Giáng Sinh trong tâm thức người Việt
Từ lâu, Giáng Sinh đã trở thành ngày đại lễ có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức người Việt nói chung. Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, những người dân Việt Nam dù khác biệt niềm tin tôn giáo vẫn hòa chung trong niềm vui Giáng Sinh.
1. Liên đới trong đời sống cộng đồng
Tính cộng đồng là một nét tinh hoa trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Có nhiều người đã đặt vấn đề “đâu là hồn Việt, và đâu là nét tinh túy nhất của con cháu Lạc Hồng ?”, thì chúng ta không thể không nói đến tính cố kết cộng đồng. Đây là điểm giao thoa giữa văn hóa Việt Nam với Kitô giáo trong diễn trình Đạo Công giáo phát triển trên đất Việt Nam. Lễ Giáng Sinh là dịp tốt để người Việt nói chung có thể gặp gỡ giao lưu và phát huy đời sống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Sức sống ấy đang được biểu tỏ mỗi lần Giáng Sinh về. Đông đảo những người lương dân xa gần thích được về các xứ đạo, muốn được đến các Nhà thờ trong đêm Giáng Sinh, vừa để chứng kiến và trong sâu thẳm, họ muốn được sẻ chia tình liên đới với cộng đoàn Kitô hữu.
Hiện nay, khi các sinh hoạt văn hóa mang đậm tính cộng đồng tại những làng quê Việt ngày một phai nhạt và bị xem nhẹ, rất đông người dân cảm thấy hụt hẫng và họ cần được lấp đầy khoảng trống ấy. Trong đêm Giáng Sinh, dù rất bận rộn, nhiều người trong số họ đã đến với bà con giáo dân để cảm nghiệm bầu khí của một đại gia đình thực sự, điều mà họ khó nghiệm thấy trong cuộc sống thường nhật. Họ có thể không thuộc những lời kinh, lời thánh ca nào đó, nhưng chính những lời tâm tình ấy đã nói thay ước nguyện của họ, muốn được vươn ra khỏi cái tôi tầm thường để hòa nhập vào giữa cộng đoàn yêu thương, vị tha. Họ muốn được đến cùng người Kitô hữu trong đêm Giáng Sinh như dấu chỉ hy vọng khơi dậy tương quan mật thiết giữa những con người vốn cùng chịu thương chịu khó trước những biến động của lịch sử xã hội.
Thật vui biết bao khi những người lương dân lại đến với các gia đình Công giáo để thăm hỏi, chia vui và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong ngày lễ Giáng Sinh. Bầu khí tại các gia đình và những làng quê trở nên ấp áp, thân thiết và cố kết hơn khi tất cả cùng hướng về Hài Nhi Giêsu như biểu tượng tối thượng của yêu thương, hòa bình.
2. Liên đới trong giá trị đạo đức
Người Việt còn có truyền thống tương thân tương ái, vị tha. Tính cố kết trong đời sống cộng đồng đã tạo cho tâm thức của đồng bào ta biết quan tâm đến nhau, giúp đỡ nhau trong vui buồn cuộc sống. Những con người dù không cùng niềm tin tôn giáo nhưng vẫn đến tham dự lễ Giáng Sinh với thiện chí muốn kết chặt hơn liên đới các giá trị đạo đức ấy. Họ nhận thấy nơi Đấng Cứu Thế một mẫu gương tuyệt hảo về lòng vị tha nhân ái, điều mà họ không được thỏa mãn nơi những thần tượng lãnh tụ hay một anh hùng dân tộc nào đó. Họ tìm thấy nơi Hài Nhi Giêsu điểm tương đồng, dễ gần với cuộc sống của những người dân nghèo nàn, phải vất vả một nắng hai sương kinh qua đêm trường tăm tối của thời cuộc. Chính sứ điệp Giáng Sinh đã lay động họ hơn bất cứ học thuyết chính trị xã hội nào. Truớc nền giáo dục đang có biểu hiện suy đồi trầm trọng, họ ý thức sâu xa hơn bài học đạo đức mà Ngôi Hai Thiên Chúa đang gửi trao cho muôn người, cho dù niềm tin ấy đối với họ có thể còn rất mơ hồ. Với thái độ thành kính trước hang đá nhỏ, những con người dù chưa “rửa tội” vẫn có thể hiểu được Đấng Cứu Chúa sinh ra nơi máng cỏ đơn hèn đã từng sống kiếp phàm nhân cách triệt để, chỉ vì minh chứng cho Tình Yêu – Nơi Ngài, giá trị của tình yêu tự hiến trở thành điểm tựa cho những tâm hồn muốn hy sinh xả kỷ vì hạnh phúc đồng bào, quê hương mình.
3. Liên đới trong nhu cầu tâm linh
Đại lễ Giáng Sinh thu hút đông đảo những người trẻ khác biệt niềm tin không chỉ vì đáp ứng một niềm vui thuần túy. Hơn thế nữa, yếu tố tâm linh là nhu cầu cấp thiết cho người trẻ trong bối cảnh xã hội hôm nay. Họ đến với Hài Nhi Giêsu để có thế lấp đầy khoảng trống tâm hồn trước một xã hội, một nền giáo dục mất định hướng. “Đêm Thánh Vô Cùng” mở ra cho họ tương lai tối hậu để sống đúng phẩm giá của những con người đích thực. Chúng ta dễ dàng gặp thấy những người trẻ lương dân đứng cầu nguyện thành khẩn bên hang đá nhỏ trong đêm Giáng Sinh. Sự thành khẩn ấy cho ta thấy dấu hiệu khả quan của sứ điệp cứu độ.
Việt Nam, mảnh đất màu mỡ cho việc vun trồng những hạt mầm đức tin đang cựa mình nơi những tâm hồn trẻ. Đã đến lúc, chúng ta cần ưu tiên việc thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong việc thấu hiểu và dấn thân hiện thực hóa dấu hiệu khả quan ấy theo lời mời gọi của Ngôi Hai giáng sinh làm người.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi