Hồng y André Vingt-Trois: đọc thông điệp Caritas in Veritate của ĐTC Bênêđictô XVI

Hồng y André Vingt-Trois: đọc thông điệp Caritas in Veritate của ĐTC Bênêđictô XVI

WHĐ (08.07.2009) – Ngay sau khi Thông điệp “Caritas in Veritate” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vừa được công bố hôm qua, 07.07, Đức Hồng y André Vingt-Trois, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã đưa ra những nhận định ban đầu giúp đọc và hiểu Thông điệp này. Bài viết đăng trên trang web của HĐGM Pháp, WHĐ xin giới thiệu đến quý độc giả.

Trước khi đi vào phần giới thiệu những mốc lớn để đọc thông điệp Caritas in Veritate, tôi muốn chia sẻ với quý vị một ấn tượng riêng của tôi khi đọc thông điệp này lần đầu. Thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước hết đối với tôi là một tín thư tuyệt vời về niềm hy vọng ĐTC muốn gửi đến người công giáo và, rộng hơn, “mọi người thiện chí”, nghĩa là theo cách nói quen dùng, tất cả những ai quan tâm tới những suy tư của niềm tin Kitô giáo và sẵn sàng tiếp nhận mà không có thái độ tiêu cực ngay từ đầu.

Tín thư về niềm hy vọng này là như sau: nhân loại có sứ mệnh và phương tiện để làm chủ thế giới trong đó chúng ta đang sống. Không chỉ bởi vì nhân loại không bị chế ngự bởi một định mệnh, mà còn có thể biến đổi thế giới này qua tác động trên các biến cố và có thể phát triển sự công bằng và lòng yêu thương trong các quan hệ giữa con người với con người, trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và ngay cả vào một thời kỳ khủng hoảng như cuộc khủng hoảng chúng ta đang phải trải qua.

Niềm hy vọng này đặt nền tảng trên một xác tín: trong vũ trụ, con người có một chiều kích riêng khiến con người không nằm trong sự chế ngự máy móc của các hiện tượng, tự nhiên, hay kinh tế và xã hội. Con người đảm nhận chiều kích riêng này trong phạm vi con người nhìn nhận mình là mình trong quan hệ với một Đấng lớn hơn mình, một Đấng Tuyệt đối, lớn hơn mỗi người chúng ta. Mọi con người, có tín ngưỡng hay không, đều phải có lập trường về vấn đề của một phán quyết đạo đức vượt khỏi các lợi ích riêng tư và lương tâm của mình là nhân chứng cho phán quyết này. Dĩ nhiên, đối với những người có tín ngưỡng, sự quy chiếu về một Đấng siêu việt có tên gọi là Thiên Chúa.

Một buổi sáng không đủ để đọc hết tập sách dày hơn một trăm trang này. Do đó, ở đây, tôi sẽ chỉ xin trình bày với các bạn một số điểm quy chiếu nổi bật khi đọc lần đầu.

Trước hết, phần mở đầu, như thường thấy ở Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, không chỉ đơn thuần là thủ tục, mà gần như một bài luận về phương pháp. Phần mở đầu có thể được coi như một thứ bình giải về đầu đề của thông điệp: tình yêu trong chân lý. Phần mở đầu này lấy lại một chủ đề về các quan hệ giữa lý tính và niềm tin ngài ưa thích. Ở đây ĐTC triển khai một suy tưởng về tác động qua lại giữa tình yêu và chân lý để nhấn mạnh rằng hai thực thể này lệ thuộc vào nhau như thế nào trong việc thực thi sắc thái riêng của mình. Tình thương không chân lý sẽ biến thành khuynh hướng đa cảm hay lòng khoan dung mang sắc thái gia trưởng không có tác động. Chân lý không tình thương có thể là hữu hiệu, nhưng luôn có nguy cơ giam mình trong một thứ thế giới kỹ thuật không biết đến chiều kích riêng của con người. “Chỉ có lòng bác ái, được ánh sáng của lòng tin và của lý tính soi sáng, mới giúp đạt tới được những mục tiêu của phát triển mang một giá trị nhân bản hơn và nhân hóa hơn.”

Như vậy, ở đây ĐTC trình bày một trong những chủ đề trung tâm của toàn bộ thông điệp là sự phát triển. Triển khai của ngài về sự phát triển trước hết nằm trong truyền thống của học thuyết xã hội của Giáo hội, ít là đối với thời kỳ hiện đại ngược lên tới cuối thế kỷ XIX với thông điệp Rerum Novarum [Tân sự] của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, năm 1891. Trong việc nhìn lại lịch sử này, ngài quan tâm đặc biệt tới Công đồng Vatican II, trên hết, Hiến chế Gaudium et Spes [Vui mừng và Hy vọng], và thông điệp của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Populorum Progressio [Sự phát triển của các Dân tộc], 1967, dành cho sự “phát triển toàn diện” của con người. “Toàn diện” có nghĩa là liên quan đến mọi chiều kích của con người. Kế đó, ĐTC đề cập đến tình trạng hiện tại dưới ánh sáng của cương lĩnh có từ trên bốn mươi năm nay.

Ngài nêu lên những tiến bộ người ta có thể ghi nhận được, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến một số tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt, khoảng cách càng ngày càng lớn giữa cái giàu mỗi ngày mỗi giàu lên và cái nghèo ngày càng nghèo đi, giữa các nước, và bên trong mỗi nước.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điểm rất quan trọng của thông điệp.

1. Không có lĩnh vực nào của hoạt động con người vượt ra ngoài trách nhiệm đạo đức, dù là lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ thuật, hay lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tính đạo đức, giá trị con người của các hành động không chỉ là một câu hỏi người ta đặt ra sau đó khi mọi sự đã xong xuôi và đã được quyết định để phân chia phần chênh lệch. Đạo đức gắn liền với toàn bộ quy trình.

Đạo đức đặt nền tảng trên việc đánh giá các mục đích nhắm đến và các phương tiện đề ra để đạt đến các mục tiêu. Đây là vấn đề về ý nghĩa của hoạt động con người của từng người và của tập thể. Công bằng và công ích là hai tiêu chí để đánh giá điều gì là phù hợp với một sự phát triển thực sự mang tính nhân bản.

2. Sự suy tư về hiện tượng toàn cầu hóa và quan hệ của hiện tượng này với sự phát triển. Hiện tượng toàn cầu hóa được mở rộng đặt ra những điều kiện mới cho sự phát triển vì các mối quan hệ gia tăng và vì việc quốc tế hóa các trao đổi kinh tế và tài chính. Tình hình này dẫn đến việc xem xét một số vấn đề mà tôi chỉ xin liệt kê chứ không đi vào chi tiết:

– Nguy cơ để cho hiện tượng quốc tế hóa trong lĩnh vực kinh tế và tài chính phát triển mà thôi và bỏ qua các chiều kích xã hội và văn hóa của hiện tượng này.

– Hiện tượng toàn cầu hóa là một cơ may đối với một số nước nổi lên. Nhưng nó cũng là một hiểm họa đối với các nước khác, do thiếu sự điều tiết có tính cách quốc tế.

– Hiện tượng toàn cầu hóa tạo nên một thế quân bình mới giữa các tác nhân kinh tế, giữa các quốc gia và xã hội dân sự. Đặc biệt, các môi trường hành động của các quốc gia và các trách nhiệm của các quốc không còn như trước nữa. Vấn đề về một sự điều tiết quốc tế phải được đặt ra với những nỗ lực mới.

– Hiện tượng toàn cầu hóa này đặt ra vấn đề về sự phân phối các tài nguyên và phương tiện sản xuất. Cần phải phân tích các mục tiêu thật và các điều kiện của hình thức “thuê gia công ngoài nước” [outsourcing].

Thông điệp này, tuy đồ sộ về tầm vóc và về tính đa dạng của các vấn đề thông điệp đề cập đến, nhưng vẫn duy trì được sự thống nhất cái nhìn tổng quát về trách nhiệm trong hành động kinh tế và xã hội. Chính việc phục vụ con người mới là tiêu chí cùng tận và quyết định của dự án xã hội. Nhưng việc phục vụ nào, sự thăng tiến nào của con người cần phải được theo đuổi? Làm sao tôn trọng sự thống nhất của con người trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người? Do đó, cuối cùng, là phần diễn giải về một đạo luật căn bản của học thuyết xã hội của Giáo hội: vì con người toàn diện và vì mọi người.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top