Giáo Hoàng, Giáo Tông, Giáo Chủ?

Giáo Hoàng, Giáo Tông, Giáo Chủ?

Sau năm 1975, trên báo chí, người ta bắt đầu gọi vị đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ là giáo chủ hay đức giáo chủ chứ không còn gọi như trước là đức giáo hoàng hay đức giáo tông. Về phía Giáo Hội thì cũng chỉ xưng đức thánh cha. Chúng ta thử xem cách gọi nào tốt hơn.

1. Danh xưng của đức thánh cha (Papa, Pope), vị thủ lãnh tối cao của Giáo Hội hoàn vũ (Caput Universalis Ecclesiae, Supreme leader of the Church), theo thứ tự được ghi trong Niên Giám Giáo Hoàng 2007 như sau [1]:

(1) Giám mục Rôma (Episcopus Romanus, Bishop of Rome).

(2) Đại diện Chúa Kitô (Vicarius Christi, Vicar of Christ).

(3) Đấng kế vị Thánh Phêrô, Thủ lãnh các tông đồ (Successor principis apostolorum, Successor of the Prince of the Apostles).

(4) Thượng giáo chủ của toàn thể Giáo Hội (Summus Pontifex Ecclesiae Universalis, Supreme Pontiff of the Universal Church) hay vắn tắt là Thượng Giáo Chủ (Đại Trưởng Tế, Đức Giáo Hoàng ) (Pontifex Maximus, Maximus Pontiff).

(5) Giáo Trưởng nước Ý (Primas Italiae, Primate of Italy).

(6) Tổng giám mục và tổng giáo chủ (Đại giám mục) Giáo tỉnh Rôma (Archiepiscopus et metropolitanus provinciae ecclesiasticae Romanae, Archbishop and Metropolitan (từ hai chữ meter : “mẹ” và polis : “thành phố” ) of the Roman Province).

(7) Quốc vương nước Vatican (Princeps sui iuris civitatis Vaticanae, Sovereign of the State of the Vatican City).

(8) Tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa (Servus Servorum Dei, Servant of the Servants of God).

Ngoài ra, Giáo Luật (x. Can 331) còn ghi những danh xưng như [2]:

(9) Đức Giáo hoàng Rôma (Romanus Pontifex, The Roman Pontiff).

(10) Thủ lãnh của Giám mục đoàn (Caput collegii, Head of the college of Bishops).

(11) Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian (Universae Ecclesiae his in terris Pastor, Pastor of the universal Church on earth).

ĐTC Bênêđictô XVI đã bỏ danh xưng Thượng Phụ Giáo Chủ Tây Phương (Patriarcha Occidentis, Patriarch of the West) ra khỏi Niên Giám Giáo Hoàng từ năm 2006.

2. Hai danh xưng thường được sử dụng nhiều nhất là:

- Papa (Pope, do bởi chữ Hy Lạp pappas nghĩa là cha), tiếng thân mật của con cái gọi cha mình hay của người vợ gọi người chồng. Ban đầu papa cũng được dùng để gọi các vị tư tế. Từ thế kỷ III (kh. 250), dùng để gọi các vị Giám mục ở Tiểu Á và Alexandria. Bên Tây Phương, danh xưng này được dành cho vị giám mục Rôma từ thời Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461), và kể từ năm 1073, papa trở thành danh xưng riêng của các vị giáo hoàng. Trong tiếng Việt, Papa ngày xưa dịch là đức thánh baba, sau này dịch là đức thánh cha. Danh xưng này không có trong các bảng liệt kê chính thức, nhưng lại được biết và được sử dụng nhiều nhất, từ này thường xuất hiện dưới dạng viết tắt là PP. sau danh hiệu hoặc chữ ký của các vị giáo hoàng trong các văn kiện mang dấu ấn của các ngài. Ví dụ: “Benedictus PP. XVI”, chữ “PP.” là viết tắt của chữ “Papa”.

- Maximus Pontifex (Pontiff Maximus) Tiếng Việt có nhiều cách dịch: đức giáo hoàng, đức giáo tông hay đức giáo chủ. Maximus nghĩa đen là vĩ đại; Pontifex [3] (Lt. pons = cây cầu + facere = làm, xây dựng), nghĩa đen là người thiết lập chiếc cầu. Trong nước Rôma ngoại giáo, từ này để chỉ tước hiệu tư tế, sau đó là tước hiệu của nhà vua. Kể từ thế kỷ V, tước hiệu này dành cho các vị giám mục, nhưng trong truyền thống Kitô Giáo thường dùng để chỉ đức giáo hoàng.

3. Trong tiếng Việt, Maximus Pontifex có người dịch là đức giáo chủ, Patriarch dịch là thượng phụ giáo chủ, Metropolitan dịch là trưởng giáo chủ, Primate (Giám mục hàng đầu, thứ nhất) dịch là giáo chủ, Cardinal thường dịch là hồng y, nhưng có khi cũng dịch là hồng y giáo chủ... ! Như vậy, từ "giáo chủ" được gán hoặc ghép cho các tước hiệu vừa kể có thực chính xác hay không?

4. Ý nghĩa của các thuật từ giáo hoàng, giáo tông, giáo chủ:

4.1. "Giáo Hoàng”教皇. Giáo có những chữ Hán này: 教, 校, 挍, 窖, 覺, 較, 酵, 餃. Ở đây là chữ 教 (giáo), có nghĩa: dt. (1) Người làm nghề dạy học: Cô giáo. (2) Hệ thống các giáo lý giảng về quan hệ giữa người và Đấng Tạo Hóa: Tôn giáo. (3) Kitô Giáo: Đoàn kết lương giáo, đt. (4) Dạy cách thức: Hỗ giáo hỗ học (dạy lẫn nhau và học lẫn nhau). (5) Bảo: Thỉnh giáo.

Nghĩa Nôm: dt. (1) Khí giới thời xưa nhọn cán dài: giáo mác. (2) Hệ thống các thanh vật liệu bắc lên cao: Thợ nề trên tầng giáo. đt. (3) Quấy cho nhuyễn, cho đặc lại: Giáo bột làm bánh. (4) Hát giới thiệu trò diễn sắp trình bày: Câu giáo trò. (5) Nói gần nói xa về việc định làm: Có gì cứ nói, làm gì phải giáo trước.

4.2. Hoàng có những chữ Hán này: 皇, 黃, 簧, 潢, 磺, 蟥, 癀,鱑, 凰, 偟, 徨, 篁, 喤, 蝗, 煌, 惶, 隍, 遑, 鰉, 鍠. Trong thuật từ giáo hoàng là chữ皇 (hoàng).

皇(Hoàng): Chữ này thay đổi rất nhiều theo thời gian, chứ không đơn thuần như người ta lầm tưởng là bộ 白(bạch) và chữ 王(vương). Theo cuốn “Tìm về cội nguồn chữ Hán” của Lý Lạc Nghị: Hoàng là chữ gốc của煌 (hoàng, như huy hoàng). Phần dưới chữ vốn là chân đèn; ba nét sổ phía trên là ánh đèn sáng. Đến Tiểu triện thì phần trên viết nhầm thành 自 (tự), đến Lệ thư lại biến thành白(bạch).

Còn theo cuốn Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển thì chữ hoàng tuy bộ白 (bạch), nhưng kết cấu thì thuộc “hội ý”, trên mặt trời toả ánh sáng chói lọi, mặt trời mọc lên khỏi mặt đất thì sáng rực, diễn nghĩa cho chữ白 (bạch), phần trên của chữ皇(Hoàng). Có các nghĩa sau: dt. (1) Họ Hoàng. (2) Vua: Hoàng đế. (2) Trời: Hoàng thiên. (3) Đạo giáo (của Lão Tữ) tôn vị thần chính yếu của họ là Hoàng (4) Thời kỳ quân chủ gọi cha của hoàng đế là hoàng: Thái thượng hoàng (Thái thượng có nghĩa là rất tôn kính, vì không can dự quốc sự nên không xưng là đế). (5) Người con tôn kính người cha đã qua đời cũng gọi là hoàng: Hoàng khảo. đt. (6) Cứu giúp vua. (7) Mở rộng. tt. (8) Lớn, vĩ đại. (9) Trang nghiêm. (10) Rực rỡ. (11) Mỹ thiện. (12) Quang minh.

Hoàngvương đều có nghĩa là vua và vĩ đại, nhưng có khác biệt, theo thói quen thì nói hoàng thiên mà không nói vương thiên, dùng quốc vương mà không dùng quốc hoàng.

4.3. “Giáo Tông”教宗. Tông (宗) cũng có nhiều chữ Hán宗, 椶, 朡, 柡, 淙, 鬃, 騌, 鬉, 騣. Trong trường hợp này là chữ 宗 (tông). Chữ này theo phiên thiết là作 (tác) 東 (đông), lấy phụ âm “T” của chữ “tác” nối với vần “ông” của chữ “đông”, nên phải đọc là tông. Chữ này trước triều Nguyễn vẫn đọc là tông, sau vì kiêng tên húy vua Thiệu Trị mới đọc là tôn, như vậy thuật từ nào có liên quan đến chữ này đều đọc là tôn, như: tôn giáo, nhưng lại nói tông đường. Tông hay tôn có những nghĩa sau đây: dt. (1) Họ Tông. (2) Dòng họ: Đồng tông. (3) Tổ tiên: Liệt tông. (4) Người được mọi người noi theo: Nhất đại thi tông (nhà thơ giỏi nhất đương thời) ; (5) Trưởng tử. (6) Nhóm theo cùng một thuyết: Chính tông; Tông giáo (chủ thuyết dạy lối phải tin tưởng và hành động: religion). (7) Danh hiệu của vua. đt. (8) Kính trọng. (9) Căn bản. (10) Miếu thờ tổ tiên. (11) Từ giúp đếm: Sự, món, vu (lượng từ), “điều”: Nhất tông tâm sự. (12) Tôn sùng. tt. (13) Cùng họ với nhau. (14) Chủ yếu: Tôn chỉ.

Nghĩa Nôm, Tông: Giống nòi qua các thế hệ; Con nhà tông: không giống lông cũng giống cánh; Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống; Thài lài mọc cạnh bờ sông, tuy rằng xanh tốt vẫn tông thài lài ; Yêu người yêu cả đường đi; ghét người ghét cả tông chi họ hàng.

4.4. "Giáo Chủ Ừ 教主: Chủ (主) : Có mấy chữ Hán : 主, 拄, 麈, 宔, 踽, 偊, 劚, Ở đây là chữ主 (chủ), là chữ gốc của 炷 (chú : bấc đèn). Giáp cốt văn nói là hình một bó đuốc. Thời cổ xưa, ngọn lửa là rất quí, thường thường do tộc trưởng bảo quản, vì thế cũng dùng để chỉ người thủ lãnh. Sau đó nghĩa mở rộng thành quân chủ, chủ nhân, chủ trì [4]…

主 (Chủ) có nghĩa: dt. (1) Lửa trong đèn; (2) Người đương sự. (3) Chủ trương. (4) Căn bản. (5) Tín đồ tôn giáo xưng vị thần của họ. (6) Bài vị của kẻ chết. (7) Chủ yếu. (8) Người chủ: Chủ nhân. (9) Người có quyền. (10) Người có quyền sở hữu: Địa chủ. (11) Vua chúa: Quân chủ. (12) Người bị hại: Khổ chủ. đt. (13) Chủ trương. (14) Chịu trách nhiệm chính: Chủ nhiệm. (15) Thống trị. tt. (16) Quan trọng nhất: Chủ lực. (17) Thuộc về mình: Chủ quan.

Giáo chủ phân tích từng chữ có nhiều nghĩa, nhưng thuật từ giáo chủ là người sở hữu tôn giáo đó, nghĩa là: người sáng lập một tôn giáo [5], ví dụ: Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của đạo Phật.

5. Nhận xét

Giáo Hoàng: Giáo là tông giáo, hoàng là vua. Chúng ta nên hiểu hoàng trong thuật từ này hoàn toàn không có nghĩa là lớn cả, vì khi hoàng là tĩnh từ mới có nghĩa là lớn, trong thuật từ giáo hoàng thì hoàng không phải là tĩnh từ. Theo từ ngữ giải nghĩa là vị vua của đạo mà thôi. Khi chúng ta xưng vị lãnh đạo của Giáo Hội là vua thì không thích hợp cho lắm. Chúng ta không phủ nhận có vị vua rất tốt, như vua của Thái Lan rất được dân chúng kính trọng. Nhưng khi chúng ta xưng vị lãnh đạo của đạo chúng ta là giáo hoàng thì còn mang tính cách phong kiến và chính trị.

Có một điều rất lạ trong giới Công Giáo người Hoa. Trong khi những người Công Giáo người Hoa trên toàn thế giới đều xưng vị lãnh đạo của chúng ta là giáo tông, thì chính quyền Trung Quốc lại xưng là giáo hoàng. Trong giới giáo hội “yêu nước” thì xưng là giáo tông, còn Giáo Hội “thầm lặng” cũng chia thành hai nhóm, các giáo sĩ thì xưng là giáo tông, còn giáo dân lại gọi là giáo hoàng. Chính quyền Trung Quốc xưng vị lãnh đạo giáo hội là giáo hoàng với ý nghĩ khinh rẻ, xem Ngài như di sản của chế độ phong kiến và vua của nước Vatican. Còn giáo dân của Giáo Hội “trầm lặng” thì tôn Ngài như vị lãnh đạo đáng kinh như vị vua thời xưa. Những cảm nghĩ này đều có tính cách chủ quan.

6. Kết Luận.

Giáo Hội tại Việt Nam dùng thuật từ giáo hoàng rất phổ biến, nhất là sau thời kỳ bị áp bức không dám dùng thuật từ này, mà cứ thấy người ta chỉ dùng thuật từ giáo chủ. Thuật từ giáo hoàng đã được sử dụng phổ biến như thế thì khó mà thay đổi não trạng người ta. Nhưng xét về mặt từ ngữ thì không thích hợp cho lắm. Tất cả những danh xưng dành cho vị lãnh đạo của Giáo Hội trong tiếng Latin hay Hippri đều không có từ nào ám chỉ Ngài là vị Hoàng đế gì cả. Thuật từ giáo tông không những có nghĩa là vị trưởng tử của Giáo Hội, mà còn có tính cách tông truyền nữa, cho nên thuật từ giáo tông thích hợp với vai trò vị lãnh đạo của Giáo Hội hơn.

Hơn nữa, tất cả những gì thuộc về giáo tông đều mang chữ tông cả, như Tông thư, Tông huấn, Tông sắc, Tông Toà..., thuật từ giáo tông có cùng một hệ thống với những từ vựng này, và chúng ta không thể nói Hoàng thư, Hoàng huấn, Hoàng sắc, Hoàng Toà... được. Tuy nhiên, người ta cũng gọi các uỷ ban của Toà Thánh là uỷ bản giáo hoàng, như Uỷ Ban Giáo Hoàng về Di sản Văn hoá của Giáo Hội, Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh..., và những thuật từ này chúng ta có thể thay thế bằng thuật từ giáo tông một cách dễ dàng, như: Uỷ ban Giáo Tông về Thánh Kinh...

Chúng ta cần suy nghĩ nên dùng thuật từ giáo tông không?

_____________________________________
[1] ANNUARIO PONTIFICIO 2007, Libreria Editrice Vaticana. ISBN 978-88-209-7908-9. Tiếng Việt, chúng tôi lấy theo quyển VIỆT NAM CÔNG GIÁO NIÊN GIÁM 1964, Tủ sách Sacerdos, Sài Gòn, 1963, tr. 18.
[2] Các danh xưng trong tiếng Việt, chúng tôi lấy theo bản dịch Giáo Luật của UBĐT, HĐGMVN.
[3] (http://en.wikipedia.org/wiki/Papal#Current).
(http://en.wikipedia.org/wiki/Pontifex_Maximus).
[4] Lý Lạc Nghị, Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997.
[5] Hán Ngữ Từ Điển, nxb Thương Vụ, Hồng Kông, 1968. Phan Văn Các (chủ biên), Từ Điển Hán Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001.

Top