Hội thảo Thân Thế và Sự Nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière tại Huế - Bản tin số 3

Hội thảo Thân Thế và Sự Nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière tại Huế - Bản tin số 3

Cuộc hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của LM Léopold Cadière” bước vào ngày thứ ba với bài tham luận của Nhà Nghiên cứu Bửu Ý, người đã từng dịch trên 20 tác phẩm Pháp, với tựa đề “Câu chuyện dịch thuật thông qua L. Cadière”, dựa trên một bài viết rất ngắn của Cha Cadière, nhưng qua đó, thấy được rằng Cha Cadière không phải là một dịch giả, nhưng mà là một nhà dịch thuật học (traductologue) sắc bén, thâm sâu.

Cũng qua nghệ thuật dịch của Cha Cadière, nhà nghiên cứu Bửu Ý đã rút ra được ba qui tắc về dịch thuật tiếng Pháp sang tiếng Việt, và ngược lại :

. Tiếng Pháp chú trọng đến mục đích hoặc là hành động, và đặt nó lên đầu.

. Tiếng Việt chú trọng đến thứ tự thời gian. Tôi đi bắn về

. Câu tiếng Pháp chủ (chuộng) danh từ, còn tiếng việt chuộng động từ.

Và diễn giả kết luận rằng “Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt mà nội lực thâm hậu khôn lường”.

Tham luận kế tiếp do Tiến sĩ Hoàng Dũng: “Đóng góp của L. Cadière vào phương ngữ học tiếng Việt qua tác phẩm “Ngữ âm tiếng Việt” (Phương ngữ Trung)”.

Diễn giả đã giới thiệu các phương pháp mà Cadière đã áp dụng để tìm hiểu và đối chiếu các phương ngữ các vùng ở Việt Nam, cách riêng vùng Quảng Bình, Quảng Trị,Thừa Thiên. Tuy có một vài điều chưa chính xác trong công trình nghiên cứu của Cadière, nhưng diễn giả nhìn nhận rằng Cadière là nhà phương ngữ học tiếng Việt đầu tiên.

Đề tài thứ ba của buổi sáng do nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan: “Cadière với cổ vật Huế”.

Chính Cadière đã có sáng kiến thành lập Viện Bảo tàng Khải Định năm 1923, để cất giữ cổ vật mang giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa Huế, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của xã hội. Chỉ một thời gian ngắn, số lượng cổ vật gia tăng không ngừng, do hiến tặng hoặc do mua lại. Đến năm 1927, thiết lập thêm Phòng Chăm (Section des Antiquités Cham). Cadière quan tâm đặc biệt đến cổ vật và có nhiều công trình khảo cứu đăng trên tạp chí BAVH. Nhờ vậy, Huế còn có một bảo tàng (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế)

Buổi chiều cũng gồm ba bài tham luận, khởi đầu với đề tài “Gia đình Việt Nam theo L. Cadière” do Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh trình bày, theo đó, Gia đình Việt Nam mang đậm nét tôn giáo và có mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình.

Diễn giả cũng phân tích vai trò của gia trưởng, cuả người phụ nữ và bàn về con cái và giáo dục trong gia đình. Trước những thay đổi xã hội hiện nay có nguy cơ làm đổ vỡ gia đình, diễn giả nhắc lại lời kêu gọi của Cadiere “giữ gìn mối dây liên kết chặt chẽ trong gia đình”.

Hai tham luận cuối cùng của Hội thảo liên quan đến Mỹ thuật Huế, một do Họa sĩ Vĩnh Phối trình bày, với tựa đề “Mỹ thuật Huế dưới góc nhìn Cadière”, và bài kia do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông trình bày, với tựa đề “Léopold Cadière với tác phẩm L’Art à Hué”.

Hai diễn giả cho chúng ta biết tài năng trong lãnh vực mỹ thuật của Cadière. Chính Cadière có những công trình nghiên cứu đầu tiên về Mỹ thuật ở Huế, trong đó, quan trọng nhất là tác phẩm “L’Art à Hué”, với rất nhiều thông tin phong phú và cho đến ngày nay, còn là điều qui chiếu cho các nhà nghiên cứu vể mỹ thuật Huế.

Trong phần thảo luận cả sáng lẫn chiều, đã có 12 ý kiến phát biểu, bổ sung cho các tham luận. Đặc biệt, trong ngày thứ ba của Hội thảo, đã có nhiều ý kiến đề xuất phải có hình thức nào đó, như đặt tên L. Cadière cho một con đường hay một cơ sở bảo tàng chẳng hạn, đó là cách thức đối xử công bằng với Cadière qua việc vinh danh ngài một cách cụ thể. Đánh giá cao chất lượng của các tham luận tại Hội thảo, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức, đề nghị để Nhà xuất bản này đứng ra in và phát hành Kỷ yếu Hội thảo. Cũng Giáo sư Chu Hảo, đại diện cho Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, nêu ước mong được hợp tác với phía Công giáo để tổ chức các cuộc hội thảo tương tự, nhằm mục đích phát huy văn hóa dân tộc, góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước.

Vào cuối ngày hội thảo, Ban Thư ký đã có một bản tổng kết xúc tích và đầy đủ trình cử tọa.

Và cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể nêu cảm nhận về Hội thảo: ngắn về thời gian nhưng đồ sộ về khối lượng công việc và thông tin. Ngài phát biểu cám ơn mọi người đã tham dự và góp công cho Hội thảo được thành công tốt đẹp. Đức Tổng

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Têphanô tuyên bố bế mạc, mọi người đứng lên, với nến sáng trong tay, cùng nhau hát vang Kinh Hòa bình, như một lời từ biệt và một lời cầu chúc binh an, với niềm hy vọng được gặp lại, theo như ước mong của Đức Tổng Têphanô: “như Hội Trùng dương, cùng cuộn chảy ra biển cả bao la, nhân ái và chan hòa”.

Ban Thư ký Hội Thảo

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top