Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B
Mc 1,14-20
Ðức Giêsu khai mạc công việc rao giảng
(14) Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Ðức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên
(16) Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
(19) Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông, và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Học hỏi
1. Đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng khi nào, ở đâu ? Đọc Mc 1,14.
2. Đọc Mc 1,15. “Thời kỳ đã mãn. Nước của Thiên Chúa đã đến gần”: lời tuyên bố này của Đức Giêsu nghĩa là gì ?
3. Đọc Mc 1,15. Đức Giêsu mời ta làm gì để đón nhận Nước Thiên Chúa ?
4. Biển Galilê được nhắc đến ở Mc 1,16. Hồ này còn có những tên nào khác ? Đọc Luca 5,1; Gioan 6,1; và Dân số 34,11.
5. So sánh hai đoạn Mc 1,16-18 và 1,19-20. Cho biết những điểm giống nhau trong thái độ của Đức Giêsu và của bốn môn đệ trong hai đoạn văn trên.
6. Đọc Mc 1,16-20. Cho biết bốn động từ quan trọng để làm nên một ơn gọi vững vàng.
7. Đọc Mc 1,16-20. Theo ý bạn, trong đoạn văn trên, điều gì nơi Đức Giêsu có sức thu hút mạnh mẽ khiến các anh đánh cá mau mắn đáp lại và đi theo ?
8. Bốn môn đệ đầu tiên là những người đánh cá quê mùa, ít học. Theo ý bạn, tại sao Thầy Giêsu lại muốn chọn họ làm môn đệ của Ngài ?
GỢI Ý SUY NIỆM: "Các anh hãy đi sau tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người ta" (Mc 1,17). Từ nào trong câu này đánh động bạn ? Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào ? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.
PHẦN TRẢ LỜI
- Theo Tin Mừng Máccô (1,14), Đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng ở miền Galilê sau khi ông Gioan Tẩy giả bị nộp, nghĩa là sau khi Gioan bị vua Hêrôđê Antipas bắt vào tù. Tuy nhiên, theo Gioan 3,22-30, ông Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu đã có lúc cùng ban phép rửa cho dân chúng. Có thể ở đây thánh sử Máccô muốn nhấn mạnh rằng sứ vụ làm người tiền hô dọn đường của Gioan nay chấm dứt, và bây giờ bắt đầu giai đoạn mới của Đức Giêsu, người đã được Gioan giới thiệu. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ ở vùng Galilê. Đây là vùng có những người dân ngoại sinh sống. Đức Giêsu đã không rút vào vào hoang địa để rao giảng như Gioan Tẩy giả, Ngài cũng không rao giảng ở ngay thánh đô Giêrusalem hay ở vùng Giuđê.
- Khi đến vùng Galilê, Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (Mc 1,14; xem 1,1). Tin Mừng này được Ngài trình bày như sau: “Thời kỳ đã mãn và Nước của Thiên Chúa đã đến gần.” Thời kỳ (kairos) ở đây là thời điểm đặc biệt và quan trọng, thời điểm Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Trong cả Cựu Ước và sau này, người Do-thái vẫn kiên trì chờ thời điểm này. Giờ đây, Đức Giêsu loan báo, thời cứu độ ấy đã mãn, nghĩa là đã đến rồi. Và Nước Thiên Chúa cũng đã đến kề bên rồi. Thiên Chúa như một vị Vua sẽ xây dựng Nước của Ngài. Ngài đến để xét xử và ban ơn cứu độ. Như vậy, với sự xuất hiện của Đức Giêsu, một thời đại mới đã bắt đầu. Những gì Ngài sắp làm sẽ cho thấy Nước của Thiên Chúa đang hoạt động trên trần gian.
- Để đón nhận Nước Thiên Chúa như một quà tặng, Đức Giêsu mời những người ở vùng Galilê hãy hối cải và tin vào Tin Mừng. Hối cải là thay đổi tận căn cuộc sống để sống một đời sống mới. Khác với Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu không mời người ta chịu phép rửa để bày tỏ lòng hối cải (Mc 1,4), nhưng Ngài mời người ta tin vào Tin Mừng do Ngài rao giảng, nghĩa là tin rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Khi tin như thế, người ta sẽ hối cải và sống đời sống mới.
- Biển Galilê (Mc 1,16) có nhiều tên khác nhau. Trong Cựu Ước nó được gọi là biển Kin-ne-rét (Dân số 34,11). Trong Tân Ước nó được gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét (Lc 5,1), hay biển Ti-bê-ri-a (Ga 6,1). Thật sự đây không phải là biển, mà là một hồ nước ngọt lớn, có chiều dài hơn 20km, chiều rông 13 km. Nước từ núi Khéc-mon ở phía bắc thuộc Syria chảy xuống thành sông Giođan và đổ vào hồ. Vì hồ khá lớn nên thường được gọi là biển.
- Trong cả hai đoạn trên, ta đều thấy Đức Giêsu đang đi dọc theo biển Galilê (Mc 1,16.19); Ngài thấy hai anh em ruột Simôn và Anrê, rồi lại thấy hai anh em Giacôbê và Gioan (Mc 1,16.19); và Ngài gọi các ông (Mc 1,17.20). Trong cả hai đoạn trên, bốn anh ngư phủ Simôn, Anrê, Giacôbê, Gioan đều đang làm việc, họ đang quăng lưới bắt cá (Mc 1,16) hay đang vá lưới (Mc 1,19). Khi nghe Đức Giêsu gọi, họ đã bỏ lưới (Mc 1,18), hay bỏ cha mình và những người làm công (Mc 1,20). Họ đã bỏ ngay lập tức, và đi theo Đức Giêsu (Mc 1,18.20).
- Ta thấy bốn động từ quan trọng trong ơn gọi của các môn đệ đầu tiên là: Thấy, Gọi, Bỏ, Theo. Thấy và Gọi là hành động của Đức Giêsu. Chính Ngài là người mở lời, là người có sáng kiến. Ơn gọi bao giờ cũng khởi đi từ Thiên Chúa. Còn Bỏ và Theo là hành động đáp lại của con người. Đáp lại là điều không dễ dàng, vì để đáp lại, cần phải bỏ. Không phải là bỏ những điều xấu xa tội lỗi, nhưng là bỏ những giá trị cao quý như gia đình, nghề nghiệp. Bỏ một giá trị mình trân quý chỉ vì một giá trị đáng trân quý hơn. Bỏ những giá trị viết thường để có được Giá Trị viết hoa. Bỏ không phải là để bỏ, mà là để theo. Các tôn giáo đều nói đến buông bỏ. Trong Kitô giáo, buông bỏ không phải là mục đích, nhưng là để được tự do theo Đức Giêsu.
- Rất có thể uy quyền toát ra từ con người Thầy Giêsu và từ lời mời của Thầy đã khiến các anh ngư phủ dám bỏ những điều rất quý, để theo Thầy. Tuy nhiên, không hẳn là bốn môn đệ bỏ ngay mọi sự. Vì trong 8 chương kế tiếp, ta thấy Đức Giêsu vẫn trong vùng gần nhà các ông, và có một chiếc thuyền (có thể là của họ) lúc nào cũng sẵn sàng (Mc 3,9; 4,1.35; 5,21; 6,32.45; 8,13).
- Thầy Giêsu chọn các môn đệ đầu tiên là những ngư phủ quê mùa ít học có thể vì những lý do sau. Nghề đánh cá giúp họ có khả năng làm việc chung với nhau (không ai đi đánh cá một mình). Ngư phủ là người có khả năng đương đầu với sóng gió và có sức khỏe: điều này sẽ giúp họ chịu đựng được những vất vả thể lý và những căng thẳng tâm lý sau này. Các môn đệ là những ngư phủ chất phác thật thà, không phải là những người có học thức hay địa vị cao trong xã hội. Có thể Thầy Giêsu đã muốn làm theo ý Cha, không xây dựng một Giáo Hội đặt nền trên những người khôn ngoan thông thái (Mt 11,25-26).
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 24 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm B