAS, LVI (1964), tr. 146.
[18] Ánh sáng giữa muôn dân, số 1, trong AAS, LVII (1965), tr. 5.
[19] x. Hiệp thông và Tiến bộ, số 12, trong AAS, LVIII (1971), tr. 598.
[20] Ibidem, các số 114-121, tr. 634-636.
[21] x. Gl 212.2, trong AAS, LXXV, 2 (1983), tr. 34.
[22] x. GL 212.3, tr. 34.
[23] Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị về ơn gọi Giáo Hội của các nhà thần học, số 30, trong AAS, LXXXII (1990), tr. 1652.
[24] x. Ibidem, số 35, tr. 1565.
[25] Đức Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, số 45, trong AAS, LXVIII (1976), tr. 35.
[26] Đức Gioan Phaolô II, Sứ mạng Đấng Cứu Thế, số 37, trong AAS, LXXXIII (1991), tr. 285.
[27] Đức Gioan Phaolô II, Bách Chu Niên, số 41, trong AAS, LXXXIII (1991), tr. 841.
[28] Đức Gioan Phaolô II, Kitô hữu giáo dân, số 44, trong AAS, LXXXI (1989), tr. 480.
[29] Ibidem, tr. 481.
[30] x. Thánh Bộ Giáo dục Công giáo, Chỉ nam đào tạo các linh mục tương lai về các phương tiện truyền thông xã hội, Vatican City, 1986.
[31] x. Đức Gioan Phaolô II, Sứ mạng Đấng Cứu Thế, số 37, trong AAS, LXXXIII (1991), tr. 285.
[32] Ibidem.
[33] Hiệp thông và Tiến bộ, số 2, trong AAS, LXIII (1971), tr. 593-594.
[34] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Các tiêu chuẩn để cộng tác đại kết và liên tôn trong lĩnh vực truyền thông xã hội, số 14.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha gởi sứ điệp truyền thông 2025: Giữa những tin giả và cuộc chiến ngôn từ, mơ về một truyền thông mang lại hy vọng
-
Tổng trưởng Bộ Truyền thông: Giá trị lớn nhất của truyền thông là tương quan -
Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ -
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo