Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 23 Thường niên năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 23 Thường niên năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 23 Thường niên năm B

(Mc 7,31-37)

Lời Chúa: Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng

31Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Épphatha", nghĩa là: hãy mở ra! 35Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

Học hỏi:

1.  Đọc Mc 7,24 - 8,10. Cho biết ba phép lạ trong phần này diễn ra ở vùng đất của ai ?  Vùng đất và người dân ở đây bị người Do-thái coi là gì?

2.  Đọc Mc 7,31. Hãy vẽ lại đường đi của Đức Giêsu qua câu này.

3.  So sánh Mc 7,31-37 với Mc 8,22-26. Có những điểm nào giống nhau giữa hai phép lạ trên? Hai phép lạ này đã làm cho lời ngôn sứ nào được ứng nghiệm? Đọc Is 35,5-6.

4.  Đức Giêsu có thường “đặt bàn tay” để chữa bệnh hay chúc lành không? Đọc Mc 6,5; 8,23.25; 10,16. Ngài có dùng bàn tay để chữa bệnh không? Đọc Mc 1,31.41; 5,41; 9,27.

5.  Đức Giêsu có hay dùng nước miếng để chữa bệnh không? Đọc Mc 7,33; 8,23; Ga 9,6. Nước miếng có công dụng gì?

6.  Tại sao thánh Mác-cô lại phải dịch nghĩa từ “Ép-pha-tha” cho độc giả hiểu? Xem Mc 3,17; 5,41; 7,11; 10,46; 14,36; 15,34.

7.  Đức Giêsu ngước mắt lên trời để làm gì? Đọc Mc 6,41; 7,34;  Lc 18,13; Ga 11,41; 17,1.

8.  Đọc Mc 7,36-37. Tại sao người ta cứ loan truyền về phép lạ dù họ bị Đức Giêsu cấm?

CÂU HỎI SUY NIỆM:

    Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?

    Có khi nào tôi thấy mình bị ngọng hay câm về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nói chuyện với Chúa hay nói về Chúa cho người khác? Điều gì thường khiến tôi bị câm hay ngọng? 

    Làm sao để khỏi điếc và câm về mặt tâm linh?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Trong Mc 7,24 – 8,10, có ba phép lạ Đức Giêsu làm. Cả ba đều diễn ra ở vùng đất của dân ngoại. Vùng đất này và người dân ở đây đều bị coi là ô uế. Trước hết Ngài chữa cho cô con gái bị thần ô uế ám, của một phụ nữ ở vùng Tia, thuộc xứ Xy-ri (Mc 7,24-30). Kế đến Ngài chữa một người vừa điếc vừa ngọng ở vùng Thập Tỉnh (Decapolis), vùng dân ngoại này nằm ở bên kia sông Giođan (Mc 7, 31-37). Cuối cùng Ngài làm phép lạ cho bánh hóa nhiều lần thứ hai cũng ở bên kia sông Giođan (Mc 8,1-10). Sau đó Ngài xuống thuyền trở về vùng Đan-ma-nu-tha (Mc 8,10), hầu chắc đây là một vùng ở bên này sông Giođan. Ba phép lạ này cho thấy dân ngoại nằm trong mối quan tâm của Đức Giêsu. Dù họ bị coi là ô uế, Ngài không ngại tiếp xúc với họ và làm cho họ những gì Ngài làm cho đồng bào của Ngài.
  2. Khi đọc Mc 7,31 ta thấy khó vẽ lại con đường Đức Giêsu đã đi sau khi Ngài chữa cho con gái bà ở vùng Tia. Nếu xem trong bản đồ Kinh Thánh, ta thấy Ngài đi từ vùng Tia ngược lên vùng Xi-đôn ở phía bắc. Tia và Xi-đôn là hai thành phố nằm ở bờ biển Địa-trung-hải. Sau đó Ngài lại đi xuống theo hướng đông nam, qua phía bên kia của hồ Galilê, và đi vào vùng Thập Tỉnh (Decapolis) là vùng đất dân ngoại.
  3. Có những điểm giống nhau giữa phép lạ chữa người điếc-ngọng (Mc 7,31-37) và phép lạ chữa người mù (Mc 8,22-26). Cả hai phép lạ đều được làm ở vùng đất dân ngoại, ở bên kia sông Giođan (Thập Tỉnh, Bết-sai-đa). Cả hai người khuyết tật đều được ai đó dẫn đến với Đức Giêsu (Mc 7,32; 8,22). Họ xin Ngài “đặt bàn tay trên anh” Mc 7,32, hay “sờ vào anh” Mc 8,22. Đức Giêsu dùng bàn tay để “kéo riêng anh ra khỏi đám đông”(Mc 7,33) hay “cầm lấy tay anh đưa ra khỏi làng” (Mc 8,23): như thế Đức Giêsu không chữa bệnh cho hai người này trước mặt đám đông. Và Ngài cũng không chữa bệnh theo đúng cách thức họ yêu cầu. Họ xin Ngài “đặt bàn tay trên anh” thì Ngài lại đặt ngón tay và bôi nước miếng vào lưỡi anh, cũng như nói một lời (Mc 7,33-34). Họ xin Ngài “sờ vào anh” thì Ngài lại “đặt bàn tay trên anh” hai lần (Mc 8,23.25). Khi chữa xong, Đức Giêsu không muốn cho người khác biết (Mc 7,36; 8,26). Cả hai phép lạ của Đức Giê su đều thành công, tuy phép lạ thứ hai có chút khó khăn hơn. Hai phép lạ trên đây làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia” “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6).
  4. Trong Tin Mừng Mác-cô, người ta tin bàn tay Ngài có sức chữa lành (Mc 5,23; 7,32) hay ban phúc lành (Mc 10,13). Đức Giêsu thường chữa bệnh hay chúc lành bằng cách “đặt bàn tay” (6,5; 8,23.25; 10,16). Hơn nữa, trong nhiều lần khác, Ngài vẫn dùng bàn tay để chữa bệnh (Mc 1,31.41; 5,41; 9,27). Bàn tay của Đức Giêsu là khí cụ tuyệt vời để Ngài trao ban ơn phúc.
  5. Đức Giêsu đã chữa lành bằng cách dùng nước miếng để bôi vào lưỡi người ngọng (Mc 7,33) và vào mắt người mù (Mc 8,23). Trong Tin Mừng Gioan, Ngài còn trộn nước miếng với đất để xức vào mắt anh mù (Ga 9,6). Thời xưa, nước miếng được coi là có khả năng chữa bệnh.
  6. “Ép-pha-tha” là một từ bằng tiếng A-ra-ma-ic. Đây là thứ tiếng Đức Giêsu nói hàng ngày. Thánh sử Mác-cô đã giải thích từ này (7,34: “hãy mở ra”) vì sợ có độc giả không hiểu, bởi họ không phải là người Do-thái. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu còn dùng tiếng Aramaic nhiều lần khác, kèm theo lời giải thích sau đó. Thí dụ:  Bô-a-nê-ghê là “con của thiên lôi” (3,17); Ta-li-tha kum là “Cô bé, trỗi dậy đi!” (5,41); co-ban là “lễ phẩm dâng cho Chúa” (7,11); Ba-ti-mê là “con trai ông Timê” (10,46); Áp-ba là “Cha ơi!” (14,36); Ê-lô-i, Ê-lô-i, le-ma xa-bác-tha-ni là “Lạy Thiên Chúa tôi! lạy Thiên Chúa tôi! tại sao Ngài bỏ tôi” (15,34).
  7. Trong các sách Tin Mừng, khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đức Giêsu thường “ngước mắt lên trời” (Mc 6,41; 7,34; Lc 18,13; Ga 11,41; 17,1). Người Do-thái tin Thiên Chúa là Cha ở trên trời (Mt 6,9; 16,17). Ngài là Chúa tể trời đất (Mt 11,25). Tiếng nói của Thiên Chúa Cha là tiếng nói từ trời (Mc 1,11), hay từ đám mây (Mc 9,7).
  8. Dù bị Đức Giêsu cấm không được kể lại chuyện phép lạ cho ai, nhưng những ai biết chuyện Đức Giêsu đã chữa cho anh điếc và ngọng đều hết sức ngỡ ngàng đến nỗi họ không thể nào giữ kín được. Họ thấy mình phải “loan truyền” những điều tuyệt vời Ngài đã làm cho anh (Mc 7,36-37).

Top