Thông điệp Vigilanti Cura - Giám sát cẩn trọng

Thông điệp Vigilanti Cura - Giám sát cẩn trọng

Thông điệp Vigilanti Cura - Giám sát cẩn trọng

Thông điệp "Vigilanti Cura" (Giám sát cẩn trọng) của Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1936 bày tỏ lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của điện ảnh đến đạo đức xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

TÓM TẮT: Thông điệp "Vigilanti Cura" (Giám sát cẩn trọng) của Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1936 bày tỏ lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của điện ảnh đến đạo đức xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Ngài ca ngợi sáng kiến "Legion of Decency" của Giáo hội Hoa Kỳ nhằm kiểm duyệt phim ảnh và kêu gọi các Giám mục toàn cầu hành động tương tự. Đức Piô XI nhấn mạnh sức mạnh to lớn của điện ảnh trong việc định hình suy nghĩ và hành vi, đồng thời cảnh báo về tác hại của những bộ phim xấu. Ngài kêu gọi ngành công nghiệp điện ảnh gánh vác trách nhiệm đạo đức, sản xuất những bộ phim lành mạnh, giáo dục và nâng cao phẩm giá con người. Để giải quyết vấn đề, Đức Piô XI đề xuất thành lập các văn phòng kiểm duyệt quốc gia, khuyến khích người Công giáo tham gia sản xuất phim ảnh tích cực và kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong việc thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Nội dung chính:

GIỚI THIỆU

I. NHẮC LẠI NHỮNG LỜI CẢNH TỈNH TRƯỚC ĐÂY

Sức ảnh hưởng của nghệ thuật điện ảnh

Hòa cùng nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ

Khi lời hứa bị phá bỏ

Cam kết của Lữ Đoàn Thanh Khiết (Legion of Decency)

Động lực cho sự phát triển

II. SỨC MẠNH CỦA ĐIỆN ẢNH

Điện ảnh và trách nhiệm

Điện ảnh và bối cảnh xã hội

Điện ảnh không thể trở thành công cụ của sự băng hoại

III. SỨ MỆNH CHO PHONG TRÀO CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

Gửi các giám mục của mọi quốc gia

Bảo vệ nền tảng đạo đức quốc gia

Lời hứa xem phim hằng năm

Ban thẩm định phim ảnh quốc gia

Điện ảnh và hội trường giáo xứ

Trao đổi thông tin

Giám sát cẩn thận


Sau đây là toàn văn Việt ngữ của Thông điệp Vigilanti Cura do Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM thực hiện.

THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PIÔ XI

VỀ ĐIỆN ẢNH

VIGILANTI CURA
GIÁM SÁT CẨN TRỌNG

GIỚI THIỆU

Giám sát cẩn trọng như chức vụ tông đồ của Chúng Tôi yêu cầu, Chúng Tôi luôn theo dõi sát sao những hoạt động tốt đẹp của các Anh Em trong hàng Giám mục và của các tín hữu. Chúng Tôi hân hoan nhìn thấy tận mắt những thành tựu đã đạt được và sự tiến bộ không ngừng của nỗ lực được khởi xướng hơn hai năm trước, nhằm đấu tranh chống lại những lạm dụng trong lĩnh vực điện ảnh. Sáng kiến này được ví như một cuộc chiến thiêng liêng, và được giao phó một cách đặc biệt cho “Lữ đoàn Thanh Khiết” (Legion of Decency). Điều này cho phép Chúng Tôi bày tỏ rõ ràng hơn suy nghĩ về vấn đề tác động mạnh mẽ của điện ảnh đến đời sống luân lý và tôn giáo của Dân Chúa. Trước hết, Chúng Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo phẩm Hoa Kỳ, cùng các tín hữu đã cộng tác với các Ngài, vì những thành tựu đáng quý mà "Lữ đoàn Thanh Khiết" đã đạt được dưới sự dẫn dắt của các Ngài. Tuy nhiên, Chúng Tôi không khỏi bàng hoàng và tiếc thương khi chứng kiến nghệ thuật và ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng lạc lối - magni passus extra viam - bằng cách lan truyền tội lỗi và sự xấu xa.

I. NHẮC LẠI NHỮNG LỜI CẢNH TỈNH TRƯỚC ĐÂY

Nhiều lần, trong cương vị cao cả này, Chúng Tôi tự coi đó là bổn phận phải hướng sự quan tâm của không chỉ các Giám mục và Linh mục mà còn của tất cả những người tâm huyết với lợi ích chung đến tình trạng này. Trong Thông điệp “Divini illius Magistri”, Chúng Tôi đã từng lên án việc “phương tiện truyền thông đầy tiềm năng (như điện ảnh), vốn có thể mang lại lợi ích to lớn cho việc học hỏi và giáo dục nếu được dẫn dắt bởi những nguyên tắc đúng đắn, lại thường bị lợi dụng để khơi gợi dục vọng thấp hèn và phục vụ cho mục đích kiếm lời bất chính”[1].

Sức ảnh hưởng của nghệ thuật điện ảnh

Vào tháng 8 năm 1934, khi tiếp kiến một phái đoàn của Liên đoàn Báo chí Điện ảnh Quốc tế, Chúng Tôi đã nhấn mạnh vai trò quan trọng mà điện ảnh có được trong thời đại này, cũng như tác động rộng lớn của nó. Điện ảnh có thể nâng cao cái thiện, nhưng cũng có thể gieo rắc tội lỗi. Chúng Tôi nhận thấy cần phải áp dụng cho điện ảnh một nguyên tắc tối thượng, một kim chỉ nam định hướng và điều chỉnh sức mạnh to lớn của nghệ thuật. Nhờ đó, điện ảnh sẽ không đi ngược lại đạo đức Kitô giáo hay thậm chí nền luân lý tự nhiên.

Mục đích căn bản của nghệ thuật, mục đích tồn tại của nó, là hoàn thiện nhân cách con người. Chính vì vậy, bản thân nghệ thuật phải mang tính đạo đức. Những con người ưu tú ấy đã bày tỏ sự đồng tình rõ rệt với bài phát biểu của Chúng Tôi. Chúng Tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc ấy. Chúng Tôi đã kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi biến điện ảnh thành "động lực cho luân lý, tác nhân tích cực cho đạo đức, và là một nhà giáo dục."

Gần đây hơn, vào tháng Tư vừa qua, vinh dự được tiếp đón một phái đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Quốc tế diễn ra tại Roma, Chúng Tôi một lần nữa nhấn mạnh tính chất hệ trọng của vấn đề. Chúng Tôi tha thiết kêu gọi những người tâm huyết, không chỉ vì lý tưởng tôn giáo mà còn vì nền tảng đạo đức và sự phồn thịnh đích thực của xã hội, hãy sử dụng mọi phương tiện sẵn có, chẳng hạn như báo chí, để biến điện ảnh thành trợ thủ đắc lực cho giáo dục, góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, thay vì trở thành tác nhân gây tổn hại và hủy hoại tâm hồn.

Hòa cùng nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ

Vấn đề này vốn đã hệ trọng, nay lại càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh xã hội hiện tại. Vì vậy, Chúng Tôi thấy cần thiết phải một lần nữa đề cập đến vấn đề này. Lần này, Chúng Tôi không chỉ đưa ra những khuyến nghị cụ thể như trước, mà còn muốn hướng đến một tầm nhìn rộng lớn và bao quát hơn. Tầm nhìn ấy không chỉ gói gọn trong nhu cầu của mỗi giáo phận, hỡi các Vị Giám Mục đáng kính, mà còn mở rộng ra, hòa cùng nhu cầu của cả Giáo Hội Hoàn Vũ.

Thật vậy, điều cần thiết là phải đảm bảo rằng sự tiến bộ của nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và công nghiệp - vốn là hồng ân Thiên Chúa ban tặng - phải được sử dụng để tôn vinh Ngài và cứu rỗi các linh hồn. Hơn nữa, chúng cần được vận dụng một cách thiết thực để loan truyền Nước Chúa trên thế gian.

Như lời kinh nguyện Giáo Hội: "Xin Chúa cho chúng con biết an vui hưởng dùng của đời này mà không hề đánh mất phúc trường sinh." Ước chi chúng ta biết tận dụng những tiến bộ ấy để sinh lợi ích mà không đánh mất những điều thiện hảo vĩnh cửu: sic transeamus per bona temporalia ut non admittamus aeterna.[2]

Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng không thể chối cãi: càng tiến bộ vượt bậc bao nhiêu, nghệ thuật và ngành công nghiệp điện ảnh lại càng bộc lộ rõ nguy cơ tiềm ẩn đối với đạo đức, tôn giáo, thậm chí là với những chuẩn mực tối thiểu của xã hội loài người.

Ngay cả những nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp điện ảnh tại Hoa Kỳ cũng đã nhận thức rõ điều này. Họ ý thức rõ trách nhiệm của mình trước công chúng và toàn thế giới. Minh chứng rõ ràng là vào tháng 3 năm 1930, họ đã cùng nhau ký kết một thỏa thuận, được công bố rộng rãi trên báo chí, trong đó cam kết sẽ bảo vệ các giá trị đạo đức cho khán giả xem phim.

Theo thỏa thuận này, các nhà làm phim cam kết sẽ không sản xuất bất kỳ bộ phim nào có nội dung đi ngược lại đạo đức, xuyên tạc luật tự nhiên hay luật con người, hay cổ súy cho những hành vi vi phạm những luật lệ ấy. 

Khi lời hứa bị phá bỏ

Dù đã có quyết định khôn ngoan và tự nguyện ấy, những người có trách nhiệm lại không thể thực thi cam kết, dường như đã quên đi những nguyên tắc mà chính họ đã tâm niệm. Kết quả là, lời hứa năm xưa chỉ còn là lời nói suông, tội lỗi và điều xấu xa vẫn hoành hành trên màn ảnh, khiến con đường đến với những thước phim lành mạnh ngày càng thêm xa xôi. Trong tình trạng ấy, chư huynh đáng kính đã đi tiên phong trong việc tìm kiếm giải pháp để bảo vệ các linh hồn được giao phó. "Lữ đoàn Thanh Khiết" ra đời như một nỗ lực đấu tranh cho đạo đức xã hội, nhằm khôi phục những giá trị chân chính của tự nhiên và của Kitô giáo. Mục đích của chư huynh không phải là hủy diệt ngành công nghiệp điện ảnh, mà là để cứu nó khỏi lún sâu vào con đường suy đồi dưới lớp vỏ bọc nghệ thuật.

Cam kết của Lữ Đoàn Thanh Khiết (Legion of Decency)

Chư huynh đã khơi dậy lòng nhiệt thành mạnh mẽ trong các tín hữu. Hàng triệu người Công giáo Mỹ đã cùng nhau ký vào lời thề của "Lữ đoàn Thanh Khiết", cam kết tẩy chay những bộ phim xúc phạm đạo đức Công giáo và lối sống ngay chính.

Chính tinh thần đoàn kết này đã tạo nên một phong trào rộng lớn, gắn kết Giám mục và giáo dân chặt chẽ hơn bao giờ hết. Không chỉ người Công giáo, mà cả những người theo Tin Lành, Do Thái giáo và nhiều người khác cũng hưởng ứng lời kêu gọi này, cùng chung tay góp phần xây dựng một nền điện ảnh lành mạnh và nhân văn.

Chúng Ta vô cùng hoan nghênh thành công của phong trào này. Nhờ sự tận tâm của chư huynh và sự ủng hộ của dư luận, nền điện ảnh đã có những chuyển biến tích cực về mặt đạo đức: Việc miêu tả tội ác và tệ nạn đã được hạn chế; tội lỗi không còn được cổ súy một cách trắng trợn; những quan niệm sai lệch về cuộc sống cũng được điều chỉnh để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Động lực cho sự phát triển

Nhiều người đã từng e ngại rằng, sự cải cách mà "Lữ đoàn Thanh Khiết" đề ra sẽ làm suy giảm giá trị nghệ thuật của điện ảnh. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. "Lữ đoàn Thanh Khiết" đã trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy nền điện ảnh hướng đến những giá trị nghệ thuật cao quý, tạo ra những tác phẩm kinh điển, vượt thời gian. Ngành công nghiệp điện ảnh cũng không hề bị thua lỗ như những lời đồn thổi vô căn cứ. Ngược lại, nhiều người từng e ngại, không muốn tiếp cận điện ảnh vì lo ngại những vấn đề đạo đức, giờ đây đã có thể yên tâm trở lại rạp chiếu, bởi họ đã có thể thưởng thức những bộ phim trong sáng, vừa mang tính giải trí lành mạnh vừa phù hợp với đạo đức Kitô giáo.

Khi "Lữ đoàn Thanh Khiết" mới được thành lập, nhiều người cho rằng nỗ lực của Giáo hội sẽ sớm lụi tàn. Họ cho rằng khi sự quan tâm của Giám mục và tín hữu giảm dần, các nhà sản xuất sẽ lại quay về với những phương thức cũ. Thật dễ hiểu khi một số người trong số họ muốn quay lại với những chủ đề đen tối, những yếu tố có thể khơi gợi dục vọng thấp hèn, đi ngược lại với những giá trị mà Giáo hội đề cao.

Bởi lẽ, để tạo ra những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật chân chính, phản ánh chân thực những giằng xé nội tâm trong cuộc đấu tranh giữ gìn đức hạnh của con người, đòi hỏi người nghệ sĩ phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực, trí tuệ, tâm huyết và cả vật chất. Trong khi đó, việc thu hút một bộ phận khán giả bằng những tác phẩm kích động lòng tham, khơi gợi bản năng thấp hèn trong mỗi con người lại tương đối dễ dàng.

Chính sự kiên định của Giáo hội trong việc theo đuổi mục tiêu này đã minh chứng cho thấy "Lữ đoàn Thanh Khiết" không phải là một phong trào nhất thời, dễ dàng bị lãng quên. Các Giám mục Hoa Kỳ luôn quyết tâm bảo vệ người dân, bảo vệ nền đạo đức xã hội trong mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực giải trí.

II. SỨC MẠNH CỦA ĐIỆN ẢNH

Giải trí, với muôn hình vạn trạng, đã trở thành một nhu cầu thiết yếu cho con người trong xã hội hiện đại đầy căng thẳng. Tuy nhiên, loại hình giải trí ấy phải phù hợp với bản tính duy lý của con người, và do đó, phải lành mạnh về mặt đạo đức. Nó cần phải là một yếu tố tích cực cho sự thiện hảo và khơi dậy những tâm tình cao thượng. Một dân tộc, trong thời gian nghỉ ngơi, mà lại đắm mình vào những trò tiêu khiển đi ngược lại sự đứng đắn, danh dự hay luân lý, vào những thú vui giải trí trở thành dịp tội, đặc biệt là đối với giới trẻ, thì dân tộc ấy đang đứng trước nguy cơ đánh mất sự cao cả, thậm chí là cả sức mạnh quốc gia của mình.

Không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, điện ảnh đã đạt được vị thế quan trọng trên toàn cầu trong số các phương tiện giải trí hiện đại.

Sự lên ngôi của điện ảnh

Một thực tế không thể phủ nhận là ngày nay, hàng triệu người trên khắp thế giới đã và đang tìm đến với điện ảnh như một hình thức giải trí. Các rạp chiếu phim được xây dựng ngày càng nhiều, từ các quốc gia phát triển đến các quốc gia đang phát triển. Điện ảnh đã trở thành hình thức giải trí thống trị, thỏa mãn nhu cầu giải trí của mọi tầng lớp trong xã hội, từ người giàu có cho đến những người lao động bình thường.

Hiếm có phương tiện nào có sức ảnh hưởng đến công chúng mạnh mẽ như điện ảnh. Nguyên nhân cho uy lực mạnh mẽ ấy nằm ở chính bản chất của những hình ảnh được trình chiếu, ở sức hấp dẫn của những bộ phim điện ảnh, và ở bối cảnh xã hội đương thời. Chính vì những đặc điểm nổi bật ấy, điện ảnh có khả năng thu hút mọi đối tượng khán giả, bất kể tuổi tác, trình độ hay văn hóa.

Điểm mạnh của điện ảnh nằm ở chỗ nó sử dụng ngôn ngữ hình ảnh sống động, cụ thể, dễ dàng gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem, mang đến cho họ cảm giác thích thú, thoải mái mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Điện ảnh, với ngôn ngữ hình ảnh trực quan, có thể dễ dàng thu hút cả những khán giả muốn tìm kiếm sự giải trí đơn thuần, không cần phân tích hay suy luận quá nhiều. Thay vì phải tự mình tưởng tượng qua những trang sách hay câu chuyện, người xem được chiêm ngưỡng một cách trực quan thế giới hình ảnh sống động và chân thực ngay trước mắt.

Sức mạnh ấy càng được nhân lên gấp bội trong những bộ phim có lời thoại, bởi lẽ lời thoại giúp cho người xem dễ dàng tiếp nhận thông điệp hơn. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng góp phần tạo nên sức hút khó cưỡng cho bộ phim. Những điệu nhảy và những tiết mục giải trí được lồng ghép khéo léo vào giữa các bộ phim như những gia vị đặc biệt, giúp cho cảm xúc của người xem thêm phần thăng hoa.

Điện ảnh và trách nhiệm

Là một phương tiện truyền thông có sức lan tỏa rộng rãi, điện ảnh ngày nay có khả năng tác động mạnh mẽ đến công chúng, thậm chí đôi khi còn hiệu quả hơn cả những lý lẽ trừu tượng. Tuy nhiên, cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác, ảnh hưởng của điện ảnh có thể mang đến cả những hiệu quả tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, việc định hướng cho điện ảnh phát triển theo hướng phù hợp với lương tâm Kitô giáo, loại bỏ những tác động xấu, góp phần gìn giữ đạo đức xã hội là điều cần thiết.

Có thể thấy rằng, nội dung tiêu cực từ một số bộ phim có thể là yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý và hành vi của người xem, đặc biệt là giới trẻ, bằng cách lãng mạn hóa những cám dỗ và dẫn dắt họ đến những suy nghĩ lệch lạc. Nội dung tiêu cực từ một số bộ phim có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của người xem về cuộc sống, làm lu mờ những giá trị tốt đẹp, và tiềm ẩn nguy cơ gây ra những suy nghĩ lệch lạc về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Không chỉ vậy, nội dung tiêu cực từ một số bộ phim còn có thể gieo rắc định kiến giữa con người với con người, gây ra sự hiểu lầm giữa các quốc gia, các tầng lớp xã hội và các chủng tộc.

Trong khi đó, những bộ phim có nội dung tích cực có khả năng nâng cao đời sống tinh thần người xem. Không chỉ mang đến những giây phút giải trí, phim ảnh còn có thể khơi gợi những lý tưởng sống tốt đẹp, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, giúp người xem hiểu biết hơn về lịch sử và văn hóa của đất nước mình cũng như của các quốc gia khác. Những bộ phim có giá trị nhân văn lồng ghép chân lý và đức hạnh một cách tự nhiên và thu hút, góp phần xây dựng hoặc ít nhất là thúc đẩy sự thấu hiểu giữa các quốc gia, các tầng lớp xã hội và các chủng tộc, bênh vực lẽ phải, đề cao giá trị đạo đức, và góp phần tạo nên một xã hội công bằng trên thế giới.

Điện ảnh và bối cảnh xã hội

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi xét đến tính chất tác động tập thể của điện ảnh. Phim ảnh không chỉ đơn thuần là nói chuyện với mỗi cá nhân riêng lẻ, mà là với cả một tập thể, trong một bối cảnh thời gian, địa điểm và môi trường đặc thù, nơi mà ranh giới giữa thiện và ác trở nên mong manh, và tâm lý đám đông, như kinh nghiệm đã cho thấy, có thể dẫn đến những hình thái lệch lạc nhất.

Điện ảnh thường được công chúng tiếp nhận trong không gian tĩnh lặng và có phần tách biệt của rạp chiếu, nơi mà mọi giác quan, từ thể xác, trí óc đến tâm hồn, đều được thả lỏng. Những rạp chiếu phim hiện diện khắp nơi, từ gần nhà, trường học, nhà thờ, đến từng ngóc ngách của đời sống cộng đồng.

Hơn nữa, việc điện ảnh sử dụng hình ảnh của các diễn viên, những người được đào tạo bài bản và trau chuốt bởi nhiều loại hình nghệ thuật, để thể hiện những câu chuyện và hành động, cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực, nhất là đối với giới trẻ. Thêm vào đó, phim ảnh còn thu hút người xem bằng sự xa hoa, âm nhạc du dương, sức sống của hiện thực và muôn vàn điều kỳ thú. Chính vì thế, nó đặc biệt hấp dẫn giới trẻ, thanh thiếu niên, và cả trẻ em. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách, vun đắp những quan niệm về lẽ phải, công bằng, bổn phận, trách nhiệm và lý tưởng sống. Chính vì vậy, điện ảnh, với khả năng tác động trực tiếp, lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, như một con dao hai lưỡi.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, sức ảnh hưởng của điện ảnh đôi khi bị lợi dụng cho những mục đích không chính đáng, gây tổn thương cho tâm hồn non nớt của tuổi trẻ và trẻ thơ. Trước thực trạng đó, chúng ta không khỏi rùng mình nhớ đến lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa dành cho những kẻ gieo rắc tội lỗi cho trẻ nhỏ: “Ai gây nên tội cho một trong những kẻ bé mọn này, những kẻ tin vào Ta, thì thà cho nó bị tròng cối xay vào cổ, mà quăng xuống đáy biển còn hơn”.

Điện ảnh không thể trở thành công cụ của sự băng hoại

Điện ảnh cần được định hướng để trở thành một công cụ hữu ích, thay vì là tác nhân gây ra sự băng hoại. Nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần chung tay hành động để định hướng cho điện ảnh phát triển theo hướng tích cực. Mục tiêu là biến điện ảnh từ một nguy cơ tiềm ẩn thành công cụ hữu hiệu cho giáo dục, góp phần hoàn thiện con người.

Điều đáng ghi nhận là một số chính phủ đã ý thức rõ tầm ảnh hưởng to lớn của điện ảnh đến vấn đề đạo đức và giáo dục. Chính phủ các nước này đã có những hành động thiết thực như phối hợp với các tổ chức xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, để thành lập ủy ban kiểm duyệt, ban hành các chính sách nhằm định hướng cho nền điện ảnh phát triển theo hướng có trách nhiệm, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh đang phát triển vượt bậc và có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, sự quan tâm đặc biệt của các vị chức sắc tôn giáo đối với lĩnh vực này là vô cùng cần thiết và đáng trân trọng. Các Giám mục trên toàn thế giới được khuyến khích cùng nhau quan tâm và định hướng cho hình thức giải trí và giáo dục phổ biến và đầy sức mạnh này, góp tiếng nói để ngăn chặn những bộ phim đi ngược lại với các giá trị đạo đức, tôn giáo, cũng như tinh thần và các nguyên tắc đạo đức của Kitô giáo. Chúng ta cần kiên trì nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức, nhân văn, không ngừng đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng các Giám mục, mà còn là của tất cả các tín hữu và những người có lương tri, những người luôn tâm huyết với việc gìn giữ phẩm giá và nền tảng đạo đức của gia đình, quốc gia, và toàn xã hội. Vậy, chúng ta cần làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình một cách thiết thực và hiệu quả?

III. SỨ MỆNH CHO PHONG TRÀO CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

Việc xây dựng một nền điện ảnh nhân văn và giàu giá trị đạo đức sẽ đạt được hiệu quả thiết thực nếu chúng ta kiến tạo những bộ phim được dẫn dắt bởi tinh thần và những giá trị Kitô giáo. Chúng ta trân trọng những nỗ lực của những người tâm huyết, những người đã và đang dấn thân cho lý tưởng cao đẹp: Nâng tầm nghệ thuật điện ảnh để đáp ứng nhu cầu giáo dục và tiếng gọi của lương tâm Kitô giáo. Để đạt được mục tiêu đó, cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút sự tham gia của những nhà làm phim chuyên nghiệp, những người có đủ tài năng và kinh nghiệm để tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấu hiểu những khó khăn trong việc kiến tạo một nền điện ảnh như vậy, đặc biệt là những trăn trở về mặt tài chính. Do đó, việc định hướng cho hoạt động sản xuất phim ảnh là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo rằng mọi tác phẩm đến tay người xem, đặc biệt là các Kitô hữu, đều không chứa đựng những yếu tố đi ngược lại với các giá trị đạo đức, tôn giáo và xã hội. Vì vậy, các Mục Tử của các linh hồn cần đồng hành, quan tâm và định hướng cho các tín hữu, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc lựa chọn và tiếp nhận những bộ phim phù hợp với các giá trị đạo đức, tôn giáo.

Gửi các giám mục của mọi quốc gia

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý Đức Giám mục, đặc biệt là chư huynh đáng kính, hãy quan tâm đến ngành công nghiệp điện ảnh, nơi có nhiều người con Công giáo đang đảm nhận những trọng trách. Xin quý Ngài hãy khích lệ họ, để với bổn phận và trách nhiệm của mình là con cái của Giáo hội, họ có thể dùng chính ảnh hưởng và uy tín của mình để gìn giữ và lan tỏa những giá trị đạo đức trong sáng trong suốt quá trình sản xuất phim ảnh.

Chúng tôi tin rằng có rất nhiều người con Công giáo đang hoạt động trong lĩnh vực này, từ nhà điều hành, đạo diễn, biên kịch cho đến nghệ sĩ, luôn mong muốn đóng góp cho nền điện ảnh những giá trị nhân văn tốt đẹp. Xin quý Ngài hãy đồng hành và khích lệ họ, để tài năng và tâm huyết của họ được tỏa sáng, góp phần xây dựng một nền điện ảnh nhân văn, giàu giá trị đạo đức và thẩm mỹ. Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, [qua lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội], ban cho họ ơn khôn ngoan và sức mạnh để sống và làm nghề với một lương tâm trong sáng, xứng đáng là những con người lương thiện và là những môn đệ đích thực của Ngài.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong sứ mạng này, cũng như trong mọi hoạt động tông đồ khác, quý Đức Giám mục sẽ luôn tìm thấy nơi các thành viên của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành những người cộng sự nhiệt thành và đắc lực. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em trong Phong Trào Công Giáo Tiến Hành hãy tiếp tục dấn thân và cống hiến hết mình cho chính nghĩa cao đẹp này.

Chúng tôi cũng xin quý Đức Giám mục khích lệ ngành công nghiệp điện ảnh, để bên cạnh mục đích lợi nhuận, họ cũng ý thức được trách nhiệm xã hội của mình trong việc tạo ra những sản phẩm giải trí lành mạnh và bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người xem.

Bảo vệ nền tảng đạo đức quốc gia

Chúng tôi tin tưởng rằng, với ơn gọi cao cả của mình, quý Đức Giám mục sẽ tiếp tục là tiếng nói mạnh mẽ và đầy uy tín, cảnh tỉnh xã hội về những nguy cơ tiềm ẩn từ những hình thức giải trí thiếu lành mạnh, có thể làm băng hoại nền tảng đạo đức của cả một dân tộc. Chúng tôi cũng xin quý Đức Giám mục chia sẻ với giới làm phim rằng, những mong muốn mà chúng tôi đề cập đến không chỉ vì lợi ích của người Công giáo, mà còn vì tất cả những ai yêu chuộng nghệ thuật điện ảnh, mong muốn nghệ thuật này thực sự phát triển lành mạnh và đóng góp tích cực cho xã hội.

Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng vào sự đóng góp của quý Đức Giám mục Hoa Kỳ. Với vị thế của mình, quý Ngài có thể góp phần định hướng cho nền điện ảnh nước nhà ngày càng ý thức và gánh vác trách nhiệm của mình trước xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng, với uy tín và ảnh hưởng của mình, quý Đức Giám mục trên toàn thế giới có thể giúp các nhà lãnh đạo ngành điện ảnh nhận thức rõ ràng hơn về tiềm năng to lớn của điện ảnh. Điện ảnh, với sức mạnh to lớn và tầm ảnh hưởng rộng khắp, có thể được định hướng để phục vụ thiết thực cho sự phát triển con người và xã hội.

Điện ảnh không nên chỉ dừng lại ở việc tránh điều xấu, hay chỉ là phương tiện giải trí đơn thuần, lấp đầy những lúc rảnh rỗi. Với tiềm năng to lớn của mình, điện ảnh có thể và cần phải trở thành nguồn sáng soi đường, dẫn dắt con người đến với những giá trị chân thiện mỹ.

Trước tầm quan trọng của vấn đề, Chúng tôi cho rằng đã đến lúc đưa ra những hướng dẫn thiết thực.

Lời hứa xem phim hằng năm

Hằng năm, các vị mục tử nên khuyến khích cộng đoàn, tương tự như các giáo dân tại Mỹ, lập Lời hứa khi xem phim, trong đó mọi người cam kết tránh xa những bộ phim xúc phạm đến chân lý và luân lý Kitô giáo. Để việc thực hiện Lời hứa khi xem phim đạt hiệu quả như mong muốn, xin quý Ngài hãy phổ biến Lời hứa này tại các giáo xứ, trường học và đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh cùng đồng hành trong việc giáo dục con cái. Báo chí Công giáo cũng có thể là một phương tiện hữu hiệu để lan tỏa giá trị đạo đức và hiệu quả của Lời hứa khi xem phim.

Để lời hứa này có hiệu lực, việc thông tin kịp thời cho cộng đoàn biết rõ những bộ phim nào phù hợp, những bộ phim nào cần có lưu ý khi xem, và những bộ phim nào có hại hoặc hoàn toàn xấu là rất cần thiết. Việc công bố thường xuyên danh sách phân loại các bộ phim qua các bản tin, ấn phẩm của giáo xứ, hoặc các phương tiện truyền thông Công giáo, sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin.

Để giúp cộng đoàn lựa chọn phim ảnh phù hợp, việc thiết lập một danh sách chung cho toàn thế giới, phù hợp với luật luân lý chung, là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến tính chất đa dạng của điện ảnh cũng như sự khác biệt về văn hóa và tập quán của mỗi quốc gia. Do đó, việc mỗi quốc gia tự phân loại phim ảnh theo nguyên tắc chung, đồng thời, linh hoạt xem xét các yếu tố văn hóa và bối cảnh cụ thể sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Ban thẩm định phim ảnh quốc gia

Để thực hiện điều này, tại mỗi quốc gia, chúng tôi đề nghị quý Đức Giám mục xem xét việc thành lập Ban Thẩm định Phim ảnh thường trực. Mục đích của Ban Thẩm định là quảng bá những bộ phim lành mạnh, phân loại các bộ phim khác, và phổ biến thông tin này đến các linh mục và giáo dân. Ban Thẩm định nên được đặt dưới sự hướng dẫn của quý Đức Giám mục và có thể giao cho tổ chức trung ương của Phong Trào Công giáo Tiến hành đảm nhiệm. Để hoạt động thẩm định được hiệu quả và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi đề nghị nên có một trung tâm duy nhất chịu trách nhiệm về công tác này.

Trong trường hợp thực sự cần thiết, quý Đức Giám mục, thông qua các ủy ban thẩm định giáo phận, có thể điều chỉnh danh sách phim được phê duyệt trên phạm vi quốc gia cho phù hợp với đặc thù của từng giáo phận. Việc điều chỉnh này cần tuân thủ các tiêu chuẩn chung của toàn quốc và có thể bao gồm việc áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt hơn hoặc thậm chí là loại bỏ những bộ phim đã được phê duyệt trong danh sách chung.

Điện ảnh và hội trường giáo xứ

Ngoài ra, Ban Thẩm định Phim ảnh cũng có thể hỗ trợ các hội trường giáo xứ và các tổ chức Công giáo trong việc lựa chọn và tổ chức chiếu phim, nhằm đảm bảo chỉ những bộ phim phù hợp mới được trình chiếu.

Các hội trường giáo xứ có tiềm năng trở thành cầu nối giúp các nhà làm phim tiếp cận với đông đảo khán giả. Do đó, Giáo hội có thể khuyến khích các nhà sản xuất phim sáng tác những tác phẩm phù hợp với giá trị đạo đức mà Giáo hội theo đuổi. Điều này sẽ góp phần lan tỏa những bộ phim ý nghĩa và phù hợp với giá trị đạo đức đến với xã hội.

Chúng tôi thấu hiểu rằng việc thành lập và duy trì hoạt động của Ban Thẩm định Phim ảnh sẽ đòi hỏi sự ủng hộ và đóng góp từ cộng đồng Công giáo. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự đóng góp này là vô cùng quý giá, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đời sống đạo đức của người Kitô hữu, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nền điện ảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều nhận thấy, hoạt động giáo dục và mục vụ của Giáo hội, đặc biệt là trong các trường học và các tổ chức Công giáo, cần lưu tâm đến những ảnh hưởng từ các tác phẩm điện ảnh. Để Ban Thẩm định hoạt động hiệu quả, chúng tôi đề nghị quý Đức Giám mục bổ nhiệm những người có kiến thức chuyên môn về điện ảnh, đồng thời am hiểu giáo lý và tinh thần Công giáo, vào Ban Thẩm định. Hoạt động của Ban Thẩm định cần được giám sát bởi một linh mục do quý Đức Giám mục chỉ định.

Trao đổi thông tin

Việc các Ban Thẩm định tại các quốc gia cùng trao đổi thông tin và kinh nghiệm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đảm bảo tính phù hợp với văn hóa và bối cảnh của mỗi quốc gia. Qua đó, chúng ta có thể hướng đến sự thống nhất trong việc đánh giá và cung cấp thông tin về phim ảnh trên các ấn phẩm Công giáo toàn cầu.

Bên cạnh việc tham khảo mô hình từ Hoa Kỳ, các Ban Thẩm định cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những hoạt động hiệu quả của người Công giáo ở các quốc gia khác trong lĩnh vực điện ảnh.

Trong quá trình hoạt động, dù các thành viên Ban Thẩm định luôn giữ tinh thần trách nhiệm và thiện chí, nhưng cũng có thể gặp phải những khó khăn hoặc sai sót. Với sự khôn ngoan mục vụ, quý Đức Giám mục sẽ đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho Ban Thẩm định hoạt động hiệu quả, phù hợp với tinh thần của Giáo hội. Đồng thời, việc lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự cho Ban Thẩm định cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo họ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để đảm nhận trọng trách này.

Giám sát cẩn thận

Chúng tôi tin tưởng rằng, với lòng nhiệt thành mục vụ, quý Đức Giám mục trên toàn thế giới sẽ đồng lòng thực thi sự cảnh giác cần thiết đối với điện ảnh, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng luân lý cho đoàn chiên, ngay cả trong những giờ phút giải trí.

Chắc chắn rằng, những nỗ lực của quý Đức Giám mục sẽ nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ tất cả những người thiện chí, bất kể tôn giáo của họ. Qua đó, chúng ta cùng góp phần định hướng cho nền điện ảnh, một phương tiện truyền thông đầy tiềm năng, để cổ vũ cho những giá trị cao đẹp và những chuẩn mực sống tốt lành.

Để những ước nguyện và lời cầu nguyện xuất phát từ tâm tình của người Cha chung này được thêm hiệu lực, Chúng tôi tha thiết khẩn cầu ơn Chúa soi sáng và trợ giúp. Xin Chúa thương ban phép lành Tông Tòa cho quý Đức Giám mục, cùng toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân trong Giáo phận.

Ban hành tại Roma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 29 tháng 6, Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, năm 1936, năm thứ mười lăm của Triều đại Giáo Hoàng.

GIÁO HOÀNG PIUS XI

Chuyển ngữ: LM Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM

Từ: vatican.va

Nguồn: communication-theology.com

_____

[1] A.A.S., 1930, vol. XXII, trang 82

[2] Trích từ Thánh lễ Chúa Nhật thứ ba sau Lễ Chúa Thánh Thần

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top