Gp. Bà Rịa: Cung hiến Thánh đường giáo xứ Hải Đăng
Để có niềm vui tạ ơn hôm nay, giáo xứ Hải Đăng đã trải qua bao biến cố thăng trầm để từng trang sử của giáo xứ in đậm dấu ấn tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và Mẹ Maria.
Sáng ngày 17.3.2012, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Gp. Bà Rịa đã long trọng cử hành Thánh lễ Cung hiến Thánh đường Hải Đăng với sự hiện diện của 70 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ, hàng ngàn quan khách, ân nhân, thân nhân xa gần và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ.
Chuẩn bị cho ngày Lễ Tạ ơn, Cha Quản xứ Phêrô Trần Thanh đã mời tôi đến giúp tĩnh tâm 3 ngày cho bà con giáo dân. Anh em cùng lớp, khóa III ĐCV Sài gòn đến chúc mừng và chia vui. Một người anh em xây dựng được một ngôi Nhà thờ mới, anh em cả lớp hân hoan hòa chung niềm vui tạ ơn. Những ngày sống tại Hải Đăng, tôi cảm nhận sức sống thiêng liêng của cộng đoàn nhờ mọi người hiệp nhất yêu thương cùng nhau xây dựng giáo xứ.
Từ Long Hải qua hướng cầu Phước Tỉnh bắc ngang sông Cửa Lấp, Nhà thờ Hải Đăng bề thế trên một ngọn đồi, tháp chuông cao vút vươn lên giữa bình nguyên rộng lớn.
Cách đây hơn 40 năm, nơi đây là miền đất hoang vu ít dấu chân người. Miền đất hoang sơ còn nhiều quyến rũ của thiên nhiên. Kể từ khi Cha Giacôbê Trần Mạnh Thắng đưa 100 giáo dân từ La Ngà đến lập nghiệp khai phá miền đất mới lập nên giáo xứ Hải Đăng, Nhà thờ như ngọn hải đăng tỏa ánh sáng đức tin mời gọi dân chúng khắp nơi tụ về miền “đất lành chim đậu”. Dân chúng sống bằng nghề đánh cá ven sông và cửa biển, họ còn làm rẫy, làm rừng. Đường đi khó khăn hiểm trở. Chưa có đường giao thông và cũng chưa có điện, chẳng có điện thoại. Nhà thờ cũng chỉ là mái tranh vách lá. Nhà thờ nghèo giữa cộng đoàn nghèo. Hiện diện, đồng hành, chia sẻ Tin Mừng Chúa Giêsu với người nghèo để giúp họ thăng tiến là lý tưởng sống của linh mục mở đường nơi miền đất “khỉ ho cò gáy” này. Qua những thăng trầm lịch sử, nay giáo xứ đã lớn mạnh và là nơi quy tụ nhiều đồng bào di dân đến định cư.
1. Hơn 40 năm hình thành và phát triển
Ngày 10/4/1970, Cha Giacôbê Trần Mạnh Thắng (1921 – 1985) từ Phước Tỉnh đem theo khoảng 100 giáo dân, mà nòng cốt là số gia đình đã theo cha Giacôbê từ La Ngà (Định Quán) về Tam Hiệp (Biên Hòa), sang bến đò sông Cửa Lấp, đối diện với xã Phước Tỉnh để lập nghiệp. Miền đất này, sau đó đã được Cha Giacôbê đặt tên là Hải Đăng. Lúc đó, Hải Đăng là một vùng đất hoang sơ, dân chúng đi chài đánh cá ven sông Cửa Lấp và trồng lúa để sinh sống.
Một thời gian sau, Hải Đăng đã được Đức Giám mục Giuse Lê Văn Ấn ký sắc lệnh thành lập giáo xứ vào ngày 09 – 03 – 1970 (theo Kỷ yếu Giáo phận Xuân Lộc 1974, trang 292).
Trong thời gian mới thành lập, Cha Giacôbê và cộng đoàn đã làm một Nhà thờ bằng cây, mái lợp tôn để cử hành Thánh lễ. Đến năm 1974, gồm có 214 hộ gia đình, với 1.765 giáo dân (theo Kỷ yếu Giáo phận Xuân Lộc 1974, trang 292).
Sau biến cố 30/4/1975, Cha Giacôbê và một số giáo dân phân tán đi nước ngoài và các nơi khác. Lúc đó, có cha Matthêu Trần Trinh Khiết đến và ở lại chăm sóc cộng đoàn, thì số giáo dân chỉ còn khoảng 600 người. Đến năm 1978, Cha Matthêu về Thủ Đức.
Từ 1978 – 1992 là giai đoạn giáo xứ Hải Đăng không còn linh mục trực tiếp cư ngụ tại giáo xứ. Mọi công việc về mặt tôn giáo do Cha Phaolô Vũ Minh Trí, chánh xứ Nam Bình, hướng dẫn. Hằng tuần, Cha Phaolô vào dâng lễ cho cộng đoàn vào Chúa nhật.
Trong thời gian này, Cha Phaolô đã cùng với cộng đoàn xin được phép để xây dựng một ngôi Nhà thờ tường gạch, mái lợp tôn ximăng. Ngôi nhà thờ này được sử dụng từ năm 1985 cho đến khi bị cơn bão Durian (5/12/2006) tàn phá.
Từ năm 1989 – 1992, giáo xứ có thầy GB Nguyễn Văn Bộ đến giúp xứ. Sau khi lãnh tác vụ linh mục, Cha GB Nguyễn Văn Bộ được cử làm Chánh xứ Hải Đăng từ 1993 – 1994. Trong suốt thời gian giúp xứ với tư cách là thầy xứ và nhất là từ khi làm cha xứ, Cha Gioan đã làm các chòi lá, để có nơi cho các em học giáo lý, xây dựng lại các cơ cấu của giáo xứ: Giáo lý viên, Gia trưởng, Hiền mẫu, Giới trẻ…
Từ năm 1994 – 2002, giáo xứ được điều hành bởi Cha PX Nguyễn Văn Đạo. Trong thời gian này, Cha Phanxicô đã dần đưa mọi sinh hoạt của giáo xứ vào nề nếp. Về mặt cơ sở vật chất, Cha Phanxicô đã cho lát đá chẻ, mở rộng lối đi xung quanh Nhà thờ, làm lại các chòi cho các em học giáo lý, xây dựng mới Nhà hội và Nhà xứ, trang bị lại hệ thống âm thanh của Nhà thờ. Bộ mặt của giáo xứ đã khang trang hơn.
Từ năm 2002 – 2004, Cha Phanxicô được Đức Giám mục cử làm chánh xứ Nam Bình, nhưng vẫn tiếp tục quản nhiệm giáo xứ Hải Đăng.
Từ ngày 5/2/2004, Cha Phêrô Trần Thanh Sơn được Đức Giám mục Xuân Lộc bổ nhiệm làm chánh xứ Hải Đăng. Tiếp tục công việc của các cha tiền nhiệm, cha Phêrô đã củng cố và phát triển các đoàn thể trong giáo xứ.
Sau cơn bão Durian (5/12/2006), nhà thờ bị hư hại nặng, không thể sửa chữa. Do đó, khi được sự đồng ý của Đức Giám mục Giáo phận Bà Rịa, Cha Phêrô đã cùng với cộng đoàn quyết tâm xây dựng lại một ngôi Nhà thờ mới. Để thực hiện được ước mơ này, toàn giáo xứ đã nỗ lực cầu nguyện và đóng góp với tất cả khả năng của mình. Đồng thời, giáo xứ cũng kêu gọi và đã nhận được rất nhiều lời cầu nguyện và sự giúp đỡ rất tận tình của quý ân nhân xa gần, trong và ngoài nước.
Trong tiến trình xây dựng ngôi nhà thờ mới, giáo xứ đã xây dựng một dãy nhà dài 65m, rộng 14m, hành lang mỗi bên 2m. Trong đó, 40m được được sử làm Nhà thờ tạm, phần còn lại được sử dụng làm phòng hội, phòng ở cho khách, phòng giúp lễ, nhà máy lọc nước và nhà vệ sinh chung.
2. Quá trình xây dựng Nhà thờ và Nhà xứ mới
Vào ngày 07/10/2008, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Giáo phận Bà Rịa đã về chủ sự Thánh lễ Làm Phép Viên Đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Hải Đăng.
Sau đó, trong những ngày đầu năm 2009 (02/02/2009), cộng đoàn giáo xứ bắt đầu công việc dọn mặt bằng, cột sắt, và đúc các cọc bêtông để ép xuống các chân móng Nhà thờ mới.
Ngày 20/3/2009 ép các cọc đầu tiên xuống chân móng Nhà thờ mới
Ngày 14/11/2009 bắt đầu phá các đầu cọc cừ, để làm chân móng các cột đầu tiên
Ngày 12/01/2010 đổ tấm sàn Cung thánh
Ngày 01/02/2010 đổ tấm sàn Nhà thờ
Ngày 26/5/2010 đổ kèo Nhà thờ
Ngày 07/07/2010 đổ kèo Cung thánh
Ngày 22/7/2010 đổ mái Nhà thờ
Ngày 24/8/2010 đổ mái Cung thánh
Sau đó, song song với công việc hoàn thiện Nhà thờ, giáo xứ tiến hành thi công ngôi nhà xứ mới.
Ngày 08/3/2011 bắt đầu ép cọc cừ cho móng nhà xứ.
Ngày 29/3/2011 bắt đầu khai móng Nhà xứ
Ngày 28/4/2011 đổ sàn Nhà xứ
Ngày 02/6/2011 đổ mái và hành lang Nhà xứ
Ngày 22/10/2011 hoàn thành công trình Nhà xứ. Từ đây, Cha xứ bắt đầu sinh hoạt ở Nhà xứ mới
Qua hơn 3 năm xây dựng, cộng đoàn giáo xứ Hải Đăng đã được rất nhiều người từ muôn phương yêu thương giúp đỡ bằng nhiều cách, nên nay đã có ngôi Nhà thờ mới, Nhà xứ mới khang trang bề thế. Đó là một món quà do tình thương Thiên Chúa ban tặng qua sự rộng lượng giúp đỡ của quý ân nhân xa gần.
Được thành lập từ năm 1970 cho đến nay, giáo xứ Hải Đăng đã trải qua 42 năm với biết bao thăng trầm. Một khoảng thời gian không quá gần cũng không quá xa, nhưng đủ để nhìn rõ trọn vẹn từng biến cố đã xảy ra cho cộng đoàn. Hôm nay đây, đọc lại từng biến cố lịch sử ấy, để mọi thành viên nhận ra bàn tay yêu thương và quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn thực hiện cho cộng đoàn giáo xứ Hải Đăng. Cứ từng bước, từng bước một, Thiên Chúa đã thực hiện cho giáo xứ điều mà Ngài đã từng hứa với thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9a). Và quả thật, nhìn lại những ngày đã qua, và những điều ở trước mắt nơi đây, ai cũng nhận ra ơn Chúa không chỉ là Đủ mà còn Dư Đầy vượt quá những gì mà con người có thể ước mơ hay nghĩ tới.
Ngày lễ khánh thành và cung hiền Nhà thờ mới là ngày trọng đại nhất và đáng ghi nhớ đối với giáo xứ Hải Đăng. Sau bao ngày tháng miệt mài, lo toan, hôm nay ngôi Nhà thờ đã được hoàn thành.
Nhà thờ là nơi mà mỗi ngày mọi thành phần dân Chúa được tập họp đến để dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, và phó thác cho Ngài những trăn trở của cuộc sống.
Bàn thờ là nơi hiện tại hoá Hy Tế Thánh Giá dưới các dấu chỉ bí tích. Đồng thời, cũng là nơi dân Chúa được mời gọi đến tham dự bàn tiệc của Chúa. Mặt khác, bàn thờ còn tượng trưng cho chính Chúa Kitô. Vì thế, theo truyền thống từ lâu đời trong Giáo Hội, bàn thờ được làm cố định bằng một tấm đá tự nhiên duy nhất, hay ít nữa, là bằng những vật liệu xứng hợp.
Cũng theo truyền thống từ lâu đời trong Giáo Hội, bàn thờ thường được dựng trên phần mộ các Thánh Tử Đạo, hay ít là có đặt hài cốt của các ngài. Theo đó, bàn thờ mới được đặt hài cốt các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Đức Cha Tôma đã đặt hài cốt 3 thánh Tử Đạo Việt Nam trong nghi thức Thánh Hiến bàn thờ.
a. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh - Linh mục
Ngài sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, là con thứ ba trong một gia đình Công giáo. Năm 12 tuổi, cầu vào ở với cha Duệ xứ Bạch Bát. Sau ba năm, cậu được cha gởi đi học tại Chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định).
Cuối năm 1841, thầy Tịnh bị bắt lần thứ nhất và bị án lưu đày chung thân ở Phú Yên (Bình Định). Sau khi vua Thiệu Trị mất (04.11.1847), vua Tự Đức lên ngôi, thầy Tịnh đươc ân xá trở về. Sau đó, vâng lời Đức cha, thầy Tịnh lãnh chức Linh mục khi đã 56 tuổi. Khoảng một năm sau, Cha Tịnh được giữ chức Giám đốc, kiêm Giáo sư Chủng viện Vĩnh Trị.
Năm 1857, Cha Tịnh bị bắt lần thứ hai
Ngày 06.4.1857, Cha Lê Bảo Tịnh chịu trảm quyết tại pháp trường Bảy Mẫu (Nam Định).
Đức Giáo hoàng Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02.5.1909.
b. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm – Giáo dân
Ngài sinh năm 1813 tại họ Tắt, thuộc làng Long Đại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc huyện Thủ Đức), là con trai trưởng trong một gia đình có năm anh em trai và một em gái út.
Năm 15 tuổi, cậu Gẫm xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện Lái Thiêu, nhưng chỉ một tháng sau, gia đình đã đến xin cậu về giúp cha mẹ, vì cậu còn một đàn em nhỏ dại.
Ngày 08.6.1846, ông Matthêu Gẫm bị bắt khi trên đường đón Đức Cha Đaminh Lefèbvre Nghĩa, cha Duclos Lộ và ba chủng sinh từ Singapore về Sàigòn.
Ngày 11.5.1847, ông Lê Văn Gẫm bị xử trảm tại pháp trường “Da Còm”, nay là xứ Chợ Đũi – Sàigòn.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước 27/5/1900.
c. Thánh Anê Lê Thị Thành – Giáo dân
Ngài sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, nay thuộc Giáo phận Phát Diệm. Năm 17 tuổi, cô Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất người cùng xã. Hai ông bà sinh được hai người con trai và bốn người con gái.
Ngày 14.4.1841 bà Thành bị bắt đang khi bà che dấu cho các Linh mục sau lễ Phục sinh.
Bà bị chết rũ tù và ngày 12.7.1841, sau ba tháng bị giam cầm.
Đức Giáo hoàng Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02.5.1909.
Cả ba vị đều đã được Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II tuyên phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19/6/1988 cùng với 114 vị Thánh Tử đạo khác tại Việt Nam.
3. Hướng về tương lai
Cha Sơn cho tôi biết, tổng diện tích giáo xứ đang sở hữu là 53.000m2. Tọa lạc tại phường 12 Thành phố Vũng Tàu nên giáo xứ là nơi thật lý tưởng cho những sinh hoạt hội đoàn giữa những vườn cây xanh ngát tỏa bóng mát.
Nổi bật giữa khuôn viên rộng rãi là ngôi Nhà thờ mới thật nguy nga. Hai tầng với tổng diện tích xây dựng đến 3.500m2. Tầng trệt có nhà nguyện Chầu Thánh Thể, 11 phòng giáo lý, phòng truyền thống, phòng hài cốt, văn phòng giáo xứ. Tầng lầu là Nhà thờ, mái đúc bêtông, có sức chứa cả ngàn người, cung thánh rộng thoáng. Tháp chuông cao 40m với 3 quả chuông hòa âm Sol, Si, Re ngân vang khắp bình nguyên rộng lớn. Nhà xứ mới cũng thật đẹp và nhiều phòng.
Bệnh viện đa khoa, trường đại học, trung học và nhiều công trình khác đang được xây dựng trong địa bàn giáo xứ Hải Đăng. Nhiều di dân từ Phước Tỉnh, Vũng Tàu sẽ đến lập nghiệp nơi đây. Nhìn xa trông rộng, Cha Sơn ưu tư cho những đường hướng mục vụ trong tương lai.
Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, cha xứ đã nâng cao đời sống tinh thần, củng cố các hội đoàn: Gia trưởng, các Bà mẹ Công giáo, Lêgiô, huynh đoàn Đaminh, Phan Sinh tại thế và quan tâm nhiều đến giới trẻ và các em thiếu nhi. Sau 8 năm nhận xứ, ngài đã làm thay đổi bộ mặt giáo xứ. Nay Hải Đăng như ngọn đèn tin yêu tỏa sáng.
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhà thờ luôn là biểu trưng của cuộc sống. Nhà thờ là nhà của con người, chính nơi đây con người nhận lấy sự sống mới và cũng chính nơi đây, con người được yên nghỉ sau cuộc sống tạm bợ nơi trần gian. Nhà thờ còn là nơi chứng kiến biết bao buồn vui của kiếp người. Nhà thờ là nơi gặp gỡ giữa trời cao đất thấp là nơi gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, nhà thờ là nơi gặp gỡ giữa người với người. Gặp gỡ trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải. Gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để cùng trở lại cuộc sống với lòng hăng say và nhiệt thành hơn.
Hiệp ý tạ ơn với cộng đoàn giáo xứ Hải Đăng và nguyện xin Thiên Chúa giàu tình thương ban phúc lành cho mọi người gần xa đã góp công góp của, góp cảm tình và mọi thứ giúp đỡ khác vào việc xây dựng những công trình phục vụ lợi ích chung, nhất là những công trình nhằm phát triển chiều kích thiêng liêng.
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô