Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm A
HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 2 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ga 1,29-34
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
1. Ông Gioan làm phép rửa cho dân chúng ở đâu? Đọc Ga 1,28. Bạn có biết vùng đó ở đâu không?
2. Đọc Ga 1,6-8.15.19.32.34. Hãy cho biết nhiệm vụ chính của Gioan đối với Đức Giêsu là gì? Ai đã sai Gioan làm việc đó? Đọc Ga 1,6.33.
3. Đọc Ga 1,29. Ông Gioan giới thiệu Đức Giêsu với ai?
4. Ông Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Hình ảnh Chiên Thiên Chúa của ông Gioan có nét nào giống với hình ảnh chiên trong các đoạn sách Cựu Ước sau đây không: Xuất hành 12,5; Isaia 53,7; Sáng thế 22,8; Dân số 28,3?
5. Trong Tân Ước, Đức Giêsu có được gọi là Chiên không? Chiên này có gì đặc biệt khác với Cựu Ước? Đọc 1 Côrintô 5,7; Khải huyền 5,6-14; 1 Phêrô 1,19; Gioan 19,14.36.
6. Đọc Ga 1,31-33. Dựa vào kinh nghiệm nào mà Gioan đã biết được căn tính của Đức Giêsu?
7. Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29), rồi lại làm chứng Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 1,34). Hai tước vị này có liên quan với nhau không?
8. Khi nào Đức Giêsu ban phép rửa trong Thánh Thần? Đọc Ga 20, 22-23.
CÂU HỎI SUY NIỆM: Trong Thánh Lễ, cộng đoàn đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Bạn nghĩ gì về hình ảnh Đức Giêsu là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian? Hình ảnh này có gì khác với hình ảnh Đức Giêsu là Mục tử, là Bánh, là Ánh sáng, là Cửa…
PHẦN TRẢ LỜI
Ông Gioan làm phép rửa cho dân chúng tại Bêtania, bên kia sông Giođan (Ga 1,28). Không chắc Bêtania này ở đâu, có thể nằm ở vùng Pêrêa, ở phía đông sông Giođan, cách Biển Chết 9 km về phía bắc. Năm 2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đi thăm nơi này (nay gọi là Al-Maghtas). Nơi này được coi là di sản thế giới thuộc nước Jordan. Còn có một Bêtania khác, đó là làng quê của hai chị em Mácta và Maria, nằm ở phía tây sông Giođan, trên sườn núi Ô-liu, cách Giêrusalem gần 3 km (x. Ga 11,1).
Nhiệm vụ chính của Gioan, một người được Thiên Chúa sai đến (Ga 1,6.33), là làm chứng về Đức Giêsu cho dân Do-thái, để họ tin vào Ngài (Ga 1,6-8.15.19.32.34). Động từ làm chứng được nhắc đi nhắc lại khi tác giả Tin mừng thứ tư nói về Gioan.
Gioan 1,29 cho thấy đây là ngày thứ hai của sứ vụ của Đức Giêsu. Trong ngày thứ nhất, Gioan làm chứng trước giới lãnh đạo Do-thái giáo (Ga 1,19.24). Vào ngày thứ hai, Gioan làm chứng cho dân Ítraen (Ga 1,31). Đọc Ga 1,29 ta thấy Gioan đang giới thiệu Đức Giêsu cho những người Ítraen đến với ông để chịu phép rửa.
Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Trong Cựu Ước, hình ảnh chiên được nhắc đến nhiều lần, mỗi hình ảnh lại có nét khác nhau. Xuất hành 12,5 nói đến chiên Vượt Qua, con chiên không tỳ vết bị giết, thịt được nướng để ăn, còn máu thì bôi lên khung cửa, nhờ đó người Ítraen được an toàn. Isaia 53,7 so sánh người Tôi Trung chịu đau khổ với con chiên bị đem đi làm thịt, không hề mở miệng. Trong Sáng thế 22,8, khi Ixaác hỏi cha về con chiên để dâng làm lễ toàn thiêu, Ápraham trả lời con chiên này Chúa sẽ liệu. Buổi sáng và buổi tối ở Đền Thờ, mỗi ngày phải dâng hai con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu (Dân số 28,3). Chúng ta thấy hình ảnh những con chiên trên đây không hoàn toàn giống với “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” mà Gioan dùng để chỉ Đức Giêsu. Thí dụ: việc giết chiên Vượt Qua không phải là một hy lễ, và chiên Vượt Qua cũng không đem lại việc xóa tội cho dân Do-thái.
Trong Tân Ước, Đức Giêsu được gọi là Chiên với những nét mới mẻ không có trong Cựu Ước. Gioan Tẩy giả đã gọi Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29.36). Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là Chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế, nghĩa là đã bị giết để dâng cho Thiên Chúa (1 Cr 5,7). Sách Khải huyền 5,6-14 nói đến một Con Chiên đang đứng, trông như thể đã bị giết. Con Chiên này là hình ảnh Đức Kitô đã đổ máu mình để cứu chuộc cả nhân loại. 1 Phêrô 1,19 khẳng định người tân tòng được cứu chuộc nhờ máu của Đức Kitô là Con Chiên vẹn toàn vô tì tích. Gioan 19,14 nói đến giờ thứ sáu (12 giờ trưa) là giờ Đức Giêsu sắp bị kết án tử trên thập giá; kể từ giờ này, người Do-thái bắt đầu giết chiên tại Đền Thờ để ăn trong lễ Vượt Qua vào buổi chiều tối hôm đó. Đức Giêsu giống chiên Vượt Qua ở chỗ Ngài không bị đánh dập xương (Ga 19,36).
Nói chung, trong Tân Ước, Đức Giêsu được coi là Con Chiên bị giết, đã đổ máu mình mà cứu chuộc nhân loại khỏi tội.
Gioan nhận ra Đức Giêsu là ai khi ông ban phép rửa trong nước sông Giođan. Đức Giêsu đã đến với ông (Ga 1,29) cùng với đám đông dân chúng. Hai lần ông nhận là mình không biết Ngài (Ga 1,31.33). Nhưng giữa ông và Đấng sai ông là Thiên Chúa (Ga 1,6) có mối tương quan mật thiết. Chính Thiên Chúa cho ông một dấu hiệu để ông nhận ra Đức Giêsu: Ngài là Đấng được Thần Khí ngự xuống và ở lại (Ga 1,33). Gioan đã thấy dấu hiệu này khi ông ban phép rửa cho Đức Giêsu (Ga 1,32), lập tức ông làm chứng về Ngài (Ga 1,34). Ông làm chứng Đức Giêsu là “người đến sau, nhưng lại có trước” (Ga 1,30), là “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33), và là “Con Thiên Chúa” (Ga 1,34).
Trong cả hai tước vị Chiên Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đều là người của Thiên Chúa. Ngài có ảnh hưởng không chỉ trên dân Do-thái, mà trên cả nhân loại. Là Chiên Thiên Chúa, Ngài có khả năng xóa tội cả trần gian, bằng cách hy sinh mạng sống mình (Ga 1,29.36). Là Con Thiên Chúa (Ga 10,36; 1,34.49), Ngài cho thế gian được cứu độ và cho những ai tin vào Ngài có sự sống đời đời (Ga 3,16-17; Ga 20,31). Như thế cả hai tước vị này đều nói lên tương quan giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa, và tương quan giữa Ngài với cả nhân loại.
Đức Giêsu là “Đấng được Thiên Chúa sai đi, nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34). Lúc Gioan ban phép rửa, ông thấy Thần Khí ngự xuống và ở lại trên Đức Giêsu (Ga 1,32.33). Thần khí ấy vẫn luôn ở lại và tác động trong suốt sứ vụ của Ngài nơi trần thế. Tuy nhiên, theo Tin mừng thứ tư, Ngài chỉ ban Thần Khí cho các tín hữu khi Ngài được tôn vinh (x. Ga 7,3; 16,7). Vào ngày Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho các môn đệ, khi Ngài được Cha tôn vinh, Ngài đã ban phép rửa trong Thánh Thần cho họ (x. Ga 1,33). Lúc ấy Ngài đã thổi hơi để ban Thánh Thần và cho các môn đệ quyền tha tội (Ga 20,22-23).
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm B