Giáo hội Công giáo tại Libya trong cơn chính biến
WHĐ (28.02.2011) – Tiếp theo Tunisia và Ai Cập, làn sóng phản kháng chính quyền, đòi tự do dân chủ đang bùng phát mạnh mẽ tại Libya, kéo dài từ ngày 15 tháng Hai đến nay. Người biểu tình đã tập trung quanh hai thành phố lớn nhất của Libya là thủ đô Tripoli ở phía tây và Benghazi ở phía đông.
Như đã biết, chính quyền Libya hiện do ông Muammar Ghadafi lãnh đạo trong suốt 42 năm qua.
Ngày 18 tháng Hai, những người tham gia biểu tình, được sự hợp tác của cảnh sát và những đơn vị quân đội rã ngũ, đã kiểm soát được gần toàn bộ Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Tính đến nay, đã có hàng vạn người thương vong.
Ngày 21 tháng Hai, máy bay chiến đấu của không quân Libya đã tấn công những người biểu tình tại Tripoli. hành động này lập tức gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công luận quốc tế.
Nhiều quốc gia lên án chính phủ của Gaddafi đã sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình, giết chết hàng trăm người Libya. Hoa Kỳ đã đặt lệnh trừng phạt đối với Gaddafi. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết phong tỏa tài sản của Gaddafi, con trai và con gái của ông, cùng 10 thành viên thân cận. Nghị quyết cũng áp đặt lệnh cấm đi lại đối với những người này.
Tình hình tại Libya hiện hết sức căng thẳng.
Các nguồn tin quốc tế cho hay, hàng trăm ngàn người Libya và các ngoại kiều đã tìm cách rời khỏi Libya.
Phóng viên Alan Holdren của hãng tin Catholic New Agency (CNA) đã có bài tường thuật từ thủ đô Tripoli ( Libya), với nhan đề:
Giữa lúc diễn ra những cuộc cuộc biểu tình dữ dội, các vị thừa sai Công giáo vẫn tiếp tục công việc truyền giáo tại Libya.
Sau đây là nội dung bài viết:
“Giữa lúc đang diễn ra cuộc chạm trán dữ dội giữa những người phản kháng và lực lượng quân sự bảo vệ chính quyền, các vị thừa sai Công giáo vẫn tiếp tục thi hành phận sự của mình.
Nhà lãnh đạo quốc gia, ông Muammar Ghadafi, đã cố hết sức dập tắt cuộc nổi dậy của những người chống đối đang xuống đường đòi tự do. Benghazi và các thành phố khác thuộc miền đông hiện do những người biểu tình kiểm soát với sự hậu thuẫn của quân đội.
Tripoli vẫn còn là điểm nóng của cuộc xung đột. Các cơ quan thông tấn quốc tế vẫn tiếp tục loan tải các tin tức về những cuộc đánh bom và giết người tràn lan của phe chính phủ. Việc xác nhận tin tức cũng như mở các đường thông tin liên lạc vẫn còn bị hạn chế.
Ước tính, đến nay có khoảng từ 1 ngàn đến 10 ngàn người bị thiệt mạng. Cũng có nhận định cho rằng các cuộc đụng độ sẽ trở thành cuộc nội chiến. Hàng ngàn người dân, đặc biệt là công dân nước ngoài cư trú tại Libya, đã được sơ tán với số lượng lớn.
Linh mục Mussie Zerai, thuộc tổ chức cứu trợ Habeshia của Ý, nói với hãng tin Misna: một số người Phi châu nhập cư bất hợp pháp bị bắt giam trong các nhà tù, nay đang bị ép buộc phải chọn lựa, hoặc trở thành lính đánh thuê hoặc sẽ bị giết.
Ngoài ra còn có các nguồn tin cho biết, những người đàn ông nhập cư bị cảnh sát đến tận nhà, bắt đi đánh thuê, trở thành bia đỡ đạn cho Ghadafi.
Cơ quan thông tấn SIR tường thuật, Giáo Hội Công giáo đang giúp cho khoảng 500 người nhập cư, phần lớn là người Eritrea, được di tản khỏi Libya.
Các linh mục và tu sĩ Công giáo đang đương đầu với bão tố chính trị theo cách riêng của mình. Các vị vẫn làm việc. Nhiều nữ tu đã làm việc thêm giờ, tiếp nhận những ca thương vong trong những cuộc đụng độ.
Từ Benghazi, nữ tu Elisabeth, Dòng Bác Ái Đức Mẹ Vô Nhiễm, nói với phóng viên Misna: “Chúng tôi vẫn được an toàn, tiếp tục công việc của mình, mặc dù tình hình vẫn không sáng sủa và cũng chẳng biết ai đang lãnh đạo thành phố”.
Chị cho biết: “Cảnh sát và quân đội đã biến mất, mọi người đều nghĩ đến sự an toàn của mình, bảo vệ nhà cửa, công ăn việc làm và họ hàng thân thích”.
Nữ tu Elisabeth nói chị không rõ có bao nhiêu người bị thương hoặc bị giết, nhưng tin là rất nhiều.
Chị nói thêm: “Người dân Libya đã rất mệt mỏi”.
Đức cha Sylvester Magro, Đại diện Tông tòa giáo phận Benghazi, trong một cuộc trả lời điện thoại phóng viên CNA, nói mối quan tâm chính của Giáo Hội tại Libya là “đến với các bệnh nhân và những người chịu đau khổ”, đó là “cách đóng góp rất quý báu của chúng tôi, vì được gần gũi với con người”.
Đức cha nói, vào lúc này, người Công giáo Libya đang chia sẻ số phận với mọi người Libya.
Đức cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Đại diện Tông tòa Tripoli, hôm 23-02-2011, đã nói với hãng tin Fides: “Cộng đoàn Công giáo tại Libya hoàn toàn là những người nước ngoài”.
Trong khi phần lớn những kiều dân Âu châu đều đã di tản, thì những người Philippines, chủ yếu là y tá bệnh viện, đã ở lại. Còn những người Phi châu nhập cư là “những người cần được giúp đỡ nhất”.
Đức cha Martinelli cho biết, ngài tin rằng “rất nhiều người chỉ mong được hòa bình”.
Ngài cũng nói Giáo hội tại Tripoli không gặp bất kỳ rắc rối nào: “Chúng tôi thậm chí đã nhận được những biểu hiện của sự liên đới từ nhiều người Libya, qua hình thức giúp đỡ đối với các nữ tu cũng như đối với giáo dân, như các y tá Philippines đang phục vụ tại các bệnh viện địa phương”.
Ngài thuật lại hiện đang theo dõi tình hình của các cộng đoàn tu sĩ. Đối với những người đang làm việc suốt ngày đêm để điều trị cho các nạn nhân, họ đều nhận được thông báo có thể di tản nếu thấy có sự bất ổn về tinh thần hoặc thể chất.
Đức cha Martinelli cũng nói, một nhóm nữ tu làm việc với những người nhập cư tại Tripoli có thể sớm được rời khỏi thành phố, vì “tình hình thật quá bấp bênh”.
Đức cha Martinelli và Magro là hai vị giám mục đang cai quản và phối hợp các hoạt động của Giáo hội tại các Giáo phận Tông tòa Tripoli, thủ đô, thuộc phía tây Libya, và Giáo phận Tông tòa Benghazi, phía Đông.
Để phục vụ các cộng đồng di dân lớn và đa dạng, ít nhất cũng phải tổ chức một Thánh lễ mỗi tuần cho 10 nhóm ngôn ngữ và quốc tịch khác nhau.
Các người Hàn Quốc, Ấn Độ, Eritrea và Philippines chọn dự Thánh lễ được cử hành tiếng Anh, tiếng Ý, Pháp, Ba Lan và Ả Rập.
Các hoạt động giáo xứ do các linh mục dòng Phan sinh đảm trách. Tại nhiều thành phố và thị trấn, cũng đã có các cộng đoàn tu sĩ, nhất là tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn Benghazi.
Hiện cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn và con số thương vong có thể thấy trước sẽ rất bi đát.
Ông Gianni Pitella, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, nói với Đài phát thanh Vatican rằng, Nghị viện đã nhận được báo cáo xác nhận có đến 10.000 người thiệt mạng. Ông cũng lưu ý, con số sẽ còn tăng lên từng giờ.
Ông nói: “Chế độ đang điên cuồng áp dụng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp bạo liệt nhất, nhằm ngăn cản các công dân đang có mặt tại các quảng trường, trên những đường phố, không cho họ được nhìn thấy ước mơ tự do của mình thành hiện thực”.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô