Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: Đề tài 1
Đề tài 1. “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”
“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36)
Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công đồng để xác định hướng đi của Công đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1]. Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.
1. Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót
“Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136)
Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”[2]. Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa. “Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa Thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel”, vào những ngày lễ quan trọng nhất. Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này.[3]
2. Dung mạo hữu hình của Lòng Thương Xót
“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9)
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập giá.[4] “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa”[5]. Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cách vô điều kiện. “Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.”[6]
Chúa chạnh lòng thương (x. Mt 9,36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Giakêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỷ ám…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ.
3. Lòng thương xót là tiêu chuẩn nhận biết con cái thật của Thiên Chúa
“Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18,33)
“Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: “Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua”.[7]
Để có thể sống, tuyên xưng lòng thương xót đó, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý chúng ta “liên tục suy niệm Lời Chúa, nhất là tham dự cách ý thức và có suy nghĩ bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, mang một ý nghĩa rất lớn. Thánh Thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này”[8].
Trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội này, các giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”[9].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Cá nhân, gia đình của anh chị có một quyết tâm cụ thể đổi mới gì trong cuộc sống để chiêm ngắm, sống, chia sẻ lòng thương xót của Chúa?
2. Phúc-âm-hóa xã hội trong Năm Lòng Thương xót này có thể được thể hiện ở lãnh vực, hay đối tượng nào cấp thiết nhất ở địa phương của anh chị? Trong vùng, đất nước của anh chị? Và trên thế giới?
––––––––––––––––––––––––––––
[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q.30, a.4.
[3] ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.
[4] Ibid.
[5] Ibid. 8.
[6[ Ibid.
[7] Ibid. 9.
[8] Dives in Misericordia, 13.
[9] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.
Văn phòng HĐGMVN
bài liên quan mới nhất
- Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ
-
Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia sinh hoạt của Hội thánh -
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô