Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (1)
«Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,19-20; x. Mc 16,14-18; Lc 24,36-49; Ga 20,19-23; Cv 1,6-8). Giảng dạy là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã uỷ thác cho các tông đồ và cho toàn thể Hội Thánh của Người phải thi hành trong dòng lịch sử nhân loại, khởi đi từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Vì thế, giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính yếu của Giáo Hội Chúa Kitô nhằm phục vụ cho thiện ích của cộng đồng nhân loại, nhất là trong việc đào tạo con người nên “người hữu ích” và trở thành những “công dân nước trời”[1]. Thao thức về tình hình giáo dục hiện nay đang trở thành những “vấn đề thời sự nóng bỏng”[2], Thư Chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách của việc “chấn chỉnh lại nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam”[3]. Trong công việc đầy khó khăn này, Năm Thánh Phaolô đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để định hướng công cuộc giáo dục, nhờ đó cộng đồng Công Giáo Việt Nam có thể sống, làm chứng và loan báo sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô[4]. Thực vậy, với Năm Thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi hãy noi gương bắt chước và học nơi thánh Phaolô như một lợi khí chính Chúa Giêsu đã tuyển chọn (x. Cv 9,15), là «thầy dạy muôn dân về đức tin và chân lý, tông đồ và là người loan báo Chúa Giêsu Kitô» (1Tm 2,7; 2Tm 1,11). Đặc biệt, chúng ta có thể tìm thấy nơi mẫu gương và giáo huấn của thánh Phaolô những chỉ dẫn quan trọng và cụ thể trong việc xây dựng một nền giáo dục toàn vẹn, giúp huấn luyện con người sống trưởng thành về mọi phương diện, nhất là trong hai lãnh vực nền tảng của đời sống người kitô hữu là đức tin và luân lý[5]. Đây cũng chính là đòi hỏi mà Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định về một «nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên»[6]. Trong ý hướng đó, bài chia sẻ này ước muốn tìm hiểu về cuộc sống và sứ điệp của thánh Phaolô, như một gợi ý cho việc áp dụng giáo huấn của thánh tông đồ trong việc thực thi sứ mạng giáo dục đức tin và luân lý cho các cộng đoàn tín hữu trên quê hương đất nước chúng ta.
1. GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xác định: «mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể»[7]. Như vậy, hồng ân đức tin mà người tín hữu đã nhận được nơi cộng đoàn Hội Thánh phải trở nên đức tin bản thân của cá nhân mỗi người. Trong chiều hướng đó, việc giáo dục đức tin «cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24)»[8]. Lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu vẫn luôn luôn mới trong hoàn cảnh của chúng ta hôm nay: «Các người rảo khắp mặt đất để tìm cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi thì các người làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người» (Mt 23,15). Vì thế, bất kể hoàn cảnh dễ dãi hay khó khăn, sứ mệnh giáo dục đức tin vẫn phải được kiên trì thực hiện bằng những phương thế khác nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi và mọi thời[9]. Nhờ đó, người kitô hữu không chỉ giữ đạo mà cần phải sống đạo và truyền đạo, không chỉ bảo vệ đức tin trước những gian nan thử thách, mà còn sống và làm chứng cho niềm tin ấy nữa.
1.1. Nhận biết Thiên Chúa
Trong một môi trường giáo dục vắng bóng Thiên Chúa như xã hội chúng ta ngày nay, việc giảng dạy cũng như học hỏi chỉ nhằm tập trung vào những kiến thức khoa học thực nghiệm, mà bỏ qua những thực tại siêu nhiên và các giá trị tôn giáo, qua đó từ chối sự hiện diện của Đấng là suối nguồn, căn nguyên và cùng đích của mọi tri thức. Điều này khiến cho người ta dễ kiêu ngạo, sống dựa vào những khả năng của chính mình mà phủ nhận hay quên đi quyền năng Thiên Chúa. Tình trạng này vẫn đang ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức của con người thời đại, như lời khẳng định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: «Một phần lớn xã hội hiện nay tỏ ra rất giống với nhân loại mà thánh Phaolô mô tả trong thư gửi giáo đoàn Rôma. Xã hội ấy gồm “những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý” (Rm 1,18): vì chối bỏ Thượng Đế và tưởng chừng có thể xây dựng thành trì nơi trần gian mà không cần đến Ngài, “đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rm 1,21-22); họ trở nên tác giả những hành động đáng chết và “không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy” (Rm 1,32)»[10]. Quả thật, cội rễ của tình trạng con người u mê trong tội lỗi là sự từ chối việc nhận biết Thiên Chúa: «Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương» (Rm 1,28-31). Vì thế, mối bận tâm của thánh Phaolô trong việc loan báo Tin Mừng và giáo dục cho các cộng đoàn tín hữu là luôn nỗ lực làm cho mọi người “nhận biết Thiên Chúa” hay “được Thiên Chúa biết đến”. Đây là thái độ được thánh Phaolô đề cao trong việc hoán cải những người tội lỗi, giúp họ thực tâm sám hối và trở về cùng Thiên Chúa: «Trước kia, khi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ những vật tự bản chất không phải là thần. Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn, được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa?» (Gl 4,8-9). “Biết Thiên Chúa” ở đây, có nghĩa là được giải phóng khỏi sự ngu dốt của việc làm nô lệ cho tà thần. Còn “được Thiên Chúa biết đến” đồng nghĩa với việc được Thiên Chúa tuyển chọn. Thánh Phaolô đặt cả hai chiều kích: “biết” và “được biết đến”, được giải phóng và được tuyển chọn, trên nền tảng là hành vi cứu chuộc của Đức Kitô. Con người chỉ có thể truy tầm chân lý toàn vẹn khi nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch chân lý. Sẽ chẳng ích gì khi người ta có thể học biết hết mọi lẽ khôn ngoan thế gian mà lại không biết gì về ân sủng, tình thương và ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, nhân loại sống dưới ảnh hưởng của thế giới tội lỗi lại yêu thích sự khôn ngoan của loài người hơn là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,18-31; 2,6-7). Do đó, loan báo mầu nhiệm thánh giá như «sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa» (1Cr 1,24), và công bố cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính yếu trong giáo huấn của thánh Phaolô. Thánh nhân nhắc cho chúng ta ý thức rằng trường dạy sự khôn ngoan đích thật để giúp cho người ta nhận biết Thiên Chúa ở chính nơi thập giá Chúa Giêsu Kitô, sự khôn ngoan đến từ trời cao[11]. Đây chính là kinh nghiệm bản thân của thánh Phaolô về sự liên kết mật thiết với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang sống trong ngài, chia sẻ với ngài trong mọi nỗi gian lao vất vả: «Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi» (Pl 1,20-21). Theo thánh Phaolô, «thập giá có vai trò ưu tiên thiết yếu trong lịch sử nhân loại; thập giá là điểm chính yếu của nền thần học của ngài, nói về thập giá có nghĩa là nói về ơn cứu độ như ân sủng mà Thiên Chúa ban cho mọi loài thọ tạo»[12]. Bởi thế, ngài đòi hỏi mọi người hãy tìm kiếm lẽ khôn ngoan duy nhất nơi Đấng Chịu Đóng Đinh: «tôi coi tất cả là sự thiệt thòi, so với mối tuyệt vời là là được biết Đức Kitô Giêsu là Chúa của tôi» (Pl 3,8). Thực vậy, trong việc giảng dạy thánh Phaolô «đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa» (1Cr 2,1), vì ngài «không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá» (1Cr 2,2;11,26). Nhờ thập giá của Chúa Giêsu Kitô, người tín hữu phân biệt rõ ràng giữa sự khôn ngoan của loài người và sự khôn ngoan của Thiên Chúa: «Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái» (1Cr 1,19). Sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa thì vượt quá khả năng của con người, không ai có thể hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Rm 11,33-35). Tuy nhiên Thiên Chúa đã mạc khải sự khôn ngoan ấy nơi Chúa Giêsu Kitô (1Cr 1,20-25). Chínhh Thiên Chúa đã yêu thương ban cho chúng ta thần trí của Đức Kitô (x. 1Cr 2,16) để chúng ta cũng được tham dự vào sự khôn ngoan vô lường của Thiên Chúa. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ lộ cách rõ ràng trong sự nghịch lý: thập giá là sự điên khùng, là cớ vấp phạm đối với thế gian, nhưng nơi Thiên Chúa đó là sự khôn ngoan sinh ơn cứu độ cho những người tin (x. 1Cr 1,22-25). Thế gian khinh thường sự yếu đuối, nhưng nơi Thiên Chúa, sự yếu đuối lại là sức mạnh giải phóng con người khỏi mọi tội lỗi lầm lạc (x. 2Cr 12,10). «Theo thánh Phaolô, đường lối của Thiên Chúa là vô lý đối với loài người, nhưng Đức Giêsu Kitô đã mặc khải sự hiểu biết kín nhiệm này và đã nhập thể nó vào cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người»[13]. Vì thế, khi nâng cao thánh giá của Chúa Kitô, người kitô hữu giới thiệu cho thế giới chiều kích cao sâu của mầu nhiệm thập giá như là sức mạnh và sự khôn ngoan giúp cho con người mở ra sự hiểu biết mới về Thiên Chúa đang hiện hữu, và giúp khám phá ra những chân lý vĩnh cửu về đời sống con người.
1.2. Bằng đời sống chứng nhân
Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam chúng ta, việc huấn luyện đức tin và việc giảng dạy giáo lý phần nào còn đang bị đóng khung trong các cộng đoàn giáo xứ và nơi các gia đình công giáo. Tuy nhiên, ngày nay người công giáo cũng đã có thể thâm nhập vào những môi trường khác nhau của đời sống xã hội, những anh chị em này rất cần một kiến thức căn bản về giáo lý để có thể sống đức tin của mình trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều này còn khẩn thiết hơn nữa đối với những người công giáo đang làm việc như công chức, giáo viên, kỹ sư hay bác sĩ… Hơn lúc nào hết, ngày hôm nay chúng ta được mời gọi hãy can đảm rao giảng và thảo luận về Nước Thiên Chúa theo như mệnh lệnh mà chính Chúa đã truyền cho thánh Phaolô: «Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh» (Cv 18,8). Sứ mạng của thánh Phaolô là làm chứng về Chúa Giêsu Kitô khổ hình và phục sinh, chính là để làm chứng về điều này mà ngài đã được đặt làm người rao giảng và làm tông đồ: «hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết» (Cv 26,16; x. 1Cr 15,1-34; 1Tm 2,7). Vì thế, thánh Phaolô đã can đảm rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh bằng chính cuộc sống và cái chết của ngài để thực thi đến cùng sứ mạng ấy. Đây cũng là sứ mạng của mọi kitô hữu qua mọi thời đại, một khi những người công giáo sống đức tin trưởng thành trong môi trường của họ, họ sẽ trở nên những «chứng từ sống động của người rao truyền»[14]. Điều này có thể phần nào đáp ứng được đòi hỏi của thế giới hôm nay vì «con người thời nay cần những chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy thì đấy bởi vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân»[15]. Cũng vậy, khi sống các giá trị của Tin Mừng, mỗi người kitô hữu sẽ trở thành một nhà giáo dục đức tin, thành sứ giả loan truyền tình thương của Thiên Chúa, và thành chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh cho những người xung quanh. Chẳng hạn, nơi trường học, chỉ cần có sự hiện diện của một giáo viên công giáo sống theo tinh thần Tin Mừng sẽ để lại những dấu ấn mạnh mẽ hơn những thuyết lý được dạy trong các giờ lên lớp; cũng thế, các bác sĩ công giáo có sự hiểu biết thực thi Giáo Huấn của Hội Thánh sẽ giúp cho các bệnh nhân can đảm hơn trong nỗ lực tôn trọng và bảo vệ sự sống con người… Quả thật, một đời sống thánh thiện như một chứng nhân đích thực có sức thuyết phục hơn là những luận chứng lý thuyết hay những bài giảng hùng hồn. «Như thế, kinh nghiệm về đức tin và về những ân huệ của Chúa Thánh Thần ban, trở thành nền tảng của mọi việc tông đồ, nơi thành thị hay thôn quê, trong trường học hay bệnh viện, giữa những kẻ tàn tật, di dân, các bộ lạc hay là khi theo đuổi công lý hoặc các quyền lợi nhân bản»[16]. Sống chứng tá theo gương Chúa Giêsu là cách sống Tin Mừng đích thực, khiến cho mọi hoàn cảnh đều trở thành thuận lợi cho việc loan báo Tin Mừng, và trong nhiều trường hợp trở thành phương thế duy nhất có thể được để thông truyền sứ điệp của Đức Kitô.
Thánh Phaolô là bậc thầy trong việc giảng dạy, ngài đã sống và làm chứng cho Chúa Kitô, chịu đau khổ và chết vì Người. Qua đó, ngài muốn «thông truyền cho các kitô hữu chúng ta công tác tông đồ đích thực. Đó là làm cho từng người biết rằng Thiên Chúa gần gũi họ và yêu thương họ vô biên, không phân biệt kỳ thị»[17]. Cảm nghiệm được Chúa yêu thương đến cùng là kinh nghiệm bản thân của thánh Phaolô và đã giúp ngài khám phá ra chân lý cứu độ và con đường công chính của cuộc sống con người. Thực vậy, tất cả những gì thánh Phaolô làm đều xuất phát từ trung tâm của tình thương ấy: «Tôi sống trong niềm tin Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi» (Gl 2,20). Niềm tin của ngài là kinh nghiệm của một người đã được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, được Ngài biết đến và yêu thương cách đặc biệt, một tình yêu đánh động tận thâm tâm và biến đổi cuộc đời thánh nhân. Tình yêu ấy nay trở thành sức mạnh cho cuộc đời của thánh nhân và cũng là tự do của ngài, làm cho ngài tín thác mãnh liệt vào Đức Kitô: «Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Ai yêu thì sống hoàn toàn trong trách nhiệm về tình yêu ấy và không coi tự do như một cái cớ cho sự hành động độc đoán và ích kỷ của mình. Vì thế, niềm tin của ngài không phải là một lý thuyết hay một ý niệm về Thiên Chúa và về thế giới, mà chính là ảnh hưởng của Thiên Chúa trên con tim và khối óc của ngài, thôi thúc ngài loan báo, chia sẻ tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
1.3. Sự vâng phục của đức tin
Giảng dạy là truyền đi một sứ điệp đến từ Thiên Chúa, còn tin là một sự biến đổi toàn diện, đòi hỏi lòng thống hối và sự trở về với Thiên Chúa để thuộc trọn về Đức Kitô: «Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô» (Gl 3,26-27). Việc giáo dục đức tin khơi lên sự đáp trả của con người, nó khiến người ta tự do lựa chọn trước lời mời gọi của Tin Mừng cứu độ (x. Rm 1,16; 10,14-15). Sức mạnh của một đức tin “hành động vì đức ái” (Gl 5,6) hoạt động và biến đổi người tin được nên công chính thánh thiện và bước vào sống kết hiệp với Đức Kitô trong tình thương cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng. Không có ơn cứu độ ngoài Chúa Giêsu Kitô vì Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến thế gian để cứu độ tất cả mọi người (x. Rm 3,23-26; 1Cr 1,30-31). Đối tượng đặc thù của đức tin chính là mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại (x. Rm 4,24; 1Cr 12,3). Nhờ đức tin, con người được trở nên giống Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến thế gian để thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Dt 10,9). Như chính Đức Kitô đã sống hiến mình vâng phục «cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,8), người kitô hữu cũng phải nên giống Chúa Kitô bằng cách tìm và sống vâng theo thánh ý của Chúa Cha như lương thực nuôi sống mình hằng ngày (x. Ga 4,34). Thánh Phaolô cũng hằng kết hiệp với Chúa Kitô trong sự chu toàn thánh ý Chúa bằng «nỗi ray rứt hằng ngày và mối bận tâm đối với tất cả các giáo đoàn» (2 Cr 11,28). Đời sống vâng phục ấy khiến thánh nhân thốt lên rằng: «chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh» (Rm 8,36). Thật vậy, «người ta thấy thật rõ ràng thánh Phaolô chết mỗi ngày như thế nào: người không bao giờ sống cho tội, luôn luôn hãm dẹp ngũ quan xác thịt, và mang nơi mình cái chết của thân xác Đức Kitô»[18]. Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhớ cho chúng ta một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống của người môn đệ theo chân Chúa Kitô, đó là lòng tin sống động và sâu xa đích thực có sức mạnh đem lại ơn cứu độ cho con người, phải là thứ lòng tin bản thân và cụ thể, được hiện thực ra bên ngoài bằng việc vâng phục và tuân giữ giáo huấn Tin Mừng (x. 1Cr 15,28). Theo thánh Phaolô, đức tin là hành động qua đó con người vâng phục và đón nhận các chân lý mạc khải không phải đơn thuần là sự ưng thuận của lý trí với một chân lý Tin Mừng, nhưng còn là thái độ vâng phục của toàn diện con người đối với Thiên Chúa (x. Rm 6,17-18; 2Cr 10,4-5), nghĩa là đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ðức Giêsu Kitô. Như vậy, thánh Phaolô nói về sự vâng phục của đức tin (x. Rm 1,5; 16,26) như một điểm quyết định của đời sống, và là khoảnh khắc hệ trọng của số phận con người, cùng với sự dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa nhờ được tái sinh trong Đức Kitô.
1.4. Trung tín đến cùng
Giáo dục đức tin còn là giáo dục lòng trung thành của con người với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và với sứ điệp Tin Mừng của Ngài. Chính Thiên Chúa là Đấng trung thành, luôn có sáng kiến đi bước trước, Ngài kêu gọi con người hiệp thông với lòng trung tín của Chúa Giêsu Kitô trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (x. 1Cr 1,9; 4,2). Vì thế, tin vào Chúa Giêsu Kitô, người tín hữu phải chứng tỏ lòng trung thành với niềm tin ấy, cách đặc biệt trong gian truân thử thách. Là người đã từng trải qua những điều kiện khắc nghiệt của đời sống người môn đệ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, thánh Phaolô dạy người tín hữu biết can đảm vượt qua những gian nan, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, thù ghét, nhục mạ, bắt bớ, gươm giáo. Không một ai và không điều gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, dù là sự sống hay sự chết, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hoặc tương lai hay bất cứ sức mạnh nào (x. Rm 8,35-38). Hơn thế nữa, người tín hữu lại còn tự hào vì được sốnh giữa gian truân bách hại, vì chính khi ấy sức mạnh của Thiên Chúa đang hoạt động trong họ (x. 2Cr 12,9-10). Bởi thế, thánh Phaolô đã lấy làm ngạc nhiên và đau đớn khi thấy sự thay lòng đổi dạ của các tín hữu Galát trước sự lôi kéo của một số người: «Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác» (Gl 1,6). Như vậy, gian nan thử thách không phải là dịp để người môn đệ Chúa Kitô mất niềm tin, nhưng là cơ hội để củng cố niềm tin và thể hiện lòng trung thành: «Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy» (Rm 5,3-4). Lòng trung tín giúp củng cố lòng đạo đức và niềm hy vọng vào một chiến thắng chung cuộc: «trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta» (Rm 8,37).
Trung thành trong đức tin chính là hoa trái việc làm của Chúa Thánh Thần, Đấng thực sự là thầy dạy chân lý, Đấng đứng đàng sau nhà giáo dục Kitô để thúc đẩy và hướng dẫn họ hành động trong ân sủng của Ngài. Thực vậy, không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do bởi Thánh Thần giúp sức (x. 1Cr 12,3). Chính ân sủng của Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của đức tin và nguồn mạch sự sống mới (x. 1Tx 4,8). Do đó, đức tin không phải là công trạng của con người, nhưng chính là ân sủng của Chúa Thánh Thần mà người tín hữu lãnh nhận qua Bí tích Thanh Tẩy (x. Gl 3,26-27; Cl 2,12). Khi gia nhập vào cộng đoàn những người tin bằng phép Rửa tội, người tín hữu long trọng bày tỏ đức tin của mình, đức tin này phải là một quyết định từ trong lòng, nhưng đồng thời cũng là sự tuyên xưng ngoài miệng và thể hiện bằng việc làm (Rm 10,10-11). Vì thế, sự trung thành của con người trong đời sống đức tin chính là sự trung thành với ân sủng và lời hứa trong Bí tích Thanh Tẩy. Tất cả những người tin và chịu phép Rửa đều được đón nhận Chúa Thánh Thần đến ở trong họ nơi tâm hồn và cả trong thân xác (x. Rm 8,9.16; 1Cr 6,19). Như vậy, sự công chính đích thực đến từ Thiên Chúa và dựa trên đức tin (x. Pl 3,9). Chính Chúa Thánh Thần thánh hóa và làm cho người tín hữu nên công chính và đáng được hưởng ơn cứu độ nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. (x. Rm 3,21-26). Được công chính hoá nhờ đức tin nghĩa là được thứ tha tội lỗi (x. Rm 6,11-14; Gl 5,24), được giao hoà cùng Thiên Chúa (x. 2Cr 5,18-21; Ep 3,12), được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô (x. Ep 3,17), được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa dành cho dòng dõi Abraham tổ phụ của dân tộc gồm những người tin (Rm 4,1-25; Gl 3,6-18).
2. HUẤN LUYỆN LUÂN LÝ
Xã hội thời nay chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi chủ nghĩa tương đối và thực tiễn, người ta đề cao lối sống hưởng thụ và đời sống vật chất, trong khi đó những giá trị tinh thần cũng như luân lý bị xem nhẹ và chối bỏ. Hậu quả đương nhiên của một xã hội không lấy nhân, lễ, nghĩa làm trọng, và một nền giáo dục không lấy đạo đức và nhân bản làm đầu là tình trạng dối trá và đánh mất lương tri. Đây là tình trạng báo động đỏ về giáo dục: «ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường»[19]. Trước tình trạng xuống cấp về luân lý này, chúng ta thấy vấn đề cấp thiết của việc giáo dục về luân lý đạo đức, nhất là khi những vấn đề tiêu cực trong giáo dục cũng đang lan dần vào cả trong Giáo Hội[20]. Trong bối cảnh ấy, lời kêu gọi của thánh Phaolô lại vang lên khẩn thiết hơn: «anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô… luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em» (Pl 1,27).
2.1. Đào tạo lương tâm
Điều tối quan trọng trong việc giáo dục về đời sống luân lý là đào tạo lương tâm, qua đó giúp cho con người lắng nghe một cách nhạy bén tiếng nói của Thiên Chúa nơi cõi sâu thẳm của lòng mình. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã khai triển tư tưởng của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (x. 2,14-16) để định nghĩa lương tâm như là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn con người. «Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu»[21]. Trưởng thành trong đời sống luân lý hệ tại việc con người biết nhận định và hành xử cách đúng đắn theo tiếng gọi của lương tâm. «Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ»[22]. Quy tắc để hành động theo lương tâm là không bao giờ làm điều xấu để đạt được một điều tốt, đối xử với tha nhân theo luật vàng: «tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta» (Mt 7,12; x. Lc 6,31; Tb 4,15)[23].
Tuy nhiên, lương tâm con người cũng có thể sai lầm, bị điều kiện hóa bởi hoàn cảnh sống và trở thành chai đá. Nếu không được đào tạo tốt, lương tâm sẽ bị lu mờ và mất đi sự sắc bén trong việc phân định giữa tốt và xấu, giữa đúng và sai, giữa thiện và ác. Hậu quả của tình trạng ấy là «lương tâm luân lý của những cá nhân hay xã hội đang đứng trước một mối nguy rất nghiêm trọng và chết người tức là cái nguy trộn lẫn điều thiện với điều ác»[24]. Thực vậy, nơi chính tâm hồn con người, «cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội»[25]. Một khi lương tâm, là con mắt sáng của linh hồn (x. Mt 6,22-23), lại gọi “dữ là lành và lành là dữ” (Is 5,20) thì lương tâm ấy đã đi vào con đường sa đoạ dẫn ta bước vào tình trạng tăm tối đui mù về tinh thần. Vì thế chính thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu phải chú tâm đào tạo cho lương tâm luôn ngay thẳng: «Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo» (Rm 12,2; x. Ep 5,6-10). Thánh nhân cũng luôn khẩn thiết đòi hỏi các tín hữu «hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật» (Ep 5,8-9), và «hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan» (Ep 5,15). Để được như vậy, người kitô hữu phải nỗ lực «sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ» (1Tx 5,8), và phải biết «cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa» (1Tx 5,21-22). Lời cảnh tỉnh của thánh Phaolô cũng thúc đẩy tất cả những người môn đệ Chúa Kitô, nhất là những người có trách nhiệm trong cộng đoàn, hãy truyền, hãy dạy và hãy luyện tập một đời sống đạo đức thánh thiện «bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức» (1Tm 4,7-8). Đồng thời họ luôn phải tỉnh thức, mở lòng ra cho tác động của Chúa Thánh Thần trong việc rèn luyện một lương tâm trưởng thành, lớn lên trong tình yêu và trong trực giác, nhất là «thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy» (1Tm 4,16). Nhờ sự trưởng thành đó, người môn đệ Chúa Kitô sống ngay thẳng và khiêm tốn để biết nhận định quân bình, không hấp tấp trong việc phán đoán hay xét xử: «Về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành» (1Cr 14,20)[26]. Khi sống như vậy, người tín hữu Chúa Kitô «sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu» (Ep 4,14-15).
Nguồn:
betrenthuongcap.net
bài liên quan mới nhất
- Người Khuyết Tật trong đời sống Giáo hội
-
ĐTC Phanxicô: Không thể bỏ qua tầm quan trọng của chiều kích tâm linh trong giáo dục -
Triết lý giáo dục -
Giáo dục: Chuyện của con tim -
Xây dựng chương trình giáo lý hôn nhân theo tinh thần của Tông huấn Amoris Laetitia -
Giáo hội và sứ vụ giáo dục -
Khi con bạn học hành khó khăn, hãy nhớ 6 vị Thánh này -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16 -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 15 -
Đêm Canh Thức Vượt Qua 2019 tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Khi con bạn học hành khó khăn, hãy nhớ 6 vị Thánh này
-
Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (2) -
Câu chuyện giáo dục cảm động -
Đêm Canh Thức Vượt Qua 2019 tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn -
Xây dựng chương trình giáo lý hôn nhân theo tinh thần của Tông huấn Amoris Laetitia -
Khóa học: Tìm hiểu Phúc Âm Nhất Lãm -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16 -
Vài suy nghĩ về triết lý giáo dục Kitô giáo -
Nghệ thuật giáo dục con cái -
Thư gửi Đức cha Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công giáo