Hãy để Chúa Giêsu vào vị trí trung tâm trong lựa chọn mục vụ

Hãy để Chúa Giêsu vào vị trí trung tâm trong lựa chọn mục vụ

Bài giảng của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

dịp lễ họp mặt Liên Tu sĩ Roma
ngày 28-6-2009, Chúa nhật 13 Thường niên
(Kn 1, 13-15; 2, 23-24; 2 Co 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43)
 
Trọng kính Đức Hồng y, Đức cha chủ tịch, Quý Đức cha,
quý Đức Ông, quý cha, quí tu sĩ, và quý anh chị em thân mến,
Trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ trong dịp ad limina, xin cho phép con được chia sẻ những điều khám phá được từ cách lý luận của 3 bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. 
Sách Khôn Ngoan nhập đề bằng lời kêu gọi những người lãnh đạo phải biết sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, sống theo đường ngay thẳng, để được sống hạnh phúc: “Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Thiên Chúa và thành tâm tìm kiếm Người”. Để biện minh cho ý tưởng của mình, tác giả trình bày một bên là lối sống của kẻ vô đạo luôn sống ngược lại ý Chúa, tìm cách làm hại người công chính, và bên kia là cuộc sống của người công chính, dẫu cho có gặp bao khốn khó vẫn được Chúa yêu thương. Những người sống gian ác phải nếm mùi sự chết, vì họ thuộc về quỷ dữ, kết cục của cuộc đời họ thật là thê thảm.
Trong đoạn sách Khôn Ngoan vừa nghe, tác giả suy tư về nguồn gốc của cái chết: nó từ đâu đến? Nguyên nhân của sự chết là gì? Và rồi tác giả tìm ra câu trả lời: bởi vì Thiên Chúa tạo nên những điều tốt lành, nên sự chết không thể đến từ Thiên Chúa. Ma quỷ chính là nguyên nhân đưa tới sự chết. Đây là cách suy nghĩ của người được coi là khôn ngoan, biết quan sát sự kiện, đặt vấn đề, tìm nguyên nhân và rồi cố gắng đưa ra câu trả lời hợp với niềm tin. Thế nhưng, dẫu cho có vẻ hợp lý, cách trả lời này cũng mang tính cách chủ quan và phiến diện.
Trong bài đọc 2, để kêu gọi anh chị em trong cộng đoàn Côrintô rộng rãi đóng góp giúp đỡ tài chánh cho cộng đoàn ở Giêrusalem, thánh Phaolô đưa ra mẫu gương về lòng quảng đại của Chúa Giêsu và dựa trên nguyên tắc của sự chia sẻ đồng đều. Chúa Giêsu đã làm gương về sự chia sẻ: “Anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (8,9). Nền tảng của sự chia sẻ đồng đều theo tinh thần Kitô giáo: mỗi người đều được quyền hưởng đồng đều về điều kiện sống. Nếu Chúa cho bạn dư giả là để bạn có dịp chia sẻ cho người khác, chứ không phải để giữ lại cho riêng mình. Phải biết chia sẻ với người khác, bởi vì sẽ có lúc bạn phải lâm vào cảnh túng thiếu.
Vấn đề chúng ta đặt ra ở đây là tại sao để kêu goi sự quyên góp quảng đại của cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô lại nại đến sự quảng đại của Chúa Giêsu như là mẫu gương tuyệt vời về sự chia sẻ này? Bởi vì ngài là một nhà thần học! Đương nhiên rồi. Nhưng tại sao phải dựa vào nền tảng thần học để kêu gọi sự chia sẻ? Nếu chúng ta đã từng đọc lá thư mục vụ của HĐGMVN chuẩn bị cho chương trình mừng Năm Thánh 2010, chúng ta thấy có đề cập đến việc quyên góp trong toàn Giáo Hội Việt Nam cho việc tổ chức Năm Thánh; nhưng đó chỉ là một lời kêu gọi đúng nghĩa, không cần có những giải thích thần học đi kèm theo, và chúng ta tin chắc là lời kêu gọi này có kết quả.
Cách lý luận của thánh Phaolô trong 2 Cr 8,9, và nội dung của 2 lá thư gởi Côrintô có thể cho chúng ta biết điều này.
Mở đầu chương 8, thánh Phaolô đề cập đến sự đóng góp quảng đại của cộng đoàn Philipphê, dẫu cho họ đang gặp nhiều khó khăn (c.1-6). Rồi ngài khích lệ những người Côrintô rằng họ đã nổi tiếng về nhiều lãnh vực, nên trong việc quyên góp này, họ cũng đừng làm mất danh tiếng của mình (c.7-8). Và để đẩy lập luận của mình có tính thuyết phục hơn nữa, Chúa Giêsu, Đấng vốn là giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (c. 9) được dùng như một mẫu gương có tính thuyết phục tuyệt vời.
Tại sao thánh Phaolô là người sáng lập cộng đoàn, được coi như là người cha của cộng đoàn trong đức tin, phải vận dụng mọi sự khéo léo của khoa hùng biện và nền tảng thần học để kêu gọi sự giúp đỡ quảng đại của cộng đoàn Côrintô? Bởi vì việc quyên góp cho cộng đoàn Giêrusalem là thực sự cần thiết, và có lẽ chỉ riêng uy tín cá nhân của ngài không đủ thuyết phục.
Trong 1 Cr 1,10-13 cho thấy có sự chia rẽ trong cộng đoàn. Nhóm tự cho là thuộc về Phaolô, nhóm tự nhận là thuộc về các nhóm khác. Trong 2 Cr, từ chương 3 đến đầu chương 7, việc Phaolô nhắc đi nhắc lại về chứng thư tông đồ của mình, cho thấy uy tín tông đồ của ngài đang bị đặt lại trong nhiều nhóm của cộng đoàn này. Trong chương 2 và các chương 10-13, ngài đề cập đến những kẻ gây ưu phiền cho mình và lá thư “trong nước mắt”, cho thấy ngài không thành công lắm trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra bên trong cộng đoàn. Và khi biết dựa vào mẫu gương của Chúa hơn là uy tín cá nhân của mình, thánh Phaolô đã có một lựa chọn rất khôn ngoan. Chúa Giêsu được coi như nền tảng của đời sống Kitô hữu, nhưng mẫu gương nền tảng này có thể được sử dụng theo 2 cách: đó là để giúp cho người Kitô hữu trở nên giống Chúa Giêsu hơn,nhưng đồng thời Chúa Giêsu cũng có thể bị lợi dụng như là phương tiện bào chữa để bảo vệ cho cách suy nghĩ của riêng mình.
Các nhân vật trong bài Tin Mừng đi ra ngoài lôgic của sự lý luận “tại sao và làm thế nào”, vì cả hai nhân vật đều rơi vào hoàn cảnh không thể lý luận được nữa. Chỉ có niềm tin vào Chúa Giêsu mới giúp họ vượt qua được những khó khăn trong hiện tại. Đây không phải là thái độ duy tín, hay lười suy nghĩ, nhưng theo kinh nghiệm của dân Do thái họ thấy rằng Thiên Chúa có những lý lẽ vượt quá suy nghĩ của con người. Hãy để cho niềm tin hướng dẫn mình bước đi.
Trong bài Tin Mừng, cả ông trưởng hội đường lẫn người đàn bà loạn huyết đều coi Chúa Giêsu như là cứu cánh, nhưng đồng thời cũng là phương tiện. Cứu cánh, bởi vì Ngài là người cuối cùng có thể đem lại cho họ niềm hy vọng; nhưng đồng thời, xét theo một cách nào đó, Ngài cũng chỉ được coi như là một phương tiện, vì Ngài là người giúp họ đạt được niềm hy vọng. Việc xem Chúa Giêsu như là phương tiện hay cùng đích được biểu lộ trong cách sống của chính con người.
Như là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội Việt Nam, trong hiện tại cũng như trong tương lai, mỗi lựa chọn, mỗi quyết định của chúng ta không chỉ là một lựa chọn có tính cách cá nhân, nhưng còn có liên quan đến cộng đoàn tín hữu được trao phó, đến dân tộc Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ. Hãy để Chúa Giêsu vào vị trí trung tâm trong lựa chọn mục vụ của chúng ta. Bước theo Chúa Giêsu, có nghĩa là bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt lịch sử. Chính trong tinh thần hiệp thông với với Đấng Kế vị thánh Phêrô, với các giám mục, mà chúng ta có thể khám phá ra sự hướng dẫn kỳ diệu của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể theo sát bước chân của Thầy Chí Thánh.
 
Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top