Giáo hội Luther và Giáo hội Công giáo: đọc lại 500 năm lịch sử

Giáo hội Luther và Giáo hội Công giáo: đọc lại 500 năm lịch sử

– Ngày 17 tháng Sáu 2013 vừa qua, trước Hội đồng Hiệp hội các giáo hội Luther thế giới (FLM) tại Thụy Sĩ, Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu đã giới thiệu Bản Tuyên ngôn chung của hai Giáo hội Luther và Công giáo: “Từ xung đột đến hiệp thông: kỷ niệm chung của Luther–Công giáo trong năm 2017”. Đây là Tuyên ngôn được nhiều người chờ đợi, nhân kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách sẽ tổ chức vào năm 2017.

Bản Tuyên ngôn do Ủy ban Luther-Công giáo vì hiệp nhất ấn hành, trong khuôn khổ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách, và kỷ niệm 50 năm cuộc đối thoại giữa các tín hữu Luther và Công giáo (2017).

Tái khẳng định những điểm chung
Đức ông Matthias Türk, phụ trách về quan hệ giữa người Công giáo và Luther giải thích: đây là một bước “rất quan trọng”: tài liệu này đề nghị đọc lại lịch sử của hai Giáo hội đồng thời “tái xác nhận” “cuộc đối thoại chung, nền tảng chung, về những vấn đề của đức tin”, cũng như những điểm “không còn là lý do chia rẽ hai Giáo hội”.

Do đó tài liệu này dựa trên các giai đoạn đại kết quan trọng, nhất là “Tuyên ngôn chung về giáo thuyết công chính hóa” năm 1999, như lòng mong ước của Chân phước Gioan Phaolô II. Tài liệu cũng hướng đến “tương lai” để tiếp tục công việc cùng nhau làm chứng cho thế giới hôm nay.

Đức ông Türk hy vọng rằng tài liệu này sẽ trở thành điểm xuất phát cho mọi hình thức đối thoại đại kết, vì tài liệu xác định “những mục tiêu căn bản của những cải cách Giáo Hội, vốn luôn cần thiết, và cũng nói về mối quan hệ với Thiên Chúa”.

Chủ đề đối thoại tiếp theo là bí tích Rửa tội
Trong phần giới thiệu, Đức hồng y Koch bày tỏ “hy vọng vững chắc” rằng tài liệu này sẽ được cả người Luther và người Công giáo đón nhận ở cấp toàn cầu cũng như cấp địa phương. Nhân dịp kỷ niệm cuộc Cải cách, ngài đã mời gọi “lắng nghe nhau về ý nghĩa của việc kỷ niệm này” và “tái khám phá những gì người Luther và người Công giáo có chung với nhau, đồng thời can đảm giải quyết những xung đột trong lịch sử”.

Đức hồng y cũng vui mừng về việc Ủy ban Luther-Công giáo vì hiệp nhất quyết định bắt đầu cuộc đối thoại về chủ đề rửa tội (Bí tích Rửa tội và sự lớn lên trong tình hiệp thông); đây là một bước quan trọng nữa trên con đường đào sâu sự hiểu biết giữa Luther và Công giáo.

Ngài đánh giá, công việc này có thể mở ra khả năng sẽ có một Tuyên ngôn chung về “Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ”.

Hiệp nhất là hoàn thành Cải cách
Đối với Đức hồng y Koch, “thành công thực sự của cuộc Cải cách chỉ có thể đạt được một khi vượt qua những chia rẽ do lịch sử để lại” và do đó “những nỗ lực đại kết nhắm đến hiệp nhất thực tế là sự hoàn thành chính cuộc Cải cách”.

Đức hồng y Koch kết luận bằng cách kêu gọi cần có óc thực tế khi kỳ vọng lẫn nhau: “Giáo hội Công giáo, chẳng hạn, đừng áp đặt quyền giáo hoàng với các tín hữu Luther và các tín hữu Luther đừng áp đặt việc chia sẻ Thánh Thể”.

Đức giám mục Munib A. Younan (thuộc Giáo hội Luther), Chủ tịch FLM, lưu ý rằng “tài liệu này có thể là một công cụ quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ và quan trọng hơn, là chứng từ chung, trong mọi bối cảnh”.

Đức giám mục Eero Huovinen (thuộc Giáo hội Luther), đồng chủ tịch của Ủy ban Luther-Công giáo vì hiệp nhất, nhấn mạnh rằng các tín hữu Luther và tín hữu Công giáo cần tập trung vào những điểm chung với nhau về các vấn đề thần học.

 

 (Zenit, 18-06-2013)
 
(Nguồn: http://hdgmvietnam.org)

 

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top