Giáo phận Phan Thiết: Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa

Giáo phận Phan Thiết: Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa

WGPSG -- Thánh Nữ Faustina Kowalska khởi xướng việc tôn sùng “Lòng Thương Xót Chúa”, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh vào ngày 30 tháng 4 năm 2000 tại Giáo đô Rôma. Đức Chân Phước đã long trọng tuyên bố: "Trên khắp thế giới, Chúa nhật thứ 2 sau Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa". Ngài cũng đã ban hành Thông điệp “Dives in Misericordia”, Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót.

Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh bộ Phượng Tự đã đưa vào lịch phụng vụ Giáo hội, Chúa nhật II Phục Sinh là Chúa nhật “Chúa Thương Xót”, để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại.

Như vậy, Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được thiết lập cách đây 12 năm.

Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo phận Phan Thiết (LTXC) vừa tròn 2 tuổi.

Chúa nhật II Phục sinh, ngày 15/4/2012, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót GP Phan Thiết đã tổ chức ngày Đại Hội lần thứ III tại giáo xứ Hiệp Đức. Hơn 2.000 hội viên trưởng thành và 450 thiếu nhi - tông đồ nhỏ đến tham dự. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã đến chủ sự Thánh lễ, Cha Tổng Đại Diện, Cha Hạt Trưởng Hàm Thuận Nam và quý cha đồng tế hiệp thông tạ ơn.

Lúc 9g00, Cha xứ Hiệp Đức cũng là Hạt trưởng, PX Đinh Tiên Đường khai mạc đại hội.

Sau đó, Cha Linh hướng Giuse Bạch Kim Tri chủ trì nghi thức làm phép phù hiệu và tuyên hứa. Cộng đoàn quỳ gối đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, chuỗi 10 kinh thương xót, kinh Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, cha Linh hướng tổng kết hoạt động của cộng đoàn LTXC Giáo phận trong năm qua.

Đến 10g00, Đức Giám mục Giáo phận chủ tế Thánh lễ tạ ơn. Ngài nhắc nhớ đến ba chữ T, như là phương châm sống hằng ngày của mỗi hội viên Lòng Thương Xót Chúa: Thỉnh cầu lòng Chúa thương xót, Thực hành lòng Chúa thương xót và Tín thác vào lòng Chúa thương xót.

Trong bài giảng, Đức cha Giuse suy niệm câu chuyện Tin Mừng (Ga 20,19-31).

Rạng sáng hôm nay, ngày 15/4/2012, trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương, đúng nơi tàu Titanic bị đắm chìm, 1309 hành khách trên tàu tưởng niệm Malmoral đã dừng lại ít phút để ôn lại biến cố xảy ra 100 năm trước, và nhất là không quên thỉnh cầu ơn trên cho những hành khách đã ra đi trong vụ đắm tàu lịch sử. Đây là cuộc tưởng niệm đặc biệt, hầu như các phương tiện truyền thông đều nhắc đến. Còn tại nhà thờ Hiệp Đức sáng nay, có đến 2000 thành viên người lớn của hội lòng thương xót Chúa và 450 em thiếu nhi tông đồ nhỏ cùng tham gia, để ôn lại một biến cố cao quý hơn, đó là biến cố có tên gọi đặc biệt là “lòng thương xót của Thiên Chúa” đổ tràn xuống con người.

Tất nhiên, lòng thương xót của Chúa từ muôn đời vẫn có và luôn đổ tràn trên các thụ sinh của Ngài, nhưng đón nhận thế nào và cộng tác ra sao, lại là cả một vấn đề được khai triển dần dần trong dòng lịch sử cứu độ. Phong trào “lòng thương xót của Chúa” chính là một giải pháp đáp ứng mong mỏi của nhiều tâm hồn. Lòng thương xót ấy, cách riêng trong mùa Phục Sinh, được diễn tả qua chân dung của Đấng Phục Sinh ở giữa nhóm môn đệ. Hôm nay, qua việc Chúa Giêsu tỏ mình, cách riêng cho thánh Tôma, người ta gặp thấy tấm lòng xót thương của Chúa qua ba nét khắc họa.

1. Tình thương giàu sáng kiến.

Việc Đấng Phục Sinh hiện ra với nhóm môn đệ đã làm nên nét đẹp của ngày thứ nhất trong tuần, để rồi cứ mỗi lần ngày đầu tuần đến, ngày Chúa Nhật, các tín hữu quy tụ lại để tưởng nhớ và sống lại biến cố phục sinh cao đẹp này. Sáng kiến của Đấng Phục Sinh không thể hiện một lần mà luôn lặp lại mỗi ngày đầu tuần. Một tuần lễ có bảy ngày, ngày thứ nhất Đấng Phục Sinh hiện đến, ngày thứ tám là ngày đầu của tuần sau, Đấng Phục Sinh lại đến với các môn đệ. Căn phòng với cửa đóng then cài, không ai có thể vào được, thế mà Đấng Phục Sinh đã hiện ra ngay giữa căn phòng khóa trái ấy. Điều này không muốn nói đến tính cách mầu nhiệm cho bằng nói lên sáng kiến của Đức Giêsu sau khi phục sinh. Không bị ngăn cản bởi một vật thể nào hoặc hàng rào nào, Đấng Phục Sinh hiện ra bằng tấm lòng dành cho môn đệ và đến giữa các ông như là người đã từng có nhiều gắn bó trong cuộc sống trần thế. Vấn đề còn lại là các môn đệ có mở rộng tâm hồn để đón nhận điều mới lạ do Đấng Phục Sinh đem đến hay không.

Điều này cũng gợi mở về lòng xót thương của Thiên Chúa. Từ thuở nào, Thiên Chúa dựng nên con người, rồi khi con người phản bội, Thiên Chúa không ngừng lặp lại yêu thương qua các tổ phụ, các tiên tri, và khi Ngôi Lời làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ, thì đó chính là sáng kiến xót thương tột cùng của Thiên Chúa. Ở đây, Đấng Phục Sinh hiện ra giữa căn phòng đóng kín muốn nói lên tình thương giàu sáng kiến của Thiên Chúa đối với nhân loại.

2. Tình thương nhiều thân thiện.

Khi Đấng Phục Sinh đến với các môn đệ là những người thân của mình, Ngài luôn dùng hình thức chào đón của người Do thái: chào bình an, chúc bình an. Đấng Phục Sinh vẫn giữ thói quen thân thiện thuở nào, Ngài đến trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ, nhưng vẫn sử dụng những công thức chào đón đầy tình thầy trò thắm thiết như thuở còn sinh thời. Đây chính là một tình thương thân thiện. Cho dù đã bước vào tình trạng mới, Đấng Phục Sinh vẫn giữ những phương cách gần gũi nhân sinh để diễn tả tình cảm và tấm lòng đối với những người Ngài gặp gỡ.

Trong lần thứ nhất Đấng Phục Sinh hiện ra, Tôma vắng mặt và ghi lại câu nói để đời “nếu tôi không xỏ tay vào cạnh sườn, đụng chạm đến vết thương của Thầy, tôi không tin”. Tám ngày sau, Chúa hiện đến, ngài thân thiện gọi tên “Tôma”. Chúa gọi đích danh và Tôma hiểu: ông không cần đặt tay vào cạnh sườn mà cần tuyên xưng lòng tin của mình “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”. Ở đây ta thấy: Đấng Phục Sinh gần gũi làm sao: luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Chúa gọi tên Tôma một cách thân thiện, không có những lời quở trách nặng nhẹ, nhưng mời gọi ông để ông có lựa chọn phù hợp với niềm tin. Sự thân thiện này biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng vậy, một khi mở ra cho tất cả mọi người, tình thương ấy cũng sẽ đậu lại trên những ai biết mở trái tim của mình ra mà đón nhận. Và một khi biết đón nhận, biết đáp trả một cách thiết thực thì cùng lúc mỗi người cũng cảm nhận được sự thân thiện của lòng thương xót ấy dành cho mình.

3. Tình thương gọi thăng tiến.

Tôma trong trình thuật Phúc Âm hôm nay bị xem như cứng lòng tin, nghĩa là không chỉ không tin các điều bạn bè kể lại, mà còn đòi hỏi phải thỏa đáp được óc thực nghiệm; nhưng khi đã thấy Đấng Phục Sinh trong dịp hiện ra vào ngày thứ tám, ông đã được biến đổi nên khác và mới hơn. Thay vì cứng cỏi, ông thành mềm mại; thay vì không tin, ông nhanh chóng tuyên xưng lòng tin của mình. Ông đã thấy nên ông tin, nhưng từ nay ông nhận được sứ điệp từ tình thương của Đấng Phục Sinh là phải tin rồi mới thấy một cách tỏ tường. Hôm nay nỗ lực tin điều mình không thấy để rồi mai ngày sẽ được tiến xa hơn để được thấy những điều mình đã tin. Đó chính là nhãn giới mở ra từ biến cố này. Đấng phục sinh kêu gọi Tôma hãy tiến xa trên đường đức tin và thông qua ông, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi tín hữu hãy thăng tiến từng ngày trên đường sống đạo.

Cũng nên ghi nhận rằng hôm nay Đấng Phục Sinh đã khai mở mối phúc thứ chín. Bình thường chúng ta đọc kinh thì chỉ có “tám mối phúc thật” thôi, nhưng hôm nay có thêm mối phúc thứ chín: phúc cho những người không thấy mà tin. Như vậy, trong việc cử hành lòng Chúa thương xót, tín hữu được ân cần mời gọi hãy tiến xa tiến cao tiến nhanh hơn nữa trên hành trình niềm tin. Mối phúc thứ chín không phải là mối phúc thặng dư, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, như liều thuốc placebo trong kiểu thí nghiệm mù của y học, mà thực ra phải là đích điểm mời gọi tiến tới. Danh xưng Tôma không còn gắn liền với sự cứng tin nữa, những đã minh họa cho niềm hạnh phúc tin tưởng: càng thăng tiến trong lòng tin, càng cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương.

Đó là ba nét nhỏ được chia sẻ hôm nay nhân dịp đại lễ tôn vinh lòng thương xót của Chúa, thông qua biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Xin được lặp lại: đây là một tình thương giàu sáng kiến; một tình thương nhiều thân thiện và cũng là một tình thương gọi thăng tiến. Chia sẻ như vậy để mời gọi mọi người đi vào trong mầu nhiệm của tình thương. Chúng tôi ghi nhận buổi lễ hôm nay có nhiều màu đỏ: màu đỏ của bức màn cung thánh; màu đỏ của cờ hiệu phong trào; màu đỏ của trang phục các thành viên nữ và màu đỏ hai xe buýt của phái đoàn đến từ xa đang đậu phía cuối nhà thờ. Tất cả đều diễn tả một trái tim đỏ thắm sùng kính dành cho lòng Chúa xót thương. Chúng tôi cũng ghi nhận hầu như các hội viên đến đây phần lớn là nữ giới, nhưng dầu nam hay nữ, ai cũng hiểu hôm nay chính là tâm tình đặc biệt dành cho những người uốn gối cúi đầu trước lòng xót thương của Chúa.

Lúc đầu lễ, chúng tôi đã nói đến ba bổn phận của phong trào lòng Chúa xót thương: thứ nhất là thỉnh cầu lòng thương xót của Chúa; thứ hai là thực hành bổn phận thương xót do lòng Chúa kêu gọi và cuối cùng là tín thác vào lòng Chúa xót thương. Ba bước đi ấy áp dụng cho mọi thành viên trong phong trào để xây dựng một lối sống gắn bó với lòng xót thương của Chúa, đồng thời cũng mời gọi mỗi người, dù cảnh đời thế nào, dù bị giới hạn về sức khỏe, dù bị đau khổ về tinh thần hay dù còn phải đối diện với khó khăn, vẫn trung thành cầu nguyện và cậy dựa vào lòng Chúa xót thương. Lòng thương xót trên đây được minh họa qua hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu với những luồng sáng xót thương bao trùm vạn vật.

Hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết đón nhận và cũng biết diễn tả lòng xót thương ấy trong đời sống của mình và mong rằng khi đã đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ trở thành chứng nhân của lòng xót thương khi biết dấn bước yêu thương tất cả mọi người, để rồi từ đây trong đời sống, màu đỏ đầy ý nghĩa này không chỉ là một kỷ niệm đẹp trên hình ảnh mà còn là dấu ấn lớn trong đời sống đức tin của chúng ta. Xin phó thác cho lòng xót thương của Chúa tất cả trái tim của cộng đoàn. Xin ơn thánh biến đổi mọi người trở thành khí cụ trong tình yêu của Đấng phục sinh. Và xin niềm bình an của Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ năm nào cũng đậu lại trên mỗi người trong suốt hành trình đức tin hôm nay.

Kết thúc bài giảng, chú ý đến màu đỏ của ngày lễ, nơi áo dài đồng phục của các bà, nơi cà vạt của các ông các tông đồ nhỏ, hòa chung với màu đỏ của trái tim Chúa Giêsu, Đức Cha Giuse cầu chúc Hội có được con tim mới, đầy lửa của niềm tín thác, của tình yêu, của nhiệt thành để truyền thông lòng Chúa thương xót đến cho mọi người.

Sau hiệp lễ, ban điều hành của Hội dâng lời tri ân Đức Cha, quý Cha và đặc biệt giáo xứ Hiệp Đức đã ưu ái tạo điều kiện để đại hội được tổ chức thật tốt đẹp và sốt sắng.

Đức Cha ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn với Ơn Toàn Xá.

Ngày 04.08.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định ban ơn Toàn xá trong ngày Chúa nhật Kính Lòng Thương xót Chúa với 4 ý chỉ sau:

1. Ơn Toàn xá được ban với những điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, cho những tín hữu nào trong ngày Chúa nhật II Phục Sinh, có tâm từ bỏ mọi quyến luyến tội lỗi và tham dự vào các việc đạo đức tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

2. Ân xá một phần được ban cho những tín hữu nào, với tâm tình thống hối dâng lên Chúa Thương Xót một trong những lời cầu khẩn được phê chuẩn hợp pháp, như “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

3. Ơn Toàn xá được ban cho Những người đau yếu và những người săn sóc họ, nhưng phải - Có quyết tâm từ bỏ tội lỗi. - Có ý hướng thi hành 3 điều kiện thường lệ một khi có thể. Là đọc trước ảnh Chúa thương xót một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính và một lời cầu xin Lòng từ bi Chúa.

4. Vào ngày này, Đức Giám mục giáo phận có thể ban phép lành Tòa Thánh với Ơn Toàn xá, khi cử hành long trọng tại Nhà Thờ Chính Tòa, hay tương đương Nhà Thờ Chính Tòa.

Giờ ăn trưa, mỗi người một hộp cơm đơn giản theo vị trí từng giáo hạt.

Chương trình buổi chiều bắt đầu bằng giờ hội thảo về chương trình và kế hoạch sinh hoạt cho năm 2012. Sau đó, Cha Antôn Nguyễn Thế Học trình bày đề tài “Chúa Thánh Thần tác động, các Tông đồ rao truyền Lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Đúng vào lúc 3 giờ chiều, tất cả cộng đoàn quỳ gối dang tay lên trời sốt mến đọc giờ kinh thương xót.

Đến 4g chiều, cung nghinh và rước kiệu. Kiệu Đức GH Gioan Phaolô II - LTX Hạt Hàm Tân, kiệu thánh nữ Faustina - LTXC Hạt Đức Tánh và Hạt Phan Thiết, đoàn giúp lễ và cha chủ sự, kiệu Chúa Thương Xót – LTXC Hạt Hàm Thuận Nam. Cuộc rước dài hơn giờ đồng hồ, đoàn kiệu xếp hàng bốn di chuyển quanh khuôn viên nhà thờ trong lời kinh hạt, lần chuỗi 10 kinh thương xót và chuỗi Mân Côi cùng với những suy niệm và những bài thánh ca ngợi khen chúc tụng.

Đến tiền sảnh, cha linh hướng cử hành nghi thức sai đi theo tinh thần truyền giáo năm nay của toàn thể Giáo phận. Mọi người ra về lòng tràn đầy tình thương và ân sủng của lòng thương xót Chúa.

Hiện nay, Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa của Giáo phận có 2.400 hội viên và 600 tông đồ nhỏ. Mỗi hội viên lòng thương xót Chúa luôn tâm niệm với lời cầu nguyện hằng ngày:

Lạy Chúa, xin cho mắt con biết thương xót, để con không bao giờ nghi ngờ hay xét đoán tha nhân theo bề ngoài, nhưng biết nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn họ để giúp đỡ họ.

Xin cho tai con biết thương xót, để con biết lắng nghe những nhu cầu của tha nhân và không dửng dưng trước những đau đớn và than van của họ.

Xin cho lưỡi con biết thương xót, để con không bao giờ nói tiêu cực về tha nhân, nhưng biết nói lời an ủi và tha thứ cho mọi người.

Xin cho tay con biết thương xót và làm việc lành, để con chỉ làm điều tốt cho tha nhân và dám nhận những công việc khó khăn và vất vả hơn.

Xin cho chân con biết thương xót, để con mau mắn đến giúp tha nhân và vượt thắng cơn mệt mỏi chán nản, để nơi con an nghỉ thật sự là việc phục vụ tha nhân.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top