Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 37

Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 37

WGPSG -- “Phác họa tiết tấu bài thánh ca thông thường” là đề tài Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 37, do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào lúc 08g15 thứ Ba, ngày 22/09/2015, tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận (TGP) Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hiện diện của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBTN; linh mục Phêrô Kim Long, nguyên Phó Chủ tịch UBTN; linh mục Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN; các ủy viên UBTN; quý linh mục Trưởng ban Thánh nhạc các giáo phận; quý linh mục đặc trách Thánh nhạc Đại chủng viện; quý vị đặc trách Thánh nhạc các hội dòng; quý linh mục, tu sĩ, nhạc sĩ và ca trưởng thuộc các giáo phận.

Chủ tọa đoàn gồm Đức cha Vinh Sơn và cha Rôcô; Thư ký đoàn gồm Sr. Duyên Sa (SPC) và nhạc sĩ (NS) Minh Tâm. Thuyết trình đề tài do cha giáo Phêrô.

Khai mạc

Sau phút thánh hóa và giới thiệu thành phần tham dự, NS Minh Tâm cho biết một số thông tin chính về Thánh nhạc và Giáo hội trong thời gian vừa qua: Ngày 30/7/2015, BTN GP Ban Mê Thuột tĩnh huấn; Ngày 07/8/2015, Lễ giỗ 10 năm của nhạc sư linh mục Tiến Dũng; Chúa nhật 16/8/2015, BTN GP Xuân Lộc đã tổ chức hành hương Năm Thánh và mừng kính Thánh Piô X, bổn mạng BTN; Ngày 09/9/2015, khai giảng lớp học Bình ca tại TTMV TGP TPHCM do cha giáo Kim Long giảng dạy. Một số thông tin khác có đăng trong Nội san Hương Trầm 22.

Đến 8g30, NS P. Kim giới thiệu đôi nét ý nghĩa của Bình ca trước khi cha giáo thuyết trình đề tài: “Phác họa tiết tấu Bài thánh ca thông thường”.

Âm nhạc xưa khởi đi từ bộ gõ, vũ trụ vận hành có tiết tấu của nó. Khảo sát bình ca cho thấy trong thánh ca lời là chính. Một chân lý, một nghệ thuật cao nhất có nghĩa là khi nhạc với lời đi với nhau, bình ca đã thể hiện tốt điều này.

Về tiết tấu, bình ca dựa vào trọng âm của tiếng La Tinh nên ăn khớp với nhau. Trong thánh ca, tiết tấu không ăn khớp với giai điệu thì nó mất đi tính nghệ thuật. Đề tài thuyết trình của cha Kim Long sẽ giúp mọi người hiểu về bình ca, giúp điều khiển và hát bài thánh ca hiệu quả, sốt sắng và thánh thiện.

Thuyết trình

Trước tiên, cha Phêrô xác định danh từ “Bài thánh ca thông thường”. Trong thánh ca Việt Nam, chỉ có bộ lễ Seraphim thực sự có tiết tấu bình ca và cũng tiếp theo thể loại cung rê cao của bình ca. Từ phác họa tiết tấu bình ca, có thể áp dụng trong bài thánh ca thông thường khi mình điều khiển cho mọi người hát với tất cả tâm tình. Đó là ý chính của bài cha thuyết trình.

Cha giáo xác nhận không phải mọi bài thánh ca đều có thể phác họa tiết tấu, vì có 3 lý do:

1/ Có thể tác giả không biết về: Bình ca, phác họa tiết tấu, không thấm nhập tinh thần nhạc dùng đối với Giáo hội, nhạc dùng để diễn tả lời, nhạc chắp cánh cho lời bay cao.

2/ Trong tiếng Việt, dấu Bằng - Trắc nhiều khi đi ngược chiều với phác họa tiết tấu.

3/ Những điểm dị biệt giữa bình ca và tân nhạc về đảo phách, về nốt kết.

Tuy có những lý do trên nhưng có thể nảy ra cái tinh túy để có thể phác họa tiết tấu được, khi đó điều khiển ca đoàn nhập hồn với bài hát nhiều hơn.

Để cụ thể hóa, cha đưa ra hai vấn đề:

  • Nếu cứ dính vào nhịp 2,3,4, thì không thể phác họa tiết tấu được.
  • Nhìn bài thánh ca phải nhìn tổng thể. Có thể là phách mạnh nhưng nó lại là khởi điểm một điểm gì đó hoặc đích điểm để vươn lên.

Một vài đề nghị:

  • Cần phải “Tẩy não” khi cho rằng phách thứ nhất là phách mạnh nên phác họa tiết tấu bằng cách đánh xuống. Ngược lại phải đánh lên.
  • Xem tổng thể và phân tích bài thánh ca. Phách thứ nhất là phách mạnh lời ca đòi hỏi biểu tượng diễn tả đánh lên hoặc mở rộng...
  • Phách thứ ba của nhịp 4, phách mạnh không nhất thiết đi xuống.

Sau khi nắm những điểm cơ bản trên rồi mới có thể đi vào phần tiếp theo sau đây:

Bình ca

Đơn vị của bình ca là phách cơ bản, từ đó đưa đến tiết tấu cơ bản. Liên kết 2 phách cơ bản với nhau trong tương quan cơ bản là khởi và tới. Từ đó, tạo đơn vị lớn hơn đó là phách tiết tấu (Tính từ điểm tới (Ictus) này đến điểm tới kia). Phách tiết tấu có thể không bằng nhau, đôi khi có 2 phách, 3 phách... Phách tiết tấu để phác họa một tiết tấu lớn hơn phải tính từ điểm tới (Ictus) này tới điểm tới kia. Từ đó, ta có tiết tấu lớn. Người ta sẽ phác họa theo phách tiết tấu, phác họa theo cả diễn tiến câu nhạc, không phác họa theo tiết tấu cơ bản (là đánh nhịp) phách tới đánh xuống, phách khởi đánh lên.

Bình ca không dựa vào tiết tấu cơ bản để tạo ra phách tới. Với phách tới đó tạo ra đơn vị lớn để phác họa. Đó là phách tiết tấu, vậy phách tiết tấu trong bình ca tính từ phách tới nọ đến phách tới kia. Đó là đơn vị để phác họa. Sau đó, người ta sẽ đánh giá xem phách tiết tấu nào là khởi, phách nào là tới, thì phải phác họa theo diễn tiến của tiết tấu. Nhìn tổng thể sự phân bố của bình ca phải nhận ra được điểm tinh túy của nét nhạc. Phải nắm vững bình ca mới đưa phác họa tiết tấu vào tân nhạc.

Trong tân nhạc không có đơn vị cơ bản, trong tân nhạc có bảy hình nốt và không phải bài nào cũng giống nhau. Cha đề nghị để dẫn vào phác họa tiết tấu bài thánh ca thông thường phải xác định đơn vị là phần chia nhỏ thường xuyên của bài mà tác giả sử dụng, có 2 trường hợp chính đơn vị: nửa phách hay một phách. Nếu bài hát thường xuyên chia là nửa phách thì phần đầu của mỗi nửa phách là phách mạnh điểm tới nằm ở đầu mỗi ô nhịp. Sự liên kết cơ bản là nửa phách cuối của phách trước với nửa phách đầu ô sau. Nếu bài chọn đơn vị là 1 phách thì phách đầu của mỗi ô nhịp là phách mạnh. Phách cuối của ô nhịp trước liên kết với phách mạnh của ô nhịp sau (tiết tấu cơ bản cỡi ngựa qua ô nhịp). Khởi là yếu, tới là mạnh.

Trong tân nhạc, hay những bài thánh ca thông thường, cha đưa ra 2 trường hợp chính thường gặp, chọn nửa phách hay một phách:

Nếu đơn vị là nửa phách, phách tiết tấu nằm trọn trong một phách.

Nếu đơn vị là một phách, phách tiết tấu nằm trọn trong một ô nhịp.

Khi đã xác định phách tiết tấu của bài hát, ta cần xác định phách nào là khởi để đánh lên, phách nào là tới để đánh xuống.

Áp dụng quy tắc của bình ca:

  • Phách thứ nhất (đủ) của câu; của phân câu; của tiết tấu. Thì luôn là phách khởi.
  • Phách chót của câu; của phân câu; của tiết tấu. Thì luôn là phách tới.
  • Phách kế tiếp, nếu: - cao hơn phách trước: Tiếp tục là khởi.

               - bằng phách trước. (xét phần phụ theo ý nghĩa bản văn)

                - thấp hơn phách trước: Sẽ là tới.

Tất cả trình bày của cha đều dựa vào những bài nhạc cụ thể để minh họa. Cha nói vì đây là buổi thuyết trình, thời gian giới hạn, nếu muốn đi sâu hơn xin đến với lớp học.

Thuyết trình kết thúc lúc 10g và giải lao.

Sau giải lao 30 phút đến phần giải đáp thắc mắc. Nhiều tham dự viên đã đặt câu hỏi, đưa ra những kiến nghị, góp ý... sôi nổi, đầy nhiệt huyết với mong muốn sự tốt đẹp cho nền thánh nhạc của Giáo hội. Và cha giáo đã giải đáp phần nào do thời lượng có hạn. Trước khi kết thúc Hội thảo, Đức cha Chủ tịch UBTN chia sẻ:

Trước tiên, ngài cảm ơn cha giáo không nề hà sức khỏe đã yêu mến Giáo hội, BTN, đến chia sẻ trong ba lần Hội thảo liên tục giúp mọi người hiểu cái hồn của bình ca. Lần này tham dự, Đức cha đã hiểu được vì sao cha giáo điều khiển ca đoàn có hồn. Hôm nay cha giáo phân tích về quan sát, nhận ra tiết tấu, cái tinh thần của bình ca áp dụng vào những bài tân nhạc, đây cũng là thao thức của cha suốt 50 năm qua, qua đó giúp mọi người hiểu thêm về bình ca. Đức cha nói thêm, nhạc thánh ca diễn tả tâm tình cầu nguyện của người ca trưởng, là người thổi hồn giúp ca viên hát tốt hơn, giúp buổi phụng vụ được sốt sắng. Cuối cùng, Đức cha cảm ơn cha giáo và cầu mong ngài có nhiều sức khỏe.

Đức cha thông báo: Ngày 08/12/2015, Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. HĐGMVN kêu gọi UBTN đóng góp cho bản dịch bài ca chủ lực, đóng góp trong việc sáng tác những bài ca ngợi lòng thương xót Chúa.

Ngoài ra, còn có một số thông báo: Ngày 11/4/2016, có Đêm nhạc tưởng nhớ NS Viết Chung; 12/4/2016, Hội thảo thánh nhạc toàn quốc lần thứ 38 tổ chức tại TTMV TGP TPHCM.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11g30 bằng bài “Chúng con xin ngợi khen Cha”. Sau đó, mọi người cùng dùng bữa cơm trưa trong tình yêu thương, hiệp nhất.

Chia sẻ ngoài Hội thảo, Đức cha Vinh Sơn cho biết: “Cha hài lòng về cách trình bày của cha Kim Long, cha vừa uyên bác vừa giàu kinh nghiệm lại rất khiêm tốn”. Cha Anrê Nguyễn Xuân Quế chia sẻ: “Mục đích Hội thảo nhấn mạnh đến thánh ca là để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn. Vì vậy, chấn chỉnh đàn, hát trong nhà thờ sao cho đúng đường lối GHVN. Chủ đề hôm nay giúp các nhạc sĩ sáng tác phù hợp, có tâm tình đạo đức, thánh thiêng; giúp ca trưởng thổi hồn vào bài hát để cộng đoàn tham dự phụng vụ sốt sắng”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top