Hạt giống Tin Mừng: Gặp gỡ và tặng sách Giáo lý

Hạt giống Tin Mừng: Gặp gỡ và tặng sách Giáo lý

Hạt giống Tin Mừng: Gặp gỡ và tặng sách Giáo lý

TGPSG -- "Gặp gỡ, lắng nghe và phân định" là điều mà Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp Hành đang mời gọi chúng ta thực hiện để có thể "hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ" cách hữu hiệu. 'Kỷ niệm gặp gỡ và tặng sách Giáo lý' dưới đây của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu là một trải nghiệm đáng nhớ về "gặp gỡ, lắng nghe và phân định"...

Những kỷ niệm trên đường truyền giáo
Hạt giống 3 : Tặng sách Giáo lý

Mình tản bộ nhiều lần trên đường Trưng Vương. Một hình ảnh đã khắc sâu vào tâm não của mình là một cụ già làm nghề hớt tóc. Thấy cụ hớt tóc thì ít mà cụ đọc sách báo thì nhiều. Lúc nào cũng có một xấp báo dày cộm để ở trên bàn hớt tóc.

Hôm ấy mình thấy ông cụ đang ngồi thảnh thơi đọc báo bên ấm trà. Rờ đầu thấy tóc còn ngắn, nhưng mình vẫn kiếm cớ để tiếp cận.

- Bác ơi, bác hớt tóc hộ tôi với.

- Mời ông. Ông là người miền Nam mới ra hả?

- Tại sao bác biết tôi là người miền Nam?

- Ở ngoài này nói là cắt tóc chứ không nói là hớt.

- Bác đoán giỏi quá... Bác hớt thật cao cho tôi nhá, tôi ghét gương lược lắm. Từ bây giờ tôi phải thôi nói chuyện rồi vì tôi phải gỡ bỏ máy trợ thính, bác ạ.

Hớt tóc xong, thấy vắng khách, mình xun xoe làm quen.

- Bác cho tôi tâm sự với bác một vài phút được không?

- Xin mời.

- Tôi đi qua đây nhiều lần rồi. Lần nào cũng thấy bác say mê đọc báo. Tôi nghĩ bác là dân trí thức gồ ghề của Thị xã Sơn Tây này.

- Trí thức gì đâu. Ngày xưa hết ê-lê-măng-te (hết lớp ba) là nghỉ học rồi. Nhưng mà tôi có cái duyên với sách báo, không đọc sách là chịu không được.

- Thế bác đã đọc cuốn “Viết cho em” chưa?

- Tôi chưa nghe nói đến cuốn sách này.

- Vậy thì ngay sáng mai tôi sẽ tặng bác ba cuốn: “Nhật ký truyền giáo”, “Viết cho em” và “Giáo lý Dự tòng”...

Mấy tháng sau, mình vừa đi tới đầu đường Trưng Vương, thì nghe tiếng gọi thật to:

-  Ông Hậu ơi, mời ông ngồi uống nước chè. Hai mươi phút nữa sẽ có khách đến gặp ông.

- Vậy thì tôi đi một vòng xung quanh thành cổ đã. Đúng hai mươi phút nữa tôi sẽ có mặt.

Mình chậm rãi thả bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây. Vừa đi vừa đoán mò về người khách muốn gặp.

Trước đây, Thành cổ Sơn Tây đẹp tuyệt vời. Nó được xây dựng vào năm 1822, năm thứ ba của triều đại Minh Mạng. Chu vi của thành là 1.306,8m và cao 4m. Một di tích lịch sử cao quý như thế mà nay chỉ còn lại những mảng tường vừa lởm chởm vừa thấp tè tè. Tiếc quá!

Đi hết chu vi thành cổ, mình trở lại đầu đường Trưng Vương, thì ông khách lạ mặt đã tới. Ông khoe với mình là đã được ông hớt tóc cho mượn cuốn “Giáo lý Dự tòng”. Mình đắc chí, tủm tỉm cười và tấn công một cách thân thương.

-  Bác đọc hết cuốn sách ấy chưa?

- Đọc hết rồi. Hôm nay gặp ông để thắc mắc một điều mà tôi cho là không hữu lý.

- Cái không hữu lý đó là gì vậy?

- Là điều này: Ông Giêsu là Ông Trời đầu thai làm người. Đã là Ông Trời tức là Thượng Đế, là cao nhất rồi, thế mà tại sao Ông Trời Giêsu lại có một người mà ông ấy gọi là Cha? Vậy là có hai Ông Trời rồi. Mâu thuẫn quá!

Buổi gặp gỡ đầu tiên bỗng dưng trở thành cuộc tranh luận sôi nổi về Giáo lý. Hai đấu thủ đem hết kiến thức Đông Tây kim cổ của mình ra để tranh luận với nhau. Trận đấu này chưa phân thắng bại, nhưng tình nghĩa thì chan hòa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã mừng quá rồi, mình liên tưởng đến cuộc tranh luận của Thánh Phaolô trên đồi Arêôpagô. Ở đấy cuộc tranh luận kết thúc một cách buồn thảm. Công Vụ Tông Đồ kể lại rằng: “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói ‘vấn đề ấy để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông’. Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi”.

Mình gặp may mắn hơn Thánh Phaolô, vì hai đối thủ chúng mình niềm nở bắt tay giã từ nhau và hẹn còn gặp nhau nhiều lần nữa... Cảm ơn Chúa vô vàn.

Lm Piô Ngô Phúc Hậu 
NSTM 2.2017 (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top