Giáng Sinh Bảo Vệ Sự Sống (tt)

Giáng Sinh Bảo Vệ Sự Sống (tt)

Bài 2: CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Mùa Vọng. Ta dọn lòng mừng ơn Giáng Sinh của một Vị Thiên Chúa đã trở nên anh em của loài người. “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2,10-11).

Mùa Vọng. Ta dọn lòng mừng ơn Giáng Sinh của một Vị Cứu Thế đã hai lần thoát chết khi còn trứng nước. Vừa sinh ra, Ngài đã bị Hêrôđê lùng giết. Cha và mẹ Ngài đã ẵm Ngài chạy trốn trong đêm khuya. Trước đó, khi chỉ mới là thai nhi ba tháng, Ngài đã gặp nguy cơ bị ném đá chết cùng với Mẹ Ngài. Nhờ cả cha và mẹ Ngài đều đầy lòng tin yêu kính sợ Thiên Chúa nên Ngài đã thoát chết. Thánh Giuse, cha Ngài, đã luôn chọn những giải pháp tốt nhất để bảo vệ thai nhi. 
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống hiện nay, Thánh Giuse, Đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh, còn phải được tôn vinh là ĐẤNG BẢO VỆ NHỮNG NGƯỜI ĐOAN HỨA KHIẾT TỊNH VÀ BẢO VỆ CÁC THAI NHI.
Chính vì thế, sau khi dành cuộc thi viết thứ nhất – SEN GIỮA LẦY - để tôn vinh Mẹ Maria, hai websites MẠNG LƯỚI DŨNG LẠC và HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI DÂN CHÚA dành cuộc thi thứ hai – NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI – để tôn vinh Thánh Cả Giuse.
Xin mời quý độc giả thưởng thức bài thơ dưới dây để hiểu được nỗi lòng của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse trong cuộc thử thách của các ngài.
 
ĐỨA BÉ
Mt 1,18-25

Giờ kinh đêm nuốt mãi không trôi,
Ánh mắt chàng cứ hòa theo lệ đắng.
Lễ đính hôn chỉ mới tròn bốn tháng,
Ba tháng con xa nhà,
Những ngày chăm sóc cho Lisa,
Bà chị già cui phải mang thai mệt mỏi.
Con trở về xách theo khăn gói,
Cũng mệt mỏi bầu bì.
Cha vui, cha chẳng nói gì,
Mẹ ân cần giòn giã.
Hàng xóm lanh chanh, mừng bà sắp có cháu,
Câu cười rộn rã trên môi,
Cho tim con bổi hổi, bồi hồi,
Bởi lẽ chàng vẫn còn ở đâu chưa tới.
Con xốn xang chờ đợi:
Chàng sẽ nghĩ gì, sẽ phản ứng ra sao?
Có ai hay nhịp thở của thai bào
Là nhịp thở của vị Cứu Thế,
Đấng từ trời cao nhảy vào lòng mẹ
Mà không cần sự can thiệp của một người cha !
Thiên sứ đã bay xa,
Ai làm chứng rằng bào thai là của quyền năng Chúa?
Ôi lạy Chúa,
Khi nhắm mắt thưa vâng,
Con nào có băn khoăn
Nghĩ đến giây phút này khó xử !
Con phó thác nhưng lòng vẫn cứ…
Chúa ơi, con biết phải làm sao?
Con đang ưu tư, mẹ đẩy cửa bước vào,
Hình như mẹ đoán thấy có điều gì ái ngại.
- Kìa, con về đã hai ngày, sao Giuse không thấy lại?
Mấy tuần rồi, ngày nào nó cũng sang đây !
Con trấn an, cầm tay mẹ trong tay:
- Chắc anh ấy bận hay là anh ấy mệt !
Mẹ dặn bảo những lời tha thiết
Ân cần chăm sóc, ủi an.
Mẹ đứng dậy, chàng cũng vừa tới,
Hai tiếng chào mẹ khô khan.
Chàng nhìn con khẽ bảo: “Kìa em!”
Rồi thinh lặng và cứ nhìn con như thế.
Hẳn đã có ai sớm gặp chàng và đã kể
Đã chúc mừng chàng cú sét ngang tai.
Chắc không chỉ là một, là hai,
Mà cả chục người kia đấy !
Không tin thì cũng phải ngờ !
Và giờ đây chính mắt chàng đã thấy.
Con biết nói gì ngoài một tiếng “Anh!”
Chàng chợt rùng mình, những ngón tay run,
Thinh lặng cúi đầu rồi ngước nhìn tha thiết,
Trong ánh mắt có cái gì rất quyết liệt.
Con run lên, khẽ nắm tay chàng:
- Anh! Đừng đi !
Nhưng chàng chỉ nhìn, một cái nhìn thật lạ,
Và đã ra đi.
Ôi, chàng nghĩ gì và đi đâu, làm sao con biết nổi?
Cho nên suốt giờ kinh bối rối
Ánh mắt ấy cứ nhòa trong mắt con !
Để rồi bây giờ còn lại mình con
Tăm tối.
Đêm dày,
Ai thấu, ai hay !
Đã có một lần ngày xưa còn bé
Lên hội đường, con đi với mẹ.
Chợt thấy đám đông sát khí đằng đằng
Vây quanh một người phụ nữ
Bị kết tội ngoại tình
Họ đã ném đá và chị ta đã chết
Với đứa con trong lòng.
Suốt một tuần, con không sao ngủ được,
Nước mắt dòng dòng.
Và Chúa ơi, kìa,
Bây giờ người ta vây quanh con hàng đàn hàng lũ
Đá ném tới tấp !
Con la lên khẩn cấp:
Đừng, đừng, đừng giết đứa bé !
Đừng giết vị Cứu Thế
Khi Ngài chưa sinh ra !
Nhưng nào ai buông tha,
Đá vẫn ném như mưa, Chúa ạ !
Đá vẫn ném mà sao thật lạ,
Chúa đã kéo con tránh bên này, né bên kia,
con không hề gì cả !
Nhưng bây giờ, Chúa ơi, không được nữa !
Con không sao mà tránh
Khi chính chàng cầm khối đá lớn trong tay
Và ném xuống với tất cả sức vóc người thợ mộc trẻ.
Khối đá đã giáng xuống trên con,
Con chẳng lo con trút linh hồn nhưng mà đứa bé !
Trời ơi ! Trời ơi ! còn gì vị Cứu Thế !
Trời ơi ! Trời ơi ! đứa bé !
Con thét lên
Nhưng đá bỗng hóa mềm
Chỉ chạm lên bàn tay con thật nhẹ !
Và có tiếng ai rất quen gọi khẽ:
- Maria ! Maria ! Em đừng sợ !
Đứa bé sẽ là con của chúng ta,
Của Thiên Chúa và của nhà Đavít !
Con làm thinh, không dám mở mắt ra
Vì không biết là mơ hay thật.
Con ta ơi, có phải bây giờ con sống thật?
Sài Gòn 04-01-2002
Trăng Thập Tự
 
----------------------------------
Bài 3: NÓI BẰNG ÁNH SÁNG
 
 Trong tham luận của ngành y khoa tại Đại Hôi Dân Chúa vừa qua, ta đọc thấy:
“Thống kê ước lượng có 1,4 đến 2 triệu ca nạo phá thai hàng năm ở VN, đó là chưa tính đến các ca nạo phá thai ở khối dịch vụ tư nhân. Nếu gộp chung thì phải lên tới xấp xỉ 3 triệu ca, nghĩa là cứ hơn 6 giây lại có một thai nhi bị giết ngay từ trong lòng mẹ. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp hạng Việt Nam chúng ta là 1 trong 3 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới!
Nhiều Giáo Xứ, nhiều Dòng Tu và cả nhiều nhóm anh chị em Giáo Dân, đã âm thầm thu tập xác các thai nhi để chôn cất thành rất nhiều nghĩa trang Anh Hài trải dài trên mọi miền đất nước. Nhiều Mái Ấm, nhiều Gia Đình Tình Thương cũng đã được mở ra để tiếp đón các chị em lỡ lầm, cứu lấy được hàng ngàn cháu bé. 
Tuy nhiên, con số phá thai vẫn không ngừng tăng lên, độ tuổi người đi phá thai ngày càng thấp xuống, và số người Công Giáo phạm vào tội ác này không nhỏ.”
Con số những nghĩa trang Anh Hài hiện nay đã là trên 42 nghĩa trang với trên 2.500.000 thai nhi.
Nhiều người đến lặng lẽ âm thầm thắp nến cầu nguyện ở những nơi ấy. Xin hãy thắp nến, thắp đuốc, thắp Mặt Trời Công Chính lên ở đó.
Những thai nhi bị giết chết không bao giờ được nói hay được khóc nhưng ước gì ánh sáng từ những nghĩa trang ấy ngày càng rực lên để khiến lương tâm nhân loại đang ngủ quên sớm thức dậy…
Hãy giúp các bạn trẻ Công Giáo rực sáng lên trong đức khiết tịnh để họ tiếp nối tiếng nói của Ngôi Lời Rực Sáng đang nói với đêm đen.
Xin hãy cùng hát lên bài ca dưới đây.
LỜI RỰC SÁNG
                                       Lời: Lm. Trăng Thập Tự
                                            Nhạc: PM. Cao Huy Hoàng 

 

 --------------------------
Bài 4: THÔNG ĐIỆP CHO NGƯỜI CHĂN CHIÊN
 
Rồi những người chăn chiên đã ngủ say trên đồng cỏ. Thế nhưng ánh sáng hết sức mãnh liệt đã khiến họ tỉnh giấc, dụi mắt, hoảng hốt. Một thiên sứ - vì đó chính là thiên sứ của Chúa – đã bảo họ:
- Vị Cứu Thế các ngươi từng viếng thăm đang bị đuổi bắt. Cha mẹ Ngài vừa ẵm Ngài chạy ngang đây khi các ngươi đang ngủ. Bọn lính đuổi theo bằng ngựa sắp tới gần, nhưng đừng sợ, vì có ta ở với các ngươi. Hãy dàn bầy vật của các ngươi ra để bọn chúng phải lúng túng chần chừ. Một phần bầy vật và vài người trong các ngươi có thể bị sây sát hoặc thiệt mạng nhưng Hài Nhi Cứu Thế sẽ thoát được để báo phục cho các ngươi và những đứa bé bị sát hại. Ngôi Lời sẽ phán xét nhân danh những trẻ thơ không được nói và những kẻ phải im lặng.
Rồi phút chốc có một đạo thiên binh soi sáng cả một vùng trời cho những người chăn chiên thấy đường mà làm theo lời dặn bảo.  
(Trích Vô Ngôn Thư)
 
Kính thưa Quý Cha và Anh Chị Em,
Sau ba bài trình bày Giáng Sinh Bảo Vệ Sự Sống dưới góc độ việc cổ võ đức khiết tịnh và bảo vệ thai nhi, bài cuối xin trình bày về mục tiêu chính của các cuộc thi viết Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời. Xin đặc biệt gởi đến quý vị đang đảm nhận trọng trách đào tạo người cho Giáo Hội Việt Nam, trong các chủng viện và các dòng tu.
Mấy năm qua, với những dịp họp mặt khá đáng kể, một số các tác giả văn thơ Công Giáo trong nước đã liên tục nêu lên sự kiện rất đáng âu lo là lớp người cầm bút Công Giáo hiện nay rất ít ỏi, nơi lớp trẻ càng hiếm hoi, đồng thời trình độ viết tiếng Việt của các ứng sinh vào các Chủng viện và các Dòng tu đâu đâu cũng thấy có vấn đề: lỗi chính tả, ngữ pháp, không biết dùng từ và diễn ý, viết bài thiếu bố cục.
Sứ vụ của các linh mục và nam nữ tu sĩ tương lai trước hết vẫn là cho người Việt trong nước. Trên cánh đồng mục vụ, việc viết và nói đúng tiếng Việt phải được coi là có tầm quan trọng gấp bội so với việc sử dụng ngoại ngữ. Giữa tháng 12-2010, một nhà văn nữ nổi tiếng đã tuyên bố gác bút, vì đã khám phá ra trong một bài viết mới của bà có hai điểm không chính xác. Do ý thức trách nhiệm của người cầm bút và do sợ tái diễn những vấp váp vì tuổi già, bà đã xin lỗi độc giả và quyết định ngưng viết. Đang khi đó, qua những bài viết trên các trang mạng Công Giáo, cả đến trong một số văn bản chính thức của các tập thể có thế giá trong Giáo Hội, người ta bắt gặp không ít những sai lỗi sơ đẳng, nhưng hình như chưa thấy ai tự đặt vấn đề về trách nhiệm đối với sứ vụ hết sức cao cả là sứ vụ loan báo bằng Lời.
Rất nhiều người ước mong các Đại chủng viện Việt Nam tăng cường thêm một năm học, chuyên đào tạo về Hán văn và Việt văn, để bảo đảm cho các ứng sinh có được chất lượng tốt về tiếng Việt. Đang khi chờ đợi các Bề Trên cấp cao trong Giáo Hội cứu xét đề nghị ấy, chúng tôi cống hiến một đóng góp trong tầm tay là tổ chức các cuộc thi viết.
Đây là một việc thật khiêm nhường bé nhỏ nhưng nếu được Quý Bề Trên nâng đỡ thì hy vọng sẽ làm dậy lên được tinh thần yêu thích tiếng Việt và phong trào chăm sóc môn Việt văn.
Điều đáng mừng là cuộc thi lần thứ hai này đã được sự nâng đỡ đặc biệt của các Mục Tử. Đức Cha Chủ Tịch UB Văn Hóa HĐGMVN đã phê chuẩn bản thể lệ, đặt cuộc thi dưới sự bảo trợ của ngài. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ vật chất. Đang khi số đóng góp (và hứa đóng góp) của một số anh chị em giáo dân chưa tới 60 triệu thì một vị Giám mục đã giúp 50 triệu và bốn linh mục đã giúp (hoặc nhận lời giúp) tổng cộng 55 triệu. Ngoài tiền các giải thưởng, còn phải có kinh phí để in 2 tuyển tập (thơ và văn xuôi) và tổ chức trao giải tại ba Giáo tỉnh vào khoảng tháng 7-2011. Với tốc độ trượt giá hiện nay, tổng kinh phí lúc ấy có lẽ phải đến 300 triệu (Danh sách ân nhân sẽ được tổng kết và công bố trên Mạng Lưới Dũng Lạc và Hướng Về Đại Hội Dân Chúa).
Sự cổ võ cho cuộc thi tại các địa phương còn yếu. Khắp Giáo tỉnh Hà Nội chỉ mới có hơn mười người dự thi, tập trung vào ba giáo phận Hà Nội, Hải Phòng và Vinh. Sáu giáo phận phía Nam của Giáo Tỉnh Sài Gòn cho tới lúc này chưa có một bài dự thi nào. Ước mong sao Ban mục vụ Văn Hóa các giáo phận lên tiếng cổ võ giúp. Hiện đã có một giáo phận thông báo cho học sinh giáo lý biết em nào đạt giải Nhánh Huệ Nước Trời sẽ được Ban mục vụ Văn Hóa tặng thêm 50% tiền thưởng. Thiết tưởng, chỉ cần hô hào hoặc tặng thưởng thêm đôi chút, các Ban mục vụ Văn Hóa chẳng cần phải gom bài, lo chấm thi hoặc tổ chức trao giải mà vẫn thu hoạch được nhiều kết quả đào tạo người cho Giáo phận.
Một an ủi khác là từ ba Đại chủng viện Hà Nội, Huế và Nha Trang có khá đông các thầy tham gia cuộc thi. Ước mong cả các Đại chủng viện khác, các Tiểu chủng viện, các Tập viện và Đệ tử viện các Dòng cũng tích cực cổ võ. Để có người phục vụ Chúa và Giáo Hội nói chung, phục vụ công cuộc truyền giáo nói riêng, cần phải đào tạo. Việc trau dồi khả năng văn chương sẽ giúp ứng sinh phát huy khả năng và tinh thần chiêm niệm. Chủ đề của cuộc thi sẽ giúp ứng sinh trở thành những tông đồ của đức khiết tịnh.
Quyển tiểu thuyết báng bổ Chúa, Mật Mã Davinci, đã được dịch ra 44 ngôn ngữ và bán được 36 triệu bản chỉ trong 3 năm đầu, chưa kể cuộn phim của nó đã được trình chiếu khắp thế giới. Chỉ một nhà văn và một tác phẩm đủ đạp đổ biết bao công khó của những người rao giảng. Quyển sứ điệp Mễ Du (bản dịch Việt ngữ “Bà là ai?”) của ký giả Tin lành, ông Wayne Weible, chi trong 5 năm đầu đã bán hết hơn 10 triệu bản Anh ngữ. Có mấy linh mục suốt một đời có thể giảng được cho mười triệu người nghe về Đức Mẹ?
Trong mười năm tới, nếu mỗi Giáo phận, mỗi Dòng tu đào tạo được một người cầm bút ít là như ông Wayne Weible, chắc hẳn công cuộc truyền giáo sẽ khởi sắc hơn hiện nay.

Top