Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 16,1-13

1Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”.

5Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” 6Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. 7Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?”. Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.

8Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”.

13“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

Câu hỏi:

1. Đọc Lc 16, 1-7. Bạn thấy anh quản lý bất lương này có khôn khéo không? Anh ta khôn khéo như thế nào? Anh ta có hành động một cách bất lương không?

2. Đọc Lc 16, 8. Con cái đời này là ai? Con cái ánh sáng là ai?

3. Chúng ta học được bài học nào từ cách xử sự của anh quản lý bất lương?

4. Đức Giêsu khuyên các môn đệ nên bắt chước anh quản lý trong dụ ngôn trên ở điểm nào?

5. Đọc Lc 16, 8-12. Có bao nhiêu từ bất lương, bất chính, trung tín, Tiền Của trong đoạn văn này? Đọc Lc 16, 9. Đối với Đức Giêsu, Mammôn, được dịch là Tiền Của, có phải là điều xấu xa không?

6. Đọc Lc 16, 10-12. Trong ba câu cách ngôn trên đây, Đức Giêsu dạy chúng ta cách sử dụng Tiền Của ở đời này như thế nào? Ba câu này có nói gì về Thiên Chúa không?

7. Đọc Lc 16, 13. Theo bạn, tại sao ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của (Mammôn) được? Làm tôi nghĩa là gì?

8. Bạn có kinh nghiệm gì về sự cám dỗ lôi kéo của Mammôn? Mammôn hấp dẫn vì nó hứa hẹn gì cho ta? Bạn có kinh nghiệm gì về sự bọt bèo chóng qua của Mammôn? Bạn có thể cậy dựa vào Mammôn không? Đọc Lc 12, 16-21; 16, 19-31.

CÂU HỎI SUY NIỆM: Anh quản lý sắp bị sa thải mơ ước điều gì? Anh đã làm gì để thực hiện ước mơ đó? Chúng ta là con cái ánh sáng, chúng ta mơ ước điều gì? Chúng ta làm gì để thực hiện ước mơ đó?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Anh quản lý trong dụ ngôn ở Lc 16, 1-7 là một anh quản lý bất lương. Ông chủ đã nghe người ta tố cáo anh ta về sự phung phí tài sản của ông, nên ông muốn cho anh nghỉ việc. Đây chắc không phải là chuyện ai đó vu khống cho anh, bởi lẽ anh ta không hề cố chứng minh cho ông chủ thấy là mình vô tội. Hơn nữa, tính bất lương của anh còn lộ ra qua những việc anh sắp làm để chuẩn bị cho tương lai của anh sau khi bị chủ sa thải (xem Lc 16, 4-7). Anh này thật khôn khéo vì anh biết lợi dụng chức vụ đang có của mình để tạo ra những người bạn, với hy vọng họ sẽ giúp mình sau này. Anh đã trừ bớt số nợ của họ đối với ông chủ một cách đáng kể, và biến họ trở nên những người chịu ơn anh. Rõ ràng anh ta là người khôn khéo, nhưng đây là cái khôn khéo của một người bất lương.
  2. “Con cái đời này” là những người bị chi phối bởi những suy nghĩ và hành động có tính thế tục. Họ là những người sống cách bất lương, bất chính, miễn sao có lợi cho mình. “Con cái ánh sáng” là những người sống theo ánh sáng của Chúa, sống theo đức chính trực công minh.
  3. Khi biết mình sắp sửa bị ông chủ sa thải, anh quản lý bất lương đã làm nhiều điều mà chúng ta cần để ý. Trước hết anh suy nghĩ xem mình phải làm gì trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Anh cân nhắc một vài việc anh có thể làm như cuốc đất hay ăn xin. Nhưng sau đó anh lại thấy mình không đủ sức khỏe để cuốc đất hay đủ khiêm tốn để ăn xin (c.3). Anh nhắm đến một mục tiêu phải đạt cho bằng được, đó là làm sao anh vẫn có người “đón anh về nhà của họ” khi anh mất chức quản lý (c. 4). Cuối cùng anh như reo lên khi tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu: “Mình biết phải làm gì rồi!” Và anh đã thực hiện giải pháp anh đã nghĩ ra (Lc 16, 5-7).
  4. Khi Đức Giêsu kể lại dụ ngôn ở Lc 16, 1-7, Ngài khen cách xử sự của người quản lý bất lương. Ngài không hề khen sự bất lương của anh này, khi anh ta bảo các con nợ làm điều dối trá (nợ 100 mà chỉ viết có 50), gây thiệt hại cho chủ. Nhưng Ngài khen anh vì anh khôn khéo, biết tìm ra cách thức để được bạn bè đón về nhà khi anh mất chức quản lý. Tuy vậy đó cũng chỉ là sự khôn khéo của”con cái thế gian.” Đức Giêsu muốn chúng ta có sự khôn khéo của “con cái ánh sáng.” Đây là những người biết dùng tiền của vật chất ở đời này mà mua lấy bạn bè, để rồi chính những bạn bè này sẽ đón họ “vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16, 9).
  5. Trong Lc 16, 8-12 có những từ bất chính (adikia, ở các câu 8.9), Tiền Của (Mammôna, ở các câu 9.11), trung tín (pistos ở các câu 10.11.12), bất lương (adikos ở câu 10). Đối với Đức Giêsu, Tiền Của là điều bất chính, tuy nhiên chúng ta có thể khôn khéo sử dụng Tiền Của để mua lấy bạn bè, những người này sẽ giúp chúng ta vào chốn vĩnh cửu (Lc 16, 9). Đức Giêsu đòi chúng ta phải trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính (Lc 16, 11).
  6. Luca 16, 10-12 là ba câu cách ngôn Đức Giêsu dạy chúng ta cách sử dụng Tiền Của ở đời này. Nói chung Ngài đòi chúng ta phải có thái độ trung tín: trung tín trong việc rất nhỏ, trung tín trong việc sử dụng Tiền Của, và trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác. Chỉ ai trung tín khi dùng những của cải vật chất ở đời này, người ấy mới được Thiên Chúa giao phó cho “của cải chân thật, ” “của cải của anh em” (Lc 16, 11-12) ở đời sau.
  7. Đức Giêsu khẳng định không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ được, bởi lẽ anh ta không thể yêu hai chủ bằng nhau. Thế nào anh ấy cũng yêu chủ này hơn chủ kia. Tiền Của hay Mammôn có một sức hút khó cưỡng, dù nó chỉ là một thụ tạo của Chúa. Ta không dễ làm chủ hay sử dụng nó, bởi nó luôn lôi kéo và muốn làm chủ chúng ta, bắt chúng ta thành nô lệ. Khi làm tôi cho Mammôn, chúng ta không thể làm tôi cho Thiên Chúa được. “Làm tôi” là để cho ai chi phối mình, điều khiển mình. Chúng ta phải chọn hoặc Thiên Chúa, hoặc Mammôn. Làm tôi Thiên Chúa khiến chúng ta thoát khỏi nô lệ cho Mammôn.
  8. Tiền Của hay Mammôn mãi mãi hấp dẫn và lôi kéo con người, vì đồng tiền có thể mua được những thứ nhiều người thèm muốn như quyền lực, danh vọng, khoái lạc. Nhưng đồng thời Mammôn lại bọt bèo, phù du, đến nỗi chúng ta không nên cậy dựa vào nó. Tin Mừng Luca kể cho ta câu chuyện ông phú hộ chết bất thình lình khi ông tưởng mình còn sống nhiều năm bên cái kho đầy ắp (Lc 12, 16-21), hay câu chuyện về ông nhà giàu khép lòng trước Ladarô, nên phải chịu khốn cực sau cái chết (Lc 16, 19-31). Tiền Của có thể làm ta đánh mất đời sau, nhưng nếu biết sử dụng khéo léo, chúng ta có thể dùng Tiền Của như phương tiện để vào chốn vĩnh cửu.

 

Top