Hội Ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội: Bài Giảng của Đức Cha Cao Đình Thuyên
Bài Chia Sẻ Tin Mừng (Mc 12, 18-27)
Trọng kính quý Đức Cha, quý Cha, cùng toàn thể cộng đoàn
1. Trong thư thứ hai gửi Timôthê, thánh Phaolô viết rằng “tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh... Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa... Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (1Tm 1,6-12).
2. Chúng ta biết rằng Tin Mừng của Thiên Chúa là Tin Mừng phục sinh của Đức Giêsu, cũng là Tin Mừng phục sinh của mỗi người chúng ta sau khi hoàn tất cuộc hành trình dương thế. Những lời Đức Giêsu nói với phái Xađốc và những lời thánh Phaolô nói với Timôthê thật thích hợp cho chúng ta là những người độc thân dâng hiến, những người đã được đặt tay, được thánh hiến để phục vụ Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội Công Giáo.
3. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hướng chúng ta về xã hội Do Thái thời Đức Giêsu. Trong xã hội đó có nhiều phe phái khác nhau. Mỗi phe phái có những quan điểm riêng về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo. Xađốc là phái bảo thủ nhất trong các phe phái thời bây giờ. Họ cho rằng chỉ Ngũ Kinh, không có bằng chứng rõ ràng về sự sống lại.
4. Câu chuyện mà những người Xađốc đưa ra để tranh luận với Đức Giêsu về sự sống lại không phải là không có nền tảng Kinh Thánh. Họ đã dựa vào sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5-6). Theo đó, người anh hoặc người em của người quá cố sẽ cưới người vợ góa để “nối dõi tông đường.” Đối với những người thuộc phái Xađốc, nếu sau khi chết, cuộc sống vẫn tiếp tục theo một hình thức nào đó thì thật rối rắm phúc tạp khi một người vợ phải sống với bảy ông chồng.
5. Câu trả lời của Đức Giêsu mạc khải chân trời của sự sống lại. Một mặt, Người khẳng định rằng sự hiện hữu của con người không kết thúc bởi cái chết. Mặt khác, người khẳng định rằng đời sau không còn chuyện cưới vợ gả chồng; cuộc sống đới sau cao thượng hơn, tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn cuộc sống đời này. Không người nào có kinh nghiệm hoặc hiểu biết cặn kẽ về cuộc sống đời sau trong khi họ đang vật lộn với định mệnh sinh-lão-bệnh-tử của kiếp trần ai. Điều này được thánh Phaolô diễn tả trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô rằng “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1 Cr 2,9).
6. Khi trả lời câu hỏi của những người Xađốc, Đức Giêsu cho họ biết rằng họ quên hai điều quan trọng (1) cái nhìn sâu sắc và tổng quát hơn về Kinh Thánh (Kinh Thánh không giới hạn trong bộ Ngũ Kinh, như những người Xađốc chủ trương), (2) quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới thụ tạo (không lệ thuộc vào quy luật vật lý hoặc tâm sinh lý). Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa luôn tỏ bày những công trình kỳ diệu vượt trên sự hiểu biết giới hạn của nhân loại, Người tạo dựng trật tự mới từ trật tự cũ: biến điều thế gian cho là thấp hèn thành cao trọng, điều thế gian cho là nhục nhã thành vinh quang, điều thế gian cho là điên rồ thành khôn ngoan, và hơn thế, điều thế gian cho là tận cùng của đau khổ, tức sự chết, thành sự sống vĩnh hằng (1Cr 1,26-31).
7. Người cho những người Xađốc xưa, cũng như chúng ta hôm nay và mội người qua muôn thế hệ biết rằng chết không phải là tiếng nói cuối cùng của thân phận con người, nhưng là biến cố cho phép con người, nhưng là biến cố cho phép con người tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói với Mátta rằng “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Cũng theo Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói rằng “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). “Sự sống dồi dào” không gì khác hơn đó là sống thường tồn vĩnh cửu.
8. Đức Giêsu nói với những người Xađốc xưa cũng như mỗi người chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau rằng Thiên Chúa là Đấng hằng sống và người ban sự sống vĩnh hằng cho những ai nhận biết sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 14, 16.26; Ga 16,1.7; Ga 17,3). Người nhận biết Thiên Chúa là Cha thì cũng nhận biết Con của Người là Đức Giêsu, đồng thời, cũng nhận biết Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu (Ga 15, 26). Kinh Thánh, truyền thống, và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo cho chúng ta biết rằng sự sống của Thiên Chúa chính là sự hiệp thông vĩnh cửu và trọn vẹn của Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
9. Sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn xuất phát của vũ trụ; sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi Thiên Chúa duy trì sự tồn tại của thế giới thụ tạo; và sự hiệp thông của Ba ngôi Thiên Chúa cũng là cùng đích của tất cả những gì dựng nên. Thiên Chúa mặc khải sự hiệp thông của Người qua dòng lịch sử, đặc biệt qua các ngôn sứ trong Cựu Ước. khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa mạc khải sự hiệp thông của Người qua Đức Giêsu. Sau khi hoàn tất ý định của Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giêsu ủy thác sứ mệnh hiệp thông của Người cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở thành Bí tích hiệp thông của ơn cứu độ hoàn vũ (LG 48).
10. Chúng ta có thể tóm tắt bản chất hiệp thông của Giáo Hội vào 5 điểm: (1) Giáo Hội hiệp thông: bởi vì nguồn gốc của Giáo Hội là Chúa Ba Ngôi; (2) Giáo Hội hiệp thông: bởi vì Đấng sáng lập Giáo Hội. Đức Giêsu là con người hiệp thông; (3) Giáo Hội hiệp thông: bởi vì Đấng bảo trợ Giáo Hội, Chúa Thánh Thần, linh hồn của sự hiệp thông; (4) Giáo Hội hiệp thông: bởi vì các phương tiện của Giáo Hội , cụ thể là các Bí tích, cho phép con người hiệp thông với Thiên Chúa trong hành trình dương thế; (5) Giáo Hội hiệp thông: bởi vì mục đích của Giáo Hội là nhân danh Đức Giêsu qui tụ muôn loài muôn vật về hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trên Quê Trời.
11. Nhìn vào dân Do Thái thời Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng cùng là hậu duệ của Abraham, Isaac, và Giacop, nhưng họ đã sống thiếu hiệp thông với nhau ttrong niềm tin cũng như thực hành. Hôm nay cũng vậy, sự hiệp thông trong Giáo Hội vẫn còn nhiều bất toàn khiếm khuyết. Đức Giêsu muốn tất cả con cái Giáo Hội luôn hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Tuy nhiên, con cái Giáo Hội đang chia rẽ và làm lu mờ hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở đây, chúng ta có thể tóm lược vào 3 nhóm nguyên nhân chính sau: (1) hiểu sai giáo huấn của Đấng sáng lập; (2) muốn các hoạt động của Giáo Hội diễn ra theo hoạch định của mình; và (3) cố ý chống lại Giáo Hội. Chúng ta biết rằng dù sự bất xứng của con cái mình trầm trọng đến mức nào, Giáo Hội vẫn luôn là thực tại qua đó Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.
12. Là những người được đặt tay và thánh hiến để loan báo Tin Mừng sự sống, Tin Mừng Phục sinh, là những thừa tác viên của Giáo Hội, Bí tích hiệp thông, các giám mục, linh mục và tu sĩ được mời gọi sống cuộc đời độc thân dâng hiến để phục vụ chương trình của Thiên Chúa. Các giám mục, linh mục, và tu sĩ được mời gọi trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ngay trên trần gian bằng cuộc đời không cưới vợ gả chồng. Các giám mục, linh mục và tu sĩ đang thực hiện những lời nhắn gửi của Đức Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn là: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17, 14).
13. Ơn gọi của những người độc thân dâng hiến vừa là món quà của Thiên Chúa vừa là tác vụ cần phải thi hành. Thật là một thách đố liên lỉ cho mỗi người chúng ta ‘sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian’. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin tưởng vào ‘quyền năng Thiên Chúa’ thì chắc chắn ơn gọi của chúng ta sẽ đơm hoa trái tốt đẹp và mỗi người chúng ta xứng đáng là công cụ của Bí tích hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người trong thế giới hôm nay.
14. Nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của linh mục tối cao, Đức Giêsu và thánh Gioan Vianey, bổn mạng của các linh mục trên toàn thế giới, xin Chúa luôn nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong hành trình ơn gọi của mình.
Xin gửi đến quý Đức Cha, quý Cha và tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây lời cầu chúc bình an và hiệp thông Chúa Thánh Thần.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024
-
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh -
Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX -
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô