Giáo phận Thái Bình: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ khai mạc sứ vụ mục tử

Giáo phận Thái Bình: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ khai mạc sứ vụ mục tử

WHĐ (10.09.2009) – Sáng ngày 09-09-2009, lúc 9g, tại nhà thờ Chính tòa Thái Bình, đã diễn ra Thánh lễ Tạ ơn, Khai mạc sứ vụ giám mục của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ.

Đồng tế với Đức tân Giám mục có 15 giám mục, trong đó có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Sang, nguyên giám mục Thái Bình, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giảng lễ và hơn 200 linh mục.
Rất đông tín hữu trong và ngoài giáo phận Thái Bình đã tham dự thánh lễ Khai mạc sứ vụ của vị tân giám mục giáo phận. Mọi người đứng chật kín cả khuôn viên nhà thờ, Tòa giám mục và Nhà mục vụ.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ là vị giám mục thứ 6 trong 73 năm lịch sử của giáo phận.
Được biết, năm 1936, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Tông tòa Thái Bình. Đến 1960, Thái Bình trở thành giáo phận chính tòa. Số tín hữu tại giáo phận Thái Bình khoảng 120 ngàn người, tức 4,1% dân số trên địa bàn giáo phận.
WHĐ xin gửi đến quý độc giả toàn văn bài giảng của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên trong Thánh lễ Tạ ơn này.
***
Bài giảng của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng
trong thánh lễ tạ ơn 09/09/2009 tại Nhà thờ Chính toà Thái Bình
(Mt 28, 16-20)
Kính thưa cộng đoàn,            
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là đoạn kết của Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Thông thường, trong một tác phẩm, phần kết hay nhằm tóm lại những gì đã được diễn tả trong suốt tác phẩm ấy. Phần kết này, tuy chỉ có 5 câu, nhưng đã gói gọn những gì mà Thánh Matthêu nhằm trình bày Đức Giêsu như là một Môisen mới, ngôn sứ vĩ đại, một nhà giảng thuyết tài ba. Người đến để thực hiện những gì Cựu Ước loan báo. Biến cố thập giá và cuộc phục sinh là cội nguồn của ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ lên đường để tiếp tục sứ vụ của Người là loan báo Tin Mừng, một Tin Mừng không dành riêng cho một dân tộc nào, nhưng cho muôn dân. Để xác định Đức Giêsu là Đấng đang hiện diện giữa cộng đoàn những gười tin, tác giả còn nhấn mạnh đế lời hứa của Người: “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Thánh Matthêu kết thúc tác phẩm của mình bằng việc kể lại cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh với 11 môn đệ. Các ông vui mừng được gặp lại Thầy mình, nhưng các ông cũng cảm thấy xao xuyến, vì từ nay Thầy không còn hiện diện với các ông như trước nữa. Tác giả đã dùng các khái niệm đôi, có vẻ như trái ngược, nhưng cùng diễn tả một thực tại.
Trước hết là một khái niệm về một kết thúc và một cuộc khởi đầu: cuộc hẹn hò trên một ngọn núi của xứ Galilêa như hồi kết của sứ mạng mà Đức Giêsu thực hiện nời trần gian. Xem ra đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người truyền lệnh cho họ hãy ra đi. Người nhắn nhủ họ hãy lên đường. Người căn dặn họ đừng phân biệt hoặc giới hạn đối tượng nghe lời rao giảng. Tuy vậy, cuộc gặp gỡ này cũng là giây phút khởi đầu của một giai đoạn mới. Bởi lẽ nếu trước đây, chính Đức Giêsu trực tiếp rao giảng Tin Mừng, thì nay là khởi đầu của sứ vụ do các môn đệ thực hiện theo lệnh truyền của Thầy mình. Các môn đệ là những người làm cho âm vang của Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng được lan rộng đến với muôn người. Các ông không loan báo một giáo lý do các ông sáng tác, nhưng loan báo những gì Đức Giêsu đã truyền dạy. Sứ điệp các môn đệ loan báo chính là sứ điệp của chính Đức Giêsu, đồng thời cũng là của chính con người và cuộc đời của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Như vậy, cuộc gặp gỡ trên vừa là thời điểm kết thúc sứ vụ của Đức Giêsu ở trần gian, đồng thời cũng là điểm khởi đầu cho sứ vụ mới của các môn đệ.
Tiếp đó, chúng ta thấy Matthêu nhắc đến sự vắng mặt và sự hiện diện: cuộc gặp gỡ Thầy trò hôm đó như là một cuộc chia tay. Các ông biết rằng Thầy sẽ chẳng còn hiện diện với mình nữa, vì Đức Giêsu trước đó đã tiên báo Người sẽ về cùng Chúa Cha. Tình cảm người đi kẻ ở làm các ông xao xuyến. Tuy vậy, các môn đệ không còn được thấy Thầy mình như trước, là vì Đức Giêsu đã hiện diện giữa họ với một cách thế khác. Nếu họ không thấy Người như một nhà giảng thuyết miệt mài đi khắp xứ Palestin để loan báo Tin Mừng, thì nay Người vẫn sống giữa cộng đoàn, vẫn hiện diện khi họ cầu nguyện và bẻ bánh huynh đệ. Chính vì thế, vừa nói đến cuộc ra đi, tác giả cũng đề cập tới sự ở lại: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
 
 
 
 
 
 
 
 
Kính thưa cộng đoàn,
Cùng với gia đình giáo phận Thái Bình, hôm nay chúng ta cùng hiệp thông dâng lời tạ ơn Chúa nhân dịp mãn nhiệm chức vụ giám mục của Đức cha Phanxicô và khởi đầu sứ mạng của Đức cha Phêrô với cương vị Giám mục giáo phận Thái Bình. Khi nói đến chữ “mãn nhiệm” và “khởi đầu” là chúng ta muốn nhắc đến một giai đoạn hay một triều đại giám mục. Thật ra, đối với vai trò và nhiệm vụ của giám mục, thì bất cứ giám mục nào cũng được hoà mình vào một truyền thống của lịch sử giáo phận, một truyền thống bắt nguồn từ chính sứ mạng của Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, như Công Đồng Vatican đã xác định: “Các giám mục được Chúa Thánh Thần đặt lên kế vị các Tông Đồ như chủ chăn các linh hồn, và được uỷ thác sứ mệnh duy trì mãi mãi công việc của Chúa Kitô, chủ chăn đời đời” (GM 2). Như vậy, đối với Đức cha Phanxicô, hôm nay vừa là thời điểm kết thúc trách nhiệm chủ chăn, đồng thời cũng là khởi đầu một giai đoạn mới trong hành trình ơn gọi. Trong suốt 19 năm với cương vị Giám mục giáo phận Thái Bình, Đức cha đã vất vả gian nan, đã hy sinh cố gắng để vun đắp cho giáo phận Thái Bình được thăng tiến mọi mặt. Hôm nay ngài bắt đầu được thấy những lao nhọc của mình được sinh hoa kết trái. Đối với Đức cha Phêrô, hôm nay ngài khởi đầu sứ mạng mới, nhưng không phải là một sứ mạng do sáng kiến riêng của ngài, mà đó là sự tiếp nối của những thế hệ tiến bối, cùng chung một đích điểm là xây dựng đời sống đức tin cho Dân Chúa tại giáo phận này. Đức cha Phêrô cũng tiếp nối công việc của Đức cha Phanxicô, và chính Chúa làm cho công việc của các ngài sinh hoa kết trái như Thánh Phaolô viết cho cộng đoàn Côrintô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Nếu suốt đời linh mục và giám mục của mình, Đức cha Phanxicô Xavie đã dấn thân để thực hiện “Chân lý trong tình thương”, thì nay Đức cha Phêrô kế tiếp sự nghiệp của ngài với tâm niệm “Xin cho tôi các linh hồn”. Cả hai vị Giám Mục cùng gặp nhau ở một điểm chung là dấn thân phục vụ.
Trong suốt cuộc đời dấn thân phục vụ ấy, Đức cha Phanxicô đã khiêm tốn ví mình như một cây “Bạch lạp” (nến trắng), tuy mỏng manh bình dị mà luôn toả sáng cho đời. Một thi sĩ đã ca ngợi vẻ đẹp tinh khiết và sự hy sinh của cây bạch lạp:
“Thân trắng trong mà lòng trắng trong,
Đêm đêm giọt lệ nhỏ ròng ròng,
Muốn vì nhân thế đem nguồn sáng
Rút ruột khêu lên ngọn lửa hồng.”
Phải chăng những gì được nhắc đến để ca ngợi cây bạch lạp cũng được dùng để nói về cuộc đời và con người của Đức cha Phanxicô ? Vâng, trong hành trình dâng hiến, ngài đã noi gương thánh Phanxicô - Bổn mạng của ngài, luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho mọi người, yêu thương người nghèo, nâng đỡ người đau khổ và bất hạnh. Ngài luôn cố gắng để toả sáng qua những công việc mục vụ, tuy khiêm tốn nhưng hiệu quả, tuy âm thầm mà sâu lắng, như vai trò của chiếc đèn chầu được chính ngài diễn tả:
“Linh hồn con như chiếc đèn chầu
Âm thầm toả sáng trong đêm thâu
Tình như ngọn lửa không lụn tắt
Lời kinh thơm ngát lai láng dầu.”
Và vị Giám mục đáng kính 80 tuổi, khi mãn nhiệm, vẫn lạc quan yêu đời như lời tâm sự của ngài:
“Tám mươi cao niên, nay từ nhiệm
Cuộc sống lạc quan ngẩng cao đầu”
 (Trích bài thơ “Từ nhiệm”)
Về phần Đức cha Phêrô, ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ mục tử là phục vụ con người, hiểu theo nghĩa thiêng liêng cũng như vật chất. Trả lời phỏng vấn của trang thông tin điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha đã giải thích: “Khi chọn câu châm ngôn của Thánh Gioan Bosco làm định hướng mục vụ của đời giám mục, tôi có ý nhắc nhở mình nhớ đến đối tượng ưu tiên của sứ mệnh Don Bosco là phục vụ con người, cách riêng những người nghèo đói, khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi bên lề xã hội”. Tâm nguyện phục vụ của Đức cha Phêrô phác họa cho chúng ta thấy hình ảnh của một người được sai đi đến với mọi người, như ngôn sứ Isaia đã quảng diễn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi. Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn tan nát...” Vâng, đó cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài về cùng Chúa Cha.
Kính thưa quý Đức Ông, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em tín hữu giáo phận Thái Bình,
Hôm nay chúng ta vui mừng đón tiếp vị chủ chăn đến nhận nhiệm sở. Chúng ta cầu nguyện và cộng tác để những ưu tư mục vụ của Đức Tân Giám Mục được thực hiện. Từ hôm nay, Đức cha Phêrô trở nên một con người của quê hương năm tấn, quê hương của đồng lúa bát ngát xanh tươi và những điệu chèo trữ tình, duyên dáng. Trong ngày trọng đại nhậm giáo phận Thái Bình, 01/09/2009 vừa qua, Đức cha Phêrô đã mượn lời Thánh Phaolô để tâm sự: “Từ nay không còn là tôi sống nữa, mà là giáo phận Thái Bình, là anh chị em sống trong tôi. Từ nay, sự sống tôi, trái tim tôi, hơi thở tôi, vui buồn sướng khổ, thành công thất bại của đời tôi xin được hoàn toàn gắn liền với cuộc sống của anh chị em, với cộng đoàn Dân Chúa tại giáo phận Thái Bình”.
Vâng, những lời tâm huyết này cũng là chương trình hành động, là hướng đi mục vụ của Đức cha Phêrô. Hôm nay, ngài được mời gọi lên đường, khởi đầu sứ vụ mới, tiếp nối sự nghiệp của Đức cha Phanxicô, với sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa giáo phận Thái Bình. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, xin Ngài trả công cho Đức cha Phanxicô và cũng xin Ngài hướng dẫn Đức cha Phêrô ngay từ khi ngài khởi đầu sứ vụ để cuộc đời ngài phản ánh Đức Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành đã đem sự sống cho đoàn chiên của mình. Amen.
 

+ Giuse Vũ Văn Thiên

Giám Mục Gp Hải Phòng

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top