Giới thiệu Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa)

Giới thiệu Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa)

WHĐ (19.11.2010) – Ngày 11-11 vừa qua, Tòa thánh đã công bố Tông huấn Verbum Domini [Lời Chúa] của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đây là Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục (lần thứ XII). Thượng Hội đồng này diễn ra vào tháng 10/2008 với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Trong khi chờ đợi bản dịch tiếng Việt của Tông huấn này, để giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về nội dung Tông huấn, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh / HĐGM Việt Nam đã gửi đến trang WHĐ bài giới thiệu sau đây về Tông huấn.

Lời Chúa tồn tại muôn đời (1 Phêrô 1, 25)
Giới thiệu Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa)

Giáo Hội Việt Nam sống Lời Chúa

Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam được Tòa thánh thành lập không bao lâu (24.11.1960), thì Công Đồng Vatican II được khai mạc (11.10.1962). Các Đức Giám mục Việt Nam lúc bấy giờ đã được kể trong số 2904 Nghị phụ trên thế giới được mời tham dự. Trong lần công bố triệu tập Công Đồng, nhằm vào tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Chúa Kitô năm 1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói như sau: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”. Tinh thần hiệp nhất đã trở nên niềm hy vọng và là động lực hướng dẫn cho Công Đồng. Chính Đức Gioan XXIII cũng đã dùng một hình ảnh thật sống động khiến cho bầu khí trong cả Giáo Hội hướng về Công Đồng như một lễ Hiện Xuống mới: “Chúng tôi muốn mở rộng cánh cửa sổ của tòa nhà Hội thánh cho làn gió mát (của Chúa Thánh Thần) thổi vào”. Ngay từ khóa họp đầu tiên, chính Ngài muốn các Nghị phụ bàn về Kinh thánh, để có thể dùng Lời Chúa soi dẫn cho các khóa họp Công Đồng; Ngài đã cho đặt cuốn Kinh thánh ngay tại trung tâm Đền thờ Thánh Phêrô, nơi các Nghị Phụ hội họp và cử hành các Nghi lễ trong suốt thời gian các Khóa họp Công Đồng. Thế rồi, trải dài 4 năm qua các Khóa họp, trước khi bế mạc Công Đồng, chính Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ VI cùng với các Nghị Phụ đã long trọng công bố Hiến chế tín lý về Mạc Khải “Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum) vào ngày 18.11.1965 trong bầu khí hân hoan, an bình, tràn đầy niềm hy vọng: “Trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công Đồng lập lại lời Thánh Gioan: “Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi: điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài” (1Ga 1, 2-3). Lắng nghe với thái độ thành kính, vì Lời Thiên Chúa là Lời hằng sống; tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, vì chính đây là sứ điệp cứu độ.

Nếu ơn gọi của Hội thánh là “lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính “và “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”, thì ơn gọi và sứ mạng của Hội thánh Việt Nam cũng không thể khác được. Cùng với Hội thánh toàn cầu, Hội thánh Việt Nam thể hiện đúng ơn gọi của mình, khi “thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa”, và càng “thành kính lắng nghe”, thì Hội thánh Việt Nam sẽ luôn “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa” cho mọi người.

Hội thánh Việt Nam với thời gian, đã thật sự mở rộng cánh cửa đón lấy luồng gió mới của Thánh Thần mà Công Đồng Vatican II đem lại, cách riêng trong lãnh vực Lời Chúa. Trong Thư Mục vụ năm 2005 với tựa đề “Sống Lời Chúa”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nói về việc tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh thánh trong đời sống của người tín hữu: “Yêu mến Kinh thánh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Kinh thánh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa, mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời”. Với nhận định trên, các vị Chủ chăn của chúng ta cho thấy lòng yêu mến Kinh thánh là điểm son của người tín hữu chúng ta. Giáo Hội Việt Nam đã có những nỗ lực rất nhiều khi cung cấp cho mọi người bản dịch Kinh thánh từ nguyên ngữ Do thái, Hy lạp, Aramêô hay từ bản Phổ thông bằng ngôn ngữ latinh. Cho tới ngày nay, chúng ta đã xuất bản khoảng ba trăm ngàn bản Kinh thánh Tân Cựu Ước toàn bộ và trên hai triệu ấn bản Kinh thánh Tân Ước. Những bản văn Lời Chúa dần dần không còn xa lạ với các gia đình công giáo, cách riêng đối với giới trẻ và thiếu nhi Công giáo Việt Nam.

Cách đây gần 50 năm, đã có một thế hệ gồm 17 vị Giám mục Việt Nam tham dự Thánh Công Đồng Vaticacan II, trong đó có các Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Philipphê Nguyễn Kim Điền đáng kính; và đặc biệt, trong một bài tham luận phát biểu bằng tiếng latinh, Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đalat, nguyên Giám quản Tông Tòa Địa phận Saigon, đã làm bỡ ngỡ các Nghị Phụ tại Công Đồng khi gợi lên hình ảnh “gia đình nơi Thiên Chúa Ba Ngôi” (đại ý: Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình, có sự sống và được liên kết với nhau bằng tình yêu thương; đó là hình ảnh mẫu mực của gia đình Hội thánh và của cả gia đình nhân loại). Từ gợi ý kỳ diệu đó, ngày nay khoa Thần học tín lý luôn xây dựng nền tảng thần học trên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn; Ba Ngôi Thiên Chúa là quê hương. Tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng tới, quay trở về Thiên Chúa!

“Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”:

­Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII

Trải qua dòng thời gian, nhiều thế hệ Giám mục Việt Nam khác tiếp tục góp phần của mình vào các sinh hoạt cũng như các công việc chung của cả Hội thánh; các ngài cũng đã tích cực tham dự các Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, theo tinh thần Công Đồng Vatican II. Cụ thể, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII, diễn ra ở Roma, từ ngày 5 tháng 10 đến 26 tháng 10 năm 2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bầu hai Giám mục tham dự: Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Chủ tịch Ủy Ban Kinh thánh/HĐGMVN, Giám mục Giáo phận Nha Trang và Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa. Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế cũng được bầu với tư cách dự khuyết. Thêm vào đó, linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (nay là Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột) đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cử tham dự với tư cách là chuyên viên. Đề tài của Thượng Hội Đồng này là: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Thật hạnh phúc trong thời gian 3 tuần lễ được hiện diện, lắng nghe, học hỏi, chia sẻ, phát biểu và góp ý với Hội nghị. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hiện diện, soi sáng, hướng dẫn và lắng nghe tất cả các chia sẻ, các phát biểu của các Nghị phụ. Ngài có một câu nói rất tuyệt vời và dí dỏm: “Lời Chúa không bao giờ già!”. Tham dự Thượng Hội Đồng, có 253 Nghị phụ đến từ 118 nước và khoảng 150 chuyên viên và dự thính viên. Có các đại diện các Cộng đoàn Kitô giáo không phải là Công giáo cũng được mời tham dự, như Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, Tòa Thượng Phụ Matxcơva, Tòa Thượng phụ Chính thống Romania, Tòa Thượng Phụ Chính thống Serbia, Tòa Thượng phụ Chính thống Hy lạp, Giáo hội tông truyền Armênia, Cộng đoàn Anh giáo, Liên hiệp thế giới Luthêranô, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô; ngoài ra, còn có vị Tổng thư ký Hiệp hội United Bible Society và thầy Tu viện trưởng Cộng đoàn Taizé. Trong Thượng Hội Đồng, lần đầu tiên có một vị Rabbi Do thái giáo đến từ Israel, ngài Rabbi niên trưởng của Haifa. Chính ngài đã tham dự ngay từ ngày đầu tiên và phát biểu về đề tài: “Người Do thái đọc Kinh thánh và chú giải Kinh thánh”. Đặc biệt Đức Thượng Phụ Đại kết Barthôlômêô đệ I, thường được gọi là Giáo Chủ Đông phương, cùng Phái đoàn từ Constantinople đến tham dự giờ Kinh chiều thứ bảy 18.10.2008 tại Nhà nguyện Sixtina. Buổi cầu nguyện đã diễn ra chung với Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, thường được gọi là Giáo Chủ Tây Phương và các Nghị Phụ. Đức Giáo Hoàng và Vị Thượng phụ cùng chủ sự giờ cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng khai mạc giờ Kinh cầu nguyện; Vị Thượng phụ được mời suy niệm và giảng Lời Chúa; Đức Giáo Hoàng ban phép lành bằng ngôn ngữ latinh; còn vị Thượng phụ ban phép lành bằng ngôn ngữ Hy lạp. Đông Tây gặp nhau trong giờ Kinh cầu nguyện tuyệt vời! Buổi cầu nguyện để lại một ấn tượng về đại kết thật sâu đậm. Trong Thượng Hội Đồng, Đức Tổng Giám mục Nicola Eterovic, người Croat, trong vai trò Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng, đã giới thiệu một cách tổng quát nghị trình của Hội Nghị. Bản văn chính thức với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh” được Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám mục Québec, Canada trình bày. Kế đó, 5 vị Giám mục thay mặt cho 5 Châu lục đã tường trình về những nét nổi bật của Lời Chúa tại các Hội thánh địa phươngg ở 5 Châu lục; các tổ thảo luận được sắp xếp theo các nhóm ngôn ngữ: Latinh, Ý, Anh, Pháp, Đức, Bồ đào nha, Tây Ban Nha, trao đổi xoay quanh bản văn quan trọng này. Rồi, tại Hội trường, các Nghị Phụ có những phát biểu tham luận. Khoảng 150 phát biểu đã được chuẩn bị từ trước và thời gian mỗi bản tham luận là 5 phút; khoảng trên 300 phát biểu tự do, bổ sung về mỗi đề tài, thời gian mỗi phát biểu tự do là 3 phút.

Hòa trong bầu khí sinh hoạt của các Nghị Phụ, đoàn Việt Nam cũng tham dự rất tích cực. Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã có bài phát biểu tham luận vào sáng ngày 11.10.2008 với đề tài: “Lời Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh của Dân Chúa tại Việt Nam”. Ngày 14.10.2008, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh có bài phát biểu: “Lời Chúa thật sự là nguồn hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam”. Ngoài ra, một vinh dự rất lớn đối với đoàn Việt Nam, đó là liền sau ngày khai mạc với bài giảng của Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã được Ban tổ chức mời chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng ngày lễ kính Đức Mẹ Mân côi, ngày 7.10.2008, với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu”. (Chỉ có 12 vị được mời suy niệm và giảng tại Hội trường).

Tuần lễ cuối cùng của Hội Nghị, Ban Thư ký tổng hợp tất cả các ý kiến từ các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội trường hay tại các Nhóm thảo luận, bổ sung cho bài tường trình; rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet một lần nữa công bố văn bản chính thức của Thượng Hội Đồng: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”.

Đức Cha Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh về Văn hóa (vừa được lên tước Hồng Y) công bố “Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường kỳ lần thứ XII gửi Cộng đoàn Dân Chúa”. Sứ điệp gồm 4 phần đề cập đến Mầu nhiệm Mạc Khải như là “Tiếng của Lời”, được tỏ hiện qua “Khuôn mặt của Lời là Đức Giêsu Kitô”; rồi giới thiệu “Căn nhà của Lời là Hội thánh”, để xác định đời sống và sứ vụ của Hội thánh “trên những nẻo đường của Lời Chúa: là công cuộc rao giảng Tin mừng”. Ngoài ra, các Nghị Phụ đã đóng góp 254 đề nghị và một Ủy Ban đặc biệt đã cô đọng lại thành 55 đề nghị trình lên Đức Giáo Hoàng. Những đề nghị này được các Nghị Phụ bỏ phiếu trong phiên họp khoáng đại: Placet hoặc Non Placet hoặc Placet juxta modum. Kêet quả là 55 đề nghị này đã được bỏ phiếu kín và hầu hết đều nhận được sự đồng tâm nhất trí của các Nghị phụ với lá phiếu: Placet.

Bản tường trình, Sứ điệp, các bài tham luận, các phát biểu góp ý và các đề nghị đều được trình lên Đức Giáo Hoàng. Chính đây là chất liệu để Ngài soạn ra Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa.

Tông huấn “Lời Chúa” (Verbum Domini)

Và, Tông Huấn được chờ đợi đó đã chào đời vào ngày 11 tháng 11 năm 2010 với tựa đề: “Lời Chúa” (Verbum Domini). Tuy được công bố chính thức ngày 11.11.2010, nhưng bản văn đã được chính Đức Giáo Hoàng Bênêditô XVI ký ngày 30 tháng 9 năm 2010, nhằm ngày lễ kính Thánh Hiêrônimô, vị Thánh Linh mục say mê truy tầm Lời Chúa, phiên dịch, suy niệm và rao giảng Lời Chúa.

Tông Huấn “Lời Chúa” (Verbum Domini) đã được Tòa thánh công bố trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Marc Ouellet, nay là vị Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, Đức Hồng Y tân cử Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh về Văn hóa và Đức Tổng Giám Mục Nicola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Tông Huấn gồm Phần Dẫn nhập; có 3 chương: Chương 1 nói về “Lời Thiên Chúa “(Verbum Dei), Chương 2 nói về “Lời ở trong Hội thánh” (Verbum in Ecclesia), Chương 3 nói về “Lời cho thế gian” (Verbum pro mundo) và phần Kết luận hướng tới công cuộc tái rao giảng Tin mừng trong niềm tin tưởng và phó thác nơi Đức Trinh Nữ Maria “Mẹ của Lời và là Mẹ của Niềm vui” (Mater Verbi et Mater laetitiae).

Trong phần dẫn nhập: “Lời Chúa (Verbum Domini) tồn tại muôn đời” (1P 1, 25), Đức Giáo Hoàng liên kết Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Công Đồng Vatican II “Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum) với những hoa quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về Lời Chúa. Ngài chọn bản Lời tựa tuyệt vời của Thánh Gioan Tông đồ (Ga 1, 1-18) như kim chỉ nam cho toàn bộ Tông Huấn.

Trong chương 1 nói về “Lời Thiên Chúa” (Verbum Dei): “Lúc khởi nguyên đã có Lời và Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa… Và Lời đã thành xác phàm” (Ga 1, 1.14), Đức Giáo Hoàng đề cập đến 3 điểm: Thiên Chúa nói – Con người lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa nói – Cách giải thích Kinh thánh trong Hội thánh.

Trong chương 2 nói về “Lời ở trong Hội thánh” (Verbum in Ecclesia): “Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Đức Giáo Hoàng nói tới mối tương quan mật thiết giữa Lời của Thiên Chúa và Hội thánh; trong đó, Phụng vụ là môi trường tối ưu của Lời Thiên Chúa: Lời Chúa trong Phụng vụ thánh; Lời Chúa và các Bí tích; Lời Chúa và Thánh Thể; Tính chất bí tích của Lời Chúa; Kinh thánh và sách bài đọc Lời Chúa; việc công bố Lời Chúa và tác vụ đọc sách; Vai trò quan trọng của bài giảng lễ; Việc cần thiết phải có cuốn cẩm nang về bài giảng lễ; Lời Chúa và Bí tích giao hòa cùng việc xức dầu bệnh nhân; Lời Chúa và giờ kinh phụng vụ; Lời Chúa và sách các phép; Một vài gợi ý cụ thể để làm cho việc cử hành phụng vụ được sống động. Ngoài ra, Lời Thiên Chúa còn soi sáng và hướng dẫn mọi sinh hoạt của đời sống người tín hữu: Lời Chúa trong Kinh thánh; Lời Chúa trong mục vụ; Lời Chúa trong huấn giáo; Lời Chúa hình thành nhân cách người tín hữu của Chúa Kitô; Lời Chúa sống động trong các lễ hội của Dân Chúa; Lời Chúa soi sáng và đồng hành với mọi ơn gọi trong Hội thánh: hàng giáo sĩ, ứng viên chức thánh, đời sống thánh hiến, đời sống giáo dân, hôn nhân và gia đình; Cầu nguyện và học hỏi, suy niệm Lời Chúa; Lời Chúa giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Đức Mẹ; Lời Chúa giúp chúng ta gắn bó với Thánh địa.

Trong chương 3 nói về “Lời cho thế gian” (Verbum pro mundo): “Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Ga 1, 18), Đức Giáo Hoàng nói tới sứ vụ của Hội thánh là công bố Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa thúc đẩy Hội thánh dấn thân trong các sinh hoạt ở trong thế giới: phục vụ Chúa Giêsu nơi những người bé mọn, nghèo hèn; giúp chúng ta tìm kiếm và xây dựng công bằng xã hội; thúc đẩy chúng ta quan tâm đến việc hòa giải và kiến tạo hòa bình ở giữa các dân tộc; kiên trì thi hành công việc bác ái từ thiện; quan tâm đến giới trẻ; đến mục vụ di dân; đến những người đau khổ; đến những người nghèo; đến bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên là tạo vật của ThiênChúa. Lời Chúa còn lan rộng và ảnh hưởng đến văn hóa: giá trị của văn hóa đối với đời sống con người; Kinh thánh là một kho tàng cho các nền văn hóa; Lời Chúa trong môi trường giáo dục và đại học; Lời Chúa tạo nguồn cảm hứng cho các công trình nghệ thuật; Lời Chúa trong các phương tiện truyền thông xã hội; Lời Chúa với việc hội nhập văn hóa; việc phiên dịch và phổ biến Lời Chúa cho các dân tộc và ngôn ngữ khác nhau; Lời Chúa vượt qua giới hạn của các nền văn hóa. Ngoài ra, Lời Chúa tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các tôn giáo: giá trị của công cuộc đối thoại liên tôn giáo; Lời Chúa giúp đối thoại giữa người tín hữu Kitô với tín hữu Hồi giáo, với tín hữu các tôn giáo khác; Lời Chúa giúp đối thoại để sống trong tự do tôn giáo.

Trong phần kết luận Tông huấn, Đức Giáo Hoàng hướng về Lời Chúa và công cuộc tái rao giảng Tin mừng. Ngài phó thác cho Đức Maria “người Mẹ của Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ của niềm vui”.

Kết luận

Chắc chắn có nhiều anh chị em khắp nơi trên thế giới đang chuyển dịch bản văn quý này ra ngôn ngữ Việt Nam thân yêu của chúng ta. Điều này nói lên lòng yêu mến Lời Chúa và khao khát phổ biến kho tàng Lời Chúa cho mọi người nơi rất nhiều anh chị em của chúng ta. Chúng ta vui mừng đón nhận các tác phẩm chuyển dịch bản Tông huấn này và chúc mừng các anh chị em của chúng ta.

Phần mình, Ủy Ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rất hân hoan đón nhận Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI; và như đã hứa với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các thành viên Ủy Ban Kinh thánh đã bắt tay vào việc, phân công nhau để cùng nỗ lực chuyển dịch Bản Tông huấn quý giá này ra tiếng Việt. Bản dịch của Ủy Ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hy vọng có thể ra mắt mọi người vào dịp bế mạc Năm thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, như món quà trong Năm hồng phúc này.

+ Giuse Võ Đức Minh
Giám mục Giáo phận Nha Trang
Chủ tịch Ủy Ban Kinh thánh/HĐGMVN

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top