“Đừng bao giờ quên thảm kịch nhân đạo tại Gaza”
“Đừng bao giờ quên thảm kịch nhân đạo tại Gaza”
Phát biểu của Đức Thượng phụ Latinh Fouad Twal tại Hội nghị đại kết quốc tế Lambeth, London
WHĐ (22.07.2011) – Tại London vừa kết thúc Hội nghị đại kết quốc tế diễn ra trong hai ngày 18 và 19 tháng Bảy để bàn về tình hình của các Kitô hữu tại Thánh Địa. Hội nghị do Đức Tổng giám mục Anh giáo Rowan Williams và Đức Tổng giám mục Công giáo Vincent Nichols của Tổng giáo phận Westminster đồng tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn và nhiều giám mục Anh giáo và Công giáo từ nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra còn có các đại biểu Do Thái và Hồi giáo.
Mục tiêu của Hội nghị là để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện liên tục của các Kitô hữu tại Thánh Địa và trong khu vực. Cụ thể, Hội nghị dự định thành lập một quỹ trợ giúp các dự án dành cho các nền kinh tế địa phương để cải thiện cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu và ngăn chặn tình trạng di dân.
Sau đây là bài phát biểu của Đức Thượng phụ Latinh Fouad Twal tại Hội nghị.
***
Thưa Đức Hồng y,
Thưa quý giám mục,
Các bạn của Thánh Địa và quý vị yêu hòa bình thân mến,
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Tổng giám mục Williams và Đức Tổng giám mục Nichols đã phối hợp tổ chức Hội nghị hai ngày này và tổ chức diễn đàn này nhằm tập trung vào tình hình của các Kitô hữu chúng tôi tại Thánh Địa. Tôi cảm ơn tất cả quý vị hiện diện ở đây hôm nay. Tôi ghi nhận và cảm kích về sự quan tâm của quý vị đến “những tảng đá sống động” của chúng tôi và về tình liên đới của quý vị với các Giáo hội tại Thánh Địa. Quý vị đã quan tâm đến mơ ước và mong muốn hòa bình lâu dài của chúng tôi, đã cầu nguyện và hy vọng rằng một ngày nào đó hòa bình sẽ đến và mọi người dân của Thánh Địa có thể cùng tồn tại và sống một cuộc sống bình thường mà không sợ hãi.
Thực tế hiện nay
Chúng tôi sống trong một vùng đất cổ xưa và mang tính lịch sử, một nơi thánh đối với các tín hữu của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới. Là những Kitô hữu, được sống ở nơi Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên, nơi Người sống và giảng dạy, là một kinh nghiệm mạnh mẽ và cảm động. Đây là vùng đất Người đã chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. Chúng tôi chỉ đứng cách nơi Người chịu đóng đinh và mai táng, nơi Người sống lại từ cõi chết vài bước chân. Nhưng cũng thật chua xót và đau đớn, vì chúng tôi vẫn đang ở giữa một cuộc xung đột địa chính trị hiện đại đang diễn ra ngay ở vùng đất này.
Các từ ngữ quen thuộc và ồn ào của vùng đất này là: chiếm đóng, khủng bố, khu định cư, tấn công bằng hỏa tiễn, phá hủy nhà cửa và bức tường an ninh. Tất cả những từ ngữ ấy vang lên mạnh mẽ, đáng lo ngại, gây tranh cãi sôi nổi, và đầy màu sắc chính trị.
Nhưng ngoài những từ ngữ ồn ào ấy, là những con người và cuộc sống nơi vùng đất được gọi là Thánh. Hai lịch sử quốc gia, ba tôn giáo lớn quy tụ ở đây. Đã quá lâu, người dân của vùng đất này bị sa lầy trong cuộc xung đột. Nhiều người vô tội, đặc biệt là người trẻ, đã phải chịu đau khổ và vẫn tiếp tục khổ đau.
Đáng buồn thay, cuộc xung đột có vẻ càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và phức tạp hơn. Tình hình diễn ra với xu thế xấu đi:
– Hơn 550.000 người Israel sinh sống tại Đông Jerusalem và Bờ Tây,
– Nhân khẩu học của Jerusalem đang thay đổi nhanh chóng, và sự cân bằng đúng đắn và hợp lý của không gian thánh thiêng đang bị đe dọa,
– Một vài nhóm người Israel và người Palestine từ chối công nhận quyền được tồn tại của người khác, và
– Chúng ta đừng bao giờ quên thảm kịch nhân đạo tại Gaza.
Và có lẽ, điều phức tạp và đáng ngại nhất là niềm hy vọng đang tan vỡ. “Ở đâu không còn hy vọng, ở đấy con người bị diệt vong” (Cn 29,18).* Cả một thế hệ người Israel và người Palestine lớn lên phải chứng kiến và chung sống với bạo lực, chiếm đóng, chia rẽ, và hận thù. Có rất ít cơ hội hợp tác, cả hai phía đều thêm nghi ngờ và lo sợ.
– Càng ngày càng khó hình dung một tương lai cùng tồn tại,
– Càng dễ độc ác với người khác hơn,
– Càng khó tha thứ hơn, và khó bắt đầu một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Tại sao cuộc xung đột này không giải quyết được? Có nhiều lý do, và quá khứ thì đầy rẫy những cơ hội bị bỏ qua và thiếu lựa chọn chính trị tốt. Và tất nhiên, phần lớn lỗi là do các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền. Tuy nhiên, các bạn thân mến, các bạn là lực lượng bên ngoài có ảnh hưởng, các bạn cũng có trách nhiệm.
Cuối cùng, người Israel và người Palestine đang sống trong Thánh Địa phải giải quyết những khác biệt của họ một cách công bằng, chính đáng và với cách thức có thể phải thỏa hiệp trong đau đớn. Tôi sẽ chỉ ra rằng cả hai bên phải từ bỏ các tuyên bố cực đoan đòi sống trong phần đất của mình mà không có người khác, phải tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi một nền công lý sớm đạt được là điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng.
Trong khi chúng ta có thể đồng ý rằng người Israel và người Palestine có trách nhiệm tìm một giải pháp, chúng ta cũng phải nhận rằng họ không thể làm được điều này mà không có sự can thiệp của bên ngoài vì một số lý do:
– Đây là một tương quan quyền lực bất đối xứng,
– Sự thiếu tin tưởng với các liên minh chính trị hiện có của cả hai bên,
– Bản chất của cuộc xung đột, trong đó các cấu trúc quyền lực chính trị muốn duy trì cuộc xung đột để hưởng lợi, và
– Sự trộn lẫn các khía cạnh chính trị, lịch sử và tôn giáo.
Cộng đồng quốc tế không chỉ đơn giản là đóng một vai trò, nhưng có trách nhiệm và lợi ích riêng, dựa trên:
– Cách thức cuộc xung đột này được sử dụng và tồn tại bởi các thế lực và lợi ích bên ngoài,
– Bản chất phổ quát của Jerusalem như một thành phố thánh thiêng đối với hàng tỉ người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo trên khắp thế giới, và
– Cách thức mà cuộc xung đột này ảnh hưởng trên khu vực và xa hơn nữa.
Tại châu Âu và Mỹ, cuộc xung đột Israel-Palestine khá kỳ lạ. Đây là vấn đề chính sách đối ngoại, với chính sách đối ngoại quan trọng và liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng lại có chức năng giống như một vấn đề chính trị trong nước hơn.
Chúng tôi hiểu rằng giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột là công nhận quyền cơ bản vốn có của mọi người trong Thánh Địa để sống đúng phẩm giá của mình, – người Israel và người Palestine, người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo; điều này giả thiết một giải pháp hai Nhà nước. Mong muốn của chúng tôi là giúp đỡ mọi người có đức tin trên thế giới hiểu rằng chỉ có quan điểm ủng hộ Israel đích thực, cũng là quan điểm ủng hộ Palestine và ủng hộ hòa bình. Và đây cũng là quan điểm ủng hộ Mỹ và châu Âu.
Hai vấn đề quan trọng thường xuyên không được đề cập đến trong các cuộc thảo luận về cuộc xung đột Israel-Palestine: những người đối mặt với cuộc xung đột (các bà mẹ, trẻ em, người trẻ và người già chỉ khao khát một cuộc sống bình thường), và mối quan tâm của quốc tế và toàn bộ vùng Trung Đông để giải quyết cuộc xung đột này.
Đây là thời điểm rất quan trọng bởi vì:
– Những khả năng cho một giải pháp công bằng đang nhanh chóng suy giảm,
– Các lực lượng của chủ nghĩa cực đoan đang phát triển và có nhiều người đi theo và ủng hộ,
– Có một bối cảnh khu vực mang lại hòa bình. Sáng kiến Hòa bình Ả Rập vẫn còn ở trên bàn, và nhiều chính phủ Ả Rập thừa nhận rằng các mối đe dọa an ninh của họ trong khu vực đến từ một nơi nào đó khác hơn là Israel.
– Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc, đều đồng ý rằng việc kết thúc cuộc xung đột mang tính cấp bách.
– Sớm hay muộn, cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập gần đây của các thế hệ trẻ trong khu vực cũng lan rộng, bằng bạo lực hoặc một cách hòa bình. Nó đang đến, và chẳng có chế độ nào miễn nhiễm với những sự kiện này, kể cả Israel.
Nếu bây giờ là thời điểm quan trọng để hành động, chúng ta có thể làm gì?
1. Tiếp xúc, và hiệp thông với các Kitô hữu sống tại Thánh Địa, chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của họ, cùng mang gánh nặng với họ, suy tư và xem xét trách nhiệm của bạn đối với Giáo Hội Mẹ của bạn.
– Nói về nhận định của bạn, phản ứng của bạn, sự ngưỡng mộ của bạn, ngạc nhiên của bạn, tốt và xấu, những điều bạn thấy, những người bạn gặp khi đi hành hương và trợ giúp các tổ chức Kitô giáo tại Thánh Địa. Cuối cùng, là các tổ chức cung cấp cơ hội việc làm phù hợp cho các thanh niên Kitô giáo của chúng tôi, là những tổ chức cung cấp dịch vụ có chất lượng về giáo dục, y tế và xã hội cho toàn dân, chủ yếu không phải là Kitô giáo. Điều này củng cố sự hiện diện của những viên đá sống động.
2. Cho cộng đồng của các bạn biết rằng:
– Có các cộng đồng Kitô giáo mang tính lịch sử tại Thánh Địa, bắt nguồn từ thời Chúa Kitô.
– Sự hiện diện của các Kitô hữu bị nguy cơ tuyệt chủng ảo đe dọa, và quê hương Chúa Giêsu không thể trở thành một Disneyland tinh thần với các tòa nhà đẹp, những di tích lịch sử và bảo tàng được trưng bày.
– Mọi người - Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo đều phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột. Sự chiếm đóng là một hình ảnh khủng khiếp đối với bất kỳ nhà nước dân chủ nào, vì nó là kinh hoàng đối với người dân trong những khu vực bị chiếm đóng, nơi hận thù và ác cảm được cổ võ và nuôi dưỡng. Chúng tôi biết các Kitô hữu của chúng tôi ở một số nước Hồi giáo trong khu vực đang chịu đàn áp và đau khổ, nhưng đó không phải là một cái cớ để quên đi thực tế tàn khốc của tình hình của chúng tôi tại Thánh Địa.
– Đa số người dân thầm lặng của cả Israel và Palestine muốn hòa bình và ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
– Khuyến khích và thuyết phục mọi người “đến và xem”. Không gì thay thế được cho kinh nghiệm thực tế và hữu hình của việc gặp gỡ mọi người, nói chuyện với họ, ăn uống với họ và khẳng định phẩm giá của họ, và làm cho họ cảm thấy rằng họ không bao giờ bị lãng quên. Tốt nhất là đến thăm các tổ chức Kitô giáo và gặp các chứng nhân Kitô giáo.
– Người Do Thái của vùng đất này có một lịch sử xác thực và cần được tôn trọng, nhưng người Hồi giáo, và Kitô hữu cũng vậy. Có một lịch sử của Israel phải được tôn trọng, và cũng có một lịch sử của Palestine cũng phải được kể lại và tôn trọng.
– Nhắc nhở mọi người rằng mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống ở Thánh Địa ngày nay được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được phú cho phẩm giá vốn có, và xứng đáng được tôn trọng và quý trọng.
– Không tôn trọng phẩm giá của người khác - dù đó là người Kitô giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo, là sống ngược với ý định của Thiên Chúa về chúng ta.
Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Tổng giám mục Rowan đã đưa ra “Lời kêu gọi cho Thánh Địa” để gây quỹ giúp giảm bớt đau khổ của các Kitô hữu tại Thánh Địa, và trợ giúp sự phát triển và các sáng kiến tạo công ăn việc làm, đặc biệt là trong các cộng đồng ở Bờ Tây. Chúng tôi chân thành biết ơn sự hợp tác cao quý của các bạn khi chúng ta cùng nhau làm việc để duy trì phẩm giá của mọi người nơi quê hương Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
+ Fouad Twal
Thượng phụ Latinh Jerusalem
––––––––––––––––––––––––
* Nguyên văn trên trang web của Tòa Thượng phụ Latinh Jerusalem:
“Where there is no hope, the people perish.” (Proverbs 29:18)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô