Giáo lý Thánh Kinh: Bài 6 - Sa ngã

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 6 - Sa ngã

GIÁO LÝ THÁNH KINH
NĂM ĐỨC TIN

tại Trung Tâm Mục Vụ - TGP. Sài Gòn

Bài 6. SA NGÃ

 

Bài hát mở đầu: Lời thiêng dâng Chúa từ trong đáy tim

 

I. TỘI TỔ TÔNG

1. Các bản văn Kinh Thánh

- St 3: trình thuật về sự sa ngã, sử dụng kiểu nói hình tượng để trình bày một sự kiện đã xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử nhân loại và chi phối toàn bộ lịch sử đó.

- Rm 5,12-19: Tính phổ quát của tội lỗi và tính phổ quát của ơn cứu độ.

2. Gợi ý giáo lý

- “Cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,17) là biểu tượng diễn tả ranh giới con người không thể vượt qua. Là thụ tạo, con người phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy định việc sử dụng tự do.

- Ađam và Eva đã lạm dụng tự do và bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Con người đã chọn bản thân mình hơn Thiên Chúa. Do ma quỷ cám dỗ, con người muốn trở nên “như Thiên Chúa” mà “không cần Thiên Chúa, vượt qua Thiên Chúa và không theo Thiên Chúa”.

- Tội tổ tông đã dẫn đến những hậu quả bi đát. Ađam và Eva đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy, phá vỡ sự hài hòa thưở ban đầu với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật. Tội lỗi tràn ngập trần gian.

- Trong suốt lịch sử nhân loại, mọi người đều bị liên lụy với tội của Ađam. Toàn thể nhân loại đều ở trong Ađam “như một thân thể duy nhất của con người duy nhất”. Do đó, tuy Ađam và Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến chính bản tính nhân loại đã sa ngã, bản tính mà họ lưu truyền cho chúng ta. Vì thế, tội tổ tông truyền được gọi là “tội” theo nghĩa này: đó là thứ tội mà con người bị “nhiễm” chứ không “phạm”, nghĩa là một tình trạng chứ không phải một hành vi.

- Bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của tội trên bản tính nhân loại vẫn tồn tại nơi con người. Vì thế, chúng ta phải bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.

II. LỜI HỨA CỨU ĐỘ

1. Các bản văn Kinh Thánh

- St 3,15: Lời loan báo đầu tiên về Đấng Cứu Chuộc.

- Phil 2,8: Đức Kitô là Ađam mới.

2. Gợi ý giáo lý

- Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài loan báo cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy.

- Đức Kitô là Ađam mới, Đấng đã lấy sự vâng phục “cho đến chết” thay thế cho sự bất tuân của Ađam cũ. Mẹ Đức Kitô được coi như Eva mới, hằng vâng phục Lời Chúa, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội và sống đẹp lòng Thiên Chúa.

- Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Dù vậy, khi con người lạm dụng tự do để chống lại Ngài, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và cứu độ: “Điều chúng ta nhận được nhờ ân sủng Đức Kitô còn cao cả hơn điều chúng ta bị đánh mất vì sự ghen tương của ma quỷ” (Thánh Lêô Cả). Do đó chúng ta nói đến “tội hồng phúc” trong bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet).

Phút hồi tâm: Chiến thuật ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Eva là sự hấp dẫn của giác quan: “trái cấm trông thì đẹp, ăn thì ngon và đáng quý vì làm cho mình tinh khôn”, gieo nghi ngờ về tình yêu và quyền năng của Chúa: “Chẳng chết chóc gì đâu, chỉ vì Chúa sợ ông bà trở nên thần thánh thôi”, khơi dậy tính kiêu căng: “ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác”. Nhìn lại đời sống đức tin của mình, tôi có bị cám dỗ và sa ngã như thế không?

Cầu nguyện

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần nhan thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui cứu độ,
lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 50)

Top