Họa sĩ Hồ Thị Kim Quỳ: Vẻ Đẹp của Cuộc Sống

Họa sĩ Hồ Thị Kim Quỳ: Vẻ Đẹp của Cuộc Sống

WGPSG -- Để cảm xúc gắn liền với tác phẩm, tôi thiết nghĩ người nghệ sĩ cần phải sống thật gần với thiên nhiên, với con người và cũng cần có cái tâm thật thanh thản, dành thời gian chiêm nghiệm vẻ đẹp của cuộc sống. Cuộc đời và tác phẩm cũng sẽ thăng hoa từ cuộc sống ấy, cuộc đời ấy … đó là tâm sự của họa sĩ, nhà giáo, Hồ Thị Kim Quỳ.

Họa sĩ Kim Quỳ sinh ngày 30/9/1950 tại Huế, hội viên Hội Mỹ thuật VN, hội viên Hội Mỹ thuật Tp. HCM, hội viên danh dự câu lạc bộ Nữ Họa sĩ Kobalt, Tp. Hamburg CHLB Đức, ủy viên Ban Mỹ Thuật Đa Minh Ba Chuông. Năm 1972 chị tốt nghiệp cử nhân khoa Hội họa, Mỹ thuật Tạo hình hệ chính quy trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, và tham gia triển lãm tranh liên tục cùng với các họa sĩ tại Sài Gòn, ở các trung tâm Hội Việt Mỹ, Phủ Quốc Vụ Khanh Sài Gòn, nhà Mỹ Thuật Sài Gòn, gây được nhiều cảm tình của công chúng thời bấy giờ.

Năm 1976-1978 sau khi thống nhất đất nước, chị vẫn tiếp tục sáng tác, triển lãm tại Hội Mỹ thuật VN và Hội Mỹ thuật Tp. HCM.

Năm 1996 chị được mời tham dự triển lãm “cuộc chiến nhìn từ hai phía” của tổ chức Indochina Art Partnership USA, chị đã thành lập xưởng vẽ và Gallery giới thiệu tranh cá nhân tại Virginia Hoa Kỳ.

Đến năm 1997 chị được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Họa sĩ Tp. HCM nhiệm kỳ 1997-2000, cũng trong thời gian này vào tháng 3/1999 chị được mời tham gia triển lãm và báo cáo khoa học “sơn mài Việt Nam từ cổ truyền đến hiện đại,” tại hội thảo chuyên đề phụ nữ của 4 nước Châu Á tại Manila, Philippines.

Đến tháng 3/2000 chị tham gia triển lãm Nữ Họa sĩ Việt Nam và CHLB Đức tại Hamburg, Đức.

Năm 2000-2005 là thời gian sống và sáng tác ở Virginia Hoa Kỳ. Với bản chất là người con xứ Huế, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, luôn nhớ những kỷ niệm đã qua cộng với hoài niệm của một người con xa xứ, trong chị luôn có cảm giác nhớ mùi hương rơm rạ, mùi cỏ cây đồng nội, mùi lúa non chưa đến ngày gặt ở những cánh đồng xanh ngắt và nhất là nhớ hoa dại mọc ven đường, phảng phất trong gió mùi hương con gái… Thế là chị quyết định trở về nước tham gia giảng dạy tại Đại học Tôn Đức Thắng và Kiến Trúc Tp. HCM

Năm 2006, chị viết báo cáo khoa học “Làm thế nào để nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên ngành mỹ thuật ở các trường đại học,” với ước mơ cung cấp hành trang kiến thức, giúp sinh viên nước nhà thành công trên con đường học vấn. Nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước vì theo số liệu của ngành Giáo dục Tp. thống kê trong 10 năm: 1999-2009, có hơn 278 trường Đại học, Cao đẳng mới thành lập, thời kỳ này Đại học mọc lên như nấm, dồn dập ra đời, nên chưa chuẩn bị được đội ngũ giảng viên chất lượng. Các trường được nâng cấp ồ ạt bất chấp tiêu chuẩn, cơ sở vật chất thiếu tính chuyên nghiệp, mỗi năm đều có số lượng sinh viên ra trường và số lượng sinh viên nhập học. Các trường chỉ chạy theo thành tích và lợi nhuận, nên dẫn đến kết quả là sinh viên sau khi ra trường, con nhà khá giả thì cha mẹ cho tiền học tiếp lên cao học, hoặc về phụ giúp kinh doanh với gia đình, số còn lại đa số là thất nghiệp, hoặc phải làm một nghề tay trái nào đó để đổi lấy miếng cơm, manh áo.

Muốn nâng cao tính chủ động và sáng tạo thì phải có phòng ốc chuyên nghiệp, trưng bày các bài tập của sinh viên và các tác phẩm của các thầy, cô để các em quan sát, so sánh, học hỏi, sáng tạo giữa đời thường, nhưng trường đại học thì lớp còn thiếu, nói chi đến không gian trưng bày tranh tượng. Nhiều ước mơ và nỗi niềm của chị cứ lặng lẽ trải dài theo tháng ngày dần trôi… Thời gian này, nghệ thuật của chị chín mùi ở chiều sâu tâm linh, hướng nỗi niềm của mình về Đấng Tối Cao. Được thể hiện qua các tác phẩm sơn dầu: Niềm tin Thiên Chúa, Hành Hương về Đất Thánh, Lời Nguyện Cầu, Cõi Vĩnh Hằng… Tham gia triển lãm nhiều lần tại giáo xứ Đa Minh Ba Chuông (Mỹ thuật Tôn giáo và Nhân văn 1, 2), tại Trung tâm Văn hóa Công giáo (Dấu ấn Đức tin 1, 2). Hiện nay chị là ủy viên Ban Mỹ thuật Đa Minh Ba Chuông.

Hơn nữa Kim Quỳ còn là tên của một loài hoa Cúc Quỳ ở VN thường nở vào mùa đông, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên, loại cây này có thể coi như loại cây báo hiệu sự chuyển mùa, khi hoa Quỳ nở có nghĩa là mùa xuân đã đến rất gần… thật gần.

Nhân dịp năm Thánh Phaolô (28/6/2006-29/6/2009) tại giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, Họa sĩ Kim Quỳ được sự động viên và khích lệ của cha An Phong Vũ Đức Trung, Giám đốc Trung tâm, chị đã tổ chức triển lãm tranh, chủ đề Thầy và Trò, ngày 14/6/2009, giới thiệu bài tập của 90 sinh viên và tác phẩm của các thầy Trương Văn Ý (nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn), thầy Trần Châu, thầy Nguyễn Đắc, nhằm nhắc lại hoa trái của Thầy Giêsu để lại cho trò Phaolô với niềm tin: Trò là sự tiếp nối của Thầy, đã gây được nhiều tiếng vang lớn. Và nhất là các em sinh viên được dịp chủ động và tha hồ sáng tạo nghệ thuật tình yêu Thiên Chúa trong một gallery ấm cúng, rộng rãi, sang trọng, trí thức, bậc nhất tại Tp. HCM hiện nay.

Qua lời tâm sự của em Minh Hưng, sinh viên tham dự triển lãm tranh Thầy và Trò, “Không có niềm tin vào Thiên Chúa và sự hướng dẫn của thầy cô, thì chúng em không có được sự thành công của triển lãm Thầy và Trò, mà trong đó, người đầu tiên chúng em tri ân là cô Kim Quỳ, người đã đóng góp một công sức lớn trong việc tạo ra một sân chơi mới cho sinh viên cũng như sự thành công của sân chơi đó. Mỗi chúng em đều có trong mình một ngọn lửa yêu nghệ thuật, đam mê nghệ thuật, bởi vì mỗi người chúng em ai cũng thích cái đẹp, nhưng quan trọng là có người thắp lên ngọn lửa đó hay không. Cô là người đã được Chúa Thánh Thần soi sáng, thắp lên ngọn lửa: ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa hy sinh, thắp lên niềm tin cho mỗi chúng ta bước đi trên con đường nghệ thuật… Không phải chờ đến ngày nhà giáo VN 20/11 mới gửi lời tri ân tới cô Kim Quỳ, mà ở trong tâm hồn em, ngày nào cũng nhớ đến người cha, người mẹ thứ hai, đã dạy dỗ chúng em biết quên mình, vì chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top