Giúp con ‘xử lý’ ảnh hưởng của Truyền thông
WGPSG/NSTM -- Chuyện trò với các bậc phụ huynh về ảnh hưởng của truyền thông trên con cái
Phương tiện truyền thông có vai trò lớn trong việc hình thành cách ứng xử của thiếu niên. Ví dụ, khi con gái của bạn nhận thức được ảnh hưởng mãnh liệt của truyền thông, cô bé sẽ có thể xử lý các áp lực truyền thông cách tốt đẹp hơn.
1. Những mối lo ngại về ảnh hưởng của phương tiện truyền thông trên thiếu niên
Là các bậc làm cha mẹ, bạn luôn cần quan tâm đến ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trên con cái của mình.
Có những dạng truyền thông luôn cố ý tạo ảnh hưởng trực tiếp trên thiếu niên khiến các em chạy theo các thương hiệu và những hình ảnh thời thượng. Vì thế các bậc phụ huynh đừng ngạc nhiên khi bị con gái bạn quấy rầy, đòi phải mua cho cô bé những món hàng thời trang xem ra thật… kỳ dị!
Ảnh hưởng của truyền thông cũng có thể là gián tiếp hơn. Điển hình là, xu hướng tình dục ngày càng tăng trong các nội dung quảng cáo, tạp chí, chương trình truyền hình và video ca nhạc. Những sản phẩm truyền thông này thường cho thấy phụ nữ có cơ thể gợi cảm một cách ‘phi thực tế’. Có nhiều loại truyền thông khác - ví dụ các video trò chơi và những bài hát - làm nổi bật lên những hình ảnh bạo lực và ngôn ngữ thô tục.
Những ảnh hưởng gián tiếp này của truyền thông khiến thiếu niên dần dần cảm thấy rằng việc nhìn xem và hành xử như những gì các em thấy trên truyền thông là chuyện bình thường, không có gì là sai trái!
Tuy nhiên, khi sử dụng truyền thông, hình ảnh và các sứ điệp ở trên đó không đương nhiên trở thành nguy cơ cho con của bạn. Thiếu niên không đương nhiên vướng phải những điều xấu bày ra cho chúng trên truyền thông khi các em biết sử dụng chúng cách khôn ngoan và trưởng thành, có ý thức và hiểu biết sâu sắc về hai mặt sáng và tối của truyền thông.
Các phương tiện truyền thông không phải là nguồn thông tin duy nhất cho thiếu niên, cũng không phải là cách duy nhất để có được những thông điệp và hình ảnh. Thiếu niên còn tiếp nhận được những ảnh hưởng đến từ gia đình, đồng nghiệp, từ các ‘cố vấn’ và các mẫu gương khác của chúng. Là phụ huynh, bạn có vai trò lớn trong việc giúp trẻ phát triển sự hiểu biết về truyền thông.
2. Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và cách ứng xử đầy rủi ro của thiếu niên
Trước tiên, hãy kéo những thông tin xấu ra khỏi ‘đường đi’ của con bạn, vì có một mối liên hệ rất lớn giữa nội dung truyền thông và các hành vi tiêu cực của thiếu niên.
a. Truyền thông ảnh hưởng trên hình ảnh về cơ thể
Hình ảnh về cơ thể của con gái bạn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm môi trường gia đình, lành mạnh hoặc khuyết tật, thái độ của bạn bè, các ngành công nghiệp thời trang, bối cảnh văn hóa, đặc biệt là các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và quảng cáo.
Nếu thiếu niên thường xuyên nhìn xem các loại cơ thể 'thon mỏng' hoặc 'vạm vỡ' cách phi thực tế, điều này sẽ có ảnh hưởng trên hình ảnh về cơ thể và thái độ ăn kiêng của các em. Đặc biệt là khi không có ai phản đối thông điệp: 'Thon mỏng đương nhiên là đẹp’!
Hình ảnh cơ thể lý tưởng trong các phương tiện truyền thông sẽ gia tăng tăng ham muốn làm 'phẫu thuật thẩm mỹ’ nơi thiếu niên. Ví dụ, một số cô bé tuổi teen bây giờ muốn nâng ngực và tẩy lông bằng laser, và một số chàng trai muốn độn mô mềm (chất tăng cường cơ bắp)!
b. Bạo lực trên Truyền thông
Việc thường xuyên xem nội dung bạo lực trên truyền thông sẽ làm cho thiếu niên hành xử cách hung hăng đầy bạo lực, không cần quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của người khác, nhưng đồng thời cũng lại làm cho thiếu niên luôn sợ hãi môi trường chung quanh, dễ đi đến trầm cảm!
Loại nội dung bạo lực này của truyền thông lại thường không cho thấy những hậu quả rất tai hại của bạo lực. Điều đó có nghĩa là thiếu niên không có hiểu biết thực tế về những gì sẽ xảy ra, để rồi dễ dàng cư xử hung hăng và bạo lực cách vô ý thức, thiếu suy nghĩ đắn đo.
Phương tiện truyền thông cũng có thể ảnh hưởng đến những hành vi không lành mạnh khác, như hút thuốc, uống rượu và dùng các chất ma tuý.
Nhưng cũng nên nhớ rằng phương tiện truyền thông chỉ là một trong vô số những ảnh hưởng khác về loại hành vi này. Ảnh hưởng mạnh hơn vẫn đến từ gia đình và bạn bè.
c. Ảnh hưởng của truyền thông và những hành vi tích cực của thiếu niên
Dưới đây là những tin tốt lành: Các phương tiện truyền thông có thể là nguồn ảnh hưởng tích cực đối với thiếu niên, ví dụ khi thiếu niên thích tìm xem những loại tin tức có liên quan đến các vấn đề xã hội, giáo dục, tôn giáo và chính trị đang là mối quan tâm lớn hiện thời. Điều này có thể giúp giáo dục và khuyến khích thiếu niên dấn thân tham gia nhiều hơn trong tư cách là những công dân tốt.
Thiếu niên cũng có thể tìm trên các phương tiện truyền thông những thông tin quan trọng về sức khỏe - ví dụ, tìm hiểu cách ngăn ngừa trầm cảm và tự tử, khuyến khích cách ăn uống và lối sống lành mạnh.
d. Các ‘siêu sao’ ảnh hưởng trên thiếu niên
Các phương tiện truyền thông thường đưa những tin gây sốc - những hành vi tai tiếng - của các nhân vật nổi tiếng. Nhưng những mô hình này không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng xấu.
Ảnh hưởng của truyền thông có thể sẽ lành mạnh hơn nếu đưa lên một mô hình siêu sao diễn tả một lối sống, một sản phẩm hoặc hành vi đặc biệt tốt. Đã có rất nhiều ví dụ về những mô hình siêu sao tích cực như thế. Làm việc chăm chỉ và thành công của các ‘siêu sao’ sẽ truyền cảm hứng tốt cho thiếu niên.
3. Giúp con bạn ‘xử lý’ ảnh hưởng của truyền thông
Tiếp xúc với các thông điệp truyền thông là một phần của cuộc sống hiện đại, nhưng bạn cần giúp con bạn ‘xử lý’ các thông điệp đáng quan tâm.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu các loại âm nhạc, chương trình TV, phim ảnh, trò chơi máy tính và những người nổi tiếng mà con bạn thích. Khi bạn biết những gì con bạn quan tâm, bạn có thể phát hiện rằng con bạn đang bị tác động bởi những loại hình ảnh và thông tin nào.
Thật quá dễ dàng để vào xem các video clip trên youtube hoặc trên điện thoại di động, do đó bạn sẽ không bao giờ biết được con gái bạn đang xem hoặc nghe những gì. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể theo dõi những gì con bạn đang xem bằng cách liếc nhìn những gì cô bé thường xem trên TV hay ở rạp chiếu phim và trò chuyện với cô bé về một số quy tắc và những giới hạn cần biết.
Cách tốt nhất để giúp con của bạn điều hướng ảnh hưởng của truyền thông là nói chuyện với con về các thông tin. Ví dụ, nếu con của bạn yêu “các cô nàng”, bạn có thể nói chuyện với con về tình bạn nữ giới, tình dục, lòng tự trọng và sự lựa chọn cuộc sống.
Hoặc nếu con của bạn chơi loại game như Grand Theft Auto, bạn có thể nói chuyện với con về bạo lực, về bóc lột phụ nữ và các hoạt động tội phạm. Bạn có thể nói chuyện về cách xử lý các tình huống trong cuộc sống thực.
Giám sát sự lựa chọn phương tiện truyền thông của con không có nghĩa là cấm con mình xem phim hoặc chơi game, mà chỉ là để giúp con biết ý thức hơn về những thông điệp mà chúng đang tiếp thu. Đó là cách tốt nhất để trao đổi với con cái về những thông điệp - một cách thường xuyên, chứ không phải chỉ một lần. Và đó cũng là cách tốt nhất để con của bạn biết cách hạn chế những gì chúng đang xem hoặc đang chơi.
Mặt khác, bạn cũng có thể can ngăn con của bạn sử dụng một số trò chơi, một số ứng dụng hay chương trình nào đó. Khi làm như vậy, bạn cần phải giải thích cho con của bạn hiểu lý do tại sao. Nếu thích hợp, bạn có thể dành thời giờ thảo luận vấn đề này với con mình.
Bạn có thể khuyến khích con của bạn giải thích về truyền thông bằng cách đưa ra một số câu hỏi. Hãy chọn một tạp chí hoặc một tiết mục quảng cáo truyền hình và đặt câu hỏi với con: Những ai đứng phía sau những đề mục này? Động lực của họ là gì? Họ muốn gì từ bạn? Còn thiếu tiếng nói của những ai? Con cảm thấy thế nào về tiết mục quảng cáo này? Họ có muốn con cảm nhận như thế không? Tại sao?
Bạn có thể làm tương tự cho các mô hình siêu sao. Hãy khuyến khích con bạn tự hỏi: Tại sao tôi thích những nhân vật này? Cách mô tả các siêu sao này có thực tế không? Họ có sống đúng như thế trong đời thực không? Những nhân vật này miêu tả những giá trị nào? Họ làm cho tôi có cảm nhận thế nào về chính bản thân mình?
4. Giúp thiếu niên cân bằng ảnh hưởng của truyền thông
Có một loạt hoạt động quan trọng giúp cho trẻ em phát triển, bao gồm các hoạt động thể chất và sáng tạo, cùng bất cứ việc gì liên quan đến mối liên hệ và tương tác với những người thực chung quanh mình.
Bạn có thể giới thiệu cho con mình các ‘mô hình sống tích cực’ trong đời thực. Đấy là tham gia các nhóm cộng đồng địa phương, các câu lạc bộ thể thao hoặc các chương trình tư vấn.
(Theo RAISING CHILDREN NETWORK)
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo