Đức Thánh Cha tấn phong 24 Tân Hồng y
VATICAN. Sáng ngày 20-11-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tấn phong 24 Hồng y mới, trong buổi lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, nâng tổng số thành viên Hồng y đoàn lên 203 vị.
Hiện diện trong thánh đường có 9 ngàn người bên trong Đền thờ. Ngồi phía trước bàn thờ chính là hàng trăm Giám mục và 150 Hồng y. Ngoài ra có khu vực hai bên hông bàn thờ được dành cho các phái đoàn chính quyền các nước có Hồng y mới và thân nhân của các vị.
Lễ tấn phong bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi và có hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Sau lời dẫn nhập, ĐTC lần lượt xướng danh 24 hồng y mới, và cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đứng đầu danh sách là Đức TGM Angelo Amato, người Ý, dòng Don Bosco, 72 tuổi, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh.
Trong số các tân chức, có 10 vị người Ý, 2 vị người Đức, 4 vị Phi châu, 1 vị người Tây Ban Nha, 2 vị người Mỹ , 1 vị Ba Lan, 1 vị Ecuador, Brazil và 1 vị Á châu duy nhất là ĐHY Malcolm Ranjith, TGM Collombo, Sri Lanka. Vị tân Hồng y trẻ nhất là Đức TGM giáo phận Munich, Reinhard Marx, 57 tuổi, và vị cao niên nhất là Domenico Bartolucci 93 tuổi. Trong số các HY tân cử, có hai vị thuộc dòng Don Bosco và Thừa sai thánh Carlo.
Sau khi xướng danh, ĐTC cũng xác định: có 13 tân Hồng y thuộc đẳng Phó tế, 10 vị thuộc đẳng Linh Mục, ở ngoài các đẳng trên đây là Đức Antonio Naguib, Thượng Phụ thành Alessandria của các tín hữu Công Giáo Copte, Ai Cập.
Tiếp lời ĐTC, ĐHY Amato đã nhân danh các tân chức, ngỏ lời cám ơn ĐTC, đồng thời cam kết sẽ trợ giúp ĐTC trong mọi khía cạnh của sứ vụ Phêrô.
Nghi thức phong hồng y được tiếp tục với lời nguyện, bài thư thứ I của thánh Phêrô Tông đồ (3,14-17) nhắn nhủ các tín hữu đừng sợ những kẻ bách hại, và sẵn sàng trả lời cho những người hỏi lý do tại sao anh em hy vọng; tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) ghi lại lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy noi gương Ngài, trở thành người phục vụ.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng tiếp đó, sau khi bày tỏ niềm vui vì lễ tấn phong các Hồng y mới cũng như chào thăm các tiến chức, các Hồng y hiện diện, các đại diện chính quyền, toàn thể các tín hữu, ĐTC dựa vào bài Tin Mừng để nói về sứ mạng phục vụ trong Giáo Hội, noi gương Chúa Giêsu. Ngài nói:
”Mối dây hiệp thông và yêu mến đặc biệt liên kết các tân hồng y nào với Giáo Hoàng làm cho các vị thành những cộng tác viên đặc thù và quí giá vào sứ mạng cao cả được Chúa Kitô ủy thác cho Phêrô, sứ mạng chăn dắt các chiên của Chúa (Ga 21,15-17), để tụ hợp dân chúng trong tình yêu thương ân cần của Chúa Kitô. Chính từ tình yêu này đã nảy sinh Giáo Hội được kêu gọi sống và tiến bước theo giới răn của Chúa, trong đó có gồm tóm toàn thể lề luật và các ngôn sứ. Được liên kết với Chúa Kitô trong đức tin và trong tình hiệp thông với Người có nghĩa là được ”bén rễ sâu và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 3,17), là giây liên kết toàn thể các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.”
ĐTC quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Marco nói về Chúa Giêsu như Đức Messia đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ: lối sống của Chúa trở thành nền tảng của những quan hệ mới giữa lòng cộng đoàn Kitô và nền tảng cho cách thức mới để thực thi quyền bính. Chúa Giêsu đang trên đường tiến về thành Jerusalem và loan báo lần thứ 3, ngài chỉ cho các môn đệ con đường qua đó ngài muốn chu toàn công trình Chúa Cha đã ủy thác cho ngài: đó là con đường khiêm tốn hiến thân đến độ hy vọng mạng sống, con đường Khổ nạn, con đường Thập giá. Tuy nhiên, cả sau lời loan báo ấy, như đã xảy ra trong những lần trước đó, các môn đệ tỏ ra rất khó hiểu, khó thực hiện sự xuất hành từ não trạng trần tục đến não trạng của Thiên Chúa.
ĐTC đặt câu hỏi: ”Vậy đâu là con đường mà người muốn làm môn đệ phải theo? Đó là con đường của Thầy, con đường hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã hỏi hai môn đệ Giacôbê và Gioan: các con có sẵn sàng chia sẻ quyết định của Thầy thi hành ý Cha đến cùng hay không? Các con có sẵn sàng đi theo con đường tiến qua sự tủi nhục, đau khổ và cái chết vì yêu thương hay không? Hai môn đệ mạnh mẽ trả lời ”chúng con có thể”, và qua đó chứng tỏ một lần nữa rằng họ không hiểu ý nghĩa đích thực những gì mà Thầy dự báo cho họ. Chúa Giêsu kiên nhẫn đi thêm một bước nữa: cả việc uống chén đau khổ và phép rửa bằng cái chết cũng không cho họ quyền được ngồi chỗ nhất, vì chỗ này là để cho những người được được chuẩn bị”, chỗ đó ở trong tay Cha Trên Trời, con người không được tính toán, nhưng phải phó thác nơi Chúa, không thể tự phụ và phải hoàn toàn phù hợp với ý Chúa.
ĐTC cũng nhắc đến phản ứng phẫn nộ của các tông đồ khác trước yêu cầu của Giacôbê và Gioan được ngồi chỗ nhất, và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ đừng hành động như những người cai trị các dân nước bằng cách thống trị. Ngài nói: ”Trong Giáo Hội không ai là chủ nhân ông, nhưng tất cả được kêu gọi, tất cả được sai đi, tất cả được ơn thánh Chúa và được hướng dẫn. Đây cũng là an ninh của chúng ta!”
ĐTC cảnh giác chống lại thái độ của những người coi mình là người cai trị các dân nước, thống trị và đàn áp. Ngài nói:
”Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ một cách thức hoàn toàn khác: ”Nơi các con, không được như vậy”. Cộng đồng của Chúa theo một qui luật khác, một tiêu chuẩn khác, một kiểu mẫu khác: ”Ai muốn trở thành người cao trọng trong các con thì hãy là người phục vụ các con, và ai muốn đứng đầu trong các con thì hãy đầy tớ của mọi người”. Tiêu chuẩn cao trọng và đứng chỗ nhất theo Thiên Chúa không phải là thống trị nhưng là phục vụ, phục vụ là qui luật căn bản của môn đệ và của cộng đoàn Kitô”.
ĐTC nhận xét rằng: ”Đó là một sứ điệp có giá trị cho các Tông Đồ, cho toàn thể Giáo Hội, nhất là cho những người có nghĩa vụ hướng dẫn trong Dân Chúa. Đó không phải là tiêu chuẩn thống trị, quyền bính, theo các nguyên tắc phàm nhân, nhưng là thái độ cúi mình rửa chân, phục vụ, tiêu chuẩn thập giá, làm căn bản cho mọi việc thực thi quyền bính. Trong mọi thời, Giáo Hội dấn thân sống theo tiêu chuẩn đó và làm chứng về điều này để tỏ cho thấy vương quyền đích thực của Thiên Chúa, vương quyền tình thương.”
”Anh em đáng kính được tuyển chọn lãnh nhận phẩm tước Hồng y, sứ mạng mà Chúa kêu gọi anh em lãnh nhận ngày hôm nay và cho anh em năng quyền phục vụ Giáo Hội với trọng trách lớn hơn, đòi hỏi một quyết tâm ngày càng đón nhận lối sống của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến giữa chúng ta như người phục vụ (Lc 22,25-27). Đó là theo Chúa trong sự hiến thân yêu thương khiêm tốn và một cách trọn vẹn cho Giáo Hội hiền thê của Chúa, trên Thập Giá: chính trên cây gỗ ấy mà hạt múa miến được Chúa Cha để rơi xuống cánh đồng thế giới, chết đi để trở thành hoa trái chín mùi. Vì thế, cần bám rễ sâu và vững chắc hơn trong Chúa Kitô. Quan hệ thân mật với Chúa, ngày càng biến đổi cuộc sống đến độ có thể nói như thánh Phaolô ”Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”, đó là một đòi hỏi đầu tiên để việc phục vụ của chúng ta được thanh thản, vui tươi và có thể mang lại thành quả mà Chúa chờ đợi nơi chúng ta!
ĐTC kết luận với lời mọi gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho các Hồng y mới. Xin Chúa Thánh Linh nâng đỡ các Hồng y mới trong sự dấn thân phục vụ Giáo Hội, theo Chúa Kitô trên Thập giá, và nếu cần đến độ đổ máu đào, luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi chúng ta về lý do tại sao chúng ta hy vọng (1 Pr 3,15).
Tấn phong
Sau bài giảng của ĐTC, các tân hồng y tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn dân Chúa và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC Biển Đức 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Họi, theo các quy tắc luật định.
Tiếp đó, từng hồng y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ hồng y đồng thời trao sắc chỉ tấn phong hồng y, và chỉ định tước hiệu nhà thờ ở Roma. Mỗi lần như vậy, các tín hữu đều vỗ tay vang dội để chức mừng vị tân chức. Đức tân hồng y trao đổi nụ hôn bình an với ĐTC và các hồng y khác. Các tân hồng y lần lượt đến chào các hồng y kỳ cựu và trở về chỗ mới của các vị phía bên trái song song với các Hồng y cũ.
Nghi thức tấn phong hồng y được tiếp nối với phần lời nguyện giáo dân, cầu cho giáo hội, cho ĐTC, các tân hồng y, các vị lãnh đạo quốc gia. Đặc biệt trong ý nguyện bằng tiếng Ba Lan, mọi người đã cầu xin Chúa ”cho tất cả những người đang còn phải chịu đau khổ vì đức tin: để trong kinh nguyện, họ cảm nghiệm được sự xác tín về tình hiệp thông của toàn thể Giáo Hội, và một ngày kia được vui mừng gặt hại những gì họ đã gieo vãi suốt bao nhiêu năm dài trong kiên nhẫn và tình thương”.
Buổi lễ kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành của ĐTC. Sáng chúa nhật 21-11-2010, 24 tân Hồng y sẽ đồng tế thánh lễ với ĐTC tại Đền thờ thánh Phêrô và sẽ được ngài trao nhẫn nói lên sự gắn bó đặc biệt của tân chức với Giáo hội Roma.
Xem video: Lễ tấn phong 24 Tân Hồng y
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô