Đức Thánh Cha viếng thăm “Giáo phận độc đáo nhất thế giới”

Đức Thánh Cha viếng thăm “Giáo phận độc đáo nhất thế giới”

Tờ Báo L’Osservatore Romano bình luận về chuyến viếng thăm San Marino của Đức Thánh Cha.

WGPSG/ZENIT -- Vatican, 22-06-2011-- Sau đây là bài bình luận về chuyến tông du kéo dài một ngày của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Giáo phận San Marino - Montefeltro hôm Chúa Nhật vừa qua, và được đăng ngày 22-06 với chữ ký của Phó Giám Đốc Carlo di Cicco trên tờ báo L’Osservatore Romano, một tờ báo bán chính thức của Tòa Thánh Vatican.

Trong thời đại chúng ta, khi gần như hằng ngày có quá nhiều việc tìm kiếm sự đồng thuận dễ dãi của giới truyền thông, thì cuộc tông du của ĐTC Bênêđictô XVI đến Giáo Phận San Marino - Montefeltro là một ngoại lệ đáng vui mừng. ĐTC đã nói những điều lớn lao và phi thường trong cách thức gần như là đối thoại với các khán thính giả. Thêm vào đó, một cảm thức lịch sự và trân trọng đã làm nổi bật tính hiếu khách mà Giáo phận độc đáo nhất nhất nước Ý - cũng là nước cộng hòa lâu đời nhất của thế giới - đã dành cho ĐTC.

Chỉ có một lần, giọng nói dịu dàng và ấm áp của Đức Thánh Cha đột ngột trở nên nhấn mạnh hơn trong bài giảng: đó là khi – tại sân vận động Serravalle, trước đám đông rất lớn nhất trong toàn bộ cuộc viếng thăm – ĐTC thêm vào nội dung của bài giảng cụm từ “Ngày Lễ của Thiên Chúa”, để giải thích Tin Mừng của Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi. Có lẽ đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Quả thực, đó dường như là ‘chìa khóa điển hình’ của ngài Ratzinger – nhằm giải thích rõ hơn toàn bộ cuộc viếng thăm của ngài tới Giáo phận San Marino và cuộc gặp gỡ sau cùng bên ngoài Nhà thờ chính tòa ở Pennabilli với gới trẻ.

Thiên Chúa không phải là một trong nhiều đề tài thỉnh thoảng được nhắc đến, nhưng phải là một vấn đề trung tâm của thần học được đề xuất bởi Đức Bênêđictô XVI, để từ đó phát xuất ra mọi hoạt động mục vụ có thể làm rung động trái tim con người.

ĐTC biết cách nói về Thiên Chúa như là “mầu nhiệm đầu tiên và tối thượng của đức tin chúng ta”, nhưng đặc biệt ngài đã diễn tả Thiên Chúa như là tình yêu, khởi điểm cho một cái nhìn mới vào lịch sử vĩ đại của các dân tộc, và cuộc sống hằng ngày của các cá nhân. Tình yêu và tự do, những cụm từ dễ bị lạm dụng và làm đảo ngược ý nghĩa, đã tìm được sự nhất quán trong đức tin của Kitô hữu, và là những cụm từ then chốt trong chuyến viếng thăm mục vụ này. Những từ ngữ này làm tái hiện những bối cảnh khác nhau, nhưng luôn được liên kết với lời mời gọi thực hiện một cuộc sống phù hợp với niềm tin. ĐTC nói : “Niềm tin vào Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu Kitô đã dẫn đến sự khai sinh một nền văn hóa và văn minh đặt trọng tâm vào nhân vị con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó, là chủ của các nhân quyền có trước mọi lề luật của loài người”.

Sự phong phú đặc biệt của nước Cộng Hòa San Marino chính là đức tin Kitô hữu, đức tin đã tạo nên nơi lãnh thổ nhỏ bé này “một nền văn minh độc đáo” “cùng tồn tại trong an bình, phù hợp với các tiêu chí của dân chủ và liên đới”. Phát biểu trước các Đại thần trong sảnh đường của Đại Hội đồng Quốc hội trong Cung điện Công chúng, ĐTC nói thêm : “Điều này làm cho người ta có thể xây dựng được một xã hội chú ý đến điều tốt lành đích thực cho con người, chú ý đến nhân phẩm và tự do, nhằm bảo đảm quyền được sống trong hòa bình của mọi người.

Đây là những điểm mạnh của trào lưu tục hóa lành mạnh trong đó các thể chế dân sự phải hành động trong sự dấn thân liên lỉ để bảo vệ công ích. Giáo Hội . . . cộng tác trong việc phục vụ con người, để bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người, là nhân quyền mà đòi hỏi đạo đức của nó được khắc sâu trong chính bản chất con người”.

Các Thánh là những người nói về Thiên Chúa hay nhất, và làm chứng cho tình yêu của Ngài, khi dâng hiến cuộc đời cho những trải nghiệm bền vững, như đã diễn ra trong lịch sử của Thánh Marinô và Thánh Lê-ô. Cả hai vị Thánh là những thợ xây Kitô giáo trong những thế kỷ trước, và chỉ sau này mới trở thành, một người là phó tế và người kia là linh mục. Họ bắt nguồn từ cộng đồng Kitô hữu của Giáo phận San Marino - Montefeltro. Hai vị Thánh đã kết hợp gương sống của mình với lời nói, làm cho họ trở nên có sức thuyết phục. Như thế, trong chúc thư của mình, Thánh Marinô đã có thể khuyên nhủ cộng đoàn của ngài duy trì tự do khỏi mọi quyền lực.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giao phó tất cả các tín hữu lời khuyên nhủ “hãy là men cho đời”, và thể hiện bản thân mình như là “người Kitô hữu hiện diện, can đảm, và trung kiên”. Lời khuyên này của ĐTC là một lời động viên hơn là lời phán xét, và, theo mẫu mực của tình yêu Chúa, lời khuyên này tỏ ra nhạy bén với những hoàn cảnh có nhu cầu đặc biệt. Trong thời đại khủng hoảng kinh tế của chúng ta, cũng là thời thịnh hành của những mô hình khoái lạc, Đức Giáo Hoàng hướng sự chú ý tới tầm quan trọng của gia đình, bảo vệ sự sống, hỗ trợ công ăn việc làm cho giới trẻ, đặc biệt những người trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn, và đón nhận những người tị nạn.

Những hành động này mở ra những chân trời hy vọng – những hành động không uổng phí – trong một thế giới mới, nơi đó khuôn mẫu của người công dân sẽ là bất cứ ai bước theo chân Chúa Giêsu Kitô .
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top