Giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48 (2014)
WHĐ (25.01.2014) – “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” là chủ đề Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48, ngày cử hành trên bình diện Giáo hội toàn cầu duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập qua sắc lệnh Inter Mirifica (1963). Ngày này được tổ chức hằng năm vào Chúa nhật trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm nay nhằm ngày 01 tháng Sáu). Cũng theo thông lệ, Sứ điệp được Đức Thánh Cha ký ngày 24-01, ngày lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà truyền thông.
Trong Sứ điệp Ngày Truyền thông thế giới năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tầm quan trọng của việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ; ngài nhấn mạnh đến việc truyền thông phải luôn giúp chúng ta đi ra để gặp gỡ người khác.
“Một nền văn hóa gặp gỡ đòi hỏi chúng ta không chỉ sẵn sàng cho đi, nhưng còn là đón nhận” và “Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta rất nhiều trong lĩnh vực này, đặc biệt là ngày nay, khi các mạng lưới liên lạc của con người đã đạt được những tiến bộ chưa từng thấy”.
Trong buổi họp báo công bố Sứ điệp vào ngày 23-01, Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội, nhận định rằng Sứ điệp mang đậm “phong cách Phanxicô”.
Mở đầu, Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng “nhỏ bé hơn”, một thế giới mà “những phát triển về giao thông và công nghệ truyền thông đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau và gắn kết với nhau hơn” nhưng “vẫn còn những chia rẽ, có khi rất trầm trọng”.
“Trên bình diện toàn cầu, chúng ta thấy khoảng cách đáng hổ thẹn giữa sự xa xỉ của người giàu và cảnh cơ cực của người nghèo… Thế giới chúng ta đang phải chịu đựng nhiều hình thức loại trừ, gạt ra bên lề và nghèo đói”.
“Truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, đặc biệt là internet đem lại những khả năng lớn lao cho gặp gỡ và liên đới”, đó là “món quà của Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, khi suy tư về một số thách đố mà lĩnh vực truyền thông phải đối mặt, Đức Thánh Cha nói rằng “tốc độ thông tin vượt quá khả năng suy tư và nhận định của chúng ta, và không giúp chúng ta tự diễn đạt cách quân bình và đúng đắn”.
Mặc dù trên mạng có rất nhiều ý kiến có thể hữu ích, nhưng Đức Thánh Cha cảnh báo rằng những ý kiến ấy cũng có thể khiến mọi người “giam mình” sau bức tường thông tin vốn chỉ củng cố “những mong muốn và ý tưởng của riêng mình”.
Đức Thánh Cha nêu câu hỏi “Làm thế nào để truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực?” và ngài cho biết, câu trả lời có thể tìm thấy trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu nói rằng mọi người đều là người thân cận của chúng ta, với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.
Người Samaritanô không chỉ đến gần người mà ông gặp trên đường đi, nhưng còn nhận trách nhiệm chăm sóc người ấy. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu khiến chúng ta không còn nhìn người khác như một người giống mình, nhưng làm cho mình nên giống như người khác.
“Hễ khi nào truyền thông chủ yếu nhắm đến việc cổ võ tiêu thụ hoặc thao túng người khác, là chúng ta đang áp dụng một hình thức tấn công bạo lực giống như người đàn ông trong câu chuyện dụ ngôn phải gánh chịu. Chúng ta không thể sống tách biệt, đóng cửa lòng mình”.
Trích dẫn Sứ điệp Truyền thông năm ngoái của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại: “Chứng tá Kitô giáo hiệu quả không phải là cứ dội bom mọi người bằng những sứ điệp đạo đức, nhưng là mong muốn tự hiến cho tha nhân qua việc lấy sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng tham dự vào những vấn nạn và hoài nghi của họ trên con đường kiếm tìm chân lý và ý nghĩa đời người”.
Kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha cầu mong cho hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu là một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người trong lĩnh vực truyền thông. Và ngài khích lệ: “Chúng ta hãy mạnh dạn trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số. Giáo hội cần quan tâm đến và hiện diện trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô”.
Trước “cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực truyền thông và trong công nghệ tin học – một thách đố lớn lao và đầy lý thú” này, Đức Thánh Cha cầu chúc: “Mong sao chúng ta đáp ứng thách đố ấy bằng nghị lực mới mẻ và đầy sáng tạo khi tìm cách thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho tha nhân”.
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo