Giáng sinh tại Thánh Thất Cao Đài Bầu Sen

Giáng sinh tại Thánh Thất Cao Đài Bầu Sen

WGPSG -- Hồi 9 giờ sáng, ngày 24/12/2009, nhận lời mời của Đạo huynh Đạt Tịnh, quyền Chánh Hội Trưởng Thánh Thất Bầu Sen, Linh Mục FX Bảo Lộc, cùng với Lm Hà Thiên Trúc và Đinh Ngọc Lâm đã hướng dẫn “Nhóm Đối Thoại Liên Tôn” thuộc Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP.HCM, đến dự buổi Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh với cộng đồng đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Bầu Sen.

Đạo Áo Trắng

Đi qua một con hẻm nhỏ và dài của đường Trần Phú, mọi người sẽ gặp Thánh Thất Bầu Sen nằm khiêm tốn trong một khu dân cư đông đúc thuộc Phường 4, Quận 5, TP.HCM.

Hôm nay, Thánh Thất Bầu Sen như được thay áo mới với cờ phướn tung bay thật đẹp. Đặc biệt, những tà áo dài mầu trắng của quý đạo hữu, đạo huynh và các tỷ muội, cộng thêm những cái khăn đống hình chữ NHÂN trên đầu, đã là những nét đặc trưng, mà dân gian quen gọi đạo Cao Đài là đạo Áo Trắng một cách rất gần gũi thân thương.

Thánh Thất Cao Đài Bầu Sen được xây cất theo hình chữ Vạn, là một trong 10 chi phái Cao Đài cùng thờ Thiên Nhãn, là biểu tượng của Đức Cao Đài Tiên ông Thượng Đế, nhưng cũng là một chi phái độc lập duy nhất mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 24 tháng 12 hằng năm.

Sau khi giới thiệu thành phần tham dự gồm chính quyền địa phương và ban ngành các cấp, các Đạo trưởng của rất nhiều Thánh Thất Cao Đài trong và ngoài địa phương, đại diện các tôn giáo bạn và đạo hữu gần 200 người, buỗi lễ được bắt đầu, và gọi là Khai Hội.

Nữ Giáo sĩ Thanh Bình đã khởi đầu bài giảng thuyết với đề tài: “Thiên Chúa xuống làm người, cho con người được làm Chúa”.

Bài giảng thuyết được soạn rất công phu, gồm nhiều dữ liệu và sự kiện thời sự, trích dẫn nhiều đoạn Thánh kinh, lại được trình chiếu và minh họa bằng Slide Show và các bài kinh như hát nên đã trở nên sinh động.

Sau phần phát biểu cảm tưởng của Đạo huynh Thiện Chí, cơ quan Phổ Thông Giáo lý, Linh mục PX Bảo Lộc được mời lên chia sẻ.

Lm Bảo Lộc đã giới thiệu về Chúa Giêsu và sứ điệp từ máng cỏ Bêlem một cách thật khúc chiết rõ ràng. Tuy chỉ chia sẻ khoảng 10 phút, nhưng với phong thái quen thuộc của một nhà mô phạm đang làm công tác giáo dục, cử tọa đã hết sức chăm chú lắng nghe một cách thích thú.

Buổi lễ kết thúc lúc 11:15, mọi người được mời dự bữa cơm chay.

Cơm chay và Vọng cổ

Cơm chay đạo Cao Đài gồm toàn rau, củ quả và ngũ cốc, và chỉ toàn những “cây nhà lá vườn”, nghĩa là các món đều do các đạo hữu của Thánh Thất Bầu Sen tự làm lấy, nên rất ngon miệng.

Như một duyên lành, trong bữa cơm được gặp nhiều đạo huynh rất nhiệt tình. Qua trao đổi, đạo huynh Chánh Tâm đột nhiên hỏi:
- Bên Công giáo có ca Vọng cổ về Chúa Giêsu hoặc Thánh kinh không ?

Tôi lúng túng chưa biết trả lời sao cho đúng trọng tâm câu hỏi, thì đạo huynh Chánh Tâm liền nói:

- Sở dĩ hỏi đạo huynh như thế, vì tôi muốn tặng huynh một tập 12 bài Vọng cổ được chúng tôi soạn trong năm 2007 đến năm 2009 đó thôi.

Quá vui mừng, nên dù lúc ấy rất vội, tôi cũng cố gắng theo huynh Chánh Tâm về nhà để có được 12 bài ca Vọng cổ quý giá ấy.

Xin được nói thật rằng, về Vọng cổ thì tôi là kẻ ngoại đạo, nghĩa là chẳng biết chút nào về nhịp, phách dù nghe tiếng đàn của Văn Vỹ luôn rất thích, cả tiếng hát của Lệ Thủy hoặc Út Trà Ôn hay Thành Được, Minh Vương, mỗi khi được nghe đều thấy thật “đã” trong lòng.

Cầm tập “Mười hai bài Vọng cổ” trên tay được in ấn rất nghiêm chỉnh bài bản, tôi nghe lòng mình xuất hiện những cảm xúc khó tả. Lần giở từng bài, có rất nhiều điệu từ Nói lối, Lý chiều chiều, Lý Sâm thương đến Lưu thủy hành văn, Thơ và Vọng cổ. Tất cả đều mang đề tài tôn giáo.

Lại có bài: “Lời Vàng Thiên Chúa ban trao”, Nhạc: Hải Linh, Vọng cổ: Chánh Tâm. Nhạc sư Hải Linh là một tên tuổi lớn của giới Công giáo.

Vọng cổ là vốn văn hóa lớn lao mang tính máu thịt của bà con Miền Nam, các đạo hữu Cao Đài hôm nay đang hội nhập văn hóa rất hồn nhiên như hơi thở và tự do như khí trời.

Cảm giác khó tả kia càng tăng, khi nhớ lại Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, trong một văn kiện được công bố ngày 23/5/1999, có đoạn viết: “Đức tin mà không trở thành văn hóa là đức tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng”.
Tôi miên man nghĩ mãi về điều này. Xin cám ơn Đạo huynh Chánh Tâm nhiều lắm.

Những chuyện bên lề

Lại là một cái duyên lành khác khi được gặp Đạo huynh Huệ Khải, tác giả của nhiều đầu sách tôn giáo giá trị với bút danh Dũ Lan Lê Anh Dũng.

Đạo huynh này rất cảm kích trong lần được đàm đạo và biết rõ tấm lòng của Đức Hồng Y trong dịp gặp tại Tòa Tổng Giám mục vừa qua.

Tâm tình của Đạo huynh Đạt Tịnh cũng không khác, ông có thiện cảm với đạo Công giáo một cách đặc biệt. Ngày gặp gỡ hôm nào với Đức Hồng y tại tòa Tổng Giám mục vẫn để lại một ấn tượng sâu đậm và cũng là một kỷ niệm không thể phai nhạt trong lòng người Đạo huynh rất chân thành đáng mến này.

Đã hơn 12 giờ trưa, dù lưu luyến bịn rịn, nhưng giờ chia tay cũng đến. Sau khi chụp chung một tấm hình kỷ niệm, mọi người tạm biệt với lời chúc an lành và biết chắc rằng sẽ có ngày gặp lại với những kẻ hữu duyên.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top