Tóm lược Thông Điệp ”Caritas in Veritate” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Tóm lược Thông Điệp ”Caritas in Veritate” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

VATICAN. Sáng 7-7-2009, Thông điệp thứ 3 của ĐTC Biển Đức 16, ”Caritas in veritate” (Bác ái trong sự thật) đã được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã chủ tọa cuộc họp báo cùng với ĐHY Paul Cordes, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, vá giáo sư Stephano Zamagno, giảng dạy môn kinh tế chính trị tai Đại Học Bologna, Italia, và cũng là cố vấn của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình.
 
Tựa đề đầy đủ của văn kiện này là ”Thông điệp Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức 16 gửi các GM, LM, Phó Tế, những người thánh hiến, các tín hữu giáo dân và tất cả mọi người thiện chí về sự phát triển nhân bản toàn diện trong bác ái và trong sự thật”.
 
Thông điệp ấn hành bằng cách sinh ngữ chính: Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ đào nha, dài khoảng 145 trang. Ngoài phần nhập đề và kết luận, Văn kiện được chia làm 77 đoạn gộp trong 6 chương, lần lượt đề cập đến: Sứ điệp của Thông điệp Phát Triển các dân tộc (c.1), sự phát triển nhân bản ngày nay (c.2), tình huynh đệ, sự phát triển kinh tế và xã hội dân sự (c.3), sự phát triển các dân tộc, quyền lợi và nghĩa vụ, môi sinh (c.4), sự cộng tác của gia đình nhân loại (c.5) và sau cùng là sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật (c.6).
 
Sau đây là tóm lược Thông điệp mới của ĐTC:
 
”Bác ái trong sự thật mà Chúa Giêsu đã làm chứng” là ”động lực chủ yếu để phát triển đích thực cho mỗi người và toàn thể nhân loại”: Thông điệp ”Caritas in Veritate ”, Bác ái trong Sự Thật, bắt đầu bằng những lời ấy và được gửi tới thế giới Công Giáo cũng như ”tới tất cả những người thiện chí”.
 
Trong Phần Nhập Đ , ĐTC nhắc nhở rằng ” bác ái là con đường chính yếu trong đạo lý xã hội của Hội Thánh ”. Đàng khác, xét vì có ”nguy cơ bác ái bị hiểu lầm, bị đưa ra khỏi đời sống luân lý đạo đức, nên nó cần phải có sự thật đi kèm. Và ngài cảnh giác rằng ”Một thứ Kitô giáo bác ái mà không có sự thật thì dễ bị lẫn lộn với một mớ những tâm tình tốt đẹp, tuy hữu ích cho cuộc sống chung trong xã hội, nhưng nó ở bên lề xã hội” (1-4). Sự phát triển cần sự thật . ĐTC quả quyết rằng nếu không có sự thật, thì ”hoạt động xã hội sẽ tùy thuộc những tư lợi và phải tuân theo các tiêu chuẩn quyền lực, đưa tới những hậu quả phá tán xã hội” (5). ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh hai ”tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động luân lý” xuất phát từ nguyên tắc ”bác ái trong sự thật”: đó là công lý và công ích ”. Mỗi Kitô hữu được mời gọi thực thi bác ái, kể cả qua ”con đường cơ chế” có ảnh hưởng tới đời sống của xã hội (6-7). Ngài lập lại rằng, ”Giáo Hội không đề ra những giải pháp chuyên môn”, nhưng Giáo Hội có ”một sứ mạng chân lý cần phải chu toàn” để ”có một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và ơn gọi của con người” (8-9).
 
Chương thứ I trong Thông Điệp được dành cho Sứ điệp của Thông điệp ”Populorum progressio”, Phát triển các dân tộc , của Đức Phaolô 6. ĐTC nhận xét rằng ”nếu không có viễn tượng đời sống vĩnh cửu, thì sự tiến bộ của con người trong thế giới này sẽ không có hơi thở”. Không có Thiên Chúa, thì sự phát triển bị phủ nhận, trở thành vô nhân đạo ” (10-12). Đức Phaolô 6 tái khẳng định ”tầm quan trọng hết sức lớn lao của Tin Mừng trong việc xây dựng xã hội theo tự do và công lý” (13). Trong thông điệp Humanae vitae, Sự sống con người, ĐGH Montini ”nêu rõ những mối liên hệ chặt chẽ giữa luân lý đạo đức trong cuộc sống và luân lý đạo đức xã hội”. Ngày nay cũng vậy, ”Giáo Hội mạnh mẽ đề nghị mối liên hệ ấy” (14-15). ĐTC giải thích ý niệm ”ơn gọi” (vocatio) trong Thông điệp ”Phát triển các dân tộc”. ”Sự phát triển là ơn gọi” vì ”nó nảy sinh từ một tiếng gọi siêu việt. ”Sự phát triển có tính chất thực sự ”toàn diện” khi nó ”nhắm thăng tiến mỗi người và toàn thể con người”. Ngài nói thêm rằng ”Đức tin Kitô bàn đến sự phát triển không dựa trên những đặc ân hoặc những vị thế quyền lực”, nhưng ”chỉ dựa trên Chúa Kitô mà thôi” (16-18). ĐGH nêu bật rằng ”những nguyên do gây nên chậm tiến trước tiên không phải là những nguyên do thuộc lãnh vực vật chất”. Trước hết, chúng hệ tại nơi ý chí, tư tưởng và nhất là ”nơi sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau”. ”Xã hội ngày càng hoàn cầu hóa làm cho chúng ta trở thành những người láng giềng của nhau, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau”. Vì thế, cần phải đng viên, để nền kinh tế tiến tới những thành quả thực sự là nhân bản ” (19-20) .
 
Trong chương thứ II , ĐTC bàn thẳng tới vấn đề Phát triển con người ngày nay . Ngài nhận xét rằng sự tìm kiếm lợi lộc như một đối tượng duy nhất ”mà không để ý tới công ích như mục đích tối hậu thì có nguy cơ tàn phá sự phong phú và tạo nên nghèo đói”. Và Ngài kể ra một số méo mó trong sự phát triển, ví dụ: những hoạt động tài chánh ”hầu hết có tính chất đầu cơ”, làn sóng di dân ”thường chỉ do người ta tạo nên” và bị quản lý sai trái, hoặc ”sự khai thác bừa bãi những tài nguyên của trái đất”. Đứng trước những vấn đề có liên hệ với nhau như thế, ĐGH kêu gọi thực hiện ”một tổng hợp mới về nhân bản”. Cuộc khủng hoảng ”bó buộc chúng ta phải điều chỉnh lại hành trình của chúng ta” (21). ĐGH nhận xét rằng ”sự phát triển ngày nay có nhiều trục trung tâm ”. ”Sự phong phú trên thế giới gia tăng, nếu xét tuyệt đối, nhưng lại gia tăng sự chênh lệch” và nảy sinh những thức nghèo mới. ĐGH lấy làm tiếc vì nạn tham ô hối lộ đều hiện hữu tại các nước giàu cũng như nước nghèo; nhiều khi các đại xí nghiệp liên quốc không tôn trọng các quyền của công nhân. Đàng khác, ”những viện trợ quốc tế thường bị tước khỏi mục tiêu của chúng, vì thái độ vô trách nhiệm của những người hiến tặng và những người được hưởng. Đồng thời, ĐTC tố giác rằng, ” có những hình thức thái quá trong việc bảo vệ kiến thức từ phía các nước giàu, qua việc sử dụng một cách quá cứng nhắc quyền tài sản trí thức, nhất là trong lãnh vực y tế” (22).
 
ĐTC Biển Đức 16 nhận xét rằng sau khi các ”khối” chấm dứt, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã kêu gọi điều chỉnh lại toàn bộ sự phát triển, nhưng điều này chỉ diễn ra một phần mà thôi. Ngày nay, có một sự tái thẩm định vai trò của chính quyền quốc gia, và ước mong có sự tham gia của xã hội dân sự vào chính sách quốc gia và quốc tế. Rồi ĐGH chú ý đến sự kiện các nước giàu di chuyển việc sản xuất tới những nơi khác với những phí tổn hạ. ĐGH cảnh giác rằng ”Tiến trình này có kèm theo sự giảm bớt các hệ thống an ninh xã hội” gây ”nguy hiểm trầm trọng cho quyền lợi của các công nhân”. Thêm vào đó, ”có việc cắt giảm những chi phí xã hội, nhiều khi do chính cách tổ chức tài chánh quốc tế cổ võ, sự kiện này khiến cho các công dân trở nên bất lực đứng trước những rủi rỏ cũ và mới”. Đàng khác, người ta thấy rằng ”vì những lý do lợi ích kinh tế, các chính phủ thường giới hạn các quyền tự do công đoàn”. Vì thế, ĐGH nhắc nhớ các nhà cầm quyền rằng ”Tư bản đầu tiên cần bảo tồn và làm gia tăng giá trị chính là con người, là nhân vị trong sự toàn vẹn của con người” (23-25).
 
ĐGH viết thêm rằng, trên bình diện văn hóa, sự kiện có thể trao đổi phản ứng mở ra những viễn tượng mới cho việc đối thoại, nhưng cũng có hai nguy hiểm. Trước tiên là xu hướng ”hợp tuyển văn hóa ” (eclettismo culturale) trong đó các nền văn hóa nói chung ”được coi như tương đương với nhau”. Nguy cơ trái ngược là ”sự san bằng văn hóa”, ”đồng nhất hóa các lối sống” (26). Rồi ĐTC nghĩ tới thảm trạng nạn đói. Ngài tố giác rằng ”hiện nay đang thiếu những tổ chức kinh tế có khả năng đương đầu với tình trạng cấp thiết là nạn đói”. ĐTC cầu mong người ta tìm đến ”những biên cương mới” trong kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và sự cải cách ruộng đất công bằng tại các nước đang trên đường phát triển (27).
 
ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh rằng việc tôn trọng sự sống không thể tách rời khỏi sự phát triển các dân tộc vì bất kỳ lý do gì . Ngài nhận thấy tại nhiều nơi trên thế giới vẫn còn có những biện pháp kiểm soát dân số tới độ ”áp đặt cả việc phá thai”. Tại các nước phát triển cao, có sự lan tràn não trạng bài trừ sinh sản và người ta thường tìm cách phổ biến não trạng ấy cho cả những nước khác, như thể đó là một sự tiến bộ văn hóa. Ngoài ra, ”Người ta có lý do để nghi ngờ rằng nhiều khi chính những viện trợ phát triển” bị gắn liền với ”những chính sách y tế, trong thực tế bao hàm sự áp đặt việc kiểm soát sinh sản. Thêm vào đó, những luật lệ cho phép làm cho chết êm dịu cũng thật là điều đáng lo âu. ”Khi một xã hội tiến tới sự phủ nhận hoặc hủy hoại sự sống thì rốt cuộc sẽ không còn tìm được những động lực và sức mạnh để hoạt động hầu phục vụ thiện ích đích thực của con người” (28).
 
Một khía cạnh khác gắn liền với sự phát triển là quyền tự do tôn giáo . ĐGH viết những bạo lực cản trở sự phát triển đích thực, điều này được đặc biệt áp dụng cho nạn khủng bố theo chủ nghĩa cực đoan”. Đồng thời, sự cổ võ chủ thuyết vô thần nơi nhiều quốc gia là điều trái ngược với những nhu cầu phát triển của các dân tộc, tước đoạt của họ những năng lực tinh thần và nhân bản (29). Để phát triển, cần có sự tác động hỗ tương của nhiều cấp độ kiến thức được hòa hợp với nhau nhờ đức bác ái (30-31).
 
Vì thế, ĐGH cầu mong rằng những chọn lựa kinh tế hiện nay tiếp tục ”theo đuổi mục tiêu ưu tiên là làm sao để mọi ngưi có công ăn việc làm . ĐTC Biển Đức 16 cảnh giác chống lại một nền kinh tế ”ngắn hạn hoặc rất ngắn hạn”, hạ thấp mức độ bảo vệ quyền quyền của giới công nhân, để một quốc gia nào đó có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Vì thế, ngài khuyên nên sửa chữa những lệch lạch trong kiểu mẫu phát triển như tình trạng sức khỏe của trái đất ngày nay cũng đang đòi hỏi. Và ĐTC kết luận về sự hoàn cầu hóa rằng: “Nếu không có sự hướng dẫn của bác ái trong sự thật, thì sự hoàn cầu hóa có thể góp phần tạo nên những nguy cơ đưa tới những thiệt hại cho đến nay người ta chưa biết được và dẫn tới những chia rẽ mới”. Vì thế, cần có một sự dấn thân chưa từng có và với tinh thần sáng tạo” (32-33).
 
Chương thứ III có tựa đề ” Tình huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự”. Phần này mở đầu với lời ca ngợi kinh nghiệm về sự trao tặng . Kinh nghiệm này thường không được nhìn nhận ”vì thứ nhân sinh quan duy sản xuất và duy lợi ích”. ĐGH nhận xét rằng do xác tín về sự độc lập của kinh tế đối với những ảnh hưởng luân lý, đã thúc đẩy con người lạm dụng phương tiện kinh tế đến độ gây ra những tàn phá. Để thực sự có tính chất nhân bản, sự phát triển phải dành chỗ cho nguyên tắc nhưng không (34). Điều này có giá trị đặc biệt đối với thị trường. ĐGH cảnh giác rằng ”Nếu không có những hình thức nội tại liên đới và tín nhiệm lẫn nhau, thì thị trường không thể chu toàn chức năng kinh tế của nó”. Thị trưởng “không thể chỉ cậy dựa nơi chính mình”, nó phải kính mục năng lực luân lý từ các chủ thể khác, và không được coi những người nghèo như những gánh nặng, trái lại như một nguồn tài nguyên. ” Thị trường không thể trở thành nơi mà kẻ mạnh đè bp người yếu ”. ”Tiêu chuẩn thương mại cần phải nhắm theo đuổi công ích mà nó, và nhất là cộng đồng kinh tế, phải đảm trách.” ĐGH minh định rằng tự bản chất thị trường không phải là điều tiêu cực. Vì thế, điều có liên hệ ở đây là con người, lương tâm và trách nhiệm của con người. Và ĐGH kết luận rằng cuộc khủng hoản hiện nay chứng tỏ ”những nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội – như sự minh bạch, lương thiện và trách nhiệm – không thể bị lơ là coi nhẹ”. Đồng thời ngài nhắc nhở rằng nền kinh tế không loại bỏ vai trò của Nhà Nước và cần phải có những luật lệ đúng đắn. Nhắc lại Thông điệp Centesimus Annus, Năm Thứ 100, ĐTC nêu rõ sự cần thiết phải có một hệ thống với ba chủ thể là: thị trường, Nhà Nước và xã hội dân sự, và ngài khuyến khích “văn minh hóa nền kinh tế”. Cần có những hình thức kinh tế liên đới. Thị trường và chính trị đang cần có ”những người cởi mở đối với việc trao tặng cho nhau” (35-39).
 
ĐGH nêu nhận xét: cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đòi phải có một sự thay đổi sâu xa đối với xí nghiệp. Việc quản trị xí nghiệp không thể chỉ để ý tới lợi lộc của các chủ nhân mà thôi, nhưng còn phải đảm trách cộng đồng địa phương nữa. ĐGH nói đến những giới chủ xí nghiệp chỉ đáp ứng những chỉ dẫn của những người có cổ phần và ngài mời gọi tránh sử dụng đầu cơ các nguồn tài chánh (40-41). Chương III kết thúc với một sự thẩm định mới về hiện tượng hoàn cầu hóa, và không nên hiểu hiện tượng này như một ”tiến trình xã hội – kinh tế mà thôi”. ”Chúng ta không nên trở thành nạn nhân của hiện tượng này, nhưng phải là những người nắm vai chính, tiến hành một cách hợp lý, được sự hướng dẫn của bác ái và sự thật”. Sự hoàn cầu hóa cần một hướng đi văn hóa duy nhân vị và cộng đồng, cởi mở đối với siêu việt, có khả năng sửa chữa những lệch lạc. ĐGH nói thêm rằng ”có thể có sự tái phân phối tài nguyên, nhưng sự phổ biến an sinh không thể bị ngăn chặn bằng những dự phóng ích kỷ và bảo vệ thị trường” (42). 
 
Trong chương thứ IV , Thông điệp của ĐTC khai triển đề tài Sự phát triển các dân tộc, các quyền lợi và nghĩa vụ, môi sinh . Ngài nhận xét rằng người ta đòi hỏi quyền được sống trong thừa thãi nơi các xã hội sung túc, trong khi tại một số miền chậm tiến dân chúng thiểu lương thực và nước uống. ”Các quyền lợi của cá nhân bị tách rời khỏi khuôn khổ nghĩa vụ thì sẽ trở thành điên rồ”. Các quyền lợi và nghĩa vụ đòi phải có một khuôn khổ luân lý đạo đức. Trái lại, nếu chúng ”chỉ đặt nền tảng trên những quyết định của một nghị viện công dân, thì chúng có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào. Các chính quyền và các tổ chức quốc tế không thể quên đặc tính khách quan và không thể tùy nghi sử dụng của các quyền (43). Về vấn đề này, ĐGH nhắc đến những vấn đề liên hệ tới sự gia tăng dân số và ngài khẳng định rằng ”thật là điều không đúng khi coi sự gia tăng dân số như nguyên nhân đầu tiên gây ra chậm tiến”. ĐGH tái khẳng định rằng tính dục không thể bị thu hẹp vào sự kiện thỏa mãn khoái lạc và ăn chơi”. Người ta cũng không thể điều hành tính dục bằng những chính sách duy vật, với chính sách cưỡng bách kế hoạch hóa sinh sản. Và ĐTC nhấn mạnh rằng sự cởi mở trong tinh thần luân lý trách nhiệm đối với sự sống là một sự phong phú về mặt xã hội và kinh tế. Các quốc gia được kêu gọi đề ra cách chính sách đặt gia đình ở vị thế trung tâm” (44). ĐTC tái khẳng định: ”nền kinh tế cần có một nền luân lý đạo đức để tiến hành tốt đẹp; không phải bất kỳ thứ luân lý đạo đức nào, nhưng là thứ luân lý thân thiện với con người”. Chính vị thế trung tâm của nhân vị con người phải là nguyên tắc hướng đạo trong những can thiệp giúp phát triển sự cộng tác quốc tế, những can thiệp này phải luôn có sự can dự của những người được trợ giúp. ĐTC khuyến khích các tổ chức quốc tế phải tự hỏi về hiệu năng đích thực của guồng máy bàn giấy hành chánh, thường các guồng máy này quá tốn kéo. Nhiều khi chính những người nghèo lại là những người duy trì những tổ chức hành chánh hoang phí. Do đó, ĐTC kêu gọi hãy hoàn toàn minh bạch trong về những ngân khoản nhận được (45-47).
 
Những đoạn cuối cùng trong chương thứ IV của Thông điệp được dành cho môi sinh. Đối với tín hữu, thiên nhiên là một món quà của Thiên Chúa cần phải sử dụng trong tinh thần trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ngài nói đến các vấn đề năng lượng. ĐTC tố giác ”sự kiện một số quốc gia và các nhóm quyền lực vơ vét các nguồn tài nguyên, đây là một cản trở nghiêm trọng đối với sự phát triển các nước nghèo”. Vì thế, cộng đồng quốc tế phải tìm ra những con đường cơ chế để kỷ luật hóa việc khai thác các tài nguyên không tái sinh được. Các xã hội kỹ thuật tân tiến có thể và phải giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình, đồng thời phải gia tăng việc nghiên cứu các năng lượng khác. ĐTC nói rằng ”cần phải thực sự thay đổi não trạng để đi tới chỗ chấp nhận những lối sống mới. Ngày nay có một lối sống tại nhiều nơi trên thế giới, có xu hướng duy khoái lạc và duy tiêu thụ. Vấn đề quyết định là lối sống luân lý toàn bộ của xã hội. ”Nếu người ta không tôn trọng quyền sống và cái chết tự nhiên, thì lương tâm con người rốt cuộc sẽ đánh mất ý niệm về môi sinh nhân bản và ý niệm môi trường sống (48-52).
 
Chương thứ V có trọng tâm là ”Sự cộng tác của gia đình nhân loại ” trong đó ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh rằng ”sự phát triển các dân tộc chủ yếu tùy thuộc sự nhìn nhận mình thuộc về một gia đình duy nhất”. Đàng khác, Kitô giáo chỉ có thể góp phần vào sự phát triển nếu Thiên Chúa có một chỗ đứng trong lãnh vực công cộng. Khi phủ nhận quyền công khai tuyên xưng đức tin của tín hữu, chính trị mang sắc thái đàn áp và gây hấn. Và ĐGH cảnh giác rằng ”với chủ thuyết duy đời và cực đoan, người ta mất cơ hội đối thoại phong phú” giữa lý trí và đức tin. Sự rạn nứt ấy đưa tới một thiệt hại nặng nề cho sự phát triển nhân loại (53-56).
 
Rồi ĐGH nhắc đến nguyên tắc phụ đới, mang lại sự giúp đỡ cho con người nhờ sự độc lập của các thực thể ở giữa. Ngài giải thích rằng nguyên tắc phụ đới là liều thuốc hữu hiệu nhất chống lại mọi hình thức trợ giúp theo tinh thần cha chú và nó thích hợp để nhân bản hóa hiện tượng hoàn cầu hóa. Những viện trợ quốc tế nhiều khi có thể duy trì một dân tộc trong tình trạng lệ thuộc, vì thế, viện trợ quốc tế cần được cung cấp với sự can dự của những chủ thể của xã hội dân sự chứ không phải chỉ liên hệ tới các chính quyền mà thôi. “Quá nhiều khi viện trợ chỉ được dùng để kiến tạo những thị trường bên lề cho các sản phẩm của các nước đang trên đường phát triển (57-58). Rồi ĐGH khuyên các nước giầu hãy dành một tỷ lệ lớn hơn trong tổng sản lượng quốc gia để trợ giúp phát triển, tôn trọng những lời cam kết đã đưa ra. Ngài cầu mong làm sao cho dân chúng có cơ hội được giáo dục nhiều hơn, được huấn luyện đầy đủ. ĐTC cũng nhận xét rằng khi chiều theo chủ thuyết duy tương đối, người ta trở nên nghèo nàn hơn. Ví dụ hiện tượng sa đọa du lịch tình dục. ”Thật là điều đau thương khi nhận thấy rằng tệ nạn này thường diễn ra với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, với sự im lặng của chính quyền các nước xuất xứ của các du khách và với sự đồng loã của bao nhiêu người hoạt động trong ngành du lịch” (59-61).
 
Tiếp đến, ĐTC đề cập đến hiện tượng di cư rộng lớn. Ngài cảnh giác rằng ”Không một nước nào một mình có thể đương đầu được với các vấn đề di cư.” Mỗi người di cư là một nhân vị có những quyền phải được mọi người tôn trọng và trong mọi hoàn cảnh. ĐGH cũng yêu cầu đừng coi những công nhân nước ngoài như một món hàng và ngài nêu rõ mối liên hệ trực tiếp giữa nghèo đói và thất nghiệp. ĐGH cổ võ công ăn việc làm xứng đáng cho tất cả mọi người và mời gọi các công đoàn, tách biệt với chính trị, hãy hướng nhìn về những công nhân tại các quốc gia trong đó các quyền xã hội thường bị chà đạp (62-64).
 
Tài chánh, sau khi nó bị lạm dụng gây thiệt hại cho nền kinh tế thực sự, tái trở thành phương thế nhắm mục tiêu phát triển. Và ĐTC nói thêm rằng: ”Các người hoạt động trong lãnh vực tài chánh phải tái khám phá nền tảng luân lý đạo đức đích thực cho các hoạt động của mình. Ngoài ra cũng cần có những qui luật cho lãnh vực này để bảo đảm những người yếu thế nhất” (65-66) Đoạn cuối cùng trong chương V được ĐTC dành cho vấn đề cần cấp thiết cải tổ LHQ và cơ cấu kinh tế tài chánh quốc tế. Cần cấp thiết có sự hiện diện của một thẩm quyền đích thực của thế giới về chính trị, tuân hành nghiêm túc các nguyên tắc phụ đới và liên đới. Thẩm quyền này có quyền bính thực sự. Ngài kết luận với lời kêu gọi thiệt lập một cấp độ cao hơn trong hệ thống pháp lý quốc tế để điều khiển sự hoàn cầu hóa (67). 
Trong chương VI và cũng là chương cuối cùng của Thông Điệp nói về đề tài Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật . ĐGH cảnh giác chống lại chủ trương ”coi trời bằng vung” theo đó, nhân loại tự nhận cho mình quyền năng tái sáng tạo, bằng cách sử dụng những kỳ công của kỹ thuật. ĐGH cảnh giác rằng kỹ thuật không thể có một thứ tự do tuyệt đối. Ngài nhận xét rằng ”tiến trình hoàn cầu hóa có thể thay thế các ý thức hệ bằng kỹ thuật” (68-72).
 
Gắn liền với sự phát triển kỹ thuật là các phương tiện truyền thông xã hội. Các phương tiện này được kêu gọi thăng tiến phẩm giá của con người và của các dân tộc (73). Chiến trường đầu tiên trong cuộc chiến văn hóa giữa trào lưu tuyệt đối hóa kỹ thuật và trách nhiệm luân lý của con người ngày nay là lãnh vực luân lý sinh học. Và ĐGH nói thêm rằng ”Lý trí mà không có đức tin thì sẽ bị mất hút trong ảo tưởng về sự toàn năng của mình”. Vấn đề xã hội trở thành vấn đề nhân loại học. ĐGH lấy làm tiếc vì sự nghiên cứu phôi thai người, phúc chế người đang được nền văn hóa ngày nay cổ võ, thứ văn hóa tin rằng mình đã vén mở mọi mầu nhiệm. ĐGH cảnh giác chống lại việc kế hoạch hóa đồng loại sự ưu sinh (74-75), chỉ cho sinh ra những trẻ em thuộc giống tốt. Ngài tái khẳng định rằng ”sự phát triển phải bao gồm cả sự tăng trường tinh thần hơn là vật chất”. Sau cùng, ĐGH kêu gọi hãy có một con tim mới để vượt thắng quan niệm duy vật về những biến cố của con người” (76-77).
 
Trong phần Kết luận , ĐGH nhấn mạnh rằng việc phát triển đang cần đến những tín hữu Kitô biết giơ cao đôi tay hướng về Thiên Chúa trong thái độ cầu nguyện, yêu thương, tha thứ, từ bỏ bản thân, đón tiếp tha nhân, công lý và hòa bình” (78-79)
 
G. Trần Đức Anh OP

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top