Giáo Hội còn thánh thiện không?

Giáo Hội còn thánh thiện không?

Giáo Hội còn thánh thiện không?
Phỏng vấn của Giovanni Tridente với linh mục Miguel De Salis

WHĐ / ZENIT (19.02.2010) - Thứ ba 16-02 vừa qua, ĐTC Bênêđictô XVI đã triệu tập các giám mục Ireland về Rôma, để cùng với ngài giải quyết việc nhiều linh mục Ireland bị tố cáo về những vụ bê bối.

Sự kiện đang gây xôn xao trong dư luận tại Ireland đã khiến nhiều người băn khoăn: liệu Giáo Hội có còn thánh thiện không?

Góp phần trả lời câu hỏi trên, linh mục linh mục Miguel De Salis, người Bồ Đào Nha, giáo sư Phân khoa Thần học của Giáo hoàng học viện Thánh Giá, đã trình bày sự thánh thiện của Giáo Hội trong cuốn “Concittadini dei santi e familiari di Dio. Studio storico-teologico sulla santità della Chiesa” (Đồng hương của các thánh và những người thân trong gia đình của Thiên Chúa – Nghiên cứu sử học và thần học về sự thánh thiện của Giáo Hội).

Nhà báo Giovanni Tridente của Zenit đã phỏng vấn linh mục Miguel De Salis với mong muốn tìm hiểu những gì đang là vấn đề của ngày hôm nay.

Sau đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của linh mục De Salis

***

Trong Lời nói đầu quyển sách của cha, Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Bộ trưởng Bộ Phong thánh, có nói về sự thánh thiện như “một quà tặng của Thiên Chúa” và là “sự đáp ứng của con người trước lời mời của Thiên Chúa”. Phải chăng Giáo Hội của thế kỷ XXI còn thiếu món quà này?

Cha De Salis: Tôi không nghĩ vậy. Không có vấn đề quà tặng và cũng không có vấn đề đáp trả. Tôi chỉ suy nghĩ về làn sóng thánh thiện dậy lên từ những con người như Mẹ Teresa, Padre Pio, Maximilian Kolbe, Piergiorgio Frassati, Gioan Phaolô II và nhiều người khác. Tôi chỉ đề cập một số gương mặt lớn - những nhân vật ghi đậm dấu ấn trong lịch sử gần đây của chúng ta.

Có phải đằng sau một số tin tức được đăng tải gần đây, vẫn còn có thể nhận ra sự thánh thiện của Giáo Hội?

Cha De Salis: Đúng vậy, nhưng cũng có khi không phải dễ dàng nhận ra được đâu. Một số tin tức cho thấy đã có thương tổn và khi bị thương tích thì khó mà nhận ra các bộ phận khác của cơ thể vẫn còn khỏe mạnh, không phải đều bị tổn thất cả đâu. Mặt khác, chúng ta biết, mọi Kitô hữu chúng ta đều phải hoán cải mỗi ngày, đều cần phải thanh luyện để có thể nhìn thấy sự thánh thiện. Công đồng Vatican II nhắc lại trong Lumen Gentium, 8: “Khi cưu mang các tội nhân trong lòng mình, Giáo Hội cùng một lúc vừa là thánh vừa không ngừng được kêu gọi phải thanh luyện và theo đuổi con đường của thống hối và canh tân”.

Nhưng phải chăng điều đó biện minh cho tội lỗi?

Cha De Salis: Chẳng có cách nào khác. Mọi tội đều là hành động chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài. Hiển nhiên là như vậy, ngay cả khi chỉ có một trường hợp được xác minh là có lạm dụng thì cũng đã là một vấn đề rất nghiêm trọng, hoàn toàn đối lập với Tin Mừng, một hành vi bạo lực khủng khiếp đối với con cái của Chúa rồi. Đừng sợ sự thật. Chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, không đặt nơi con người, cũng không tin có một cuộc sống thiếu cảm thức về tội.

Cha giải thích thế nào về những lời cáo buộc các mục tử của Giáo Hội đã từng không can thiệp khi xảy ra một số trường hợp lạm dụng?

Cha De Salis: Giáo Lý Hội Thánh, số 827, dạy rằng: “Tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, trong đó có các thừa tác viên, phải nhìn nhận mình là tội nhân. Nơi mỗi người, cỏ dại của tội lỗi hằng chen lẫn với hạt giống tốt của Tin Mừng cho mãi đến tận thế. Vì vậy Hội Thánh quy tụ các tội nhân được Chúa Kitô đem vào ơn cứu chuộc của Người, nhưng vẫn luôn phải thánh hóa bản thân”. Lịch sử đã cho thấy, có những phần tử trong Giáo Hội hành động phản Tin Mừng nhưng cũng lại có nhiều mục tử (Giáo Hội đã có hơn 5000 giám mục) phục vụ các tín hữu với tinh thần quên mình và quảng đại khó lòng kể hết. Chúng ta nghĩ đến những vị giám mục từng bị cầm tù ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa tổng kết. Tôi tin rằng tất cả những điều đó mời gọi chúng ta đừng nhụt chí.

Trước nghịch lý giữa sự thánh thiện và tội lỗi trong Giáo Hội, cần phải sống kinh nghiệm của Giáo hội đã trải qua trong lịch sử, để hiểu biết tường tận trước khi đưa ra câu trả lời mới. Nghĩa là phải nhìn lại đằng sau và xem xét quanh ta. Có thể sẽ phải ngạc nhiên mà nhận ra rằng Thiên Chúa bất chấp tất cả, Ngài vẫn ở giữa chúng ta. Và điều đó sinh ra hai hệ quả căn bản.

Thưa cha, đó là những hệ quả nào?

Cha De Salis: Hệ quả thứ nhất là, chúng ta hy vọng không phải vì ngây thơ hay vì không hiểu biết, mà niềm hy vọng đó có căn nguyên sâu xa trong niềm tin chắc chắn sẽ được Thiên Chúa cứu giúp. Hệ quả thứ hai là trách nhiệm của mọi tín hữu trong Hội Thánh được xây dựng trên lời mời gọi của Thiên Chúa muốn các tín hữu hợp tác với Ngài thực thi sứ vụ. Nói khác đi, cần phải đáp lại tội lỗi của tha nhân bằng cách sống thánh thiện chứ không bằng một tội lỗi khác. Không nên cho rằng rằng đưa ra câu trả lời phải sống thánh thiện xem ra thụ động quá. Có nơi cho con người thực hiện việc sáng tạo: các thánh chính là những người sáng tạo.

Giáo hội thực sự là thánh?

Cha De Salis: Theo truyền thống, giải thích sự thánh thiện của Giáo Hội bằng cách phân biệt hai khía cạnh. Trước hết, thánh là những gì vốn khách quan là thánh thiện: các bí tích, Lời Chúa, sự hiện diện của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, luật luân lý và tất cả mọi ân huệ Chúa ban để thực hiện các nhiệm vụ Chúa đã giao phó.

Thứ hai, bao gồm mọi hoa trái của sự thánh thiện do ơn Chúa mang lại, đó là các vị thánh và cuộc sống thường nhật được ơn nghĩa với Chúa ngay ở đời này. Tuy nhiên, cách phân biệt này về sự thánh thiện của Giáo Hội không giải thích rõ sự ảnh hưởng của tội lỗi trong Giáo Hội, và do đó, trong đời sống thánh thiện của Giáo Hội .

Vậy Cha giải thích như thế nào về hai yếu tố trong một thời đại như thời của chúng ta đang sống?

Cha De Salis: Sẽ luôn có một số rối loạn trong đời sống của Giáo Hội và sẽ luôn có những thách thức đang chờ một lời giải đáp sáng tạo cần phải có sự làm việc khéo léo và có thời gian. Đây là cuộc sống của người Kitô hữu trên trần thế: luôn luôn phải vác Thánh Giá để bước vào trời mới đất mới. Đây là một ví dụ: Đấng đáng kính Newman đã từng nói, nghiên cứu lịch sử của Giáo Hội thời xa xưa, thấy sau mỗi lần họp Công đồng, trong Giáo Hội lại xảy ra nhiều rắc rối. Ngay cả ngày nay, vẫn có những mơ hồ, dường như còn nhiều hơn xưa do sự quảng bá của các phương tiện truyền thông.

Cha có nghĩ rằng, các linh mục tại nhiều quốc gia có thể coi là xứng đáng với chức vị của mình không?

Cha De Salis: Ông thấy, số lượng các linh mục trên toàn thế giới phục vụ các tín hữu vào khoảng 400.000 vị. Các ngài cử hành Thánh lễ, dạy giáo lý, chăm lo cho các bệnh nhân, giúp đỡ các gia đình... Các linh mục làm những việc tốt lành mà không cần tiếng vang, không xuất hiện trên mặt báo; ngược lại chỉ có cái ác xấu xa mới xuất hiện trên báo thôi. Chỉ cần thấy có biết bao linh mục đã thiệt mạng trong những năm gần đây vì đã dấn thân sống với nhưng người nghèo khổ nhất, hoặc bị bách hại vì đức tin của mình và bảo vệ quyền con người.

Hơn nữa, cần phải hiểu rằng tin tức thường được trình bày theo kiểu câu khách, nhằm thu hút sự chú ý của chúng ta, kích động bằng những hiệu triệu khác nhau. Vào lúc diễn ra mạnh mẽ trào lưu tục hóa như hiện nay, hành vi sai phạm trong số các linh mục có số tỉ lệ tương đương, nếu không muốn nói là thấp hơn tỉ lệ hành vi sai phạm của dân thường trong xã hội phương Tây.

Điều này không làm thay đổi thực tế là có những trường hợp nghiêm trọng có lẽ đã không được nhìn nhận một cách đúng đắn. Hàng giáo phẩm đã ra tay và cố gắng giải quyết vấn đề, và nếu cần thì cũng sẵn sàng xin được tha thứ.

Cha không nhận thấy sau mọi việc như thế sẽ có thái độ ngược lại không?

Cha De Salis: Hiển nhiên là như vậy. Chúng ta nhận thấy nơi một Kitô hữu có sự tương phản giữa việc làm và mong ước. Trong trường hợp đó, một vị giáo phẩm hay một tu sĩ thì cũng có điều nghịch lý chẳng khác giáo dân là mấy. Món quà tự do Chúa ban cho con người có thể hướng con người đến điều tốt hoặc điều xấu, ngay cả tất cả chúng ta đều là thành phần của Giáo Hội, là linh mục hay không. Điều này là không đáng ngạc nhiên nếu biết tin tưởng vào Chúa và chẳng lấy làm điều về cách sống của những con người của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta không buộc phải cam chịu hoặc tập thói quen đối phó với cám dỗ phạm tội, bởi Thiên Chúa đã yêu cầu tất cả mọi người, qua cuộc sống của mình, thông truyền tình yêu Chúa đã ban cho mọi người. Về thực chất, trước một hành vi mâu thuẫn hoặc xúi giục chúng ta phạm tội, chúng ta không được mắc tội thất vọng, cũng không được thờ ơ, không được phán đoán liều lĩnh, hoặc là giận dữ. Thay vào đó, noi theo thái độ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đáp lại bằng sự thánh thiện và quay về với ơn Chúa giúp.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top