Bức thư năm 2025 từ Taizé: "Hy vọng vượt trên mọi hy vọng"

Bức thư năm 2025 từ Taizé: "Hy vọng vượt trên mọi hy vọng"

Bức thư năm 2025 từ Taizé: "Hy vọng vượt trên mọi hy vọng"

TGPSGTAIZÉ (26.12.2024) – Vào Cuộc Gặp mặt Châu Âu mỗi cuối năm do Cộng đoàn Taizé tổ chức, vị Bề trên Cộng đoàn Taizé sẽ gửi đến những người trẻ tham dự và các bạn trẻ trên toàn thế giới một bức thư. Qua bức thư đó muốn nhắn gửi thông điệp để suy tư, thảo luận và sống tinh thần trong suốt một năm mới. Năm nay, Thầy Matthew, Bề trên Cộng đoàn Taizé gửi đến các bạn trẻ, sẽ đến Tallinn, thủ đô của Estonia, để tham dự Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 diễn ra từ Thứ Bảy ngày 28.12.2024 đến Thứ Tư ngày 1.1.2025, Bức Thư năm 2025 với tiêu đề "Hy vọng vượt trên mọi hy vọng".

 

Bức thư năm 2025
“Hy vọng vượt trên mọi hy vọng”

Thầy Matthew – Cộng đoàn Taizé

Khi lắng nghe những người trẻ tại Taizé và ở những nơi khác[1], nhiều người trong số họ đang phải đối mặt với những thực tại khắc nghiệt trong đời sống hằng ngày, tôi tự hỏi họ tìm đâu ra sức mạnh để tiếp tục bước đi. Câu hỏi này lại càng trở nên cấp bách hơn khi họ đang sống trong vùng chiến sự.

Sự kiên cường và bền bỉ của họ trong những hoàn cảnh tưởng chừng không thể vượt qua xuất phát từ đâu? Khi lắng nghe, tôi nhận ra rằng niềm tín thác vào Thiên Chúa giúp những người có đức tin nuôi dưỡng niềm hy vọng. Và qua sự Phục sinh của Chúa Giêsu, một niềm xác tín dần hình thành rằng cái chết sẽ không phải là lời cuối cùng.

Niềm tín thác vào sự Phục sinh mang đến hy vọng rằng những mệt mỏi trong cuộc đời không phải là điểm kết thúc. Chúng ta được mời gọi hướng tới một điều gì đó cao cả hơn. Chính niềm hy vọng này là điều mà các bạn trẻ muốn chia sẻ với tôi – một niềm hy vọng vượt trên mọi hy vọng, bởi nó trông cậy vào sự sống mới sẽ nảy sinh ngay cả khi mọi thứ dường như đã mất[2].

Mẹ Maria đã hát lên bài ca ngợi khen và hy vọng: “Cánh tay Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Luca 1,51-53). Vâng, chúng ta hãy dám cất tiếng hát cùng Mẹ và cầu nguyện để những hoàn cảnh đổi thay. Dẫu khi tưởng như Thiên Chúa đang lặng thinh, thì một con đường có thể bỗng chốc được mở ra[3].

Đồng thời, chúng ta hãy làm những gì có thể, dù đôi khi có vẻ chẳng đáng là bao, để bày tỏ dấu chỉ của tình liên đới với những người xung quanh đang gặp khốn khó, hoặc những người bị cuốn vào chiến tranh hay buộc phải rời bỏ quê hương. Chẳng phải chính điều này sẽ giúp chúng ta hy vọng vượt trên mọi hy vọng hay sao?

Những suy tư dưới đây phần lớn đến từ các cuộc gặp gỡ và trò chuyện với các bạn trẻ đang sống ở những quốc gia có chiến tranh hoặc trong các khu vực xung đột trong năm vừa qua. Tôi vô cùng biết ơn những người đã chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của họ, cũng như các anh em trẻ của chúng tôi, những người với sự hướng dẫn cẩn trọng đã giúp sắp xếp mọi sự vào đúng trật tự.

Thầy Matthew


Thầy Matthew tại Cuộc Gặp mặt Châu Âu 2023 tại Ljubljana

Can đảm để hy vọng

Khi chúng ta khao khát tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, những gì chúng ta thấy và cảm nhận xung quanh thường có vẻ mâu thuẫn với tình yêu ấy. Chúng ta bị giằng co giữa những điều đã được ban tặng và những gì vẫn còn sắp đến. Không gian này không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nhưng khi nó mở ra hướng về niềm hy vọng viên mãn[4], một điều gì đó trong chúng ta được giải phóng.

Hy vọng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: “Chúng ta trông mong điều mình chưa từng thấy” (Rôma 8, 25). Hướng về những điều sẽ đến trọn vẹn theo thời gian của Thiên Chúa, nhưng cũng gặp khó khăn với việc “bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ.” (2 Côrintô 7,5), chúng ta có dám giữ vững mình trong không gian đó thay vì chạy trốn không?

“Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông Ápraham vẫn trông cậy và vững tin.” (Rôma 4,18). Abraham, tổ phụ của những kẻ tin, đã giữ lời hứa của Thiên Chúa vượt xa mọi hy vọng hợp lý. Ông và vợ mình Sarah đã nhận được những điều dường như không thể đối với họ.

Vào thời điểm khi đất nước của ngôn sứ Giêrêmia bị tàn phá bởi chiến tranh và người dân bị đe dọa lưu vong, và mặc dù chính bản thân ông đang ở trong tù, ông đã đầu tư cho tương lai: ông đã mua một cánh đồng, vì ông tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi dân Ngài (Giêrêmia 32,6‑15).

Một cử chỉ hy vọng đáng kinh ngạc như vậy làm cho đức tin trở nên thực tế hơn. Đó là một niềm tín thác vững chắc vào những gì vẫn vô hình và thậm chí còn không chắc chắn. Liệu chúng ta có thể giữ vững một niềm hy vọng như vậy không? Điều này cuối cùng mở lại nguồn vui[5]. Ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất của con người, những điều mà chúng ta chưa bao giờ dám hy vọng có thể trở thành hiện thực.

Ngày nay, những sáng kiến đáng kinh ngạc về hy vọng[6] đang nở rộ ở nhiều quốc gia nơi bị chiến tranh tàn phá.

Lắng nghe những người hy vọng

Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của hy vọng, chúng ta cần lắng nghe những người đang sống giữa đau khổ và bạo lực. Chẳng phải chính qua những tiếng nói của họ mà Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta sao?

Trong chuyến thăm Ukraine cùng hai người anh em của tôi, một vị lãnh đạo giáo hội đã nói với chúng tôi: “Cầu nguyện mở ra một không gian cho phép việc chữa lành”. Tôi rất ấn tượng với lời nhận xét của ngài. Liên tục đối mặt với nỗi đau của dân mình, vị ấy nhận thấy rằng chính trong cuộc sống nội tâm của họ, các tín hữu có thể giữ cho mình luôn mở lòng để đón nhận những điều mới mẻ.

Đây là một quá trình không nhất thiết phải tạo ra kết quả ngay lập tức, nhưng có thể, kèm theo những phương tiện khác, mở ra cánh cửa để vượt qua những tổn thương và nỗi buồn, và đánh thức hy vọng về một nhân loại được chữa lành. Cầu nguyện mang lại sức mạnh để đứng vững trước những tình huống phức tạp nhất[7]. Nó phá vỡ những đợt sóng chán nản khi bóng tối dường như nhấn chìm mọi thứ.

Một phụ nữ người Palestine sống ở Pháp, nhưng gia đình cô ấy ở Gaza, đã viết cho chúng tôi: “Tình yêu nâng đỡ những người bị thương, những người yếu đuối, mang lại sức mạnh mới. Nó khiến con nghĩ đến người đàn ông bị liệt[8] trong Tin Mừng, được các bạn bè và đức tin của họ nâng đỡ. Cầu nguyện cũng là một cách để chống trả, và điều đó quan trọng với con. Nhưng con cũng là con người: sau khi nghe tin về cái chết của hai thành viên trong gia đình, cơn giận dữ bao trùm con, con hét lên, con khóc... Khi tỉnh lại, con biết rằng Thiên Chúa đang ở đó trong đau khổ và tuyệt vọng, và Thiên Chúa nâng đỡ chúng con.”

Mùa hè này, trong chuyến thăm Taizé, cô ấy nói: “Mỗi sáng, con cầu nguyện để tìm thấy sức mạnh để yêu thương thay vì thù hận.” Lời của cô ấy như một ngọn đèn trên con đường vậy.

Một cô gái trẻ từ một quốc gia Châu Á bị chiến tranh tàn phá nói với tôi: “Người dân của chúng con bị choáng ngợp nhưng tìm thấy niềm an ủi trong Tin Mừng. Bao nhiêu lần dân Chúa phải chạy trốn? Tuy vậy, cộng đồng đã được hình thành bất kể tình hình khó khăn đến đâu. Thiên Chúa có thể có những kế hoạch lớn hơn cho chúng ta, nhưng chúng ta phải sống từng ngày một. Có thể sống ngày hiện tại là một món quà và là dấu chỉ cho thấy cuộc sống là để sống trọn vẹn. Trong lời cầu nguyện, có một nguồn bình an cho phép chúng ta khích lệ lẫn nhau, tìm thấy ý nghĩa trong việc chia sẻ và liên đới.”

Từ Libăng, tôi nghe thấy những lời này: “Mẹ con là một minh chứng cho hy vọng. Bất chấp mọi thứ, bà luôn đứng vững. Chính nhờ bà mà con mới là con của ngày hôm nay. Bà đã dạy chúng con cách có đức tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện. Mỗi người sống bằng niềm tin đều phản chiếu niềm tin bởi vì họ uống nước từ nguồn mạch và có thể trở thành những chứng nhân.”

Ai là những chứng nhân hy vọng mà mỗi chúng ta có thể khám phá và lắng nghe trong hoàn cảnh của chính mình? Chúng ta hãy mở đôi tai để lắng nghe những điều họ muốn nói.

Cố gắng hướng tới hy vọng

Chúng ta phản ứng thế nào khi các kế hoạch đảo lộn và mọi hy vọng tan vỡ? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một chìa khóa để chúng ta vẫn là những con người hy vọng. Khi đối diện với một đám đông lớn đang đói khát, Ngài “chạnh lòng thương” họ, nghĩa là “lòng Ngài tan chảy vì họ.”[9] Và Ngài đã tìm cách đáp ứng những nhu cầu của họ.

Việc từ chối đầu hàng trước những hoàn cảnh đau khổ cho phép hy vọng hình thành trong chúng ta. Điều này trái ngược với việc chờ đợi thụ động; nó đòi hỏi một sự chiến đấu[10]. Không có con đường nào khác. Chính nỗi khát khao hy vọng cũng có thể dẫn chúng ta bước qua ngưỡng cửa từ điều con người có thể làm đến điều Thiên Chúa có thể thực hiện.

Niềm hy vọng được trao ban nơi Chúa Kitô giúp chúng ta nếm trước những điều sẽ được trọn vẹn trong tương lai của Thiên Chúa. Niềm hy vọng ấy giống như chiếc neo tàu,[11] giữ chúng ta vững vàng khi bão tố ập đến. Nó cho phép chúng ta sống những dấu chỉ nhỏ bé của lòng trung tín với ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận và với những người được giao phó cho chúng ta. Hy vọng cũng giống như chiếc mũ giáp,[12], bảo vệ chúng ta trước những nghịch cảnh có thể đổ xuống chúng ta.

Luật Taizé nhắc nhở không bao giờ cam chịu “trước tai tiếng của sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, những người dễ dàng tuyên xưng tình yêu với tha nhân nhưng lại sống trong chia rẽ.” Đối với Thầy Roger, sự hiệp nhất của các Kitô hữu[13] không bao giờ tự nó chỉ là một mục tiêu, nhưng là một con đường dẫn tới hòa bình trong gia đình nhân loại.[14]

Những bụi cây hoàng dương thấp bé quanh Taizé, dù đã bị các loại ký sinh trùng tàn phá hai lần trong những năm qua, nay lại bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ. Từ những thứ tưởng như đã chết, những chồi non tươi mới mọc lên, khi sắc xám nhường chỗ cho màu xanh lục. Thiên nhiên chiến đấu để sinh tồn, phản chiếu và khích lệ cuộc chiến của chính chúng ta để giữ vững hy vọng.

Hy vọng cho thụ tạo[15], và hy vọng đến từ công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa luôn song hành với hy vọng cho nhân loại.[16]

Sống như những con người hy vọng

Hy vọng có thể dễ dàng bị dập tắt khi chúng ta đối mặt với những hoàn cảnh dường như không thể đạt được sự thấu hiểu lẫn nhau. Việc tạo ra bầu không khí nghi ngờ có nguy cơ khiến người khác rơi vào lưới ngờ vực.

Điều này có thể xảy ra trong các cộng đoàn, giáo hội, gia đình, cũng như trong xã hội và quốc gia của chúng ta. Những động lực tiêu cực như thế, dù ẩn giấu hay công khai, đều làm cạn kiệt sức mạnh của chúng ta. Tuy nhiên, có những lúc, khi đối mặt với bất công, chúng ta buộc phải lên án điều ác để mọi người không còn trở thành nạn nhân của người khác.[17]

Để giữ vững hy vọng, chúng ta cần đến nhau. Hy vọng nảy nở khi chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân. Chúng ta có thể nhìn thấy những con người, ngay giữa nghịch cảnh lớn lao, vẫn lựa chọn sống, nở nụ cười và trao tặng những điều nhỏ bé mà họ có thể thực hiện mỗi ngày.

Hy vọng gắn liền với sự thật[18] và công lý. Có phải vì đó là những phẩm chất thuộc về Thiên Chúa? Chúng ta chẳng phải đã nhìn thấy những phẩm chất ấy trong cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu hay sao? Nuôi dưỡng hy vọng đòi hỏi phải đối diện với thực tại như nó vốn là và nhìn nó dưới ánh sáng những lời hứa của Thiên Chúa.[19].

Một người trẻ sống trong khu vực xung đột đã kể với tôi: “Con đang ngồi trong quán cà phê đọc sách thì tên lửa bắt đầu bay tứ phía. Mọi người hoảng hốt chạy ra ngoài, với nhiều cảm xúc, nhưng con quyết định ở lại để đọc hết cuốn sách của mình.” Tìm nơi trú ẩn chắc chắn là lựa chọn hợp lý hơn, nhưng việc chia sẻ câu chuyện này chính là một lời phản kháng của hy vọng chống lại điều không thể tránh khỏi của chiến tranh.

Một người anh em của tôi nói rằng: “Hy vọng là một điều thách thức, và hơn thế nữa, nó có sức lan truyền. Trái ngược với hy vọng là sự thờ ơ hoặc cam chịu. Gần đây khi trở về thăm quê hương đang bị chiến tranh tàn phá, tôi thấy khuôn mặt mọi người buồn bã, lo lắng và căng thẳng. Vì vậy, tôi tự hỏi: ‘Mình có thể làm gì đây?’ Và rồi một ý tưởng chợt đến: mỗi khi lái xe, dù mình có quyền ưu tiên, tôi sẽ dừng lại nhường cho người đi trước. Điều này chỉ mất năm giây. Nhưng tôi nhận thấy hành động nhỏ này làm cho khuôn mặt họ có phản ứng, như thể nỗi đau của người anh chị em được nhẹ nhàng xoa dịu đôi chút.”
Mọi điều trong chúng ta đều chống lại chiến tranh và cái chết. Mọi điều trong chúng ta đều khao khát sự sống và vẻ đẹp. [20]

Niềm hy vọng phục sinh

Tôi đang ở đâu ngay lúc này? Dưới chân Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh? Trong niềm vui của Chúa nhật Phục sinh? Hay đang chờ đợi trong bối rối, không biết đi đâu vào Thứ Bảy Tuần Thánh?

Dù tôi đang đứng ở đâu, liệu tôi có thể thoáng thấy một con đường hy vọng nào không? Con đường ấy mở ra trước mắt khi tôi nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống vì tình yêu dành cho mọi người, Đấng đã cho chúng ta thấy một tình yêu mạnh hơn mọi sức mạnh của bạo lực, hận thù và cái chết.

Hy vọng không dựa trên việc phân tích tình huống, nhưng dựa trên ngọn lửa nhỏ bé của niềm tín thác. Dù mong manh, ngọn lửa ấy vẫn cháy trong đêm tối sâu thẳm, như nó đã cháy trong lòng các bạn hữu của Chúa Giêsu. Nhiều người trong số họ đã bỏ rơi Ngài vào thời điểm Ngài chịu thử thách lớn nhất. Nhưng tình yêu của Ngài đã giúp họ quay trở lại.

Giá như chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh! Nhưng sự hiện diện của Ngài không phụ thuộc vào việc chúng ta có nhận ra hay không. Đôi khi, nỗi tuyệt vọng khiến chúng ta mù lòa, giống như đã khiến Maria Mácđala không nhận ra Ngài. Chúa Giêsu Phục sinh đã hỏi bà Maria: “Này bà, sao bà khóc?” và “Bà tìm ai?” (Gioan 20,15). Câu hỏi thứ hai này vang vọng những lời đầu tiên của Ngài trong Tin Mừng Gioan: “Các anh tìm gì thế?” (Gioan 1,38). Sau khi Ngài đã đi vào tận cùng nỗi buồn và cái chết của nhân loại, việc tìm kiếm ý nghĩa hóa ra lại là niềm khát khao một sự hiện diện[21].

Sống lại từ cõi chết, Đấng hằng sống trong Thiên Chúa, Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta về với Ngài.[22] Khi gặp gỡ chúng ta trong bản thể sâu thẳm nhất của mình, dù tràn ngập buồn phiền hay hân hoan, Chúa Giêsu Phục sinh mở ra cho chúng ta mối tương quan của Ngài với Chúa Cha và sự hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta không còn là tù nhân của nỗi tuyệt vọng của chính mình nữa – một cuộc sống mới là điều hoàn toàn khả thi.

Thánh Phaolô viết: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rôma 5,5). Chúng ta hãy sống từ tình yêu ấy. Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn dẫn dắt chúng ta!

Những người hành hương của hy vọng, những người hành hương của hòa bình

Niềm tin vào sự Phục sinh đã giúp nhiều người bám víu vào hy vọng giữa những cảnh khốn cùng. Đây là nguồn mạch dẫn chúng ta vượt qua những giới hạn của bản thân, để tâm hồn mình hướng về tha nhân và dấn thân hành động.

Tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu đòi hỏi rất nhiều lòng can đảm và táo bạo. Điều đó nghĩa là không để bản thân bị tê liệt bởi sự hiện diện của cái chết và sự hủy diệt đang bao vây chúng ta ngày nay.

Từ những hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng, Thiên Chúa có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Ngài có thể mang lại sự sống từ cái chết và thậm chí là sự hòa giải từ xung đột.

Những người phụ nữ, các bạn hữu của Chúa Giêsu, đã đến mộ Ngài vào sáng sớm ngày Phục sinh và tự hỏi: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Máccô 16,3). Những “tảng đá” nào trong đời sống chúng ta mà chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa lăn đi để một cuộc sống mới có thể trỗi dậy trong lòng mình?

Cuộc sống mới ấy giúp chúng ta đứng dậy và dẫn chúng ta cùng nhau bước đi với những người khác. Chúng ta trở thành những người hành hương của hy vọng mà chúng ta đang mang trong lòng. Đây chẳng phải cũng là một hy vọng cho hòa bình hay sao? Vì “chính Đức Kitô là bình an của chúng ta” (Êphêxô 2,14). Liệu chúng ta có nghe được Ngài nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.[23] Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Gioan 14,27‐28).

Là những người hành hương của hòa bình[24], chúng ta hiểu rằng không có hòa bình đích thực nếu thiếu công lý[25]. Bình an mà chúng ta mang trong lòng, xuất phát từ hy vọng mà chúng ta đang sống, khiến chúng ta được tự do nội tâm. Bình an ấy cho phép chúng ta yêu quý sự sống và chống lại bất công, khi chúng ta kiên trì tiến bước dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Một ngày nào đó, chúng ta có thể tìm thấy mình đang cầu nguyện với bài ca của Dacaria. Một người đàn ông cao niên sống trong một vùng đất bị chiếm đóng, ông vui mừng trước một sự chào đời không ngờ tới và cất lời ca tụng: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” (Luca 1,78‐79).

Liệu chúng ta có sẵn sàng để hy vọng vượt trên mọi hy vọng không?

 

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Ngài đã tuôn đổ tình yêu của Thiên Chúa vào lòng chúng con và giúp chúng con hy vọng vượt trên mọi hy vọng. Và từ sâu thẳm cõi lòng chúng con, một sự bình an lạ lùng dần dần trỗi dậy. Xin chúc tụng Chúa đến muôn đời!

 

Chú thích:

[1]  Vào tháng 5/2024, cùng với hai người anh em của mình, chúng tôi đã hành hương qua đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá. Vào mùa hè, Taizé đã đón tiếp các bạn trẻ từ Myanmar, Nicaragua và Ukraine. Vào mùa thu, tôi đã có những cuộc trò chuyện trực tuyến với các bạn trẻ từ những quốc gia này, cũng như từ Bêlem và Libăng, trong khi bốn người anh em khác của tôi trở lại Ukraine, thực hiện chuyến thăm xuyên suốt từ miền đông sang miền tây đất nước.

[2]  "Không thể có hy vọng nếu trước đó không trải qua kinh nghiệm hoàn toàn mất phương hướng, giống như một đêm tối giữa ban ngày, buộc cả cá nhân lẫn cộng đồng phải từ bỏ những ảo tưởng của mình." – Corine Pelluchon, L’espérance, ou la traversée de l’impossible (Éditions Payot & Rivages, Paris, 2023), trang 8.

[3]  "Hy vọng là phản ứng của con người trước sự thinh lặng của Thiên Chúa." – Jacques Ellul, được trích dẫn bởi Anne Lécu. www.revue-etudes.com/article/esperer/24779

[4]  Trong một chú giải về sách Đệ Nhị Luật 4,31, Gustavo Gutiérrez viết: “Thiên Chúa sẽ không quên giao ước; lòng trung thành trước hết và quan trọng nhất là ký ức. Trung thành nghĩa là ghi nhớ, không lãng quên những cam kết của chúng ta, biết trân trọng truyền thống. Lòng trung thành với giao ước giả định phải nhớ đến nguồn gốc của giao ước và những đòi hỏi của nó (...) Nhưng lòng trung thành đích thực không chỉ dừng lại ở đó; nó còn đòi hỏi, và điều này có vẻ không rõ ràng khi nhìn thoáng qua, một định hướng về tương lai. Có ký ức không có nghĩa là chỉ cố định trong quá khứ. Ghi nhớ quá khứ là điều quan trọng, nhưng điều đó quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta đặt hy vọng cho tương lai (...). Lòng trung thành không phải là đi theo những lối mòn cũ mà không có sáng kiến, nhưng là luôn luôn đổi mới chúng; nó dẫn dắt chúng ta – và nên dẫn dắt chúng ta – đến sự sáng tạo, đổi thay, và thiết kế những dự phóng mới” (Gustavo Gutiérrez, El Dios de la vida, Ediciones Sígueme, Salamanca, 1992, tr. 82-83).

[5]  Trong các cuộc trò chuyện của tôi với những người trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều người đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc ca hát như một nguồn vui và sức mạnh. Lá thư này sẽ được công bố trong Cuộc Gặp mặt Châu Âu năm 2024-2025 tại Tallinn. Chúng ta đừng quên "Cách mạng Ca hát" đã góp phần to lớn giúp Estonia giành lại độc lập một cách hòa bình vào năm 1991. Người dân đã cùng xuống đường hát để đối diện với những mối đe dọa mà họ phải gặp phải.

[6]  Trong một chuyến hành hương, một người mà các anh em tôi gặp đã nói rằng: “Một cơn giận dữ đầy sáng tạo đang cư ngụ trong tôi.” Chính sức mạnh ấy thúc đẩy chị muốn làm ít nhất một điều nhỏ để thay đổi tình hình hiện tại.

[7]  “Từ vị tu sĩ [Siluan], Sophrony Sakharov đã học được nhiều điều nền tảng cho đời sống thiêng liêng của mình. Hai điểm nổi bật: làm thế nào để đối diện với cảm giác bị bỏ rơi khi, thay vì gặp Thiên Chúa, tất cả những gì một người cảm nhận trong cầu nguyện là sự trống rỗng hoang vu; và làm thế nào để đối phó với nỗi thống khổ đi kèm với lời cầu nguyện mãnh liệt cho thế giới đau khổ. Ý nghĩa của cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi đã được Sakharov phát triển sâu sắc hơn sau này; còn đối với nỗi đau khổ, vị tu sĩ trong khi cầu nguyện đã nhận được lệnh truyền và chuyển lại cho môn đệ của mình: ‘Hãy giữ tâm trí mình trong hỏa ngục và đừng thất vọng!’” (Norman Russell, Theosis and Religion, Cambridge University Press, 2024, tr. 169).

[8]  Xem Máccô 2,1-12. Hãy chú ý sức mạnh của niềm hy vọng nơi những người bạn của anh bại liệt, những người đã vượt qua mọi trở ngại, thậm chí dỡ mái nhà để tìm cách giúp anh và đưa anh đến với Chúa Giêsu.

[9]  Động từ Hy Lạp σπλαγχνίζομαι (splanchnizomai) mang một cảm xúc rất mạnh mẽ. Nó diễn tả một phản ứng ấm áp, đầy lòng trắc ẩn trước nhu cầu. Thật khó để dịch một cách trọn vẹn: trắc ẩn, xót thương, đồng cảm đều chỉ phản ánh một phần ý nghĩa của từ này. Tuy nhiên, cụm từ “Người chạnh lòng thương họ” có lẽ diễn tả đầy đủ hơn phản ứng sâu thẳm mà động từ này ngụ ý. Trong các đoạn Tin Mừng Mátthêô (x. Mt 14,14; 15,32; 18,27; 20,34), động từ này không chỉ ám chỉ cảm xúc hay tình cảm, mà còn chỉ một phản ứng cụ thể đáp ứng nhu cầu. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân và sau đó sẽ cho đám đông ăn. Tình cảm dẫn đến một hành động quan tâm và đầy hiệu quả. Động từ này chứa đựng toàn bộ Tin Mừng một cách ngắn gọn.

[10]  Xem thêm 1 Tm 4,10: “Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu.”

[11]  Xem thêm Dt 6,19.

[12]  Xem thêm 1 Tx 5,8.

[13]  Thượng Hội đồng về Hiệp hành đã giúp Giáo hội Công giáo nhận ra và trân quý sự đa dạng vốn đã tồn tại trong lòng Giáo hội. Vai trò của các đại biểu từ những Giáo hội khác trong Thượng Hội đồng lần này rất quan trọng. Phải chăng điều này mang lại một niềm hy vọng mới cho ơn gọi đại kết trên hành trình tiến tới sự hiệp nhất của tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô?

[14]  Cộng đoàn Taizé được thành lập trong thời kỳ chiến tranh. "Dụ ngôn về sự hiệp thông" mà chúng tôi, những anh em đến từ các Giáo hội, quốc gia, nền văn hóa và lứa tuổi khác nhau, nỗ lực sống đòi hỏi sự chăm sóc liên lỉ để trở thành dấu chỉ hy vọng trước những chia rẽ trong gia đình nhân loại.

[15]  Xem thêm Rm 8,21-23.

[16]  Đối diện với thách thức của biến đổi khí hậu và sự mất mát đa dạng sinh học, làm thế nào chúng ta có thể đào sâu hơn nữa việc chăm sóc ngôi nhà chung, nơi mọi sự đều được liên kết với nhau?

[17]  ] Tại Cộng đoàn Taizé, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm sự thật trước những cáo buộc lạm dụng và tấn công đối với một số anh em. Sự can đảm của những người đã chịu đau khổ và lên tiếng thúc đẩy chúng tôi luôn học hỏi từ họ. Rất thường xuyên, họ tìm kiếm niềm hy vọng và cuộc sống mới không ngừng. Họ truyền cảm hứng cho chúng tôi làm mọi điều có thể (xem www.taize.fr/protection) để đảm bảo các cuộc gặp gỡ tổ chức tại Taizé và những nơi khác an toàn cho tất cả mọi người, đồng thời nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan. Chúng tôi cũng biết ơn công việc của Ủy ban Công nhận và Bồi thường (xem www.reconnaissancereparation.org) vì đã lắng nghe các nạn nhân và thực hiện hòa giải.

[18]  “Tôi tin rằng hy vọng gắn liền với sự thật. Cho đến khi tôi chấp nhận viễn cảnh về cái chết, tôi không thể có hy vọng. Điều này áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Là Kitô hữu, chúng ta thường có xu hướng chạy trốn khỏi những tình huống khiến chúng ta tuyệt vọng – về chính trị, sinh thái, nhân đạo.... Chúng ta cảm thấy kinh hoàng trước chúng là điều bình thường, nhưng hy vọng dường như khuyến khích chúng ta đứng vững, ngay tại thực tại của những hoàn cảnh đó, đối diện với chúng bằng sự thật. Georges Bernanos đã nói rất nhiều về hy vọng như một nhân đức anh hùng. Đó là một nhân đức thúc đẩy chúng ta hành động, không phải chạy trốn, chiến đấu cho điều chúng ta biết hoặc tin là tốt. Hy vọng hướng dẫn chúng ta đến lời hứa của Thiên Chúa.” (Clémence Pasquier, phỏng vấn của Clémence Houdaille, La Croix, ngày 11/10/2024).

[19]  Trong tiếng Kikuyu (Gĩkũyũ), một trong những phẩm tính của Thiên Chúa là Thiên Chúa “đáng hy vọng” – “Mwihokeku”: Thiên Chúa mà chúng ta có thể đặt hy vọng. Mwĩhoko – Hy vọng; Wĩhokeku – đáng hy vọng; Mwĩhokeku – Đấng đáng hy vọng. Ví dụ: Ngai nĩ mwĩhokeku | Thiên Chúa là Đấng đáng hy vọng.

[20]  “Nếu hy vọng có nghĩa là đo lường những nguy cơ hiện tại, nó cũng dạy chúng ta sống trong hiện tại và tin tưởng vào tương lai, không chìm đắm vào quá khứ và từ bỏ mọi oán giận. Cuối cùng, nó chính là điều mà linh hồn chúng ta khao khát; sự vắng mặt của nó làm chúng ta cay đắng hoặc hung bạo. Như tình yêu trong Diễm ca, hy vọng mang lại sự sống mới cho thân xác bị khao khát rời bỏ.” (Corine Pelluchon, L’espérance, ou la traversée de l’impossible, Éditions Payot & Rivages, Paris, 2023, tr. 13-14).

[21]  “Chính Đấng chịu đau khổ trên thập giá, Người đã chịu khổ như chúng ta, trở thành một 'người không ai biết đến,' là Đấng soi sáng cho sự hiện sinh bi thảm của con người chúng ta.... Chúng ta không chỉ đơn thuần coi Chúa Giêsu là một mẫu gương để noi theo, cũng không nên thần tượng hóa Người. Chúng ta thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng mang hình dạng con người và đau khổ, khóc thương với chúng ta.” (Kwok Pui Lan, nhà thần học đến từ Hồng Kông, “God Weeps with Our Pain,” trong New Eyes for Reading: Biblical and Theological Reflections by Women from the Third World, ed. John S. Pobee và Barbel von Wartenberg-Potter, Meyer Stone Books, Bloomington, IN, 1987, tr. 92).

[22]  Xem thêm Ga 12,32.

[23]  “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Người trưởng thành về mặt tâm linh không dễ bị xao động bởi những điều của thế gian, không bị sợ hãi quấy rầy, nghi ngờ quấy rối, kinh hãi làm lung lay, đau buồn làm phiền muộn, nhưng đứng vững trong sự bình tâm của đức tin, như đứng trên một bờ bến kiên cố và rất an toàn, đối diện với dòng nước lũ và những cơn bão của thế giới. Chính sự vững vàng này là điều Chúa Kitô mang lại cho tâm trí Kitô hữu, truyền cho họ sự bình an nội tâm mà những người đã trải qua thử thách nhận được.” (Ambrosio thành Milan, Luận thứ III, Về Giacóp và Cuộc đời được chúc phúc 6, 28, được trích dẫn trong Soyons l’âme du monde, Les Presses de Taizé, 1998 và 2025, tr. 109).

[24]  Xem www.taize.fr/pilgrims-of-peace.

[25]  Xem Thánh vịnh 85,10: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên.”

 

Download file in A5:

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top