Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm B
Đức Giêsu chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại.
(Mt 9:18-26; Lc 8:40-56)
Tin mừng: Mc 5, 21-43
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển.
22 Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. 23 Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”.
24 Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
25 Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn.
26 Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”.
27 Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
28 Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó.
29 Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật.
30 Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
31 Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”.
32 Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. 33 Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. 34 Họ liền chế diễu Người.
35 Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm.
36 Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!”
37 Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi.
38 Họ sửng sốt kinh ngạc. 39 Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Học hỏi:
1. Các phép lạ trong bài Tin Mừng này xảy ra ở phía Đông hay phía Tây của Hồ Galilê? Đọc Mc 5, 1.21.
2. Đâu là những điểm chung giữa bà bị băng huyết và cô con gái ông Gia-ia?
3. Đức Giêsu có hay chữa bệnh bằng bàn tay không? Đọc Mc 1, 31.41; 5, 23.41; 6, 5; 7, 32; 8, 23.25.
4. Đọc Mc 5, 27-28. Đâu là niềm tin của bà bị băng huyết? Vào thời Đức Giêsu có ai tin như bà không? Đọc Mc 3, 10; 6, 56; Cv 19, 12.
5. Tại sao Đức Giêsu cảm thấy cái chạm của bà? Tại sao bà sợ phát run lên? Đọc Mc 5, 33.
6. Đọc Mc 5, 29-30. Hãy cho thấy trong hai câu này, Đức Giêsu vừa siêu việt lại vừa rất con người.
7. So sánh cách Đức Giêsu hoàn sinh cô bé con ông Gia-ia (câu 41) với cách của ngôn sứ Êlia và Êlisha ngày xưa. Đọc 1 Vua 17, 19-22; 2 Vua 4, 32-35. Có gì khác nhau?
8. Ta-li-tha koum là câu nói của Đức Giêsu bằng tiếng Aram. Trong Tin Mừng Mác-cô, có những lời nói nào của Đức Giêsu bằng tiếng Aram không? Đọc Mc 5, 41; 7, 11.34; 14, 36; 15, 34. Đọc thêm Mc 3, 17; 10, 46.
9. Tìm những chi tiết trong bài Tin Mừng này cho thấy Ngài là người có lòng thương xót, sự nâng đỡ, sự kín đáo, khiêm tốn và tế nhị.
GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Giêsu trả lại sự sống cho người phụ nữ mắc bệnh kinh niên. Theo bạn, hiện nay đâu là những nỗi khổ các phụ nữ đang phải gánh chịu trên thế giới? Đức Giêsu đã hoàn sinh con gái ông trưởng hội đường. Theo bạn, hiện nay đâu là những nỗi khổ vì con cái của các bậc làm cha mẹ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trong Mc 5, 1 Đức Giêsu và các môn đệ sang bờ bên kia của Biển Hồ Galilê, nghĩa là đi từ phần đất của người Do-thái sang phần đất dân ngoại. Còn trong Mc 5, 21 Đức Giêsu trở lại bờ bên kia, nghĩa là trở lại bờ Tây, phần đất của người Do-thái, nơi có ông trưởng hội đường và là nơi Ngài nói tiếng A-ra-ma-ic (c. 41). Vậy cả hai phép lạ này diễn ra ở bờ Tây của Biển Hồ Galilê.
- Có nhiều điểm chung giữa bà bị bệnh và cô bé bị chết. Cả hai đều là phụ nữ: một bà bị đau từ 12 năm, một cô bé 12 tuổi mới qua đời. Cả hai đều ở trong tình cảnh tuyệt vọng: người phụ nữ không khỏi bệnh dù nhiều năm tốn tiền chạy chữa (c. 26); cô bé hấp hối và cuối cùng đã chết. Cả hai được khỏi nhờ chạm vào Ngài: người phụ nữ được khỏi nhờ dám sờ vào áo choàng của Ngài (c.27), còn cô bé được hoàn sinh nhờ Ngài cầm lấy tay và nói một câu (c.41). Cả hai đều được cứu chữa nhờ lòng tin: người phụ nữ có lòng tin (cc. 28 và 34); người cha của cô bé có lòng tin (cc. 23 và 36).
- Đức Giêsu thường dùng bàn tay để chữa bệnh. Ngài cầm bàn tay (Mc 1, 31; 5, 41; 8, 23); giơ bàn tay ra và đụng vào (1, 41); đặt bàn tay (5, 23; 6, 5; 7, 32; 8, 25).
- Người phụ nữ bị băng huyết tin mình sẽ được khỏi bệnh kinh niên nếu mình chạm vào áo choàng của Đức Giêsu. Nhiều bệnh nhân khác cũng nghĩ như bà này. Họ muốn chạm vào Đức Giêsu (Mc 3, 10) hay ít là chạm đến tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56). Thậm chí sau này có người lấy cả khăn, cả áo đã chạm đến da thịt ông Phaolô mà đặt trên bệnh nhân để chữa lành cho họ (Cv 19, 12). Như thế người ta tin có thể được khỏi bệnh nhờ chạm vào một người của Chúa hay một vật của người ấy.
- Đức Giêsu cảm được cái chạm của bà vì Ngài thấy có năng lực nơi mình phát ra (Mc 5, 30). Đây là cái chạm của lòng tin, nó không giống với những cái chạm khác do chen lấn. Bà sợ run vì bà đã làm điều không được phép làm. Vì mắc bệnh băng huyết, nên bà bị coi là ô uế. Theo đúng luật, bà không được phép chạm vào Đức Giêsu, vì điều đó có thể khiến Ngài bị ô uế.
- Đức Giêsu siêu việt vì Ngài nhận thấy có năng lực phát ra từ chính mình để chữa bệnh, nhưng mặt khác, Ngài cũng rất “người” vì Ngài không biết ai đã chạm vào áo mình (Mc 5, 29-30).
- Cách thức Đức Giêsu hoàn sinh cô bé ở Mc 5, 41 khác với cách hai ngôn sứ Êlia và Êlisa ngày xưa. Ngài chỉ cầm tay và truyền cho cô bé trỗi dậy. Còn ngôn sứ Êlia phải bồng cậu bé lên lầu, đặt nó nằm trên giường, kêu cầu ĐỨC CHÚA, rồi nằm trên nó ba lần (1 Vua 17, 19-22). Ngôn sứ Êlisa cũng hoàn sinh một cậu bé bằng cách vừa cầu nguyện với ĐỨC CHÚA, vừa nằm lên cậu bé, miệng kề miệng, mắt kề mắt, tay kề tay. Ông làm nhiều lần cho đến khi cậu sống lại (2 Vua 4, 32-35). Có hai nét khác biệt lớn, đó là Đức Giêsu không phải cầu xin Thiên Chúa như hai vị ngôn sứ, và Ngài chỉ cần làm những cử chỉ đơn sơ để hoàn sinh người chết.
- Vào thời Đức Giêsu, người Do-thái nói tiếng A-ra-ma-ic như tiếng mẹ đẻ. Đức Giêsu cũng nói thứ tiếng này. Sách Tin Mừng Mác-cô được viết bằng tiếng Hy-lạp, nhưng thánh sử Mác-cô lại đưa vào đó nhiều từ bằng tiếng A-ra-ma-ic. Có nhiều từ được Đức Giêsu sử dụng như: ta-li-tha koum = Này cô bé, chỗi dậy đi! (Mc 5, 41); kor-ban = của lễ cho Thiên Chúa (Mc 7, 11); Ép-pha-tha = Hãy mở ra (Mc 7, 34); Áp-ba = Cha ơi (Mc 14, 36); E-loi, E-loi, lam-ma sa-bach-tha-ni = Lạy Thiên Chúa của tôi ! Lạy Thiên Chúa của tôi! tại sao Ngài bỏ tôi? (Mc 15, 34). Ngoài ra, thánh sử còn dùng hai từ khác: Bô-a-nê-ghê = con của thiên lôi (Mc 3, 17); và Bar-ti-mai-os = con trai của ông Ti-mai-os (Mc 10, 46).
- Đức Giêsu có lòng thương xót đối với người cha và với người phụ nữ (Mc 5, 24.34). Ngài nâng đỡ lòng tin của ông trưởng hội đường (Mc 5, 36), Ngài muốn giữ kín đáo những gì Ngài đã làm, vì sợ người ta hiểu lầm về căn tính của Ngài. Chỉ có ba môn đệ được đi theo Ngài (Mc 5, 37). Ngài biết con bé đã chết nhưng Ngài lại nói nó đang ngủ (Mc 5, 39), có lẽ vì Ngài không muốn cho mọi người biết là Ngài có khả năng hoàn sinh. Ngài làm phép lạ một cách kín đáo, và đòi phải giữ kín (Mc 5, 40.43). Ngài khiêm tốn khi bị chế nhạo (c.40). Ngài tế nhị khi nghĩ đến chuyện cô bé cần ăn (c.43)
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 24 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Chay năm B