Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm C

(Lc 1,1-4;4,1-12)

Lời Chúa: 

1Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

14Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

16Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố một năm hồng ân của Chúa.

20Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe".

Học hỏi:

1.  Đức Giêsu trở về miền Galilê trong quyền năng của Thần Khí (Lc 4,14). Điều này có làm bạn ngạc nhiên không? Đọc Lc 1,35; 3,22; 4,1.14.18.21;10,21.

2.  Bạn biết gì về ngôi làng Nadarét? Nó ở đâu? có khoảng bao nhiêu dân cư, giàu hay nghèo?

3.  Bạn biết gì về phụng vụ trong một hội đường Do-thái vào ngày sa-bát?

4.  Câu Kinh thánh Đức Giêsu đọc ở đây được lấy từ sách nào trong Cựu Ước? Đọc Is 61,1-2 và Is 58,6.

5.  Đọc Lc 3,22; 4,18. Đức Giêsu đã được xức dầu Thánh Thần khi nào? Ngài được xức dầu để làm những việc gì, cho ai ?

6. Trong Lc 4,19, Đức Giêsu công bố “một năm Đức Chúa thi ân.” Năm ấy đã đến chưa?  Đọc Lc 4,21.

7.  Tin Mừng Luca dùng nhiều lần từ hôm nay? Theo bạn, có bao nhiêu từ hôm nay trong Tin Mừng Luca? Lối dùng này có ý nghĩa gì?

8.  Tin Mừng Luca nói nhiều đến người nghèo. Hãy tìm ba đoạn Tin Mừng Luca trong đó Đức Giêsu quan tâm đến người nghèo. Đọc Lc 14,13; 18,22; 21,2-3.

GỢI Ý SUY NIỆM: Khi sống trên trần gian, Đức Giêsu đã làm nhiều điều tốt cho con người (chữa mọi thứ bệnh, trừ quỷ, giảng dạy, loan báo Tin Mừng, nuôi dân, tha thứ cho tội nhân…). Bạn thích việc làm nào nhất, tại sao?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Ngay từ đầu, Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ Maria và Mẹ đã thụ thai Đức Giêsu bởi quyền năng của Đấng Tối Cao (Lc 1,35). Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài cầu nguyện sau lúc chịu phép rửa ở sông Gio-đan (Lc 3,21-22). Sau đó Đức Giêsu đầy Thánh Thần từ sông Gio-đan trở về và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa, nơi đó Ngài chịu quỷ cám dỗ (Lc 4,1-2). Bởi đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu trở về miền Galilê trong quyền năng của Thần Khí (Lc 4,14). Cuối cùng, khi giảng dạy ở hội đường Nadarét, Đức Giêsu đã đọc lời của ngôn sứ Isaia về Thần Khí của Đức Chúa (Is 61,1), và khẳng định lời ấy được ứng nghiệm nơi bản thân mình (Lc 4,18.21). Có thể nói Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Giêsu và không bao giờ lìa bỏ Ngài (xem thêm Lc 10,21).
  2. Vào thời Đức Giêsu, Nadarét là một ngôi làng nhỏ, không có gì nổi bật (Ga 1,46), nằm ở phía nam Galilê. Nó không phải là một thành phố như Mt 2,23 và Lc 1,26 quen gọi, nhưng nó cách một thành phố lớn là Sepphoris dăm sáu cây số. Nadarét không bao giờ được nhắc đến trong Cựu Ước hay các tài liệu cổ khác. Số dân ở đây ước chừng vài trăm người, tương đối nghèo. Đây là nơi Đức Giêsu đã sống và lớn lên, lao động và trưởng thành, cho đến ngày Ngài lên đường đi thi hành sứ vụ Cha giao. Ngày nay khoa khảo cổ tìm được cái vực, nơi có thể ngày xưa dân làng Nadarét định xô Đức Giêsu xuống, nằm ở phía Tây của nhà thờ Truyền Tin ngày nay (Lc 4,28-29).
  3. Ngày sa-bát (là thứ bảy, nhưng bắt đầu từ chiều tối ngày thứ sáu) là ngày lễ nghỉ của người Do-thái. Họ đến hội đường để dự lễ. Nghi thức phụng vụ của ngày sa-bát có thể gồm việc hát một Thánh vịnh, đọc kinh Shema (Đnl 6,4-9), đọc một đoạn Sách Thánh trong sách Luật (torah) và một đoạn trong sách các Ngôn sứ (x. Cv 13,15). Kế đó là bài giảng giải về hai đoạn Sách Thánh trên. Kết thúc là lời chúc lành của ông trưởng hội đường.

Đức Giêsu hẳn đã được ông trưởng hội đường mời đọc và giải thích đoạn Sách Thánh. Ngài được trao cuộn sách ngôn sứ Isaia. Việc Ngài đọc đoạn sách Isaia ở chương 61,1-2 chắc không phải chuyện tình cờ, vì Ngài đã cố ý “tìm thấy chỗ” viết bản văn này (Lc 4,17). Đức Giêsu đọc sách Isaia trong tư thế đứng (x. Cv 13,27), rồi cuộn sách lại, trả cho người giúp việc, và giảng dạy trong tư thế ngồi.

  1. Theo Lc 4,18-19, trong hội đường Nadarét, Đức Giêsu đã đọc một câu trích trong sách ngôn sứ Isaia. Thật ra đây là một câu ghép một phần của Is 61,1-2 với một phần của Is 58,6 (câu “trả lại tự do cho người bị áp bức”). Thánh sử Luca đã coi câu ghép này là một chương trình hành động hay một bản tuyên ngôn của Đức Giêsu lúc khởi đầu sứ vụ. Chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu thực hiện chương trình này trong thời gian sắp tới.
  2. Khi đọc câu Is 61,1: “Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu cho tôi,” Đức Giêsu đã nhớ đến biến cố xảy ra cho Ngài khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan. Tại đây, “Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài” (Lc 3,22). Khi nhận được Thánh Thần, Đức Giêsu biết mình được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để trở nên một ngôn sứ, một Đấng Mêsia (Cv 10,38). Khi đọc Sách Thánh, Đức Giêsu thấy sứ mạng của vị ngôn sứ được nói đến ở Is 61,1-2; 58,6, là sứ mạng Đức Chúa trao cho mình hiện nay, và Ngài sẽ là người làm ứng nghiệm những lời vừa đọc. Như thế, Ngài được sai tới cho bốn nhóm người: kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, người mù, và người bị áp bức. Ngài loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt. Còn đối với kẻ bị giam cầm và người chịu áp bức thì Ngài cho họ cùng một ơn, đó là được tha, được tự do hay được giải thoát (aphesis).
  3. Đọc Lc 4,19 ta thấy Đức Giêsu còn công bố một năm đặc biệt, đó là năm Đức Chúa thi ân. Khi Isaia viết câu: “một năm Đức Chúa thi ân” ở Is 61,2a, ông muốn mô tả thời kỳ Đức Chúa ban ơn giải thoát cho những người Do-thái bị lưu đày ở Babylon. Còn khi đọc câu Is 61,2a, Đức Giêsu muốn công bố thời kỳ đặc biệt của Ngài, thời kỳ Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhân loại một cách mới mẻ. Trong Lc 4,21, Ngài khẳng định những lời tiên tri ấy đã bắt đầu được ứng nghiệm.
  4. Tin Mừng Luca hay sử dụng trạng từ “hôm nay” (Lc 2,11; 4,21; 5,26; 19,5.10; 23,43). Qua lối dùng này, Luca muốn nhấn mạnh rằng thời kỳ của Đức Giêsu là thời kỳ mà ơn cứu độ đã bắt đầu đến cho nhân loại. Không cần đợi thêm gì nữa, vì “hôm nay một Đấng Cứu độ  đã được sinh ra,” hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này,” “hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.”
  5. Khi đãi tiệc, hãy mời người nghèo (Lc 14,13); hãy bán tất cả tài sản mà cho người nghèo (Lc 18,22); bà góa nghèo đã bỏ tiền nhiều hơn mọi người (Lc 21,2-3). Xem thêm Lc 6,20; 16,20.22.

Top